Rộn ràng... đường đến trường!

VHO-Chỉ còn một tuần nữa, năm học 2022-2023 sẽ chính thức bắt đầu. Đại dịch Covid-19 đã không còn hoành hành nên công tác chuẩn bị cho lễ khai giảng được các trường trên cả nước chuẩn bị chu đáo để sẵn sàng chào đón các em học sinh...

Rộn ràng... đường đến trường! - Anh 1

 Cán bộ giáo viên Trường PTDT bán trú Tiểu học và THCS Tà Tổng trang trí trường, lớp đón năm học mới

 Tất bật cho lễ khai giảng

Tại trường PTDT bán trú Tiểu học và THCS Tà Tổng, xã Tà Tổng, huyện vùng cao Mường Nhé (Lai Châu), không khí của năm học mới đã rộn ràng hiện hữu. Có mặt tại trường vào ngày 24.8, chúng tôi chứng kiến các thầy, cô giáo đang hối hả chăng cờ, kết hoa, dọn dẹp, vệ sinh trường lớp. Đội văn nghệ của Trường cũng đang tích cực tập luyện các tiết mục để biểu diễn trong lễ khai giảng.

Thầy Lê Quốc Phòng, Phó hiệu trưởng Nhà trường cho biết, sau 2 năm Covid-19 khiến việc dạy và học bị gián đoạn, đặc biệt đối với trường vùng sâu, vùng xa như Tà Tổng, trang thiết bị hỗ trợ việc học trực tuyến không bảo đảm, thì việc năm nay các em được trực tiếp đến trường khiến cả thầy và trò đều rất vui mừng.

Tà Tổng hiện có 854 học sinh (330 em bán trú) và 58 giáo viên. Toàn trường có 31 lớp, trong đó 6 lớp ở 4 điểm trường bản và 25 lớp trung tâm. Mỗi học sinh được nhà nước hỗ trợ 596.000 đồng tiền ăn/tháng, gạo được cấp riêng. Chế độ dinh dưỡng được bảo đảm, trường có cán bộ y tế chăm sóc sức khỏe cho học sinh và giáo viên.

Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho lễ khai giảng và đón chào năm học mới đã gần như hoàn tất. Một niềm vui khác đến với nhà trường là năm nay, được sự hỗ trợ của Quân khu 2, trường đã có 16 phòng bán trú kiên cố, khang trang để học sinh có chỗ ăn ở, yên tâm học tập.

Không khí chào đón năm học mới cũng đến rất gần đối với thầy trò Trường PTDT bán trú THCS Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ (Lai Châu). Những ngày cuối tháng 8, mặc dù trời mưa gió, nhưng thầy trò vẫn miệt mài tập luyện văn nghệ; trường lớp đã được vệ sinh sạch sẽ, ngăn nắp.

Tại Thanh Hóa, cô Hoàng Thị Lan, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Hoằng Hóa 2 cho biết, theo khung thời gian năm học 2022-2023 đã được UBND tỉnh phê duyệt, ngày 29.8 học sinh toàn trường sẽ tựu trường và ngày 5.9 sẽ làm lễ khai giảng. Năm học 2022-2023, trường có tổng số 1.346 học sinh, 77 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Công tác chuẩn bị cho năm học mới đã hoàn tất. Toàn bộ giáo viên và cán bộ quản lý đã được tập huấn đầy đủ để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Sau lễ khai giảng, học sinh sẽ học luôn buổi học đầu tiên của năm học mới.

Tại Hà Nội, Sở GD&ĐT cho biết, thực hiện Kế hoạch số 139/KH-UBND về việc đầu tư xây dựng, cải tạo trường học công lập đủ điều kiện đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022-2025 của UBND TP Hà Nội, lĩnh vực GD&ĐT dự kiến sẽ được đầu tư 653 dự án với kế hoạch vốn 20.913,4 tỉ đồng để giải bài toán khó khăn về cơ sở vật chất khi quy mô dân số tăng nhanh khiến nhiều trường học quá tải, tỷ lệ học sinh trên lớp cao.

Thầy Phạm Văn Ngát, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thanh Trì cho biết, năm học 2022-2023, toàn huyện có 86 trường các cấp từ mầm non đến THPT và 125 nhóm lớp, lớp mầm non độc lập tư thục. So với năm học 2021-2022, năm nay toàn huyện đã tăng 99 lớp. Mặc dù số lớp, số học sinh ở các cấp tăng nhưng với sự đầu tư của huyện và sự chuẩn bị chu đáo của các trường nên về cơ bản đã bố trí đủ số phòng học cho học sinh. Hiện các trường đã chủ động rà soát, sửa chữa và bổ sung đủ tài liệu giảng dạy, học phẩm, đồ dùng và thiết bị dạy học cho giáo viên phục vụ năm học mới. 100% CBQL, GV được cấp tài khoản quản lý học tập và hoàn thành chương trình tập huấn CTGDPT 2018 đối với lớp 3,7.

Rộn ràng... đường đến trường! - Anh 2

 Niềm vui khi được đến trường

Chuẩn bị điều kiện thực hiện chương trình GDPT mới

Năm học 2022-2023 là năm đầu tiên chương trình giáo dục phổ thông mới được triển khai ở cả ba cấp: Tiểu học (lớp 1, 2, 3), THCS (lớp 6, 7) và THPT (lớp 10). Để triển khai hiệu quả chương trình mới, Sở GD&ĐT tỉnh Điện Biên đã chỉ đạo Phòng GD&ĐT các huyện, thị xã, thành phố chuẩn bị chu đáo các điều kiện để thực hiện đúng tiến độ, đúng kế hoạch; ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học…

Đối với tỉnh Lai Châu, năm học 2022-2023, toàn tỉnh có tổng số 150.921 học sinh các cấp, trong đó tiểu học là 58.939, THCS là 40.179, THPT là 11.128 học sinh. Thực trạng thiếu giáo viên khiến việc sắp xếp đội ngũ giảng dạy tại các cơ sở giáo dục gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, ngành GD&ĐT cũng đã chủ động chuẩn bị để triển khai thực hiện chương trình mới đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10 đúng quy trình và thời gian quy định.

Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng cũng cho biết, ngay khi vừa kết thúc năm học 2021-2022, ngành GD&ĐT đã bắt tay ngay vào công tác chuẩn bị cho năm học mới 2022-2023. Theo đó, Sở đã chỉ đạo các Phòng GD&ĐT quận, huyện, các trường THPT, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên chuẩn bị chu đáo cho kế hoạch triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 3, 7 và 10 như sắp xếp, bổ sung đội ngũ giáo viên, bổ sung thiết bị đồ dùng dạy - học, mua sắm sách giáo khoa...

Năm học 2022-2023 cận kề, dẫu còn những bất cập, thiếu thốn, đặc biệt là thiếu giáo viên ở nhiều địa phương, nhưng công tác chuẩn bị cho năm học mới trên cả nước đã và đang hoàn tất. Các trường đã sẵn sàng đón chào học sinh, khắc phục khó khăn để quyết tâm thực hiện thành công kế hoạch năm học mới, đặc biệt là Chương trình giáo dục phổ thông 2018. 

 HOÀNG HƯƠNG

Ý kiến bạn đọc