Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

28 Tháng Ba 2024

Trọn đời níu giữ hồn của núi!

Thứ Tư 24/08/2022 | 11:03 GMT+7

VHO- Sinh ra trên vùng đất Khánh Sơn (Khánh Hòa) hùng vĩ; lớn lên trên lưng của bà, của mẹ cùng tiếng ru dìu dặt và những đêm hội cồng chiêng vang vọng núi rừng; để rồi, những thanh âm ấy ăn sâu vào tâm hồn, không bao giờ phai nhạt trong tâm trí nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, nghệ nhân ưu tú Mấu Quốc Tiến...

 Cả cuộc đời nghệ nhân Mấu Quốc Tiến gắn với công tác sưu tầm, lưu giữ và bảo tồn văn hóa của đồng bào Raglai

Vì vậy, dù mơ ước lớn lên sẽ làm người gieo con chữ, đem lại kiến thức cho các thế hệ trẻ mai sau, nhưng ông lại bất ngờ rẽ ngang làm cán bộ văn hóa, gần trọn cuộc đời lăn lộn khắp các cánh rừng, con suối, khắp các bản làng để sưu tầm, bảo tồn văn hóa của đồng bào Raglai. Với ông, đó là niềm say mê, đồng thời là trách nhiệm của một đảng viên, một người con của buôn làng.

Tôi biết nghệ nhân Mấu Quốc Tiến từ khi mới bước chân vào nghề báo, từng theo chân ông đến gặp các nghệ nhân để thâu băng các làn điệu dân ca, đến lớp dạy chữ viết Raglai - truyền dạy sử thi; say mê nghe ông đàn chapi, nói chuyện về văn hóa, phong tục, tập quán, lễ hội của đồng bào…

Chiều Tô Hạp mưa sầm sập. Ngồi cùng ông trong căn nhà nhỏ, bên ly trà nghi ngút khói và bếp lửa rực hồng, ông cười chân chất: “Nghỉ hưu mấy năm nay rồi. Nhưng vẫn là Phó Bí thư chi bộ của thôn và tham gia các hoạt động văn hóa của huyện, vẫn làm công việc sưu tầm, bảo tồn văn hóa cho đến khi nào nhắm mắt xuôi tay…”. Nghe vậy, tôi chợt nghĩ, cả huyện Khánh Sơn, thậm chí cả tỉnh Khánh Hòa này, chắc giờ chỉ còn mỗi ông đam mê với công tác sưu tầm, bảo tồn văn hóa của đồng bào Raglai, ông không làm thì ai làm!

Những miền ký ức

“… Mình sinh năm 1959. Chả nhớ ngày tháng nữa. Hồi nhỏ mình tham gia làm liên lạc, nhà mình là nơi cất giữ vũ khí, đạn dược của du kích. Sau giải phóng mình đi học bổ túc văn hóa, học giáo viên cấp tốc; về huyện làm giáo viên rồi Phó hiệu trưởng Trường bổ túc văn hóa (trường Dân tộc nội trú huyện sau này). Sau mình được cử đi đào tạo ở Trường Trung cấp chính trị tỉnh; trở về, mình tham gia thành lập Trường Đảng huyện (nay là Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện). Hồi ấy cứ nghĩ làm giáo viên để dạy cái chữ cho con em, giúp đồng bào phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần. Nhưng cái máu văn hóa nó như có sẵn trong con người mình rồi. Vừa đi dạy, mình vừa tham gia các hoạt động văn hóa. Từ đầu những năm 1980, mình đã cùng với một số nhà nghiên cứu tham gia sưu tầm và bảo tồn văn hóa Raglai. Lãnh đạo huyện thấy mình có năng khiếu, đam mê với công tác văn hóa, nên năm 1989 mình được điều sang công tác tại Phòng Văn hóa của huyện. Để rồi cả cuộc đời mình gắn bó với công tác sưu tầm, bảo tồn và gìn giữ các nét văn hóa độc đáo của đồng bào…

Thế nhưng, sự phát triển của kinh tế - xã hội, sự giao thoa của các nền văn hóa khác đang làm cho văn hóa của đồng bào Raglai mai một. Lớp trẻ bây giờ chỉ thích nhạc xập xình, thích uống rượu... chứ không còn thích đánh mã la, chơi đàn chapi nữa. Chưa nói đến chữ viết, đến các làn điệu dân ca, sử thi thì càng ít người biết đến...”, giọng ông trầm lắng.

