Du lịch 6 tỉnh Việt Bắc: Xây dựng sản phẩm tiêu biểu, kiên trì liên kết để cùng nhau phát triển

VHO- “Sau 12 năm triển khai, chương trình hợp tác du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển du lịch của các tỉnh, đưa vùng Việt Bắc trở thành điểm du lịch hấp dẫn”, ông Đặng Quốc Khánh, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang khẳng định tại Hội thảo Xây dựng phát triển sản phẩm du lịch và Công bố sản phẩm du lịch trong liên kết 6 tỉnh Việt Bắc do Bộ VHTTDL phối hợp với Tỉnh ủy, UBND 6 tỉnh Việt Bắc tổ chức ngày 26.8 tại thành phố Hà Giang.

Du lịch 6 tỉnh Việt Bắc: Xây dựng sản phẩm tiêu biểu, kiên trì liên kết để cùng nhau phát triển - Anh 1

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng và các đại biểu thực hiện nghi thức Công bố sản phẩm mới du lịch trong liên kết vùng 6 tỉnh Việt Bắc

Tham dự Hội thảo có Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng, lãnh đạo Tổng cục Du, Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch, thường trực UBND và lãnh đạo Sở quản lý du lịch các tỉnh Việt Bắc. Về phía tỉnh Hà Giang còn có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đức Quý; lãnh đạo các sở, ban, ngành; hơn 80 doanh nghiệp tham gia 3 đoàn khảo sát sản phẩm 6 tỉnh Việt Bắc (từ ngày 23-28.8).

Không thể thuyết phục du khách nếu di chuyển giữa 2 tỉnh giáp ranh mất 6-7 giờ

Việt Bắc (gồm 6 tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên) được đánh giá là khu vực có hệ thống tài nguyên du lịch nhân văn nổi trội gắn liền với bản sắc văn hóa độc đáo của các dân tộc như: Tày, Nùng, Mông, Dao… được thể hiện qua các lễ hội văn hóa dân gian, ẩm thực, nghề thủ công truyền thống, kiến trúc, chợ phiên… Vùng này có địa hình đa dạng và khí hậu trong lành, thiên nhiên thuần khiết hoang sơ, núi non trùng điệp, tạo ra những cảnh quan tuyệt đẹp và hệ sinh thái hết sức phong phú, là lợi thế của khu vực Việt Bắc trong việc tạo ra những sản phẩm du lịch tiêu biểu và hấp dẫn.

Một đặc trưng khác của vùng Việt Bắc là hệ thống di tích lịch sử cách mạng gắn với giai đoạn kháng chiến chống Pháp (1941- 1954), mang giá trị văn hóa, lịch sử to lớn;  có tính tâm linh và giáo dục sâu sắc. Vùng chiến khu Việt Bắc gắn với các di tích lịch sử cách mạng như: ATK Tân Trào, Định Hóa, Chợ Đồn; các di tích lịch sử Đông Khê, Thất Khê, Phay Khắt, Nà Ngần, cụm di tích Bác Hồ với chiến dịch biên giới 1950, khu di tích chiến thắng Đông Khê, Khu di tích quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo (Cao Bằng); căn cứ địa cách mạng Bắc Sơn (Lạng Sơn)… đều là di tích lịch sử mang ý nghĩa tri ân, giáo dục cho mọi tầng lớp nhân dân và cũng là tiềm năng để xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng của các địa phương.

Sự phát triển du lịch trên địa bàn các tỉnh Việt Bắc đã và đang góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và xuất khẩu tại chỗ; bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, tài nguyên thiên nhiên; tạo nhiều việc làm, nâng cao đời sống nhân dân; đẩy mạnh quá trình hội nhập quốc tế quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, đây là địa bàn phát triển muộn hơn, đồng thời cũng là vùng có nhiều khó khăn nhất so với các vùng khác trên cả nước, nên số lượng khách du lịch đến vùng còn hạn chế, hiệu quả kinh tế du lịch còn khiêm tốn, chiếm tỉ trọng nhỏ trong cơ cấu kinh tế địa phương.

Du lịch 6 tỉnh Việt Bắc: Xây dựng sản phẩm tiêu biểu, kiên trì liên kết để cùng nhau phát triển - Anh 2

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, Bí thư tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đức Quý, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình chủ trì Hội thảo

Tại hội thảo, các đại biểu đã một lần nữa khẳng định về tiềm năng, lợi thế của các tỉnh Việt Bắc để phát triển du lịch và cùng thảo luận xác định mục tiêu xây dựng, định vị thương hiệu du lịch vùng, đẩy mạnh liên kết hợp tác phát triển du lịch, thu hút đầu tư. Rất nhiều ý kiến xoay quanh việc xây dựng các sản phẩm du lịch đặc sắc, có tính liên kết, góp phần đưa du lịch các tỉnh trong vùng Việt Bắc phát triển nhanh trong những năm tới. Mục tiêu là đưa đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân đi lên, vui vẻ, hạnh phúc.

Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Đặng Quốc Khánh cho biết: Hà Giang xác định du lịch là một trong ba đột phá của tỉnh trong giai đoạn 2020- 2025, và tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng để phục vụ phát triển du lịch, liên kết vùng.

Trong đó, hạ tầng giao thông là yếu tố quan trọng hàng đầu trong việc kết nối du lịch của các địa phương. Khách du lịch không có nhiều thời gian, việc chỉ di chuyển giữa 2 tỉnh giáp nhau (Cao Bằng- Hà Giang) mà mất 7-8 giờ đồng hồ thì không thể thuyết phục được du khách. Hà Giang quyết tâm đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, có cao tốc, sân bay, có đường liên huyện tốt. Bên cạnh đó, hạ tầng điện, viễn thông cũng phải được chú trọng.

Để việc liên kết phát triển du lịch vùng Việt Bắc thiết thực hơn, hiệu quả hơn, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang đề nghị các địa phương, doanh nghiệp 6 tỉnh Việt Bắc cần xây dựng kế hoạch liên kết hợp tác phát triển du lịch cụ thể, thường xuyên đánh giá kết quả thực hiện, có giải pháp khắc phục kịp thời những hạn chế.

Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang cũng cho rằng liên kết phát triển du lịch vùng cần có biện pháp hữu hiệu để bảo vệ tài nguyên du lịch và giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc ở địa phương; đồng thời đảm bảo theo nguyên tắc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử cách mạng trên địa bàn chiến khu.

Tập trung phát triển sản phẩm du lịch gắn với nông nghiệp, sản phẩm OCOP mang tính đặc thù của địa phương, xây dựng tour, tuyến du lịch, tạo chuỗi sản phẩm du lịch đặc sắc. Tăng cường hợp tác xúc tiến quảng bá sản phẩm du lịch liên kết; xây dựng đề án xúc tiến chung cho từng giai đoạn cụ thể. Phát triển đồng bộ hạ tầng, cơ sở vật chất, nối liền các điểm tham quan, du lịch. Có cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho công ty lữ hành đến khảo sát xây dựng kết nối tour, tuyến du lịch, tạo chuỗi sản phẩm du lịch đặc sắc, phong phú, đa dạng…

Bí thư Đặng Quốc Khánh cũng cho biết Hà Giang đang tập trung phát triển du lịch đồng thời với tạo sinh kế cho người dân, thay đổi tư duy của bà con vùng cao, thúc đẩy giao lưu văn hóa giữa các dân tộc, xóa bỏ các phong tục, hủ tục lạc hậu, đẩy lùi nghèo đói. Phát triển du lịch phải gắn với bảo vệ môi trường. Hà Giang dừng tất cả các dự án thủy điện, khai thác quặng để phát triển bền vững, đảm bảo giữ dân, giữ biên cương, giữ đất, bảo vệ môi trường. Ông Đặng Quốc Khánh cũng kêu gọi các tỉnh vùng Việt Bắc chú ý việc bảo vệ môi trường để phát triển bền vững.

Du lịch 6 tỉnh Việt Bắc: Xây dựng sản phẩm tiêu biểu, kiên trì liên kết để cùng nhau phát triển - Anh 3

Lãnh đạo các tỉnh Việt Bắc ký kết chương trình hợp tác phát triển du lịch giai đoạn 2022-2027

Đổi mới tư duy, kiên trì liên kết

Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Trần Đức Quý bày tỏ: “Mặc dù rất cố gắng, quyết tâm nhưng do những yếu tố chủ quan và khách quan, việc liên kết trong hơn chục năm qua hiệu quả chưa đạt như mong muốn. Đã có những lúc chúng tôi băn khoăn: Không biết có nên để nhóm này tiếp tục không?”

