Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Chương trình giáo dục phổ thông mới: Sẽ tạo sự hứng thú cho học sinh

Thứ Sáu 12/08/2022 | 10:36 GMT+7

VHO- Năm học 2022-2023, học sinh lớp 10 sẽ bắt đầu chương trình giáo dục phổ thông mới (Chương trình GDPT 2018). Nhiều giáo viên cho rằng, Chương trình GDPT 2018 với cách tiếp cận mới sẽ khiến học sinh cảm thấy hào hứng hơn, có nhiều kiến thức gắn với thực tế, thậm chí học sinh có thể tự học.

 Học sinh lớp 9 tại Hà Nội trao đổi sau kỳ thi vào lớp 10 Ảnh minh họa

 Nhẹ nhàng hơn

Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo là mục tiêu được Đảng và Chính phủ đặt ra, nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trang bị cho các thế hệ tương lai nền tảng văn hóa vững chắc và năng lực thích ứng cao trước những biến động của tự nhiên và xã hội. Chính vì vậy, Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội nhấn mạnh: “Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông nhằm tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng và hiệu quả giáo dục phổ thông; kết hợp dạy chữ, dạy người và định hướng nghề nghiệp; góp phần chuyển nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực, hài hoà đức, trí, thể, mĩ và phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi học sinh”.

Thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, năm 2018 chương trình giáo dục phổ thông mới được xây dựng theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh; tạo môi trường học tập và rèn luyện giúp học sinh phát triển hài hoà về thể chất và tinh thần, trở thành người học tích cực, tự tin, biết vận dụng các phương pháp học tập tích cực để hoàn chỉnh các tri thức và kỹ năng nền tảng, có ý thức lựa chọn nghề nghiệp và học tập suốt đời, có những phẩm chất tốt đẹp và năng lực cần thiết để trở thành người công dân có trách nhiệm, người lao động có văn hóa, cần cù, sáng tạo, đáp ứng nhu cầu phát triển của cá nhân và yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước trong thời đại toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp mới.

Theo Chương trình GDPT 2018 (có sửa đổi, bổ sung một số nội dung theo Thông tư số 13/2022/TT-BGDĐT ngày 3.8.2022 của Bộ GD&ĐT), năm học 2022-2023, học sinh lớp 10 bắt đầu học theo chương trình mới. Chương trình có các môn học, hoạt động giáo dục bắt buộc gồm: Ngữ văn; Toán; Ngoại ngữ 1; Lịch sử; Giáo dục thể chất; Giáo dục Quốc phòng và An ninh; Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Nội dung giáo dục của địa phương. Các môn lựa chọn có 9 môn gồm: Địa lý; Giáo dục kinh tế và pháp luật; Vật lý; Hóa học; Sinh học; Công nghệ; Tin học; Âm nhạc; Mỹ thuật.

Tăng khả năng tự học

Đánh giá về Chương trình GDPT 2018, cô Nguyễn Thị Hương, Hiệu phó trường THPT Lương Đắc Bằng, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) cho rằng, với Chương trình mới, học sinh không bắt buộc học tất cả các môn mà có quyền lựa chọn một số môn theo sở trường và định hướng nghề nghiệp. Với việc số môn học giảm đi, số tiết học mỗi môn tăng lên sẽ giúp cho học sinh được tiếp thu một lượng kiến thức sâu hơn, đầy đủ hơn. Qua nghiên cứu Chương trình cho thấy, nội dung kiến thức trong sách giáo khoa được thiết kế gắn với thực tiễn, giảm rất nhiều tính hàn lâm, điều này sẽ làm cho học sinh cảm thấy dễ hiểu hơn, dễ tiếp thu hơn và tăng khả năng tự học.

Theo cô Hương, với số tiết/tuần không giảm, số tiết và phần ứng dụng thực tế tăng, bớt tính hàn lâm, nếu có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu… thì việc thực hiện chương trình mới sẽ làm đổi mới được giáo dục như mục tiêu đã đề ra. Về phía nhà trường và giáo viên, cô Hương cho biết, đã được Sở GD&ĐT tổ chức tập huấn đầy đủ, có thể triển khai thực hiện chương trình mới và sách giáo khoa mới một cách thuận lợi.

Thầy Lê Minh Phấn, Công ty Cổ phần Truyền thông và Giáo dục Toliha Elearning nhận xét, Chương trình đổi mới giáo dục phổ thông theo đề án năm 2018 có khá nhiều điểm có thể thuận lợi cho học trò. Về sách giáo khoa được thay đổi theo từng khối lớp, theo từng năm sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên cập nhật tốt kiến thức và học sinh tiếp thu hiệu quả hơn. Nội dung SGK nói chung giảm tính học thuật nhưng tăng kiến thức ứng dụng thực tế. Mỗi bài học đều có phần kiến thức trọng tâm, có làm rõ các thuật ngữ, đặt ra các mục tiêu cần đạt cho bài học và đặc biệt có phần trải nghiệm. Đây là một bước tiến trong biên soạn, tạo sự hứng thú cho học sinh trong mỗi giờ học và giúp học sinh có thể ứng dụng vào thực tế.

Nhận xét về các môn học, thầy Lê Minh Phấn cho rằng, mặc dù các môn KHTN như Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học có rất nhiều kiến thức từ chương trình đại cương bậc đại học được lồng ghép, nhưng cách trình bày lại gợi cho học sinh nhiều hứng thú, không nhàm chán. Ví dụ trước đây khi học môn Hóa, trong quá trình học, học sinh sẽ không biết rằng mình gặp các chất đó ở đâu, ứng dụng thế nào, thì hiện nay, trong các bài học đã có phần mô tả rõ ràng về ứng dụng các chất đã học.

Với các môn bắt buộc như Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng an ninh và đặc biệt là môn Lịch sử đã thành môn bắt buộc, cho thấy sự ổn định trong giáo dục hướng tới người học tinh thần yêu nước, thương nòi giống và tự hào về trang sử hào hùng của dân tộc mà từ đó tạo nên sức mạnh trong học tập để người học trở thành người có ích cho đất nước. 

 HOÀNG HƯƠNG

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top