Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: “Chúng ta đã đi đúng hướng khi xác định môi trường văn hóa cơ sở là động lực của sự phát triển”

Thứ Sáu 15/07/2022 | 20:20 GMT+7

VHO- Chiều nay 15.7, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng, Bộ VHTTDL đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022. Cùng dự và điều hành Hội nghị tại điểm cầu trụ sở Bộ VHTTDL có các Thứ trưởng Tạ Quang Đông, Đoàn Văn Việt. 

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại Hội nghị

Hội nghị cũng có sự tham gia của lãnh đạo UBND 23 tỉnh, thành; lãnh đạo các Tổng Cục, Cục, Vụ, đơn vị chức năng thuộc Bộ và các Sở VHTTDL, Sở VHTT, Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thông tin,Thể thao và Du lịch.

Nhìn “từ sớm, từ xa” từng nhiệm vụ

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, 6 tháng đầu năm, chúng ta đối mặt với nhiều khó khăn thách thức bên cạnh những thuận lợi cơ bản. Tuy nhiên,  toàn ngành đã cùng vượt khó, tạo nên nhiều dấu ấn đáng trân trọng.

Bộ trưởng hy vọng, trên tinh thần nói thẳng nói thật, đánh giá đúng thực chất, các đại biểu sẽ đóng góp các ý kiến xác đáng để tìm các giải pháp thúc đẩy việc thực hiện kế hoạch toàn ngành năm 2022 đã được Chính phủ phê duyệt.

Báo cáo sơ kết 6 tháng trong lĩnh vực VHTTDL do Thứ trưởng Tạ Quang Đông trình bày nêu rõ, các lĩnh vực công tác đã được tập thể lãnh đạo Bộ chỉ đạo “từ sớm, từ xa”, trên tinh thần không né tránh, luôn nhìn thẳng vào những vấn đề còn hạn chế, tồn tại để có các giải pháp khắc phục trong thời gian tới. Qua đó, các nhiệm vụ phát triển Ngành cơ bản bảo đảm tiến độ, chất lượng theo Kế hoạch đề ra.

Tại đầu cầu trụ sở Bộ VHTTDL

Để triển khai hiệu quả các Kết luận của Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, Bộ VHTTDL tiếp tục thực hiện phương châm hành động “Quyết liệt hành động - Khát vọng cống hiến”, phát động và triển khai chủ đề công tác năm 2022 “Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và công tác tổ chức cán bộ” với tinh thần quyết tâm, quyết tâm hơn nữa, để cùng với các ngành, các cấp từng bước hiện thực hóa mục tiêu chấn hưng, phát triển văn hóa Việt Nam.

Về thể chế, Bộ chủ động tham mưu Chính phủ tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi), trình Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ Ba; tham mưu Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến đối với dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); phối hợp hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Sở hữu trí tuệ (sửa đổi) phần quyền tác giả, quyền liên quan; tham gia ý kiến dự án Luật Thi đua, Khen thưởng (sửa đổi).

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định, 6 tháng đầu năm, chúng ta đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, song toàn ngành đã cùng vượt khó, tạo nên nhiều dấu ấn đáng trân trọng

SEA Games 31 được tổ chức thành công trên nhiều phương diện, góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế của Việt Nam trong khu vực và quốc tế. Du lịch chính thức mở cửa lại hoàn toàn từ ngày 15.3.2022 và phục hồi nhanh tại các địa bàn trọng điểm, khách quốc tế đến Việt Nam trong 6 tháng đạt 413.000 lượt khách, khách nội địa đạt 60,8 triệu lượt (vượt chỉ tiêu 60 triệu lượt đặt ra từ đầu năm). Công tác xây dựng môi trường văn hóa cơ sở được chú trọng, các sự kiện văn hóa, thể thao, nghệ thuật được tổ chức đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân.

