Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Niềm tin, kỳ vọng về sự phát triển của văn hóa, du lịch

Thứ Sáu 12/08/2022 | 10:05 GMT+7

VHO- Đánh giá cao nội dung trả lời chất vấn của Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, nhiều ý kiến của các chuyên gia văn hóa và du lịch cho rằng, với tư cách, vai trò của một “tư lệnh” ngành, việc nắm sát những vấn đề thực tiễn đặt ra cùng những quyết tâm, rốt ráo, Bộ trưởng đã mang đến niềm tin và sự kỳ vọng về sự phát triển của văn hóa, du lịch Việt Nam trong thời gian tới.

Trong thời gian vừa qua, Bộ VHTTDL đã phối hợp với các Bộ, ngành trong việc xây dựng môi trường văn hoá. Trong ảnh: Bộ VHTTDL phối hợp với Tổng LĐLĐ Việt Nam, UBND tỉnh Bắc Ninh tổ chức Hội diễn Tiếng hát công nhân, người lao động năm 2022 và đã nhận được sự hưởng ứng đông đảo của các doanh nghiệp, công nhân, người lao động trong cả nước. Ảnh: Ngọc Thảo

 “Nhiều vấn đề được trả lời rất thỏa đáng”

Qua phần trả lời chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã thể hiện việc nắm bắt rất chắc chắn, quyết liệt với những vấn đề trọng tâm đang đặt ra trong sự phát triển của toàn ngành. Bộ trưởng khẳng định, Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 để triển khai thực hiện các nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng khóa XIII đề ra về văn hóa đã mang lại động lực mới cho toàn ngành. Hội nghị là sự kiện mang dấu ấn quan trọng. “Tư lệnh” ngành đã đặt vấn đề rất đúng với mong muốn, nguyện vọng của cử tri. Điều cần quan tâm là phải làm gì để thực hiện Nghị quyết tại Đại hội Đảng lần thứ XIII, những nhiệm vụ đặt ra tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc và những mong muốn, ý kiến của cử tri. Đây là những nội dung lớn và với tư cách là “tư lệnh” ngành, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã trả lời rất thỏa đáng.

 Hiện có nhiều di tích bị xuống cấp, vì thế cần nhiều nguồn lực đầu tư tu bổ, tôn tạo

Về phát triển các lĩnh vực, đáp ứng vấn đề thời sự hiện nay là sự phục hồi nền kinh tế sau đại dịch Covid-19, đảm bảo thích ứng an toàn, Bộ trưởng đã trả lời xác đáng khi đề cập đến vấn đề khôi phục, phát triển du lịch. Với tầm nhìn bao quát, Bộ trưởng nêu rõ vai trò quan trọng của việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa làm nền tảng, động lực cho sự phát triển bền vững. Nhìn nhận về vấn đề đầu tư cho văn hóa, câu chuyện luôn mang tính thời sự nóng bỏng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng tiếp tục khẳng định tinh thần Đại hội XIII của Đảng và Hội nghị Văn hóa toàn quốc về nhiệm vụ tăng cường đầu tư cho văn hóa. Đầu tư không chỉ về mặt tài chính mà là đầu tư về mặt lãnh đạo, chỉ đạo; đầu tư về mặt con người, về chiến lược phát triển văn hóa... Mong muốn của cử tri cả nước đối với ngành văn hóa là sự chủ động để tăng mức đầu tư đó, bằng những chương trình, kế hoạch mang tầm chiến lược.

Trong khoảng thời gian ngắn, trả lời nhiều vấn đề vĩ mô quan trọng, tôi tin tưởng rằng, với kinh nghiệm của người từng đứng đầu một địa phương, với trọng trách hiện tại của “tư lệnh” ngành, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã mang đến niềm tin và sự hy vọng về sự phát triển của nền văn hóa Việt Nam trong tương lai.

