Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Công tác bảo vệ môi trường đã có sự chuyển biến rất mạnh mẽ

Thứ Năm 04/08/2022 | 12:30 GMT+7

VHO-Sáng 4.8 tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ V. Tham dự Hội nghị có Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết: Kể từ sau Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ IV năm 2015 đến nay, công tác bảo vệ môi trường đã có sự chuyển biến rất mạnh mẽ từ chủ trương, giải pháp đến nhận thức và tư duy hành động.

“Vấn đề môi trường luôn được đặt ở vị trí trung tâm trong các chương trình nghị sự; các chương trình, chiến lươc, quy hoạch, kế hoạch phát triển của đất nước với mục tiêu cao nhất là bảo vệ sức khỏe Nhân dân, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái. Xây dựng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường đã được đưa vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng khẳng định chủ trương “xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”, “xây dựng lộ trình, cơ chế, chính sách, pháp luật để hình thành, vận hành mô hình kinh tế tuần hoàn”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói. 

Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, tuyên bố mạnh mẽ về đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu thể hiện quyết tâm và cam kết chính trị của Việt Nam trong việc giải quyết những thách thức nghiêm trọng của toàn cầu về khí hậu, môi trường, suy giảm của các hệ sinh thái, hướng đến mục tiêu một hành tinh khỏe mạnh; đồng thời tận dụng cơ hội đưa đất nước ta theo con đường “xanh”, hiện thực hoá mục tiêu trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045. Đây là xu thế phát triển phù hợp với “Chương trình nghị sự phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc trong 15 năm tới”. 

Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định: Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và chung tay của toàn dân công tác bảo vệ môi trường đã chuyển bị động sang ứng phó, sang chủ động phòng ngừa, bảo vệ và phục hồi. Hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường đã được hoàn thiện, trong đó Luật Bảo vệ môi trường 2020 với nhiều chính sách, giải pháp đột phá, đánh dấu giai đoạn chuyển đổi mạnh mẽ trong công tác bảo vệ môi trường, hướng tới mục tiêu cao nhất cải thiện chất lượng môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân. Chất lượng môi trường sống tiếp tục được cải thiện. Các mô hình, công nghệ hiện đại được triển khai trong tái chế, xử lý chất thải. Hoạt động quan trắc, cảnh báo, dự báo về chất lượng môi trường được nâng cao, cung cấp thông tin về môi trường phục vụ tốt cho hoạt động phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ sức khoẻ cộng đồng. Nhiều phong trào, mô hình điển hình về bảovệ môi trường đã đi vào cuộc sống, trở thành hành động và nếp sống của mọi người, mọi nhà và cộng đồng xã hội như vấn đề rác thải nhựa, bảo vệ môi trường nơi sinh sống,… ngày càng đóng góp thiết thực cho công tác bảo vệ môi trường.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu khai mạc Hội nghị

“Bài học thành công từ phòng chống đại dịch vừa qua cho thấy, chúng ta chỉ có thể đảo ngược xu thế gia tăng ô nhiễm, suy giảm các hệ sinh thái khi có sự chung tay, đoàn kết, sẻ chia quốc tế dựa trên nguyên tắc công lý, công bằng giữa các quốc gia và quyết tâm hành động của cả hệ thống chính trị; trong đó Nhà nước cần kiến tạo thể chế; doanh nghiệp và người dân sẽ đóng vai trò trung tâm như Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khẳng định “Đây là vấn đề toàn cầu nên phải có cách tiếp cận toàn cầu, đây là vấn đề ảnh hưởng đến mọi người dân nên phải có cách tiếp cận toàn dân”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh và cho biết: “Bộ Tài nguyên và Môi trường lựa chọn chủ đề của Hội nghị năm nay là “Hài hoà phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường hướng tới nền kinh tế  tuần hoàn, phát triển bền vững” như một lời kêu gọi mạnh mẽ về sự tập hợp, đoàn kết nhằm bảo vệ môi trường, ngăn chặn sự suy thoái của đa dạng sinh học vì cuộc sống hài hòa với thiên nhiên và cho một tương lai bền vững hơn”. 

