Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Văn hóa, văn minh nơi tàu điện trên cao: (Bài 2): Đừng để điều bất thường thành bình thường

Thứ Năm 11/08/2022 | 06:05 GMT+7

VHO – Tàu điện trên cao đang dần trở thành phương tiện giao thông công cộng được nhiều người chọn sử dụng, ngày thường dành cho HSSV, người làm văn phòng hay những người trẻ; cuối tuần lại phục vụ đông gia đình, bao gồm cả người già và trẻ em. Và kéo theo đó là những hệ lụy.

“Người Hà Nội thanh lịch, văn minh” dường như là được “đo ni, đóng mác” mỗi khi nhắc tới cốt cách, văn hóa, ứng xử của người Thủ đô. Nằm trong xu thế xây dựng, phát triển đất nước thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì xây dựng hình ảnh người Hà Nội thanh lịch, văn minh cũng chính là xây dựng văn hóa đô thị, lối sống đô thị. Một lối sống đô thị mà ở đó có sự quyện hòa giữa nét thanh lịch cổ truyền với sự hiện đại, văn minh, thích ứng với thời kỳ hội nhập. Nhưng đâu đó, ứng xử văn hóa vẫn mang dáng dấp của “tục lệ”, thói quen, chưa theo kịp sự văn minh đô thị. Chỉ cần lên chuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông vào ngày cuối tuần cũng thấy rõ điều đó.

Chị Trần Thị Hạnh ngỡ ngàng khi bắt gặp các bác gái nói chuyện to, và cặp đôi vừa cắn hướng dương, vừa cho chân lên ghế

Như một cú sốc văn hóa, sự tĩnh lặng đáng có của mọi ngày đã được thay thế không khí ồn ào, hỗn loạn. Trẻ con nô đùa, chạy sầm sập từ toa này sang toa kia, tiếng nói cười rôm rả, người nọ cố nói to để át người kia. Chị Trần Thị Hạnh (quận Thanh Xuân) chia sẻ, một lần có việc đi tàu điện trên cao vào buổi chiều chủ nhật, chị khá bất ngờ vì đi tàu điện mà như đi chợ. Đối diện ghế ngồi của chị là ba bác gái nói chuyện như ngô rang từ khi bước vào toa. Bác gái ngoài cùng giọng lanh lảnh nói chuyện với 2 bác còn lại bằng âm lượng cả toa tàu nghe được. Bác nói, sẽ dẫn 2 bác kia đi thăm một số ngôi chùa quanh Hà Nội. Sau đó bác lấy điện thoại ra hồ hởi kể chuyện như cố để người bên cạnh nghe được; tiếp theo, bác gái cao giọng hơn với sang toa bên cạnh giục bác trai phải để ý ga không thì quá mất.

Một số người còn tranh thủ "tập thể dục"

Bên cạnh ba bác gái là 1 cặp đôi nói chuyện vừa đủ nghe nhưng tiếng cắn hạt hướng dương cứ tách tách liên hồi và không quên co 1 chân lên ghế. Xung quanh vẫn rôm rả tiếng nói chuyện, trẻ con đùa nghịch, tiếng người lớn quát nạn trẻ con… Khi kể câu chuyện này với người bạn của mình, chị Đỗ Thu Thủy (phố Giảng Võ, quận Ba Đình) hằng ngày vẫn đi làm bằng đường sắt đô thị cười phá lên: “Chuyện thường ngày ở huyện”. Đường sắt trên cao văn minh, hiện đại là thế nhưng không thiếu người quần đùi áo may ô thấy ghế rộng là đặt lưng lên nằm ngủ, có người còn tranh thủ đu lên thanh inox trong toa để tập thể dục, còn chuyện trẻ con giẵm chân lên ghế, đu mình, gây náo loạn… khá phổ biến mặc cho tấm biển “Đề nghị quý khách giữ gìn trật tự và giữ vệ sinh chung” được treo khá dày đặc ở các toa…

Co chân lên ghế là những hình ảnh thường gặp ở tàu điện trên cao

Chắc chắn những hành động, hình ảnh này không phải đại diện cho toàn bộ những người tham gia giao thông công cộng bằng tàu điện trên cao, nhưng nó vẫn đang tồn tại và hiện hữu. Điều đáng nói là khi chứng kiến những điều “trái tai, gai mắt”, nhưng hầu như mọi người đều chọn cho mình sự im lặng hoặc làm ngơ quay đi cùng với sự ấm ức trong lòng, hoặc coi đó là điều bình thường. Chị Thủy cho biết, thỉnh thoảng cũng có một vài người góp ý nhưng đáp lại là những cái lườm nguýt, hoặc lầu bầu “đạo đức giả” và họ lại tiếp tục “thói quen” của mình. Khi sự góp ý không được tiếp sức bởi những người khác, không được tiếp thu, sửa chữa thì dần dần, không còn ai lên tiếng vì để giữ an toàn cho mình, không bị vạ lây, vô hình trung đã dung dưỡng cho những lối ứng xử thiếu văn hóa. Lâu dần, khi trở nên quen mắt những điều đó lại trở thì trở thành bình thường.

Hơn nữa, trẻ em hiện được dạy rất nhiều thứ nhưng những ứng xử cần thiết nơi công cộng thì ít được học, và bố mẹ biết, hoặc không biết nhưng xuề xòa bỏ qua vì cho rằng chúng là trẻ con. Nhưng chính điều này cũng sẽ gây hệ lụy lớn khi chúng trưởng thành vì những hành vi đó đã ăn sâu vào nếp nghĩ, thói quen, hành động của một thế hệ tiếp theo.

Trẻ em gây ồn ào, đu bám trên tàu nhưng không được sự nhắc nhở của người lớn cùng đi

Theo PGS.TS Từ Thị Loan, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, những hành vi xấu này không chỉ có ở đường sắt đô thị mà còn nhìn thấy ở một số rạp chiếu phim, quán cà phê… - nơi có đời sống văn minh cao hơn. Dường như một số ứng xử văn hóa lại không theo kịp với lối sống văn minh hiện đại. “Khi đã có những quy định, biển chỉ dẫn cụ thể thì rất cần được nhắc nhở để mọi người cùng tuân theo những nguyên tắc đó, người nhắc nhở có thể là nhân viên tàu, hoặc bất cứ một người dân nào. Nếu không ai lên tiếng, tỏ ra bất bình với những hành vi xấu thì tự nhiên sẽ bình dân hóa hoặc hạ thấp tiêu chuẩn cao của loại hình này giao thông công cộng này. Muốn để cho những hành động, ứng xử mang dáng dấp Thủ đô văn minh, hiện đại, thanh lịch thì phải có sự thay đổi kịp thời, đừng để con trẻ nghĩ rằng đó là chuyện đương nhiên và nếu trẻ không được rèn luyện, trở thành lối ứng xử chung thì rất nguy hiểm”, PGS Từ Thị Loan nhấn mạnh.

Sắp tới, Hà Nội sẽ hình thanh thêm nhiều tuyến đường sắt đô thị mới, nên đường sắt trên cao sẽ là một bước chuẩn bị để người Hà Nội bắt kịp với những ứng xử văn hóa phù hợp nơi công cộng trong một xã hội văn minh hiện đại. Vì vậy, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân cũng như khích lệ những hành động đẹp để những điều bất thường không trở thành bình thường.

QUỲNH HOA

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top