Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Game show có tình tiết quấy rối tình dục bị tẩy chay

Thứ Tư 06/07/2022 | 10:12 GMT+7

VHO- Ở Hàn Quốc và Nhật Bản, các game show sử dụng các tình tiết ôm hôn, đụng chạm cơ thể khách mời để gây cười đang gặp phải sự phản đối mạnh mẽ của người xem.

 Nhiều diễn viên đã phải tạm dừng hoạt động sau bê bối quấy rối khách mời trong game show hài

Nhận thức về quấy rối tình dục của khán giả ngày càng được nâng cao. Phần đông họ không còn chấp nhận những trò cười rẻ tiền như vậy. Tại Hàn Quốc, nhiều diễn viên hài đánh mất sự nghiệp vì hành vi quấy rối khách mời ngay trên sóng truyền hình. Theo Korea Herald, Viện Giáo dục và Thúc đẩy Bình đẳng Giới (KIGEPE) Hàn Quốc cho biết, sau khi theo dõi 33 chương trình giải trí được xem nhiều nhất trên truyền hình, nhận thấy 56 trường hợp lệch lạc giới tính và có tình huống quấy rối tình dục. Con số này cao gấp 8 lần so với cùng kỳ năm 2017. Phần lớn nội dung phân biệt đối xử về giới, số khác biện minh cho hành vi quấy rối tình dục hoặc bạo lực tình dục, Korea Herald nhận định.

Trong một chương trình được phát sóng trên đài truyền hình quốc gia, một khán giả được yêu cầu lên sân khấu để đóng vai người giúp việc. Để buộc tội cô ấy là kẻ thích “tán tỉnh” đàn ông, một diễn viên đã giả vờ sử dụng bạo lực với cô ấy. Sau đó, dàn diễn viên nam lần lượt ôm chầm lấy cô và lắc người. Trong phân đoạn khác của cùng chương trình, dàn diễn viên nữ đã gây cười bằng cách quấy rối tình dục một người đàn ông bất chấp việc anh này từ chối. KIGEPE nhấn mạnh đó là trò đùa để che đậy hành động quấy rối và bạo lực tình dục.

Trên một chương trình của truyền hình cáp, dàn diễn viên nam yêu cầu khán giả sắp xếp lại chỗ ngồi theo sức hấp dẫn ngoại hình của họ. Nam diễn viên nói: “Những người đẹp nên ngồi ở hàng đầu, những người không hấp dẫn hãy ngồi ở phía sau”. Việc quay phim hay chương trình chung, đặc biệt các cảnh tình cảm thường bị lợi dụng để quấy rối tình dục. Kẻ quấy rối có thể lấy lý do nghệ thuật hay công việc để che đậy ý đồ. Cuối năm ngoái, nữ diễn viên Heo Yi Jae lần đầu giải thích lý do cô giải nghệ. Cô cho biết trong quá trình quay phim đã bị một nam diễn viên cố tình đụng chạm. Còn nữ diễn viên Yoon Jin Seo từng nói việc quay cảnh ân ái là điều khó khăn đối với tất cả diễn viên. “Thời gian đó, tôi kiệt quệ cả về tinh thần và thể chất”, cô thú nhận.

Một lãnh đạo KIGEPE cho biết: “Cần có mức độ nhạy cảm giới cao hơn đối với các đài truyền hình và nhân viên sản xuất để ngừng hợp lý hóa hoặc biện minh cho tình trạng bạo lực tình dục”. KIGEPE có kế hoạch yêu cầu Ủy ban Tiêu chuẩn Truyền thông Hàn Quốc kiểm duyệt một số trường hợp thiên vị giới tính và quấy rối tình dục được phát hiện trong quá trình giám sát các chương trình.

Tháng 3.2021, diễn viên hài Hàn Quốc Park Na Rae bị cáo buộc quấy rối tình dục vì có những nhận xét, cử chỉ không phù hợp với thành viên Kai của EXO và một con búp bê nam trong chương trình Hey Na Rea. Trong chương trình, Park Na Rae nhại lại câu nói về quần lót của Kai trong chương trình Knowing Brothers kèm theo bình luận nhạy cảm. Công chúng phẫn nộ tẩy chay nữ diễn viên, thậm chí gửi đơn tố cáo. Cuối tháng 3.2021, Edaily đưa tin cảnh sát mở cuộc điều tra. Thời điểm đó, nữ diễn viên phải xóa tất cả video và xin lỗi khán giả. “Tôi xin lỗi vì đã gây ra phiền phức cho khán giả khi đăng tải video không phù hợp. Là người của công chúng, tôi phải chịu trách nhiệm về chương trình phát sóng. Tôi có trách nhiệm và nghĩa vụ phải kiểm tra kỹ lưỡng từ khâu lên kế hoạch đến nhân vật, diễn xuất, đạo cụ, nội dung chương trình. Tôi đã khiến nhiều người thất vọng vì cách xử lý thiếu chuyên nghiệp”, diễn viên hài cho biết.

Ở Nhật Bản, hành hung, quấy rối, bắt nạt từng là chất liệu gây cười phổ biến trong các tiểu phẩm, game show hài. Một phụ nữ bị nhìn trộm cảnh thay đồ, quấy rối trên phương tiện công cộng... là nội dung những tiểu phẩm đang được các chương trình tạp kỹ Nhật Bản sản xuất, theo SCMP. Một báo cáo được công bố giữa tháng 4.2022 của Tổ chức Cải thiện Chương trình và Đạo đức Phát thanh Truyền hình Nhật Bản (BPO) đã chỉ ra rằng, những phân cảnh như trên mang xu hướng tiêu cực, nên ngừng chiếu trên đài truyền hình hoặc chương trình cụ thể. Ủy ban Thanh niên và Phát thanh của BPO cho rằng, bạo lực và sỉ nhục để gây cười trên các chương trình truyền hình có thể dẫn đến hành vi bắt nạt, quấy rối ở những người trẻ tuổi.

Ngoài ra, tổ chức này còn kêu gọi các nhà đài, đơn vị sản xuất chương trình giải trí, hài kịch tránh những cảnh quay chế giễu nỗi đau tinh thần và thể xác của người khác. Vì nó có thể tạo nên tác động không mong muốn đối với sự phát triển về tư duy, cảm xúc của thanh thiếu niên. “Ở một mức độ nào đó, nạn nhân có thể đã được thông báo trước. Nhưng nỗi đau là có thật và các diễn viên khác đang chế giễu họ vì điều đó”, trích trong báo cáo.

CHI MAI

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top