(TS NGUYỄN VIẾT CHỨC, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội)

 “Giải pháp khắc phục tình trạng ứng xử không đẹp của nghệ sĩ”

Trong phần trả lời chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã nói về ứng xử của nhiều nghệ sĩ, người nổi tiếng vừa qua có những biểu hiện không đẹp, phản văn hóa. Bộ VHTTDL đã ban hành Bộ quy tắc ứng xử dành cho người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, trong đó nêu rõ ứng xử trong nghề nghiệp, trong khát vọng cống hiến, giá trị thước đo “chân - thiện - mỹ”, đấu tranh với cái xấu - ác... Mặc dù bộ quy tắc không phải chế tài pháp luật nhưng là định hướng, khuôn mẫu có tính chất phạm trù đạo đức để mọi người tự giác thực hiện. Tuy nhiên, thực tế vẫn có những nghệ sĩ, đặc biệt ở loại hình nghệ thuật biểu diễn vẫn có phát ngôn, cách ứng xử, ăn mặc phản cảm. Vì vậy, cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, cơ quan quản lý nhà nước cần yêu cầu các đơn vị quản lý văn nghệ sĩ có hình thức nhắc nhở, phê bình, thậm chí không cho các nghệ sĩ có hành vi lệch chuẩn tiếp tục xuất hiện. Việc rèn luyện, tu dưỡng đạo đức đối với các văn nghệ sĩ luôn là yếu tố rất quan trọng, được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.

Phần trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã thể hiện rất rõ những nội dung nói trên, cho thấy ngành văn hóa đã nỗ lực hết mình khắc phục tình trạng này. Tới đây, thiết nghĩ ngành cần tiếp tục thường xuyên có văn bản nhắc nhở, có hình thức phù hợp để chấn chỉnh; cơ quan quản lý tiếp tục tuyên truyền để nâng cao ý thức, hành vi ứng xử của văn nghệ sĩ khi xuất hiện trước công chúng.

(Bà TRẦN THỊ THU ĐÔNG, Đại biểu Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Hội NSNA Việt Nam)

 “Thẳng thắn nhìn nhận những vấn đề xuống cấp đạo đức xã hội”

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã đề cập đến một nội dung được cử tri cả nước đặc biệt quan tâm, đó là thực trạng xuống cấp đạo đức xã hội, văn hóa ứng xử và giải pháp ngăn chặn. Trên thực tế, bối cảnh đời sống hiện nay đang đặt ra nhiều thách thức khi ngày càng xuất hiện những biểu hiện suy thoái, lệch chuẩn về đạo đức, ứng xử văn hóa trong gia đình, cộng đồng và xã hội. Bộ trưởng đã thẳng thắn nhấn mạnh, đây là vấn đề nhức nhối và liên quan đến nhiều cấp, ngành, trong đó Bộ VHTTDL là đầu mối thực hiện chức năng quản lý nhà nước.

Với những giải pháp đồng bộ, “tư lệnh” ngành cho biết, xây dựng môi trường văn hóa cơ sở mà nền tảng là những giá trị, chuẩn mực đạo đức, nếp sống văn hóa trong mỗi gia đình, nhà trường, cộng đồng sẽ góp phần nuôi dưỡng nếp sống văn hóa, lan tỏa những giá trị nhân văn tốt đẹp; đẩy lùi hiện tượng xuống cấp về đạo đức xã hội, lệch chuẩn văn hóa. Bên cạnh đó cần có sự phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành khác trong xây dựng đạo đức, lối sống ở các lĩnh vực giáo dục, y tế, pháp luật, khoa học, báo chí, an ninh, quốc phòng...