Nhiều điểm sáng từ triển khai chủ đề công tác năm

Khẳng định những kết quả tích cực trong thực hiện chủ đề công tác năm 2022 của ngành VHTTDL “Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và công tác tổ chức cán bộ” , Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Ninh Thị Thu Hương cho biết, sau lễ phát động tại Nghệ An, các tỉnh, thành phố đã khẩn trương ban hành kế hoạch, văn bản tổ chức phổ biến, triển khai thực hiện chủ đề công tác năm 2022 đến các cơ quan chuyên môn; chỉ đạo Sở VHTTDL, Sở VHTT tổ chức phổ biến, triển khai chủ đề công tác đến cán bộ,công chức toàn ngành. Theo bà Ninh Thị Thu Hương, thông qua công tác tổ chức, triển khai chủ đề Năm công tác,  nhận thức  về quan điểm của Đảng, vị trí,vai trò,tầm quan trọng của phát triển văn hóa,  xây dựng con người Việt Nam trong thời kỳ đổi mới và phát triển bền vững đất nước được hiểu đầy đủ và sâu sắc hơn; xác định phát triển văn hóa và xây dựng con người là nhiệm vụ trọng tâm gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội.

Thứ trưởng Tạ Quang Đông báo cáo sơ kết 6 tháng đầu năm trong lĩnh vực VHTTDL

“Nhiều mô hình,điểm sáng trong một thời gian ngắn sau khi ngành VHTTDL phát động triển khai chủ đề công tác năm 2022 “Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và công tác tổ chức cán bộ”.Đây là nhiệm vụ quan trọng của toàn ngành nhằm tiếp tục thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng ở lĩnh vực VHTTDL, tổ chức thực hiện có hiệu quả Kết luận chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc; đồng thời, toàn ngành tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế  trên cơ sở nhận diện rõ những khó khăn, thách thức.  Xây dựng môi trường văn hóa phải tạo ra được sản phẩm là hoạt động văn hóa,thiết chế văn hóa, cảnh quan văn hóa,ứng xử văn hóa,nếp sống văn hóa… cùng với xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới là nhiệm vụ quan trọng để góp phần xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hóa  của dân tộc.

Những tháng đầu năm cũng ghi dấu ấn sự vào cuộc tích cực của các địa phương. Bà Trần Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc Sở VHTT tỉnh Nghệ An cho biết, ngay sau lễ phát động, tỉnh Nghệ An đã xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể. Trong đó tập trung cho công tác truyền thông, tích cực xây dựng mô hình điển hình, hiện nay đã có 191 mô hình văn hóa cơ sở được công nhận. Để bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn, bà Mỹ Hạnh cho hay, HĐND tỉnh cũng có Nghị quyết hỗ trợ 30 triệu đồng các CLB bảo tồn di sản văn hóa khi thành lập, đến nay toàn tỉnh có 124 CLB dân ca ví giặm, và nhiều CLB trình diễn văn hóa các dân tộc trên địa bàn. Ngành cũng đã tham mưu HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết hỗ trợ cho hoạt động văn hóa của mỗi xã với số tiền 100 triệu, đây được xem là bước đột phá trong thời gian qua.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, Thứ trưởng Tạ Quang Đông, Đoàn Văn Việt điều hành Hội nghị

Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Quảng Nam Nguyễn Thanh Hồng cho biết, năm 2022, Quảng Nam vinh dự được chọn là địa phương đăng cai tổ chức Năm du lịch quốc gia. Trong 6 tháng qua, tỉnh đã tập trung thực hiện 6 nhóm chủ đề với 64 sự kiện đã được Bộ phê duyệt, 10 sự kiện của Bộ tại tỉnh Quảng Nam. Đến thời điểm hiện nay, du lịch tại Quảng Nam lấy dược đà phát triển du lịch như thời điểm năm 2019. Trong 6 tháng, toàn tỉnh đã đón được 2,5 triệu lượt khách.

Quảng Ninh đăng cai tổ chức Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ 9 dự kiến diễn ra tháng 11.2022. Theo Giám đốc Sở VHTT Quảng Ninh Nguyễn Mạnh Hà, tỉnh đã sớm ban hành các văn bản chỉ đạo, phối hợp với các vụ chuyên môn của Tổng cục TDTT rà soát các công trình, trang thiết bị để đáp ứng việc tổ chức Đại hội. Đồng thời,  đã bố trí kinh phí, huy động nguồn nhân lực, tăng cường đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ. Cùng đó là chuẩn bị cơ sở vật chất với 360 khách sạn đạt tiêu chuẩn, 900 nhà nghỉ nhằm đáp ứng nhu cầu các đoàn khi về tỉnh dự Đại hội.