Bên cạnh những thành công đạt được, Bộ trưởng Trần Hồng Hà chỉ ra những tồn tại, hạn chế, xuất phát từ nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan khác nhau. Chất lượng môi trường tuy đã được cải thiện, nhưng vẫn chậm; môi trường ở một số nơi vẫn tiếp tục bị ô nhiễm, đặc biệt tại các lưu vực sông, làng nghề; một số sự cố môi trường vẫn xảy ra; việc khai thác tài nguyên không hợp lý, thiếu tính bền vững tiếp tục làm thất thoát tài nguyên và tác động xấu lên môi trường; tình trạng phá rừng, săn bắt, mua bán trái phép động, thực vật hoang dã, sinh vật ngoại lai xâm lấn đang diễn biến phức tạp.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị Hội nghị tập trung thảo luận, đánh giá cụ thể và khách quan những mặt được và chưa được của công tác bảo vệ môi trường nước ta thời gian qua, chỉ ra được những nguyên nhân và chia sẻ bài học kinh nghiệm để từ đó thống nhất các nhiệm vụ, giải pháp, kế hoạch hành động, chuyển hóa các thách thức thành cơ hội.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà tin tưởng rằng, ý chí và quyết tâm của cả hệ thống chính trị, của toàn dân cùng với sự hỗ trợ của các đối tác phát triển, các tổ chức quốc tế, Việt Nam sẽ thành công trong chuyển đổi chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng kinh tế dựa vào khả năng cung ứng của các hệ sinh thái, kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp; hoàn thành các mục tiêu của thập kỷ phục hồi các hệ sinh thái. 

Toàn cảnh Hội nghị

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành nhấn mạnh, “không vì phát triển kinh tế đơn thuần, trước mắt mà hy sinh môi trường”. Phó thủ tướng yêu cầu tập trung chuyển đổi thành công cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh”, từ khai thác tận dụng tài nguyên thiên nhiên sang kinh tế tri thức, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho rằng, việc tổ chức thực hiện quy hoạch và quản lý quy hoạch ở các địa phương rất quan trọng. Trong đó, các địa phương triển khai Chương trình trồng 1 tỉ cây xanh cần dành nhiều quỹ đất cây xanh trong đô thị. Đạt mục tiêu diện tích cây xanh trong đô thị khoảng 10m2/người.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đề nghị rà soát lại tất cả các dự án, các nhà máy đã xây trong các khu đô thị, các khu công nghiệp để từng bước di chuyển các nhà máy ảnh hưởng đến môi trường ra khỏi đô thị. Đặc biệt quan tâm chú trọng đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực môi trường. Các cấp từ Trung ương đến địa phương chú trọng dành nguồn ngân sách đầu tư cho lĩnh vực môi trường. Chúng ta chủ yếu vẫn là huy động nguồn xã hội hóa nhưng nguồn vốn ngân sách vẫn rất quan trọng, ưu tiên nguồn ngân sách làm vốn mồi để thu hút, phát triển lĩnh vực này.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành gửi lời cảm ơn tới các cơ quan Liên Hợp Quốc, Ngân hàng Thế giới, các tổ chức và bạn bè quốc tế đã tích cực hỗ trợ Việt Nam trong các hoạt động bảo vệ môi trường hướng tới sự phát triển bền vững của Việt Nam thời gian qua và mong muốn tiếp tục nhận được sự hợp tác, hỗ trợ hiệu quả hơn nữa của các đơn vị, tổ chức trong thời gian tới.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành và các đại biểu tham quan triển lãm tại Hội nghị

Trong khuôn khổ Hội nghị và kỷ niệm 20 năm thành lập Bộ Tài nguyên và Môi trường đã khai mạcTriển lãm thành tựu về quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ môi trường nhằm giới thiệu, phổ biến và nhân rộng các thành tựu, các mô hình, công nghệ sản xuất hiện đại, thân thiện môi trường, các công nghệ xử lý chất thải tiên tiến, trong các ngành, lĩnh vực trên phạm vi cả nước.

Triển lãm với 17 gian hàng trưng bày đến từ các đơn vị trực thuộc Bộ và một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Triển lãm giới thiệu đến khách thăm quan những kết quả nổi bật của Bộ trên 9 lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ gồm có: Quản lý đất đai, Tài nguyên nước, Tài nguyên địa chất và khoáng sản; Môi trường; Khí tượng thủy văn; Biến đổi khí hậu; Đo đạc bản đồ, Quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo; Viễn thám.

Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ V và các sự kiện liên quan là một sự kiện quan trọng không chỉ đối với ngành tài nguyên và môi trường mà còn có ý nghĩa lớn với cả hệ thống chính trị, các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, người dân và doanh nghiệp để quyết tâm đưa Việt Nam thành nước phát triển xanh và bền vững theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

TÙNG QUANG

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top