Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Xây dựng trung tâm phát hành và phổ biến phim trực tuyến: Bài toán về nguồn phim và số hóa

Thứ Hai 15/08/2022 | 10:44 GMT+7

VHO- Hai năm trở lại đây, hoạt động phim chiếu rạp luôn trong trạng thái cầm chừng vì dịch bệnh. Khán giả dần thay đổi thói quen xem phim rạp và chuyển sang hình thức xem phim tại nhà. Chính sự thay đổi đột ngột xu hướng hưởng thụ điện ảnh này khiến nhiều nhà sản xuất không còn cách nào khác là phải tìm tới các nền tảng phát hành trực tuyến. Với xu thế tất yếu ấy, vừa qua, Bộ VHTTDL đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý cho đề án “Xây dựng trung tâm phát hành và phổ biến phim trực tuyến”.

 Khán giả Việt Nam đã dần quen với “kho” phim trên các nền tảng trực tuyến

Khẳng định vai trò vừa là ngành nghệ thuật, vừa là ngành kinh tế

Nếu thế giới có Netflix thì Việt Nam có VTV go, FPT play, Galaxy play… cùng nhiều trang phim thu hút lượng lớn người truy cập. Song song với việc phục vụ nhu cầu của khán giả thì việc khai thác chiếu phim trên nền tảng không gian mạng còn góp phần quảng bá đất nước, con người, văn hóa Việt Nam với bạn bè quốc tế. Cùng với đó mở ra một hướng tiếp cận hiệu quả khác là giao lưu điện ảnh quốc tế, tham dự các liên hoan phim, sự kiện điện ảnh được tổ chức trực tiếp hay trực tuyến. Chính vì thế, việc chủ động xây dựng, phát triển cộng đồng người xem trên internet kết hợp với các nền tảng, chương trình phổ biến, phát triển điện ảnh là nhu cầu cấp thiết trong giai đoạn hiện nay. Trước tình hình đó, Bộ VHTTDL đã phê duyệt chủ trương và giao Cục Điện ảnh chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng đề án Trung tâm Phát hành và phổ biến phim trực tuyến.

Phát biểu tại Hội thảo, Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành cho biết, Trung tâm Phát hành và phổ biến phim trực tuyến là nền tảng trực tuyến chính thức của Nhà nước để phát hành vàphổ biến phim Việt Nam. Đây sẽ là nguồn cung cấp phim cho các đơn vị điện ảnh tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phục vụ nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền trong dịp kỷ niệm những ngày lễ lớn của đất nước, phục vụ rộng rãi và đa dạng việc nghiên cứu, giảng dạy, học tập hoặc các nhu cầu người xem, góp phần khẳng định vai trò của điện ảnh, vừa là ngành nghệ thuật vừa là ngành kinh tế, trở thành một trong những ngành mũi nhọn của công nghiệp văn hóa.

Theo đó, Trung tâm sẽ là nền tảng trực tuyến chính thức của Nhà nước, phát hành và phổ biến phim Việt Nam, bao gồm nhiều thể loại như: Phim truyện, phim tài liệu, phim hoạt hình... Trong số này, có cả những phim Việt Nam kinh điển, phim được sản xuất từ nhiều thời kỳ, những phim từng đạt giải cao tại các kỳ liên hoan phim quốc gia, quốc tế và cả những phim thương mại có doanh thu cao khi ra rạp. Kinh phí thực hiện Đề án từ nguồn ngân sách nhà nước, trong đó Nhà nước cấp 100% kinh phí cho việc đầu tư hệ thống thiết bị và kinh phí vận hành hoạt động trong 5 năm đầu tiên.