Bộ trưởng cũng cho rằng, mạng xã hội hiện nay phổ biến tình trạng thông tin sai lệch, phản văn hóa và cho biết, các cơ quan của Bộ sẽ phối hợp với ngành liên quan tích cực kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các trường hợp tung tin xấu độc, lợi dụng mạng xã hội để đưa thông tin lệch lạc, phản văn hóa. Đây là những tín hiệu tích cực đáp ứng mong mỏi của người dân, đặc biệt trong bối cảnh đời sống ảo ngày càng gia tăng những tệ nạn thực. Ngoài ra, phần trả lời của người đứng đầu ngành cũng thể hiện sự quan tâm đặc biệt trong công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực gia đình. Những đúc kết ngắn gọn, súc tích về gia đình - tế bào của xã hội mà Bộ trưởng đưa ra cũng chính là mục tiêu, mong muốn hướng đến của tất cả chúng ta, đó là làm sao giữ được truyền thống, nền nếp gia phong; gìn giữ nếp nhà để trong gia đình, ông bà nêu gương, con cháu hiếu thảo, biết ơn người sinh thành, sống có trách nhiệm, yêu thương, đùm bọc lẫn nhau.

(GS.TS TỪ THỊ LOAN)

 “Tín hiệu tốt với công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa”

Phần nội dung quan trọng trong trả lời chất vấn của Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng về công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử quốc gia, đặc biệt là các khu di tích lịch sử cách mạng đã cho thấy Quốc hội, cử tri cả nước rất quan tâm đến công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản, từ thực trạng hiện nay đến những kỳ vọng được đặt ra trong thời gian tới. Về những nội dung này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã thể hiện việc nắm sát thực tiễn, tình hình chung của công tác bảo vệ và phát huy những giá trị di sản văn hóa hiện nay. Đồng thời, khẳng định tầm quan trọng của di sản văn hóa trong xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội của đất nước.

Tôi rất tâm đắc khi Bộ trưởng nhấn mạnh vấn đề về nguồn lực đầu tư cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử quốc gia, đặc biệt là các khu di tích lịch sử cách mạng. Ông nêu rõ thực trạng hiện nay, khi vấn đề xã hội hóa để xây dựng, trùng tu các di tích tâm linh, tín ngưỡng có nhiều thuận lợi thì các di tích cách mạng lại gặp khó. Bộ trưởng khẳng định, công tác bảo tồn và phát huy giá trị các khu di tích lịch sử cách mạng không trông chờ nhiều vào xã hội hóa mà Nhà nước phải dành ngân sách đầu tư. Đây là vấn đề rất trúng và đúng với thực trạng hiện nay, nhằm khắc phục tình trạng các di tích cách mạng xuống cấp trầm trọng nhưng chưa kịp thời được bảo tồn, cải tạo và phát huy giá trị.

Vấn đề chống xuống cấp di tích cũng được người đứng đầu ngành đề cập rõ ràng, thuyết phục. Đây là vấn đề cần được Nhà nước quan tâm nhiều hơn, đặc biệt cần phải dành những nguồn lực ưu tiên cho đầu tư. Di sản văn hóa là bản sắc văn hóa dân tộc, là nguồn lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội... Để những tư tưởng, định hướng đó đi vào cuộc sống, nhất thiết phải tăng cường đầu tư tu bổ, tôn tạo. Tôi cho rằng, những ý kiến được Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu trên diễn đàn Quốc hội mang đến nhiều kỳ vọng về những thay đổi tích cực. Và điều kỳ vọng lớn lao hơn của cử tri cả nước chính là những giải pháp sẽ được triển khai để đưa những mong muốn, những định hướng đi vào thực tiễn đời sống, tạo chuyển biến tích cực trong công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

(PGS.TS ĐỖ VĂN TRỤ, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam)

 “Đã đề cập trúng vấn đề cấp thiết là đầu tư cho văn hóa”

Tôi theo dõi phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng và cảm thấy rất tâm đắc với những nội dung ông đề cập về đầu tư cho văn hóa. Sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, trên thực tế lĩnh vực văn hóa đã có sự chuyển biến về nhận thức, hành động. Bức tranh đời sống văn hóa tại nhiều địa phương không chỉ chuyển biến với những Nghị quyết, Kế hoạch được ban hành mà bằng những con số thực tế, các nguồn lực đầu tư cho văn hóa được nâng cao trong tổng chi ngân sách. Đây là điều đáng mừng.

