Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Để cổ phục Việt đi vào cuộc sống

Thứ Tư 06/07/2022 | 10:19 GMT+7

VHO- Trong bối cảnh văn hóa truyền thống đang phải “oằn mình” với bài toán bảo tồn, phát huy giá trị thì một số người trẻ đầy nhiệt huyết đã quyết tâm tìm về với văn hóa cội nguồn. Từ các hội nhóm chỉ vài chục người cách đây vài năm, hiện tại, cộng đồng đam mê, tìm hiểu cổ phục Việt đã lên tới hàng trăm nghìn thành viên.

 Trang phục cổ Nhật bình

Đeo đuổi phương thức nhuộm vải tự nhiên theo cách của “các cụ”, để từ đó, họ đã say sưa nghiên cứu, phục dựng nhiều loại trang phục cổ, góp phần lưu giữ, lan tỏa những giá trị “bất biến” của văn hóa Việt cho hôm nay và mai sau…

Từ bỏ “trời Tây” về với nguồn cội

Không tiếp tục theo học ngành Quy hoạch tại Đức, chàng trai trẻ Nguyễn Đức Huy (28 tuổi) đã lựa chọn quay về nước. Nhớ lại năm 2015, Nguyễn Đức Huy cho biết, anh chợt nhận ra văn hóa truyền thống có sức hút lạ kỳ với bản thân nên đã “đánh liều” dừng ngành học hiện tại, xin sang một trường đại học khác có đào tạo về văn hóa Đông Nam Á. Tuy nhiên, sau nhiều cố gắng, hồ sơ của Huy vẫn không được chấp nhận. Để tiếp tục con đường du học, anh chấp nhận xin lại vào một ngành khối A. Nhưng thay vì đi học ngành này, anh chọn cách đi học dự thính ở các lớp đào tạo văn hóa.

Dù chỉ là đi “học nhờ”, nhưng càng học, Nguyễn Đức Huy càng say mê với những chân trời văn hóa mới, đặc biệt là về trang phục truyền thống của các nước. “Lúc này tôi mới thấy mình biết quá ít về văn hóa phương Đông, nhất là văn hóa của chính nước mình. Cùng với đó, càng học, tôi càng bị cuốn vào vẻ đẹp của những bộ trang phục truyền thống dân tộc, và tôi quyết tâm tìm tòi, nghiên cứu về cổ phục”, Nguyễn Đức Huy chia sẻ.

Năm 2018, Huy quyết định về nước và được một người bạn mời cộng tác làm trang phục Việt cổ. Đam mê vốn sẵn trực chờ, anh lập tức đồng ý và bén duyên với công việc nhuộm vải, rồi tự mày mò thêm để học cách nhuộm theo phương thức truyền thống. Anh cho biết: “Sở dĩ, tôi bắt đầu từ công việc nhuộm vải trước vì nhận thấy để hoàn thiện một bộ cổ phục không chỉ có áo, quần mà còn nhiều phụ kiện khác. Nếu tất cả dùng vải nhập khẩu từ nước ngoài thì chi phí rất đắt đỏ. “Hồi sinh” cổ phục Việt thì phải đi kèm với phục dựng kỹ thuật dệt và nhuộm màu mà cha ông để lại”.

Để thành thạo kỹ thuật, anh đã tham gia nhiều buổi workshop, hội thảo để trao đổi kiến thức, kỹ thuật nhuộm vải. Với sức trẻ đầy nhiệt huyết, anh cũng không ngại “vi vu” khắp các tỉnh phía Bắc để học cách nhuộm của bà con dân tộc thiểu số. Dần dần, anh “chinh phục” được phương pháp nhuộm tơ sống, tơ chín, lụa… bằng nguyên liệu tự nhiên như màu hạt điều, lá bàng, lá ngải cứu, gỗ tô mộc… Tuy nhiên, để nhuộm ra được màu vải giống với bản chính các hiện vật còn được lưu truyền không hề đơn giản. Vải nhuộm bằng nguyên liệu tự nhiên rất dễ phai màu. Kỳ công, mất nhiều thời gian để đến nay, Huy tự tin tạo ra được 10 màu ổn định từ cây cỏ dân dã. Những sắc độ màu khác vẫn đang trong quá trình thử nghiệm nhưng đã cho kết quả khả quan.

Vải  nhuộm tự nhiên phải phơi ở dưới mái che, tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời

Mong muốn cổ phục Việt đi vào đời sống

Có được màu, ông chủ tiệm cổ phục đã làm hỏng không biết bao nhiêu mét vải. Thất bại nhiều nhưng không vì thế mà Huy nản chí: “Tôi phải làm đi làm lại rất nhiều lần. Sai đâu, sửa đó. Không ít lần công sức “đổ sông, đổ bể” nhưng vì tình yêu với văn hóa Việt quá lớn, tôi lại tiếp tục kiên trì. Làm công việc này cũng là mang lại giá trị cho cộng đồng, lan tỏa tình yêu với văn hóa và bản sắc dân tộc Việt đến nhiều người hơn”.

Tách ra làm riêng một mình nên công việc của Huy rất vất vả. Những ngày hè nóng bức, công việc ấy lại càng khó khăn hơn vì anh thường xuyên phải dùng bếp củi để nấu màu nhuộm. “Nấu xong, khó nhất là bước nhuộm màu, phải đảo vải đều và luôn tay để màu phủ kín, tránh các vết loang do tán không đều. Vì nhuộm thủ công hoàn toàn, mỗi lần tôi chỉ làm được từ 10-20m vải. Để lên được màu như ý, có khi phải nhuộm đi nhuộm lại 15-20 lần, thậm chí có những màu cần nhuộm tới cả trăm lần. Vải nhuộm xong muốn giữ được màu cũng phải trải qua nhiều khâu với các tiêu chuẩn khắt khe như không được phơi bằng dây sắt, phải phơi ở dưới mái che, tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời”, Huy cho hay.

Có được vải, anh lại bắt tay vào phục dựng các mẫu áo như Nhật bình, áo Tấc, áo Ngũ thân tay chẽn thời Nguyễn, áo Giao lĩnh, Viên lĩnh, Đối khâm thời Lý - Trần - Lê… Cũng giống với quá trình học nhuộm vải, việc may cổ phục cũng vất vả không kém: “Tôi phải nghiên cứu rất kỹ bởi các tài liệu ghi chép lại chỉ mang tính ước lệ. Dáng áo cũng phải sửa tới, sửa lui mới ra dáng chuẩn như sách vở ghi chép. Chưa kể, một số loại áo cổ phục thời Nguyễn như áo Ngũ thân tay chẽn vừa phải đảm bảo đúng số đo người mặc nhưng vẫn giữ đúng form áo thời xưa. May nhiều lần, tôi mới rút ra được công thức cắt may chuẩn”.

Thời gian tới, Đức Huy sẽ tiếp tục tìm ra cách nhuộm vải tự nhiên có giá thành rẻ hơn để nhiều người có thu nhập trung bình có cơ hội tiếp cận với cổ phục Việt. 

ĐÌNH TOÁN - MINH NGỌC

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top