Liên quan đến lĩnh vực Du lịch, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho  biết, để thực hiện mục tiêu đón 5 triệu khách du lịch quốc tế năm 2022 trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, cần khai thác tốt các thị trường đã có kết nối lại hàng không như Hàn Quốc, Nhật Bản, Tây Âu, Úc, ASEAN; chuyển hướng khai thác thị trường mới, có khả năng tăng trưởng Ấn Độ, Mỹ, Trung Đông. Đồng thời cần tổ chức chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam; tổ chức chương trình khảo sát tại Việt Nam cho hãng lữ hành, báo chí; phối hợp với các hãng hàng không triển khai các gói kích cầu…

Về kinh nghiệm trong tổ chức thành công Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31) vừa qua tại Việt Nam, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn cho biết, dù diễn ra trong giai đoạn gặp rất nhiều khó khăn do dịch COVID-19, song với nỗ lực tổng hợp và sự phối hợp đồng bộ, chúng ta đã hoàn thành công tác chuẩn bị tổ chức SEA Games 31 trên tinh thần triệt để tiết kiệm, đầu tư trọng tâm, trọng điểm song vẫn đảm bảo sự trọng thị, chu đáo, phù hợp với quy định, thông lệ quốc tế.

Chúng ta đã đi đúng hướng!

Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, trên tinh thần nghiêm túc, khẩn trương, trách nhiệm, các ý kiến tại Hội nghị đã không chỉ dừng lại ở chỉ ra những kết quả đã làm được mà còn thẳng thắn nêu những việc phải thực hiện trong thời gian tới,  kiến nghị đề xuất với lãnh đạo Bộ để tháo gỡ khó khăn với quyết tâm chính trị cao nhất là xây dựng ngành VHTTDL ngày càng vững mạnh, định vị vị trí và thương hiệu của Bộ trong  mối tương quan với các Bộ, ngành; tiếp tục làm rõ và xác định  trách nhiệm đặt văn hoá ngang hàng với kinh tế và chính trị.

Nhìn nhận lại kết quả 6 tháng đầu năm 2022, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đánh giá, toàn ngành thực hiện các nhiệm vụ trong bối cảnh thuận lợi, khó khăn đan xen, nhất là hậu quả của đại dịch Covid tác động đã làm cho nhiều hoạt động đóng băng, tê liệt. “Với sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, của lãnh đạo các địa phương, sau khi khống chế dịch bệnh, đặc biệt là sau Hội nghị Văn hoá toàn quốc 2021, toàn ngành đã có thêm động lực, tinh thần mới, niềm tin mới để vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ. Năm 2022 là năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và với khát vọng xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, ngành đã lựa chọn phương châm xuyên suốt của nhiệm kỳ là “Quyết liệt hành động, khát vọng cống hiến”. Từ đó, đã lựa chọn chủ đề năm công tác là “Năm môi trường văn hoá cơ sở và  công tác tổ chức cán  bộ”,  tạo hiệu ứng lan toả trong toàn ngành…”, Bộ trưởng phát biểu.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định, chúng ta đã đi đúng hướng khi xác định môi trường văn hóa cơ sở là động lực của sự phát triển

Cũng theo Bộ trưởng, trong 6 tháng đầu năm toàn ngành đã gặt hái được những thành công, trong đó có những điểm sáng quan trọng. Thành công bước đầu rõ nét là đã chuyển  tư duy từ làm văn hoá sang quản lý nhà nước về văn hoá, bám sát định hướng Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng là  tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế. 4 bộ luật trong đó có 2 bộ luật do Bộ chủ trì, 2 bộ luật do Bộ phối hợp đã được Quốc hội thông qua, có bộ luật đã cho ý kiến để thông qua tại kỳ họp tới. Việc hoàn thiện hệ thống pháp luật đã tạo điều kiện để ngành thực thi công việc của mình bằng công cụ pháp luật, hướng tới tạo nguồn lực cho sự phát triển.