“Tư lệnh” ngành đã đề cập trúng vấn đề cấp thiết tại hầu hết các địa phương hiện nay, đó là câu chuyện đầu tư cho văn hóa. Để văn hóa thực sự hoàn thành sứ mệnh “soi đường” thì đầu tư là vấn đề đặc biệt quan trọng. Tuy nhiên trong suốt nhiều năm qua sự đầu tư dành cho văn hóa chưa thực sự tương xứng. Bộ trưởng đã phân tích thấu đáo, cặn kẽ, thể hiện sự quan tâm của người đứng đầu ngành đối với vấn đề cấp thiết này, đáp ứng được nguyện vọng, trông chờ của người dân. Trong bối cảnh chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, những mặt trái tác động đã làm thay đổi, mai một nhiều giá trị truyền thống. Nếu không kịp thời có những nhìn nhận, đầu tư để gìn giữ giá trị tốt đẹp, đẩy lùi mặt trái thì nền văn hóa sẽ tiếp tục đối diện nhiều thách thức. Bộ trưởng cũng nói đến vấn đề đầu tư cho văn hóa dưới nhiều cách thức đa dạng: Đầu tư thường xuyên, đầu tư có trọng tâm trọng điểm, trong đó nhấn mạnh sự cần thiết tăng cường đầu tư cho văn hóa vùng sâu, vùng xa. Tôi thấy đây là những nội dung có ý nghĩa vô cùng thiết thực. Càng có ý nghĩa hơn trong bối cảnh chúng ta đang phấn đấu chi thường xuyên cho văn hóa với mức đầu tư 1,8-2% tổng chi ngân sách.

Với những phân tích, nhìn nhận sát thực tiễn từ Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, ngành văn hóa cũng như nhân dân cả nước có thể kỳ vọng sẽ có những giải pháp thiết thực được tăng cường trong thời gian tới, nhằm gia tăng những nguồn lực đầu tư cho văn hóa; góp phần thiết thực triển khai thực hiện các nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng khóa XIII đề ra; đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; để “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”.

(TS TRẦN HỮU SƠN)

 “Liên kết là sống còn, sản phẩm văn hóa là chủ đạo”

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng dù nhận nhiệm vụ chưa lâu, quản lý một Bộ đa ngành với nhiều lĩnh vực nhưng nắm vấn đề rất sát”. “Bộ trưởng nói về việc tập trung để xây dựng sản phẩm du lịch gắn chặt với văn hóa, khai thác các giá trị văn hóa để làm du lịch, tăng trải nghiệm cho du khách trong tất cả hoạt động du lịch mà ở đó, văn hóa hiện hữu khắp nơi. Ông nhắc tới việc khai thác giá trị văn hóa độc đáo, khác biệt để thu hút khách quốc tế; xây dựng những sản phẩm du lịch văn hóa chạm đến trái tim của du khách nội địa. Điều đó hoàn toàn chính xác”, ông Mỹ nhận định.

