Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Chủ tịch Quốc hội: Phiên chất vấn sẽ tiếp tục làm rõ, tháo gỡ các vấn đề cử tri quan tâm

Thứ Ba 09/08/2022 | 17:00 GMT+7

VHO-Chiều ngày 9.8, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã khai mạc Phiên họp thứ 14. Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên khai mạc

Tham dự phiên khai mạc có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh; Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành trung ương; đại diện Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Nội chính Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước; Văn phòng Chính phủ.…

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội kéo dài 2,5 ngày làm việc, từ 14h ngày 9 – 11.8.2022.  Theo thông lệ, tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 7.2022. Đối với nhóm vấn đề thứ hai, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ dành một ngày (10.8) cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. 

Theo đó, nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực trách nhiệm của Bộ Công an, gồm: Công tác quản lý nhà nước về an ninh mạng, vấn đề an toàn đối với hệ thống an ninh mạng quốc gia trong giai đoạn hiện nay; Giải pháp ngăn chặn, xử lý nghiêm tội phạm công nghệ cao, đặc biệt là tình trạng đánh bạc, lừa đảo, đưa tin không chính xác, phát tán các video clip phản cảm, độc hại; Việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm về ma túy, “tín dụng đen”, cho vay nặng lãi; Việc triển khai thực hiện cấp thẻ căn cước công dân; việc cấp và sử dụng hộ chiếu phổ thông mẫu mới; xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bảo đảm kết nối với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, bảo đảm quyền khai thác thông tin của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật và vấn đề bảo mật thông tin cá nhân.

Toàn cảnh phiên khai mạc thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Trách nhiệm trả lời chính: Bộ trưởng Bộ Công an. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, Bộ trưởng các Bộ: Tư pháp, Thông tin và Truyền thông, Khoa học và Công nghệ, Ngoại giao; Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

Nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch, gồm: Việc thực hiện chính sách, pháp luật để du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn; Việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp kích cầu, phục hồi du lịch sau đại dịch Covid-19, việc thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động trong ngành du lịch. Chính sách khuyến khích xã hội hóa trong phát triển ngành du lịch; Công tác quản lý, bảo tồn, cải tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử quốc gia, đặc biệt là các khu di tích lịch sử cách mạng, góp phần giáo dục truyền thống, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; Giải pháp ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức xã hội và văn hóa ứng xử; xây dựng nếp sống văn hóa và bảo tồn, phát triển văn hóa xã hội.

Trách nhiệm trả lời chính: Bộ trưởng Bộ VHTTDL. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng các Bộ: Tài chính; Kế hoạch và Đầu tư; GTVT; GD&ĐT; LĐ,TB&XH cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, hoạt động chất vấn nhằm thực hiện đúng theo quy định tại Luật tổ chức Quốc hội, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Quy chế về giám sát Quốc hội.

Nhấn mạnh đây là nội dung đã nằm trong Kế hoạch giám sát từ năm nay, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, với những kết quả tích cực đạt được từ phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV vừa qua, phiên chất vấn ngày 10.8 tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp tục làm rõ, tháo gỡ các vấn đề cử tri quan tâm. "Với tầm quan trọng, ý nghĩa của hoạt động này, Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội đã họp trù bị với hai Bộ trưởng, các trưởng ngành có liên quan đảm bảo chuẩn bị tốt nhất cho phiên chất vấn, đáp ứng mong đợi của cử tri….", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Cũng tại phiên họp này UBTVQH sẽ xem xét, cho ý kiến trực tiếp hai nhóm vấn đề đối với 7 nội dung trọng tâm liên quan đến công tác xây dựng pháp luật; các vấn đề kinh tế - xã hội, công tác giám sát…

Theo đó, đối với nhóm vấn đề thứ nhất, UBTVQH sẽ cho ý kiến, xem xét và quyết định một số nội dung thuộc thẩm quyền, bao gồm: Cho ý kiến bước đầu về dự thảo báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”; Cho ý kiến về dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 cho danh mục dự án đã hoàn thiện thủ tục đầu tư và bổ sung, điều chỉnh kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương (đợt 3); Xem xét đề xuất của Chính phủ liên quan đến việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp theo Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15 ngày 24.9.2021 của UBTVQH về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19;…

Về Dự thảo báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”, Chủ tịch Quốc hội cho biết, trong năm 2022, Quốc hội tiến hành giám sát tối cao đối với hai nội dung. Trong đó, giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch đã hoàn thành và đưa lại kết quả cao.

Về chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”, Chủ tịch Quốc hội cho biết, đây là chuyên đề có ý nghĩa quan trọng, phạm vi giám sát rộng, liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực trong đời sống kinh tế - xã hội. Đoàn giám sát đã có kế hoạch tổ chức rất chu đáo, huy động cả HĐND, Đoàn đại biểu Quốc hội các địa phương tham gia, đồng thời đã tiến hành khảo sát, giám sát tại nhiều bộ, ngành, cơ quan trung ương,…

“Theo dự kiến, chương trình chuyên đề giám sát này phải được báo cáo với Quốc hội xem xét, cho ý kiến thông qua tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV  vào tháng 10.2022 tới đây. Do đó, cần đẩy nhanh tiến độ, đồng thời đảm bảo được chất lượng cao nhất kết quả dự thảo báo cáo trước khi trình Quốc hội cho ý kiến”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Về dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 cho danh mục dự án đã hoàn thiện thủ tục đầu tư và bổ sung, điều chỉnh kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương (đợt 3), Chủ tịch Quốc hội cho biết, đây là đợt phân bổ vốn trung hạn lần thứ 3 kể từ khi Quốc hội quyết định nhằm thực hiện Luật Đầu tư công.

Lưu ý việc giao vốn là vấn đề trọng điểm của thực hiện đầu tư công, trong đợt 3 khối lượng vốn khá lớn chưa được phân bổ, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu khi cho ý kiến về nội dung này cần báo cáo kỹ, làm rõ nguyên nhân vì sao giao vốn chậm,… Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ có báo cáo về hai Danh mục còn thiếu để có cơ sở giao vốn, tìm giải pháp để giải ngân đúng tiến độ các gói kích thích kinh tế, phân bổ đầu tư công đúng, hiệu  quả…

Tại phiên khai mạc, Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, sau phiên họp thứ 14, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ triển khai phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8.2022 và tháng 9.2022. Trong đó, phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 08 dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 15 -18.8.2022.

Khẳng định Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV nội dung trọng tâm là công tác lập pháp với nhiều dự án luật khó, chuyên môn sâu, lĩnh vực tác động rộng lớn như Dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tập trung cao độ để cho ý kiến, chuẩn bị kỹ lưỡng, xem xét, toàn diện, đảm bảo chất lượng cao nhất các dự án luật trước khi trình Quốc hội.

Để phiên họp thứ 14 đạt hiệu quả cao, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội dành thời gian tham dự đầy đủ, nghiên cứu kỹ lưỡng, có nhiều ý kiến tâm huyết, chất lượng,... vào các nội dung cụ thể được trình tại phiên họp.

TÙNG QUANG; ảnh: XUÂN TRẦN

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top