Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Trước giờ "G” Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022: Đầy ắp yêu thương, chia sẻ

Thứ Tư 06/07/2022 | 10:14 GMT+7

VHO- Hôm nay, hơn 1 triệu thí sinh trên toàn quốc đã làm thủ tục để chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT vào ngày mai. Trên các nhóm lớp, mạng xã hội, nhiều lời động viên, chia sẻ của giáo viên, phụ huynh và của cả “những cư dân mạng” gửi gắm tới các “sĩ tử” như liệu pháp tinh thần giúp các em giải tỏa tâm lý trước “cuộc chiến” cam go này.

 Những lời dặn dò của cô Nguyễn Hương đối với học trò của mình

 Đưa con đi vãng cảnh, cầu may

Anh Trần Xuân Tiến có con gái là học sinh chuyên của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết, chủ nhật vừa rồi, vợ chồng anh đã đưa con đi tham quan chùa Đậu (Thường Tín), vừa để con giải tỏa áp lực, vừa lễ Phật để cầu cho con có kết quả thi như ý. Theo quan niệm dân gian, trước mỗi kỳ thi quan trọng, các gia đình thường đến đây để củng cố thêm niềm tin vào những nỗ lực, cố gắng của con sẽ cho kết quả như ý. Quỳnh Ngân, con gái anh Tiến là học sinh xuất sắc, dù đã được xét tuyển vào một số trường đại học thuộc top đầu, nhưng ước mơ được trở thành cô giáo khiến Quỳnh Ngân quyết tâm thi tốt để vào được Trường ĐH Sư phạm 1 Hà Nội.

Có mặt tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám từ sáng sớm ngày cuối tuần đầu tháng 7, chị Phương Anh (trú tại Quốc Oai) chia sẻ, con gái chị rất thích đến “trường đại học đầu tiên” này để cầu may mắn cho kỳ thi quan trọng nhất cuộc đời, nên vợ chồng chị đã đưa con đi từ rất sớm. Năm nay con gái chị đăng ký NV1 vào ĐH Luật Hà Nội, là một trong những trường có điểm xét tuyển tương đối cao. Vốn dĩ con học rất tốt và ôn thi kỹ lưỡng, nhưng gia đình vẫn cho con đi Văn Miếu để con có một ngày nghỉ ngơi, tạm xa bài vở cho đầu óc thoải mái.

Chị Nguyễn Thu Thủy, trú tại TP Hải Dương thì chọn Đền thờ Chu Văn An là điểm đến cho chuyến đi của hai mẹ con trước ngày ứng thí. Tiến Minh con trai chị năm nay đăng ký NV1 vào ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội. Đối với chị, việc đi lễ không phải là “dựa dẫm vào Thần Phật” mà là một nét sinh hoạt tín ngưỡng lâu đời, và quan trọng là để giải toả tâm lý trước kỳ thi.

Tuy nhiên, không phải học sinh nào cũng thích đến nơi linh thiêng để cầu may mắn. Em Nguyễn Trí Dũng (Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ) cho rằng, kết quả bài thi cao hay thấp chủ yếu là do quá trình học tập. “Theo em, cứ học tốt, ôn kỹ, không gây áp lực cho bản thân trước và trong kỳ thi thì kết quả sẽ tốt. Em không đi chùa cầu may trước khi thi, mà để tạo tâm lý thoải mái, em thường nghe nhạc”, Trí Dũng chia sẻ.

Gửi gắm những yêu thương

Không chỉ nhận được sự chăm sóc, động viên từ gia đình, mà các thí sinh cũng nhận được nhiều lời động viên, khích lệ đầy yêu thương từ thầy cô giáo, bạn bè.

Cô Lê Thị Thanh Phúc, giáo viên chủ nhiệm lớp 12 Lý 2 (Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ) đã gửi lên nhóm Zalo của lớp những dòng cảm xúc: “Chỉ còn 2 ngày nữa là các con mình bước vào trận chiến cuối cùng... Tuy bố mẹ và thầy cô đã dốc hết sức tạo đà cho các con, nhưng giờ đây các con phải tự bay, còn tấm lòng người mẹ thì vẫn luôn lo lắng cho con, mong sao các con đạt được ước nguyện của mình. Chúc các con chân cứng, đá mềm, tự tin, thành công!”. Cô Phúc cũng động viên các phụ huynh: “Các bố mẹ có hồi hộp, lo lắng không? Mình cùng chia sẻ với nhau những vui, buồn nhé”.

Lời chia sẻ của cô đã nhận được vô vàn trái tim ấm áp từ bố mẹ và các con gửi đến. Phụ huynh ai cũng xúc động và cảm thấy an lòng vì bên cạnh các con luôn có các thầy cô trước khi bước vào “trận chiến”.

Cô Nguyễn Thị Hương, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Lương Đắc Bằng (Hoằng Hóa, Thanh Hóa) thì căn dặn học trò từng ly từng tí, nào là: Luôn mang theo giấy tờ cần thiết như giấy báo thi, thẻ căn cước; kiểm tra kỹ giấy, bút, thước kẻ, tẩy, gọt bút chì; mang theo đồng hồ đeo tay, nước đóng chai hoặc nước đun sôi. Cô cũng nhấn mạnh: Tuyệt đối không mang các vật dụng không được phép mang vào phòng thi; nếu trong trường hợp nhỡ quên hoặc mất giấy tờ thi thì phải bình tĩnh trình bày với Hội đồng, tránh tâm lý hoang mang, ảnh hưởng đến kết quả làm bài. Chưa đủ, cô còn dặn các con luôn phải tươm tất, gọn gàng, ăn uống đầy đủ, tranh thủ ngủ trưa sau mỗi buổi thi; khi làm bài thì nhớ các nguyên tắc là đọc kỹ đề, làm câu dễ trước, câu khó sau và chú ý thời gian làm bài…

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 và việc xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng năm nay có nhiều điểm mới so với những năm trước. Một điểm mới lớn nhất là thí sinh muốn xét tuyển ĐH bằng điểm thi tốt nghiệp THPT sẽ có thời gian đăng ký/ điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển riêng sau khi thi tốt nghiệp và theo hình thức trực tuyến. 

 HOÀNG HƯƠNG

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top