Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Cầu thủ Việt xuất ngoại: Còn nhiều gian nan

Thứ Sáu 19/08/2022 | 10:20 GMT+7

VHO- Bóng đá Việt Nam đang sở hữu lứa cầu thủ tài năng từng giúp các đội tuyển quốc gia gặt hái được nhiều thành công trên đấu trường quốc tế. Thế nhưng trong nhiều năm qua, hành trình xuất ngoại của các cầu thủ Việt lại vô cùng khó khăn, những ngôi sao hàng đầu của bóng đá nước nhà rất vất vả tìm chỗ đứng tại các đội bóng mà họ đầu quân.

Dù thể hiện được năng lực tại Thái Lan, nhưng khi chuyển sang thi đấu tại nền bóng đá cao hơn là Nhật Bản thì Văn Lâm không thể tìm được chỗ đứng

 Việc thủ thành số 1 Việt Nam Đặng Văn Lâm về nước thi đấu cho Bình Định sau khi không tìm được vị trí tại CLB Cerezo Osaka ở J-League 1, là minh chứng rõ nhất và mới nhất về sự gian nan của cầu thủ Việt khi ra nước ngoài thi đấu.

Đi để trở về

Sau 4 năm xuất ngoại, thi đấu cho Muangthong United (Thái Lan) và Cerezo Osaka (Nhật Bản), thủ thành Đặng Văn Lâm đã chính thức trở về nước đầu quân cho Bình Định thi đấu tại V.League với bản hợp đồng ba năm rưỡi cùng số tiền lót tay thuộc dạng “khủng” nhất, nhì giới cầu thủ Việt, không dưới 20 tỷ đồng và mức lương tháng xấp xỉ 400 triệu đồng. Tính đến thời điểm hiện tại, Văn Lâm là một trong số ít cầu thủ Việt Nam khá thành công khi xuất ngoại, đặc biệt là giai đoạn đầu thi đấu cho Muangthong United. Tại đội bóng Thái Lan, Văn Lâm là trụ cột khi bắt chính được 42 trận ở Thai League. Dù vậy khi chuyển sang thi đấu tại nền bóng đá cao hơn là Nhật Bản thì Văn Lâm đã không tìm được chỗ đứng ở CLB Cerezo Osaka. Thủ môn mang trong mình 2 dòng máu Việt - Nga chưa có trận đấu nào tại J.League 1, anh chỉ có vỏn vẹn 2 lần bắt chính tại Cúp Hoàng đế và AFC Champions League. Cuối năm 2021, Văn Lâm dính chấn thương vai khá nặng, nghỉ thi đấu vài tháng, chính điều này khiến thủ thành sinh năm 1993 không thể cạnh tranh vị trí tại Cerezo Osaka cũng như không thể cùng đội tuyển Việt Nam thi đấu một số trận tại Vòng loại World Cup 2022. Hành trình “đi để trở về” của Văn Lâm chưa hẳn đã thành công khi anh từ J-League 1 trở về thi đấu tại V.League, nhưng ít ra đó là quyết định đúng đắn của Văn Lâm, nhất là ở khía cạnh chuyên môn cũng như việc có cơ hội cống hiến thường xuyên cho đội tuyển quốc gia.

Chuyên gia bóng đá Đoàn Minh Xương nêu quan điểm: “Có thể cho rằng, việc Văn Lâm trở về khoác áo một đội bóng V.League sẽ là một bước lùi về chuyên môn nhưng cần thiết cho thủ thành này. Văn Lâm ở Nhật Bản không được thi đấu, khi về nước sẽ được ra sân thường xuyên hơn, điều này giúp giữ phong độ. Việc Văn Lâm thường xuyên thi đấu tại V.League cũng là tín hiệu tích cực cho đội tuyển Việt Nam. Khi Văn Lâm thi đấu ở Nhật Bản, anh không thường xuyên được tập trung đội tuyển vì nhiều lý do khác khau. Nhưng khi trở về nước, Văn Lâm được thi đấu thường xuyên, có điều kiện tập trung đội tuyển quốc gia, nhất là khi chúng ta đang chuẩn bị cho mục tiêu quan trọng vào cuối năm là AFF Cup. Khi đó, đội tuyển Việt Nam sẽ luôn có một thủ thành đẳng cấp trong khung gỗ”.