Điểm nhấn quan trọng khác là ngành đã tham mưu cho các cấp uỷ, chính quyền, các địa phương nâng cao nhận thức về văn hoá, đặt văn hóa ngang với chính trị và kinh tế, để có sự đầu tư thoả đáng hơn cho văn hoá. “Điều cần trân trọng là không chỉ những địa phương có điều kiện về ngân sách mà nhiều địa phương khó khăn cũng đã tăng tỉ lệ đầu tư cho văn hóa. Đó là dấu ấn đẹp. Nhiều địa phương cho biết mức chi cho văn hoá đã vượt mức 4% tổng chi ngân sách địa phương…”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng trao Cờ Thi đua của Chính phủ cho các đơn vị

Bộ trưởng cũng khẳng định, chúng ta đã đi đúng hướng khi xác định môi trường văn hóa cơ sở là động lực của sự phát triển, là chiều sâu, là nơi tỏa sáng các giá trị văn hóa. Sau khi Bộ VHTTDL triển khai chủ đề năm công tác  tại quê hương Bác, sức lan toả không chỉ dừng lại ở cấp Bộ mà đã đi đến các địa phương, từ đô thị lớn đến vùng sâu, vùng xa. “Thành công của Liên hoan tiếng hát làng Sen, Liên hoan Đờn ca tài tử, các Liên hoan tại Tây Nguyên, Hội diễn Tiếng hát công nhân…, tất cả các hoạt động này đều đi theo hướng kiến tạo để tác động trở lại nhằm xây dựng môi trường văn hoá trong công nhân, cộng đồng doanh nghiệp, góp phần tôn tạo, giữ gìn bản sắc văn hoá...”, Bộ trưởng nêu.

Một điểm nhấn quan trọng nữa trong hoạt động 6 tháng đầu năm của ngành là việc SEA Games 31 tổ chức thành công, được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Nhân dân đánh giá cao. Đây không chỉ đơn thuần là một sự kiện thể thao mà còn là hoạt động đối ngoại, nâng vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.

Đây cũng là quãng thời gian mà Bộ huy động các nguồn lực, rà soát lại, tập trung chấn chỉnh đội ngũ cán bộ. Theo Bộ trưởng, hiện nay biên chế của Bộ khá đông, vì vậy cần sắp xếp, tinh gọn nhưng không thể cào bằng mà phải đúng đối tượng để tìm kiếm nguồn lực con người.  “Để từ đó vận hành tốt cỗ xe tam mã, trong đó văn hoá giữ dây cương, là trung tâm và đã đạt được kết quả bước đầu. Môi trường văn hoá cơ sở đã có sự chuyển biến, trong đó các giá trị của gia đình được coi trọng. Du lịch đã bùng nổ, đạt nhiều thành tựu trong đó du khách nội địa đã hoàn thành chỉ tiêu năm 2022 chỉ trong 6 tháng, lượng khách quốc tế đang tăng trở lại, đóng góp vào GDP chung của cả nước, cùng Chính phủ và Nhân dân cả nước phục hồi, phát triển kinh tế đất nước sau đại dịch. Thể thao để lại ấn tượng tốt, không chỉ là thành tích cao mà còn lan toả đến thể thao quần chúng.... Tuy nhiên đó mới chỉ là kết quả bước đầu, cần tiếp tục theo dõi, chỉ đạo và kiên quyết không được say sưa, ngủ quên trên chiến thắng”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh

Bộ trưởng cho rằng, việc nhìn lại kết quả 6 tháng đầu năm cũng để thấy rằng, còn có nhiều khó khăn phía trước. Đang có nhiều khoảng cách, chênh lệch, đâu đó vẫn còn tình trạng tham mưu chưa thật đúng,thật trúng. Cơ chế phối hợp tạo nguồn lực và sức mạnh tổng hợp vẫn đang là điểm nghẽn cần khơi thông. Bộ trưởng bày tỏ mong muốn lãnh đạo các cấp, lãnh đạo các đơn vị, địa phương dành nhiều thời gian hơn để kiểm tra, đeo bám,tham mưu. Ý tưởng tốt chưa đủ, cần sự quyết liệt để thực hiện những nhiệm vụ, công việc của mình.

Về nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, Bộ trưởng yêu cầu, các hoạt động đã được phê duyệt cần rà soát, xem xét các đầu việc đã làm được bao nhiêu, còn bao nhiêu cần quyết tâm thực hiện, không được “đánh trống bỏ dùi”. Phải chuyển hoá kế hoạch trên bàn giấy thành các việc làm thiết thực. Đầu tiên là hướng vào xây dựng thể chế. Đây là khâu mà Bộ đang thiếu và yếu, cần phải dành nhiều thời gian và công sức. Trong đó, phải tiếp tục hoàn thiện  chương trình tổng thể về chấn hưng, phát triển  văn hoá Việt Nam từ nay đến 2030, tầm nhìn đến 2045. Đây là chương trình được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội quan tâm. Các địa phương cần phải đóng góp những gì để sau khi Đề án được ban hành, sẽ có được bóng dáng các địa phương trong đó.

