Năm học mới tại TP.HCM: Khó khăn do áp lực tăng dân số cơ học

VHO- Tại Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022 và triển khai nhiệm vụ năm học mới 2022-2023 do UBND TP.HCM tổ chức vào sáng qua 25.8, ngành GD&ĐT TP.HCM cho biết, năm học 2021-2022 sẽ là một năm nhiều khó khăn khi vừa tập trung nguồn lực để thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19 vừa phải đảm bảo hoạt động dạy và học.

Năm học mới tại TP.HCM: Khó khăn do áp lực tăng dân số cơ học - Anh 1

Học sinh tiểu học TP.HCM tham gia Ngày hội văn hóa dân gian

 Theo Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM Lê Hoài Nam, về tình hình cơ sở vật chất, nhiều địa phương đang bị ảnh hưởng bởi áp lực tăng dân số cơ học, mật độ dân số cao, số trường và số phòng học chưa đủ đáp ứng triển khai dạy học 2 buổi/ngày cho tất cả học sinh. Bên cạnh đó, nhiều đơn vị gặp khó khăn về trang thiết bị, đồ dùng dạy học đáp ứng yêu cầu Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, ảnh hưởng tới việc nâng cao chất lượng giáo dục. Quá trình xây dựng các trường ngoài công lập nhằm thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục còn nhiều vướng mắc do các địa phương thiếu quỹ đất...

Sở GD&ĐT cũng cho biết, công tác tuyển dụng giáo viên đã có nhiều đổi mới theo hướng phân cấp mạnh mẽ cho cơ sở. Hiện TP đã có nhiều chính sách đặc thù nhằm hỗ trợ, chăm lo đời sống cho giáo viên, nhân viên ngành giáo dục. Tuy nhiên, trong năm học 2021-2022, công tác này thực hiện chậm do ảnh hưởng của dịch Covid-19 dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên, nhất là ở các bộ môn Tiếng Anh, Tin học, Công nghệ, Âm nhạc, Mỹ thuật, tỷ lệ giáo viên/lớp chưa đủ đáp ứng theo quy định, nhất là đối với loại hình học tập 2 buổi/ngày.

Từ những thực tế đó, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu cho biết, năm học 2022-2023, ngành giáo dục đặt ra các nhiệm vụ trọng tâm như: Nâng cao chất lượng thực hiện chương trình giáo dục mầm non, đẩy mạnh công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia; Phát triển mạng lưới triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đối với các khối lớp 3, 7 và 10; Nâng cao chất lượng biên soạn, thẩm định và lựa chọn SGK đối với lớp 4, 8 và 11; Chú trọng đổi mới công tác quản lý, quản trị trường học theo hướng phát huy tính chủ động, linh hoạt của nhà trường và năng lực tự chủ, sáng tạo của tổ chuyên môn, giáo viên trong việc thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Đặc biệt, công tác xã hội hóa, thu hút các nguồn lực đầu tư giáo dục tiếp tục được đẩy mạnh, rà soát các điều kiện đầu tư, chính sách thuế, đất đai trong lĩnh vực giáo dục nhằm cắt giảm các thủ tục không cần thiết, đơn giản hóa quy trình thủ tục, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin nhằm bảo đảm thông suốt, minh bạch, giải quyết kịp thời những thắc mắc của nhà đầu tư trong quá trình thành lập và hoạt động của các cơ sở giáo dục ngoài công lập… Trong năm học mới, TP.HCM tổ chức triển khai thực hiện Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”; Chương trình “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng giai đoạn 2021-2030”; Chương trình “Giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng trên không gian mạng giai đoạn 2022-2030”; Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường triển khai công tác xây dựng văn hóa học đường…

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho biết, hiện nay cả nước nói chung và TP.HCM đang trong tiến trình thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, trong đó tính trung thực cần được đề cao. Trước hết cần đổi mới về tư duy, phương pháp tiếp cận, dũng cảm thay đổi chính mình từ đội ngũ cán bộ quản lý đến thầy cô giáo. Để thực hiện được các mục tiêu đó, cần bắt đầu từ sự gương mẫu của các thầy cô giáo, tạo ra môi trường giáo dục lành mạnh, trung thực, không thành tích ảo. Cụ thể, cần xây dựng hệ thống tiêu chí thi đua khen thưởng theo phương châm nói thật làm thật, chấm điểm thật, thành tích thật, chủ động truyền thông đến từng gia đình, nhà trường, giúp phụ huynh học sinh nắm rõ thông tin về việc học của con em mình.

Được biết, trong năm 2021, toàn Thành phố đưa vào sử dụng 51 dự án với 801 phòng học mới. Dự kiến trong tháng 9.2022, Thành phố tiếp tục đưa vào sử dụng 35 dự án với 575 phòng học với tổng mức đầu tư trên 1.500 tỉ đồng, trong đó, bậc mầm non 210 phòng học; tiểu học 218 phòng học và THCS 147 phòng học. 

 Hiện nay cả nước nói chung và TP.HCM đang trong tiến trình thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, trong đó tính trung thực cần được đề cao. Trước hết cần đổi mới về tư duy, phương pháp tiếp cận, dũng cảm thay đổi chính mình từ đội ngũ cán bộ quản lý đến thầy cô giáo. Để thực hiện được các mục tiêu đó, cần bắt đầu từ sự gương mẫu của các thầy cô giáo, tạo ra môi trường giáo dục lành mạnh, trung thực, không thành tích ảo.

(Bí thư Thành ủy TP.HCM NGUYỄN VĂN NÊN)

ANH HUY

Ý kiến bạn đọc