Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Cần chính sách an sinh cho nhóm người “ở giữa”

Thứ Hai 04/07/2022 | 11:02 GMT+7

VHO- Người nghèo, người già từ 80 tuổi trở lên đã được hưởng chính sách trợ cấp của Nhà nước, nhưng nhiều đối tượng từ 60-79 (nữ) và 62-79 (nam) không đủ nghèo, không đủ 80 tuổi để được hưởng hỗ trợ (từ ngân sách nhà nước hoặc không được hưởng lương hưu vì không đóng BHXH).

Hiện nay chỉ có khoảng 4,3/11,4 triệu người già có lương hưu và trợ cấp Ảnh: A.THƯ

Đây là vấn đề được tập trung tại hội thảo “Nhận diện những vấn đề về chính sách xã hội để thúc đẩy phát triển bao trùm, toàn diện hướng tới đảm bảo an sinh xã hội toàn dân, không bỏ ai lại phía sau” do Bộ LĐ,TB&XH và Tổ chức lao động quốc tế (ILO) tổ chức mới đây.

Khoảng trống cần bao phủ

Các đại biểu đã bàn thảo về những đối tượng “ở giữa” do họ chưa đủ nghèo, chưa đủ già để hưởng chính sách hỗ trợ, nhưng họ lại chưa có chính sách nào để tiếp cận được một cách hiệu quả. Họ là người lao động bán thời gian, mùa vụ, nông dân, làm việc trong các hộ gia đình… không có quan hệ lao động.

Ông Nuno Cunha, chuyên gia an sinh xã hội cao cấp của ILO chỉ ra rằng, theo nghiên cứu năm 2021, chỉ có khoảng 16,3 triệu người lao động (chiếm khoảng 33% lực lượng lao động trong độ tuổi) đang tham gia BHXH bắt buộc, như vậy còn khoảng 67% người lao động trong độ tuổi không tham gia BHXH. Trong số 11,4 triệu người cao tuổi chỉ có 4,3 triệu người đang hưởng lương hưu hoặc trợ cấp (với 2,6 triệu người hưởng lương hưu từ BHXH và 1,7 triệu người hưởng trợ cấp xã hội). Như vậy, còn khoảng 7,1 triệu người từ 60-79 tuổi không có lương hưu hoặc trợ cấp. Điều này cho thấy một khoảng trống lớn mà Việt Nam cần bao phủ để đảm bảo an sinh xã hội cho toàn dân.

“Người nghèo đã có trợ cấp người nghèo, người có quan hệ lao động thì có lương hưu, còn nhóm “ở giữa” cần giải pháp cụ thể để đảm bảo rằng khi gặp rủi ro trong cuộc sống thì họ không bị nghèo túng, phân bố hài hoà thu nhập trong vòng đời của họ. Muốn nâng cao diện bao phủ BHXH đến năm 2030, thì cần hình dung hệ thống an sinh xã hội hoàn hảo là có trợ cấp xã hội không yêu cầu đóng góp từ người dân mà từ ngân sách, mở rộng giảm tuổi trợ cấp cho người già, thêm trợ cấp cho trẻ nhỏ và một số hộ gia đình. Mặt khác, với người lao động có quan hệ thì tăng mức đóng dựa trên thu nhập để khi về già có mức hưởng cao hơn, đồng thời tăng liên kết giữa thị trường việc làm để đưa người lao động trong khu vực phi chính thức tham gia BHXH bắt buộc. Ở một số quốc gia, nếu doanh nghiệp không đóng BHXH cho người lao động thì không được đóng thuế, không được hưởng các chương trình vay vốn, hỗ trợ…”, ông Nuno Cunha nhận định.

Việt Nam đang bước vào giai đoạn già hóa dân số một cách nhanh chóng, quy mô gia đình hẹp lại với 2 con (hai người trẻ sau khi lập gia đình phải chăm sóc 6 người gồm bố mẹ mình, bố mẹ chồng/vợ, 2 người con), nếu không có những chính sách kịp thời cho người già, trẻ em thì sẽ dồn gánh nặng lên vai người trẻ. Ông Andre Gama, một chuyên gia khác của ILO cho biết, theo tính toán với chính sách hiện nay, đến năm 2030 Việt Nam sẽ có gần 12 triệu người già không có lương hưu hay trợ cấp, trong khi chỉ có gần 3 triệu người có lương hưu và 1,3 triệu người được hưởng trợ cấp xã hội. Con số này sẽ không đạt được mục tiêu của Nghị quyết 28 - NQ/TW ngày 23.5.2018 của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách BHXH với 65% người trên độ tuổi nghỉ hưu được hưởng hưu trí, trợ cấp hằng tháng.

Cần có những quyết sách mạnh mẽ

Mục tiêu của Nghị quyết 28-NQ/TW còn đề ra tỉ lệ dân số trong độ tuổi lao động tham gia BHXH là 60%, (hiện nay khoảng 33%), tỉ lệ dân số trong độ tuổi lao động tham gia hệ thống BHXH tự nguyện là 5% (năm 2021 là 1%). Do đó, Việt Nam sẽ cần có những quyết sách mạnh mẽ để có thể giảm bớt chênh lệch giữa thực tế đạt được và mục tiêu hướng đến. Ông Andre Gama cho rằng, để giải quyết vấn đề này, Chính phủ phải xây dựng được hệ thống an sinh xã hội đa tầng, từ trẻ em đến người già, từ người đóng góp BHXH đến người không đóng góp. Mở rộng độ bao phủ đóng góp đến những nhóm người lao động chưa tham gia và thúc đẩy sự chính thức hóa bằng BHXH bắt buộc. “Một số người không tham gia BHXH không phải vì kinh tế khó khăn, mà chưa có chính sách để họ tham gia một cách bắt buộc. Chẳng hạn với những ngành, nghề cần có thẻ hành nghề như lái xe công nghệ thì trước khi cấp thẻ hành nghề, họ cần phải tham gia BHXH. Kinh nghiệm một số quốc gia cho thấy, trông chờ vào BHXH tự nguyện để bao phủ BHXH toàn dân là không hiệu quả. Bởi vì ý nghĩa của bảo hiểm là được trợ cấp khi gặp rủi ro, nhưng với người thu nhập thấp thì bao nhiêu thứ phải lo, trước mắt nên khuyến khích họ mua BHXH tự nguyện rất khó nếu không bắt buộc”, chuyên gia ILO chia sẻ.

Việt Nam đã trải qua 10 năm thực hiện các chính sách an sinh xã hội cho người dân theo Nghị quyết 15/NQ-TW năm 2012 của Ban chấp hành Trung ương. Kể từ đó, Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể để đảm bảo cuộc sống cho người dân như sửa đổi Luật việc làm (năm 2013), Luật BHXH (năm 2014), Luật BHYT và Luật BHXH (năm 2014), đưa hệ thống an sinh xã hội đến gần với các nguyên tắc và ý tưởng của Nghị quyết số 15-NQ/TW. Tuy nhiên, hiện tại đã xuất hiện những thách thức đối với việc mở rộng phạm vi bao phủ an sinh xã hội ở Việt Nam là làm thế nào tiếp cận được với nhóm bị bỏ sót, những người không có BHXH hay không nhận được trợ cấp xã hội. Do đó đòi hỏi các thiết kế chính sách cần toàn diện, tập trung liên kết như làm cho chính sách BHXH trở nên hấp dẫn hơn, tăng đầu tư cho an sinh xã hội, kết nối giữa an sinh xã hội và chính sách việc làm…

 QUỲNH HOA

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top