Bộ trưởng cũng đề nghị lãnh đạo các tỉnh chú ý rà soát, đồng hành cùng Bộ thông qua 6 nhóm nhiệm vụ thuộc Đề án một cách sát, trúng, đúng yêu cầu. Một nhiệm vụ nữa là tập trung hoàn thiện qui hoạch mạng lưới cơ sở văn hoá và thể thao để tích hợp chung vào Quy hoạch tổng thể quốc gia. Khi có mạng lưới qui hoạch đầy đủ, sẽ có cơ sở để thực thi chính sách, từ đó mới đầu tư, phân kỳ từng giai đoạn; nếu không sẽ manh mún, thậm chí phản tác dụng.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn

Bộ trưởng nhấn mạnh, một vấn đề trong thể chế nữa là quy hoạch về điểm đến và khu du lịch: “Chúng ta vui mừng khi trong 6 tháng đầu năm đã chứng kiến du lịch bùng nổ trở lại. Du lịch nội địa được xác định làm bệ đỡ cho du lịch Việt Nam, nhưng về lâu dài thì cần phải dựa trên Quy hoạch này mới thu hút đầu tư, tạo ra sản phẩm. Không ai khác là các Sở, các địa phương có tiềm năng du lịch phải đánh thức tiềm năng du lịch. Tổng cục Du lịch cần ráo riết, mạnh dạn để tổ chức thực hiện và sớm trình Chính phủ”.

Lưu ý nhóm thể chế thứ ba là phải tổng kết Nghị quyết 08 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về TDTT đến năm 2020, Bộ trưởng nêu, từ Nghị quyết của Bộ chính trị để xây dựng Chiến lược phát triển TDTT  đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó phải chú ý đến đề án về thể thao thành tích cao. Có như vậy mới có được màu cờ sắc áo ở đấu trường quốc tế.

 “Đây là hai công việc quan trọng mà 2 Tổng cục cần xuất phát từ thực tiễn, đồng hành cùng các địa phương để xây dựng, thúc đẩy. Chúng ta cùng nhau đi và sẽ cùng nhau đến đích…”, Bộ trưởng phát biểu.

Tại điểm cầu TP. Hồ Chí Minh 

Bộ trưởng cũng đánh giá cao các điểm sáng về du lịch của TP.HCM, Hà Nội, Quảng Ninh, Thanh Hoá và cho biết trong thời gian tới, Bộ sẽ tham mưu để có thêm các điểm đến an toàn, có thêm sản phẩm mới về du lịch. Trong môi trường văn hoá cơ sở, theo Bộ trưởng phải chú ý đến văn hoá nghệ thuật, làm sao để có nhiều tác phẩm nghệ thuật, nhiều chương trình lưu diễn hay phục vụ khán giả. Đánh giá cao các Nhà hát thuộc Bộ, Bộ trưởng cho rằng các Nhà hát đã có nhiều sáng kiến vượt qua khó khăn, như việc chuyển đổi số để đưa sân khấu tới gần hơn tới khán giả trong giai đoạn dịch bệnh; các chương trình nhà hát online, nhà hát truyền hình đã phục vụ tốt khán giả và cần được khởi động trở lại.

Lãnh đạo Bộ cũng trăn trở về việc làm sao để có những tác phẩm sống mãi với thời gian và cho biết, Bộ VHTTDL sẽ tổ chức các trại sáng tác để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ sáng tác… “Chúng ta phấn khởi về những kết quả đã đạt được đồng thời cũng còn trăn trở về những gì còn bức xúc. Từ đó để tìm kiếm giải pháp thực hiện. Tôi hy vọng, sau Hội nghị, công việc của ngành sẽ tốt hơn, kết quả của 6 tháng sau sẽ tốt hơn”, Bộ trưởng bày tỏ.

PHƯƠNG ANH - THU SÂM, ảnh: QUÝ LƯỢNG, NGỌC VÀNG

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top