Bộ trưởng cũng chỉ ra những vấn đề đã tồn tại từ lâu của ngành Du lịch nhưng vẫn chưa giải quyết được như: Không phải chỉ thuần túy tính đầu khách mà phải tính toán hiệu quả của hoạt động du lịch, tổng thu từ khách du lịch và ngành Du lịch đóng góp bao nhiêu cho GDP, làm sao để thu hút khách quốc tế trở lại, sản phẩm chủ đạo là gì, quảng bá xúc tiến thế nào, đảm bảo tính bền vững của du lịch nội địa ra sao… Để làm được những điều này, Bộ trưởng cũng cho rằng cần có nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó, liên kết để phát triển du lịch rất quan trọng nhưng du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao nên cần sự vào cuộc của các ngành, các cấp, các doanh nghiệp và cả xã hội.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã rất cầu thị khi ngay tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, ông nhìn thẳng vào những khó khăn, hạn chế của ngành, những nỗ lực vượt khó và bày tỏ mong muốn nhận được nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội trên tinh thần xây dựng, sẻ chia để ngành hoàn thành trách nhiệm. Các doanh nghiệp du lịch, người làm du lịch cũng cần hành động ngay theo những định hướng, chỉ đạo của Bộ trưởng, mỗi ngành, mỗi người bằng hành động cụ thể để đưa du lịch phục hồi toàn diện, phát triển xanh, bền vững.

(Ông NGUYỄN VĂN MỸ, Chủ tịch Công ty TNHH Du lịch Lửa Việt)

 "Nhìn thấu những vấn đề của ngành"

Qua phần trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng về những vấn đề trong lĩnh vực du lịch, tôi cho rằng Bộ trưởng rất hiểu và nắm chắc vấn đề của ngành. Những người làm trong ngành thời gian qua đều biết, du lịch là một trong những ngành bị ảnh hưởng vô cùng nặng nề do đại dịch Covid-19. Đã có những lúc toàn ngành tê liệt, ngừng mọi hoạt động. Việc phục hồi của ngành được cử tri cả nước quan tâm. Bộ VHTTDL đã có những tham mưu chuẩn xác để Chính phủ cho phép mở cửa du lịch toàn bộ từ ngày 15.3. Từ đó tạo ra lợi thế cạnh tranh của du lịch Việt Nam so với thế giới, đồng thời đáp ứng nhu cầu du lịch sau dịch của người dân trong nước. Bộ trưởng gọi đây là ngành Du lịch đang bước vững chắc bằng hai chân. Trong suốt quá trình này, Bộ VHTTDL đã đồng hành với các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp. Bộ trưởng đã có những chỉ đạo rất sát sao, thiết thực, giúp toàn ngành vượt qua giai đoạn sóng gió nhất, quan trọng hơn là đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”.

Cách đây ít ngày, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã tham dự sự kiện Liên kết sức mạnh du lịch Việt Nam được tổ chức tại TP.HCM. Tại đây, ông đã lắng nghe ý kiến của các địa phương, doanh nghiệp cả nước về việc phục hồi và phát triển du lịch một cách toàn diện, bền vững. Trong phần trả lời chất vấn, Bộ trưởng cũng đã thể hiện rất rõ sự cầu thị, thẳng thắn khi đi thẳng vào các câu hỏi đại biểu chất vấn và cả những vấn đề mà trước đó cộng đồng doanh nghiệp phản ánh. Trong khi thế giới còn nhiều nước chưa mở cửa, Việt Nam với những chính sách cởi mở như hiện nay đã là quá tốt. Lượng khách nội địa đã vượt chỉ tiêu của cả năm 2022, tạo đà phát triển trong thời gian tới...

Cử tri chúng tôi, những người làm trong ngành Du lịch đã lâu đều kỳ vọng, với tư cách là “tư lệnh” ngành, Bộ trưởng sẽ có sự chỉ đạo quyết liệt hơn nữa để xây dựng những giải pháp căn cơ và tầm nhìn trong dài hạn nhằm định hướng, dẫn dắt cũng như giám sát việc thực hiện liên kết giữa các ngành, giữa các địa phương, hình thành hệ thống phát triển du lịch chuyên nghiệp, toàn diện. Từ đó, đảm bảo sự phát triển bền vững hơn trong thời gian tới, định vị Việt Nam là một điểm đến thực sự hấp dẫn đối với thị trường khách quốc tế cũng như đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế đất nước.

