Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Cấp bách giải bài toán thiếu nguồn nhân lực

Thứ Sáu 12/08/2022 | 10:14 GMT+7

VHO- Mặc dù ngành du lịch đang phục hồi và tăng trưởng rất ấn tượng, thế nhưng hoạt động du lịch đang gặp không ít khó khăn, trong đó sự khủng hoảng nguồn nhân lực đang là bài toán nan giải của các doanh nghiệp và địa phương trong thời điểm hiện nay.

 Cấp thiết lấp khoảng trống nhân lực để đưa du lịch phục hồi và phát triển

Thiếu người dọn phòng chứ không thiếu phòng

Theo thống kê của ngành chức năng, số lượng lao động làm việc đủ thời gian trong lĩnh vực du lịch năm 2021 chỉ chiếm 25% so với năm 2020, lao động nghỉ việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động chiếm khoảng 30%, lao động tạm nghỉ việc khoảng 35%, 10% lao động làm việc cầm chừng. Thực tế này khiến người lao động phải chuyển nghề mưu sinh, dẫn đến thất thoát nguồn nhân lực, đây cũng là hiện tượng chưa từng có tiền lệ. Trong đó, lao động ở các ngành chịu tác động nặng nhất thuộc về lực lượng đang tham gia dịch vụ tại cơ sở lưu trú, lữ hành quốc tế và bán hàng lưu niệm.

Theo Sở Du lịch TP.HCM, công suất phòng khách sạn trên địa bàn thành phố hiện tăng đáng kể, nhiều khách sạn có công suất phòng đạt 85-90% so với con số 10-20% hồi đầu năm. Tuy nhiên, các khách sạn cho biết đang gặp khủng hoảng về nhân lực, nếu như tình trạng thiếu hụt nhân sự buồng phòng được khắc phục sớm thì mức công suất phòng sẽ tăng cao hơn. Đáng nói, có cơ sở lưu trú phải tuyển người hạn chế về kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm vào làm việc dẫn đến những lo ngại về chất lượng dịch vụ. Chưa kể các khách sạn phải tuyển gấp nhân sự tại địa phương chưa qua đào tạo để vừa làm vừa đào tạo, một số nơi sử dụng sinh viên bán thời gian…

Bà Cao Thị Tuyết Lan, Giám đốc kinh doanh Công ty Du lịch và Sự kiện Viettours chia sẻ, có thể nói khách sạn hiện nay không thiếu khách, mà ngược lại là thiếu nhân lực dọn phòng nên cơ sở lưu trú không thể đón khách được. Đây cũng là trường hợp công ty chúng tôi gặp phải khi đưa đoàn khách MICE đến một khách sạn 5 sao tại TP.HCM nhưng không có phòng đề nhận, phải đợi đến đêm khuya vì khách sạn không có người dọn phòng, chứ không phải hết phòng, bà Lan cho biết.

Chủ động kết nối, đặt hàng nhân lực

Ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ VHTTDL) cho biết, tình trạng doanh nghiệp du lịch đóng cửa, dừng hoạt động trong thời gian dài do tác động của dịch Covid-19 buộc người lao động phải nghỉ việc hoặc chuyển sang tìm kiếm công việc mới để mưu sinh, dẫn đến thiếu nguồn cung lao động cho nhiệm vụ phục hồi hoạt động du lịch, nhất là nhân lực có chất lượng cao. Trong khi con người là nhân tố then chốt làm tăng khả năng cạnh tranh và sự sống còn của toàn ngành du lịch. Do đó, các địa phương và doanh nghiệp buộc phải tăng cường bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ nhân sự, chú trọng trang bị kiến thức, kỹ năng… cần thiết cho người lao động.

Theo ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, ngành du lịch cần có kế hoạch tổng thể trong việc thu hút người lao động trở lại làm việc và tuyển dụng lao động mới, cấp bách xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề… Đối với các doanh nghiệp, cần liên kết thông tin với các cơ quan quản lý liên quan, các địa phương và người lao động để họ có thông tin về doanh nghiệp và tìm việc làm mới, hoặc quay trở lại làm việc.

Ở góc độ đào tạo, GS.TS Đào Mạnh Hùng, Chủ tịch Liên chi Hội Đào tạo Du lịch Việt Nam (VITEA) cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp du lịch, nhất là hệ thống khách sạn cần tăng cường phối hợp với các cơ sở đào tạo, bởi sự liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp du lịch thông qua việc doanh nghiệp tham gia xây dựng chương trình đào tạo và thực hiện đào tạo sẽ cung cấp cho thị trường nguồn nhân lực du lịch sử dụng được ngay, đơn vị tuyển dụng khỏi mất thời gian và các nguồn lực cho việc đào tạo lại người lao động. Để làm được điều này, các cơ sở đào tạo phải kết nối với doanh nghiệp, đặc biệt là đơn vị chất lượng cao như khách sạn 4-5 sao để vừa đào tạo đúng nhu cầu, vừa nâng cao chất lượng nhân lực.

Nhằm giải quyết khoảng trống nhân sự lớn hiện nay, một doanh nghiệp trong nước là CityLand Education vừa liên kết với Tập đoàn EHL (Thụy Sĩ) để thành lập Cơ sở giáo dục và đào tạo nghề Vocational Education & Training - VET với mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực quản lý nhà hàng, khách sạn. Đây cũng cơ sở đào tạo quản lý nhà hàng, khách sạn theo tiêu chuẩn Thụy Sĩ đầu tiên tại Việt Nam, mỗi năm sẽ cung cấp cho thị trường 4.000 lao động chuyên ngành du lịch. Góp phần phục hồi và đưa du lịch phát triển tăng tốc trong giai đoạn mới.

Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Du lịch (ITDR) cho rằng, sự phục hồi của ngành du lịch sau đại dịch Covid-19 cùng với những thay đổi trong nhu cầu, hành vi và thói quen của du khách đặt ra những yêu cầu và xu hướng mới cho nhân lực ngành nói chung và nhân lực của các cơ sở lưu trú nói riêng. Theo đó, ông Tuấn khuyến nghị các cơ sở lưu trú nên có chính sách đào tạo nhân lực tại chỗ, chủ động kết nối, ký kết đặt hàng với cơ sở đào tạo du lịch để cập nhật thông tin, đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp. 

 Ngành du lịch cần có kế hoạch tổng thể trong việc thu hút người lao động trở lại làm việc và tuyển dụng lao động mới, cấp bách xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề… Đối với các doanh nghiệp, cần liên kết thông tin với các cơ quan quản lý liên quan, các địa phương và người lao động để họ có thông tin về doanh nghiệp và tìm việc làm mới, hoặc quay trở lại làm việc.

(Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam VŨ THẾ BÌNH)

 HOÀNG HẢI

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top