Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Huyện Thiệu Hóa đề xuất dịch chuyển vị trí di tích lịch sử quốc gia đền Trà Đông: Vì sao Sở VHTTDL Thanh Hóa phản ứng?

Thứ Hai 15/08/2022 | 10:47 GMT+7

VHO- UBND huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa) đã đề xuất được dịch chuyển vị trí di tích lịch sử quốc gia đền Trà Đông (xã Thiệu Trung) khoảng cách 16m so với vị trí hiện trạng trong báo cáo phương án tu bổ, tôn tạo di tích này.

 Di tích lịch sử quốc gia đền Trà Đông

Việc này đã vấp phải sự phản ứng từ phía Sở VHTTDL Thanh Hóa, cũng như một số ý kiến trái chiều của các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa. Đền Trà Đông là di tích lịch sử quốc gia năm 1990, nơi thờ Đức Thánh Nguyễn Minh Không, vị tổ sư của nghề đúc đồng ở Trà Đông. Theo hồ sơ di tích đền được xây dựng thời vua Tự Đức (1848), đến năm 1943 được tôn tạo lại. Quy mô bề thế, kiến trúc theo kiểu chữ Đinh (hình chuôi vồ). Bên ngoài là tiền đường 3 gian rộng, không cột mà vẫn vững nhờ hệ thống tường và các vì kèo chắc chắn. Bên trong là hậu cung cũng gồm 3 gian…, xung quanh có cổng tam quan và tường bao. Về quy mô di tích cho đến nay vẫn nguyên như trước kia. Trong hồ sơ lý lịch di tích, đền Trà Đông có 2 hạng mục công trình chính là Tiền đường và Hậu cung (hình chuôi vồ).

Ngày 15.11.2021, UBND huyện Thiệu Hóa có báo cáo gửi UBND tỉnh Thanh Hóa về phương án đầu tư dự án tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử quốc gia đền Trà Đông (xã Thiệu Trung). Trong báo cáo đề xuất, UBND huyện Thiệu Hóa cho biết trải qua thời gian, di tích đã bị xuống cấp nghiêm trọng (kết cấu đỡ mái, mái bị hư hỏng, tường bong tróc, các cấu kiện kiến trúc gỗ bị mục mại…). Để bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân địa phương, du khách thập phương, đồng thời góp phần phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, UBND huyện Thiệu Hóa cho rằng việc triển khai dự án là cần thiết, có tính khả thi cao cả về các mặt kỹ thuật, chính trị - xã hội, môi trường và tổ chức thực hiện.

Đây là dự án nhóm C, chủ đầu tư là Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Thiệu Hóa, tổng mức đầu tư dự kiến hơn 33 tỉ đồng từ ngân sách huyện và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác, thời gian thực hiện dự án không quá 3 năm (2022 - 2024). Cụ thể, tu bổ tòa Đại bái và Hậu cung trên cơ sở quy mô và kiến trúc gốc hiện còn và được dịch chuyển theo hướng đền cũ, về phía sau 16m so với vị trí hiện trạng để mở rộng sân hành lễ ở phía trước, hạng mục nhà Tiền bái (xây dựng năm sau này ở phía trước, bằng vật liệu gỗ tạp đã bị mục mọt) được tôn tạo xây mới bằng gỗ lim. Đồng thời xây dựng các hạng mục: Nghi môn, bình phong, tả vu, hữu vu, nhà trưng bày các sản phẩm nghề đúc đồng Trà Đông, am hóa vàng, nhà vệ sinh, tường rào; cải tạo chỉnh trang khuôn viên di tích, đường vào, sân hành lễ, nâng cấp tôn tạo bãi đỗ xe, hạ tầng kỹ thuật, cây xanh cảnh quan.

Tuy nhiên, việc UBND huyện Thiệu Hóa đề xuất dịch chuyển vị trí di tích gốc về phía sau 16m so với vị trí hiện trạng, đồng thời, xây mới nhà Tiền bái, đã vấp phải sự phản ứng của Sở VHTTDL Thanh Hóa, cũng như một số ý kiến trái chiều của các nhà nghiên cứu, người am hiểu về lịch sử, văn hóa. Theo đó, Sở VHTTDL đã có văn bản gửi Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa trong đó nêu rõ, đề xuất của UBND huyện Thiệu Hóa là chưa có cơ sở khoa học, lịch sử; chưa phù hợp với nội dung, tính chất thờ tự của di tích. Sau đó, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã có ý kiến chỉ đạo giao Sở VHTTDL chủ trì, phối hợp với UBND huyện Thiệu Hóa và các ngành, đơn vị có liên quan, tổ chức khảo sát thực địa, hoàn thiện phương án tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử quốc gia đền Trà Đông. Trong đó phải giữ nguyên vị trí, hiện trạng các công trình kiên cố đang có. Đồng thời nghiên cứu bổ sung các công trình, hạng mục phụ trợ và mở rộng khu đất di tích nêu trên nếu thấy cần thiết.

Theo nhà Nghiên cứu văn hóa Phạm Văn Tuấn, dịch chuyển vị trí tức là thay đổi hiện trạng của di tích, sẽ ảnh hưởng đến ý nghĩa lịch sử của di tích, mà việc này Luật Di sản văn hóa không cho phép. Ông Tuấn cũng khẳng định đền Trà Đông là di tích quốc gia, là nơi thờ ông tổ nghề đúc đồng của cả nước rất có giá trị về lịch sử, văn hóa nên việc xây dựng phương án đầu tư tu bổ, tôn tạo phải hết sức chặt chẽ, đảm bảo các quy định của pháp luật về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích, tạo được sự đồng thuận thống nhất cao. 

 NGUYỄN LINH

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top