Qua phát biểu của Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng, ông Trần Đức Quý đề nghị các tỉnh tiếp tục thúc đẩy liên kết này và phải có sản phẩm, mỗi địa phương phải có sản phẩm tiêu biểu, đổi mới cách làm, tư duy mới để cùng nhau phát triển.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Lê Hải Hòa chúc mừng Hà Giang vì trong 6 tỉnh Việt Bắc, Hà Giang làm du lịch tốt nhất, bài bản nhất, hiệu quả nhất. Tuần văn hóa du lịch 6 tỉnh Việt Bắc và Hà Nội 2022 cũng có sự tham dự và phát biểu của Bộ trưởng và Bí thư tỉnh ủy Hà Giang. Sản phẩm đặc trưng của địa phương trở từ Hà Giang xuống không kịp bán, rất đông du khách tham quan, tìm hiểu du lịch các tỉnh. Ông Lê Hải Hòa lấy thêm ví dụ, từ Cao Bằng sang Hà Giang, tới khu nghỉ dưỡng PaPiu (huyện Bắc Mê) mất gần 7 giờ. Chúng tôi rất mong có mô hình như vậy tại Cao Bằng. Điều đó cũng cho thấy mặc dù khó khăn nhưng địa phương đồng hành,  tháo gỡ cơ chế, tạo điều kiện để du lịch phát triển. Nếu chọn cách làm đúng, bài bản, có sự quan tâm của người đứng đầu, thu hút được các nhà đầu tư, sự vào cuộc của các doanh nghiệp thì du lịch địa phương vùng Việt Bắc có thể phát triển.

Trong bài phát biểu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nói rằng đó không phải là chỉ đạo vì đang trao đổi, thảo luận tại Hội thảo nhưng chúng tôi cho rằng đây hoàn toàn là những định hướng đúng, chỉ đạo sát sao. Tiềm năng thấy rõ nhưng cũng phải nhận diện được những khó khăn. Khó khăn đầu tiên của các tỉnh này phải là kết nối giao thông. Hiện nay các tỉnh không kết nối được gì ngoài kết nối đường bộ. 2 tỉnh liền kề nhưng có khi cũng không kết nối được vì rào cản giao thông. Trong 3 tuyến khảo sát sản phẩm du lịch lần này, tuyến 1: “Hành trình kết nối di sản UNESCO Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Hà Giang - Cao Bằng - Lạng Sơn” mà chúng tôi đang rất kỳ vọng phát huy được danh hiệu, giá trị của các công viên địa chất toàn cầu trong phát triển du lịch để có thể tăng nguồn thu từ du lịch, hình thành tour, tuyến cụ thể và có sự tham gia của các doanh nghiệp. Trong quá trình liên kết, các tỉnh cũng phải tính toán, tránh tình trạng sản phẩm na ná nhau, đi 1 điểm mà biết cả vùng.

Du lịch 6 tỉnh Việt Bắc: Xây dựng sản phẩm tiêu biểu, kiên trì liên kết để cùng nhau phát triển - Anh 4

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Trần Đức Quý (phải) trao Cờ luân lưu đăng cai chương trình năm 2023 cho Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang Hoàng Việt Phương

Cao Bằng cũng tập trung vào các sản phẩm du lịch qua biên giới và hi vọng khi dịch Covid-19 được đẩy lùi, sẽ thực hiện Hiệp định hợp tác bảo vệ và khai thác tài nguyên du lịch thác Bản Giốc (Việt Nam) - Đức Thiên (Trung Quốc). Theo Hiệp định này, mỗi địa phương sẽ dành ra 200 ha để khai thác chung, xây dựng lối mở đặc biệt để khách du lịch 2 nước và nước thứ 3 qua lại mà không cần giấy tờ.

Bên cạnh đó, Cao Bằng mong muốn phát triển “du lịch đỏ” và con đường Việt Bắc. Chúng tôi cũng kiến nghị Bộ Ngoại giao và cơ quan có thẩm quyền để mở lại lối mở đặc biệt 108 là nơi Bác Hồ về nước năm 1941 và lãnh đạo cách mạng Việt Nam từ đây, hình thành ra các sản phẩm về nguồn đặc sắc.

Phó Chủ tịch tỉnh Cao Bằng Lê Hải Hòa cũng cho rằng, hiện nay toàn vùng Việt Bắc đang rất thiếu các điểm dừng chân. Chúng tôi trong nhiệm kỳ này sẽ hình thành các điểm dừng chân gắn với các dịch vụ phụ trợ, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, OCOP sao cho du khách đến với các tỉnh Việt Bắc trong đó Cao Bằng thấy được giá trị đặc trưng riêng của vùng, từng địa phương và từ đó tấu lên một “bản nhạc phát triển hài hòa”, “có nhạc trưởng chỉ đạo” để cùng nhau quảng bá hình ảnh, lan tỏa vẻ đẹp, giá trị thiên nhiên, văn hóa của Việt Bắc tới bạn bè trong nước và quốc tế; phát triển du lịch bền vững, cùng thắng, cùng có lợi.

THÚY HÀ; ảnh: DUY TUẤN

Ý kiến bạn đọc