Về tiến độ hoạt động của trung tâm, theo như đề án thì giai đoạn 1 sẽ diễn ra từ năm 2022 - 2027 với một phần kinh phí xây dựng đề án ban đầu do Nhà nước cấp; giai đoạn 2 diễn ra từ năm 2028 - 2030 với một phần kinh phí do Nhà nước cấp, phấn đấu đạt từ 1 triệu lượt truy cập kênh, từ 500.000 thuê bao có trả tiền/ năm, cung cấp tối đa 5.000 giờ phim/năm, trong đó phim Việt 2.500 giờ/ năm và phim nước ngoài 2.500 giờ/năm; giai đoạn 3 diễn ra từ 2031 với mục tiêu tự đảm bảo chi phí vận hành, phấn đấu đạt từ 3 triệu lượt truy cập kênh, từ 1,5 triệu thuê bao có trả tiền/năm, cung cấp tối đa 10.000 giờ phim/năm, trong đó phim Việt 3.500 giờ/năm và phim nước ngoài là 6.500 giờ/năm.

Đề án được xem là nhu cầu cấp thiết và xuất phát từ thực tế sự phát triển của nền tảng công nghệ số hóa. Bởi đã có nhiều hãng phim lớn phát hành song song tại rạp và trực tuyến, đồng thời tạo các nền tảng phát hành mới nhằm khai thác triệt để yếu tố thương mại, bước đầu đã thành công. Vì thế, tại hội thảo, nhiều chuyên gia trong ngành nhận định, sự ra đời của trung tâm sẽ giúp hạn chế lãng phí tài nguyên hiện có và là một “bước đệm” mới cho nền điện ảnh nước nhà.

Nhưng vẫn là “bài toán” khó

Hội thảo đã tập trung thảo luận nhiều vấn đề để góp ý, xây dựng đề án “Trung tâm Phát hành và phổ biến phim trực tuyến” đang trong quá trình soạn thảo, tuy nhiên điều mà đa phần các chuyên gia, nhà quản lý vẫn quan ngại đó là “bài toán” về nguồn phim. Phó Viện trưởng Viện Phim Việt Nam Nguyễn Huy Hoàng cho biết, đơn vị này đang bảo quản 80.000 cuộn phim nhựa có nhu cầu được số hóa. Tuy nhiên, mỗi năm Viện chỉ số hóa được 700 cuốn cho độ phân giải 2k vì ít công nghệ, thiếu thiết bị. Tương tự, đại diện Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương cũng cho biết, hiện Hãng đang lưu trữ gần 12.000 cuốn phim nhựa, tuy nhiên việc chuyển đổi sang phim kỹ thuật số là rất khó khăn.

Đại diện Cục bản quyền tác giả cho rằng, để phát triển được Trung tâm, các Bộ, ngành cần phải có sự phối hợp chặt chẽ cùng nhau. Cụ thể, Bộ VHTTDL phối hợp với Bộ TT&TT và Bộ Công an trong công tác bảo mật, kiểm soát nội dung phim, thực hiện hoạt động phát hành, phổ biến trên môi trường mạng Internet theo quy định của pháp luật; Bộ VHTTDL phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ và các Bộ, ngành liên quan hỗ trợ các nguồn lực để trung tâm vận hành hiệu quả; Cục Điện ảnh phối hợp với các cơ quan liên quan để xây dựng đề án số hóa nguồn dữ liệu phim nhựa, từ đó hình thành cơ sở dữ liệu để lưu trữ, quản lý và khai thác, sử dụng…

Nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc cho rằng, Việt Nam có nhiều thuận lợi từ nền tảng công nghệ Internet, độ phủ rộng so với các quốc gia khác trong khu vực, đội ngũ sáng tạo trẻ trung, số lượng phim nội địa được sản xuất có xu hướng gia tăng qua các năm. Chính vì thế, cần phải nắm bắt nguồn lực này và không để điện ảnh nước nhà nằm ngoài xu thế phát triển chung của khu vực cũng như thế giới trong lĩnh vực phát hành và phân phối phim trực tuyến. Nhà quản lý cần đóng vai trò tạo môi trường trong sạch, lành mạnh và minh bạch cho doanh nghiệp phát triển thông qua các văn bản pháp lý rõ ràng và một hệ thống thực thi pháp luật nghiêm minh.

Qua Hội thảo, các nhà làm phim, nhà quản lý đã hoàn toàn thống nhất về sự cần thiết xây dựng Trung tâm Phát hành và phổ biến phim trực tuyến, song cần phải xây dựng thêm đề án số hóa, nhất là số phim của các hãng phim tư nhân. 

BÁ TRƯỜNG

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top