(Ông Phùng Quang Thắng, Phó chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, Chủ tịch Chi hội Lữ hành Hà Nội)

 “Đây chính là giải pháp hết sức thiết thực để du lịch vượt qua những khó khăn”

Trong phần trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng thông tin, Bộ đã và đang tăng cường năng lực cho các cơ sở đào tạo và giảng viên; đẩy mạnh xã hội hóa và hợp tác quốc tế về đào tạo nhân lực; nâng cao kỹ năng nghề qua hoàn thiện và áp dụng các bộ tiêu chuẩn nghề thống nhất ở cấp độ quốc gia và quốc tế. Bộ trưởng cũng kiến nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục cho kéo dài thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động trong lĩnh vực này. Đây chính là những thông tin chúng tôi rất mong chờ vì nó là giải pháp hết sức thiết thực để góp phần giúp các doanh nghiệp du lịch vượt qua những khó khăn do đại dịch”. Tại diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng cho biết sẽ tập trung đánh giá tổng thể lại thực trạng nguồn nhân lực du lịch để có giải pháp căn cơ, còn trước mắt phải có giải pháp đào tạo nghề. Bộ VHTTDL thời gian qua đã xây dựng đề án Phát triển khung trình độ quốc gia một số ngành, nghề trọng điểm lĩnh vực du lịch. Đồng thời phối hợp triển khai với các Bộ, ngành thẩm định và ban hành một số bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia tương thích với tiêu chuẩn nghề ASEAN, danh mục các ngành đào tạo cấp IV lĩnh vực du lịch từ trình độ trung cấp đến sau đại học đã được bổ sung và cơ bản hoàn thiện.

Nhấn mạnh vào việc liên kết để phát triển du lịch, Bộ trưởng mong nhận được sự vào cuộc, đồng hành của các Bộ, ngành, địa phương trong việc kết nối, liên kết như với ngành: Giao thông vận tải, Công thương, Nông nghiệp và tất cả các ngành nghề khác. Một mình ngành Du lịch sẽ không tạo ra sản phẩm du lịch hoàn chỉnh được. Nếu liên kết giao thông thuận lợi, hệ thống giao thông tốt, nhiều đường bay thẳng… chắc chắn việc thu hút thị trường quốc tế trở lại Việt Nam sẽ dễ dàng hơn, du lịch trong nước cũng phát triển hơn.

Cũng theo thông tin từ trả lời của Bộ trưởng, đối với thị trường quốc tế, ngành hàng không được xác định là ưu tiên số một. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, đến nay vẫn chưa mở lại tất cả các đường bay đi đến các quốc gia, vùng lãnh thổ. Các đường bay nội địa đã tăng trưởng vượt bậc nhưng không phải địa phương nào cũng có sân bay nên phụ thuộc vào tần suất bay, chuyến bay. Bên cạnh đó, giao thông đường bộ đang tiến hành kết nối vùng. Quốc hội cũng đã thông qua chủ trương đầu tư các dự án giao thông để kết nối các vùng kinh tế trọng điểm…. Các chính sách của Trung ương đang giao cho Bộ GTVT và các cơ quan, địa phương để tổ chức thực hiện sẽ kết nối và tạo điều kiện kết nối về du lịch.

Phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng rất thỏa đáng, đi vào trọng tâm các vấn đề của ngành hiện nay và đưa ra những giải pháp thiết thực. Cử tri đánh giá rất cao những nội dung trả lời này của Bộ trưởng và tin rằng với vai trò, trách nhiệm của mình, Bộ VHTTDL sẽ tiếp tục có những giải pháp để phục hồi và phát triển du lịch toàn diện, bền vững trong thời gian tới.

(Ông PHẠM HẢI QUỲNH, Chủ tịch Chi hội Du lịch Cộng đồng Việt Nam, Chủ tịch, Giám đốc Công ty du lịch Vân Hải Xanh)

 

 PHƯƠNG ANH - THÚY HÀ (thực hiện)

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top