Bốn năm “du học” tại nước ngoài, việc được trui rèn trong môi trường bóng đá đỉnh cao, cộng với nỗ lực và ý chí tuyệt vời giúp Văn Lâm có những bước tiến về chuyên môn. Đó cũng là lý do mà nhiều người tin rằng, thủ thành 29 tuổi này sẽ không gặp nhiều khó khăn để hoà nhập cùng đội bóng mới, nhất là khi tại Bình Định, Văn Lâm có một số đồng đội ở ĐTQG như Đình Trọng hay Tấn Tài.

Bài học về sau

Ngoài Văn Lâm, các đồng đội của anh tại ĐQTG như Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh hay Văn Hậu cũng đã có những chuyến xuất ngoại nhưng đều có một điểm chung là không tìm được chỗ đứng tại các CLB.

Công Phượng là cầu thủ mở đầu chiến lược xuất ngoại cầu thủ hàng loạt của HAGL khi anh tới Mito Hollyhock (Nhật Bản) mùa giải 2016, nhưng được trao rất ít cơ hội. Giai đoạn ở Incheon là thời gian Công Phượng được thi đấu nhiều hơn khi vào sân 8 trận, ghi 1 bàn. Bến đỗ cuối cùng trong đợt xuất ngoại của tiền đạo sinh năm 1995 là Sint Truidense (Bỉ) nhưng chân sút này phần lớn ngồi trên ghế dự bị. Giống Công Phượng, Xuân Trường cũng được chơi bóng ở 3 CLB nước ngoài, lần lượt là Incheon United, Gangwon (Hàn Quốc) và Buriram United (Thái Lan). Xuân Trường chỉ thể hiện được khi thi đấu cho Buriram còn với 2 đội bóng Hàn Quốc, cầu thủ này phần lớn ngồi trên ghế dự bị. Tương tự như 2 người đồng đội ở HAGL, Tuấn Anh cũng không thành công trong màu áo của Yokohama (Nhật Bản) ở mùa 2016 vì chấn thương và gặp khó khăn trong việc thích nghi. Trong khi đó, Đoàn Văn Hậu dù được kỳ vọng rất nhiều nhưng những gì anh “thu hoạch” tại SC Heerenveen (Hà Lan) là sự phát triển về hình thể bên cạnh 4 phút thi đấu cho đội một ở Cúp Quốc gia.

Theo quan điểm của chuyên gia của Đoàn Minh Xương, việc các cầu thủ Việt Nam xuất ngoại chơi bóng chưa thành công chủ yếu do khả năng thích ứng với môi trường mới ở các nền bóng đá cao hơn, trình độ chưa đáp ứng nhu cầu của đối tác, cùng sự thiếu tự tin và thể hình, thể lực còn hạn chế.

Không thể phủ nhận Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh, Văn Hậu hay Văn Lâm đều là những ngôi sao tại Việt Nam, họ đã đều chứng minh được năng lực trong màu áo ĐTQG lẫn CLB nhưng khi sang thi đấu ở nền bóng đá cao hơn, thì đó là câu chuyện hoàn toàn khác. Ở thời điểm hiện tại, Việt Nam chỉ còn duy nhất Quang Hải thi đấu nước ngoài, nhưng cầu thủ này cũng đang gặp rất nhiều khó khăn để hoà nhập với Pau FC tại giải Ligue II của Pháp. Ngoài nhiệm vụ phải đáp ứng được về chuyên môn, có lẽ Quang Hải cần rút kinh nghiệm từ những người đồng hương đi trước để lấy đó làm bài học cho chính mình và hướng tới thành công. Với các cầu thủ khác có ý định ra nước ngoài thi đấu, họ cần xác định đâu là giới hạn của mình và sẽ phát triển năng lực của bản thân đạt đến ngưỡng nào để chọn bến đỗ phù hợp. Tất nhiên bài học từ những cầu thủ đi trước vẫn còn nguyên giá trị, họ cần rút ra những gì mà các đàn anh chưa làm được và còn thiếu để bổ sung, chuẩn bị thật kỹ lưỡng trước khi đi “du học”. 

 VĨNH HẢI

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26272829123
45678910
11121314151617
18192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top