Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Game show truyền hình mua bản quyền nước ngoài: Lép vế trước “hương đồng gió nội”

Thứ Sáu 05/08/2022 | 10:20 GMT+7

VHO- Mỗi năm, các nhà đài cùng đơn vị sản xuất của Việt Nam đều bỏ ra số tiền không nhỏ để mua bản quyền chương trình truyền hình nước ngoài, đặc biệt là các game show. Dẫu được remake lại cho phù hợp với đối tượng khán giả Việt Nam, nhưng hầu hết các chương trình đều “làng nhàng”, ít nổi bật, thậm chí phá luôn bản gốc và không thỏa mãn được kỳ vọng của khán giả.

Game show thuần Việt đang dần lấy được thế “thượng phong” Ảnh: Chương trình “Lô tô gánh hát ngàn hoa”

Tiền đổ vào nhưng khán giả… đi ra

Từng có giai đoạn, game show bùng nổ trên mọi kênh sóng của truyền hình Việt, tuy nhiên, phần lớn đều là mua bản quyền từ nước ngoài rồi Việt hóa. Trong đó, phải kể đến những cái tên từng “làm mưa, làm gió” như Bước nhảy hoàn vũ, Vietnam Idol, Vì yêu mà đến, The Voice, The Face... Thế nhưng, chỉ sau thời gian ngắn, những game show này đã rơi vào cảnh “chết yểu” do quá lạm dụng drama, format lặp đi lặp lại qua các mùa khiến khán giả dần quay lưng. Gây thất vọng nhất phải kể đến Vì yêu mà đến được mua bản quyền từ Phi thường hoàn mỹ, một trong những show hẹn hò “đình đám” của Trung Quốc. Ngay từ tập đầu tiên, Vì yêu mà đến (HTV, Truyền hình TP.HCM) đã vấp phải phản ứng từ dư luận vì nội dung quá mờ nhạt, các tình tiết phi lý. Chẳng hạn, thời gian tương tác của khách mời với người chơi chưa đến 5 phút - đây là quãng thời gian quá ngắn, đến làm bạn còn khó nói gì đến nảy sinh tình cảm. Chưa kể, một trong những lý do khiến Vì yêu mà đến bị chỉ trích gay gắt là thay vì se duyên cho các cặp đôi, phiên bản Việt Nam bị nghi ngờ là công cụ để nhà sản xuất câu view và đánh bóng tên tuổi cho khách mời. Đặc biệt, mọi màn tỏ tình trong Vì yêu mà đến đều thất bại dù người chơi có chân thành ra sao.

Nói đến thất bại của game show mua bản quyền nước ngoài, không thể không nhắc đến X-Factor (Nhân tố bí ẩn, VTV). Chương trình chỉ “thọ” được 2 mùa ở Việt Nam, trong khi rất nổi tiếng ở 40 quốc gia. Nguyên nhân là bởi chỉ trong 1 mùa, BTC chương trình đã phải 4 lần lên tiếng xin lỗi vì những sự cố xuất phát từ sự kém chuyên nghiệp. “Dùng chùa” ca khúc, lấy khăn piêu làm khố, lùm xùm thí sinh giả dạng đi thi, MC vấp váp, micro trục trặc... là những “hạt sạn” có thể điểm qua ở chương trình này. Dù được đầu tư hoành tráng nhưng Nhân tố bí ẩn vẫn bị khán giả “ghẻ lạnh”.

Có phần may mắn hơn, Giọng ải giọng ai (bản gốc I can see your voice của Hàn Quốc) phát trên HTV trụ được qua khá nhiều mùa và được một bộ phận khán giả yêu mến. Dù vậy, chương trình vẫn bị cho là không thật sự đặc sắc và cứ thế chìm dần, không thể “sống” lâu dài như tiêu chí đặt ra. Theo format chuẩn, chương trình sẽ đưa ra một nhóm người chơi, trong đó có người hát hay và cả người không thể hát; ca sĩ khách mời sẽ quan sát thí sinh và nhận được những gợi ý để tìm ra đối tượng thực sự có chất giọng tốt. Nếu người được chọn hát dở, họ sẽ thắng giải thưởng lớn; ngược lại, người được chọn hát tốt sẽ được song ca cùng ca sĩ khách mời và ra mắt một single. Bản gốc nổi tiếng, hấp dẫn là vậy nhưng khi được đưa về Việt Nam với cái tên Giọng ải giọng ai, chương trình lại dần mất điểm vì thay đổi quá nhiều so với bản gốc và sa đà vào những chiêu trò gây tiếng cười để câu rating…

Game show “hàng Việt Nam, chất lượng cao”

Trước tình trạng quá nhiều chương trình giải trí ngoại dính phốt, không ít khán giả đặt ra câu hỏi: Tại sao cứ phải “cố đấm ăn xôi”, bỏ số tiền lớn để mua bản quyền từ nước ngoài mà không tự sáng tạo, thực hiện những chương trình thuần Việt phục vụ người Việt? Bắt đầu nhận thức được vấn đề, không ít nhà sản xuất, nhà đài ở nước ta đã mạnh dạn cho ra đời các sản phẩm “made in Việt Nam”, có thể kể đến Gương mặt truyền hình, Gương mặt điện ảnh, Giờ thứ 9+... Những chương trình này đều rất nghiêm túc trong chia sẻ kiến thức, hướng người xem và khách mời đến sự tử tế, đưa ra lời khuyên hữu ích trong lựa chọn nghề nghiệp. Bên cạnh đó, Lô tô show - Gánh hát ngàn hoa, Đường đến danh ca vọng cổ... cũng đều là những “cây nhà lá vườn” được ủng hộ nhiệt tình vì mang trong mình sứ mệnh quảng bá, tôn vinh, giữ gìn kho tàng văn hóa dân gian cha ông để lại.

Nhìn vào số lượng chương trình có thể thấy, dù chưa thật sự “gây sốt” nhưng game show thuần Việt vẫn đang có sự phát triển ổn định. Có thể lý giải điều này từ tính chất đặc thù khai thác theo hướng tôn vinh những giá trị “bất hủ” trong văn hóa Việt, cổ vũ tinh thần cộng đồng, hướng khán giả đến chân - thiện - mỹ. Đặc biệt, game show thuần Việt “cấm cửa” mọi chiêu trò, scandal, drama… mà đi theo hướng nhẹ nhàng, bình dị, tập trung vào lối ứng xử nhân văn của người chơi. Cũng vì những lý do này mà game show nội khó có thể lập tức hút khán giả, nhưng trải qua thời gian, nhận ra được tính lành mạnh, bổ ích, phù hợp tâm lý, khán giả dần tiếp nhận và ủng hộ cho các sản phẩm trong nước.

Tuy nhiên, không chỉ nên dừng lại ở mức ổn định, game show thuần Việt cần có bước phát triển đột phá mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. Trong bối cảnh công chúng luôn trông đợi những chương trình giải trí có thể tạo ra “cơn sốt”, thậm chí “xuất khẩu” được thay vì phải mua về như trước đây, các nhà sản xuất cần “luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu” để không ngừng đổi mới, sáng tạo. Trong đó, có thể tính đến khai thác lĩnh vực mà game show ngoại chưa đề cập hoặc không thể làm nổi. Chẳng hạn như tăng cường quảng bá văn hóa truyền thống của dân tộc; lan tỏa thông điệp mạnh mẽ trong bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, bồi đắp những giá trị tốt đẹp cho tâm hồn người Việt...

ĐÌNH TOÁN

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top