Mưa vẫn xối xả. Cả bầu trời như muốn nghiêng trút hết nước xuống cái thị trấn nhỏ giữa núi rừng trùng điệp này. Ông bùi ngùi: “Hồi ấy nghĩ đơn giản, nếu muốn gìn giữ văn hóa của dân tộc mình thì phải có chữ viết, vì vậy, khoảng năm 1984, mình cùng với nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Sang, Trần Vũ… đã dày công nghiên cứu và hoàn thành bộ chữ viết - mẫu tự latinh tiếng Raglai. Có chữ viết rồi thì mình bắt tay sưu tầm các làn điệu dân ca, sử thi, thành ngữ, tục ngữ... của người Raglai”.

Liên tiếp những năm sau đó, ông cho ra đời hàng loạt công trình nghiên cứu liên quan đến chữ viết của đồng bào Raglai như: Chữ viết Raglai với việc bảo tồn phát triển văn hóa dân gian Raglai; Thành ngữ, tục ngữ Raglai; Tri thức bản địa của người Raglai ở Khánh Hòa; Khánh Hòa - diện mạo một vùng đất (10 tập); Tín ngưỡng người Raglai ở Khánh Hòa; Yếu tố trầm tích trong văn hóa của người Raglai ở Khánh Hòa; các tập truyện sử thi: Akht jucar Raglai, Udai- Ujac, Amã Chisa - Amã cuvau Vongcơi Awơi nãi tilơr dày hơn 10.000 trang, viết bằng song ngữ Việt - Raglai…

Lễ Bỏ mả của đồng bào Raglai đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia

Pho văn hóa sống của đồng bào Raglai

Đêm đã buông từ lúc nào. Núi rừng tĩnh mịch. Ngoài kia chỉ còn đêm tối và cơn mưa dường như làm cho màn đêm thêm lạnh giá. Ông với tay cời than cho bếp lửa thêm rực hồng. Giọng ông có phần phấn khích, tự hào: “Cách đấy mấy năm, sau nhiều nỗ lực, lễ Bỏ mả của đồng bào Raglai ở Khánh Hòa đã được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Điều này không chỉ mình mà người dân nơi đây đều rất vui mừng. Để hoàn thành hồ sơ, mình cùng một số cán bộ, ban, ngành của huyện đã bỏ không ít công sức sưu tầm, chuẩn bị tư liệu, phục dựng về nghi lễ này”.

Năm 2015, ông cùng một số già làng, nghệ nhân hát Sử thi đã được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú. Một số nghệ nhân cao tuổi đã về với núi rừng, hiện cả huyện Khánh Sơn, ngoài ông thì chỉ còn hai người là nghệ nhân Cao Thị Thanh và Cao Thị Quang (xã Thành Sơn) là biết hát sử thi, thuộc các làn điệu dân ca, thành ngữ, tục ngữ của đồng bào Raglai…

Theo ông Tiến, những câu chuyện trong sử thi được truyền từđời này sang đời khác bằng nhiều điệu hát. Chẳng hạn, điệu Siri dìu dặt kéo dài, là lời ru con của các bà, các mẹ Raglai trên rẫy trỉa bắp, trồng mì, hái rau rừng; điệu Majêng ngân nga là lời tâm tình của người mẹvới con thơ khi ru béngủ; điệu Adoh nhanh, rộn ràng thường được dùng cho những buổi sinh hoạt cộng đồng, những mùa lễhội... Để rồi, “những đêm ngồi bên bếp lửa, mình lại nghiền ngẫm từng đoạn, từng câu sửthi. Đoạn nào hay, sống động, mình trích dẫn vàsoạn thành từng tập nhỏđểhát lại cho thếhệtrẻnghe. UBND huyện Khánh Sơn và ngành văn hóa cũng đã nỗ lực hoàn chỉnh bộ sưu tầm đàn đá, mở lớp giảng dạy các nhạc cụ, dạy múa, đánh mã la cho thế hệ trẻ. Có thể truyền lại cho thế hệ sau những điều tốt đẹp từ cha ông là niềm vui, hạnh phúc lớn nhất của mình”, nghệ nhân Mấu Quốc Tiến chia sẻ.

Bên cạnh việc sưu tầm, hát các bài hát sử thi, ông còn giỏi đánh đàn chapi, đánh mã la và tinh thông hầu như mọi nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình. Những phong tục tập quán, luật tục, tín ngưỡng... của đồng bào mình cũng được ông dày công nghiên cứu. Nguồn gốc, hình thức, ý nghĩa của những nghi lễ của đồng bào Raglai như: lễ mừng lúa mới, bỏ mả, phong tục cưới hỏi xưa kia... ông đều tường tận. Ông có thể trò chuyện cả ngày về hầu hết mọi vấn đề liên quan đến văn hóa của dân tộc mình, vì vậy, mọi người yêu mến, gọi ông là “pho văn hóa sống của đồng bào Raglai”.

Cả cuộc đời nghệ nhân Mấu Quốc Tiến dành cho việc sưu tầm, gìn giữ văn hóa của đồng bào mình. Giường như năm nào ông cũng nhận được giải thưởng, bằng khen của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, của tỉnh Khánh Hòa cũng như huyện Khánh Sơn. Năm 2005, ông vinh dự được tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Văn hóa Thông tin; năm 2009, ông nhận Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp phát triển các dân tộc; và năm 2011 là Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp dân gian Việt Nam; Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng năm 2013. “Sang năm là mình nhận huy hiệu 40 năm tuổi Đảng. Mình là đảng viên, mình phải gương mẫu trong việc giữ gìn văn hóa để đồng bào noi theo. Mình sẽ còn làm cho đến khi nào không còn đi được nữa, cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay…”, ông chia sẻ.

“Văn hóa được tôn vinh là sức mạnh mềm, là tâm hồn người Việt Nam. Văn hóa là cội nguồn sức mạnh, là sự đoàn kết, sứ giả kết nối mọi người trong cộng đồng. Nếu mình không gìn giữ văn hóa, không gìn giữ các lễ hội, không kết nối mọi người thì đồng bào rất dễ bị chia rẽ, bị kẻ xấu lợi dụng. Vì vậy, mình nỗ lực giữ gìn văn hóa cũng là giữ gìn sợi dây kết nối, đoàn kết của đồng bào...”, tiếng ông trầm lắng mà rõ ràng trong đêm tĩnh mịch.

Chia tay ông khi cơn mưa đã tạm ngớt, ngoài kia dòng sông Tô Hạp vẫn thao thiết chảy ngược dòng, như con đường mà nghệ nhân Mấu Quốc Tiến đã và đang đi. Đó là con đường sưu tầm, giữ gìn, bảo tồn và phát huy những giá trị tốt đẹp của đồng bào Raglai… 

 Văn hóa được tôn vinh là sức mạnh mềm, là tâm hồn người Việt Nam. Văn hóa là cội nguồn sức mạnh, là sự đoàn kết, sứ giả kết nối mọi người trong cộng đồng. Nếu mình không gìn giữ văn hóa, không gìn giữ các lễ hội, không kết nối mọi người thì đồng bào rất dễ bị chia rẽ, bị kẻ xấu lợi dụng. Vì vậy, mình nỗ lực giữ gìn văn hóa cũng là giữ gìn sợi dây kết nối, đoàn kết của đồng bào...

(Nghệ nhân Ưu tú MẤU QUỐC TIẾN)

 THANH LƯƠNG

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top