Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

28 Tháng Ba 2024

Xúc động lễ cưới tập thể của 100 cặp đôi tại TP.HCM

Thứ Tư 07/09/2022 | 15:36 GMT+7

VHO- Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân (Thành đoàn TP.HCM) đã tổ chức Lễ cưới tập thể năm 2022 miễn phí cho 100 cặp đôi thanh niên công nhân có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc tại TP.HCM và các tỉnh lân cận. Hân hoan trong trang phục lễ cưới truyền thống, các cặp đôi không khỏi bồi hồi, xúc động khi hôn lễ có sự chứng kiến của lãnh đạo thành phố, họ hàng hai bên, bạn bè, người thân cùng nhiều đồng nghiệp. Dù hoàn cảnh, việc làm khác nhau, song họ đều có chung niềm hạnh phúc, chung lễ cưới trong một ngày trọng đại đáng nhớ.

Các cặp đôi chuẩn bị tiến vào lễ đường

Xuất phát từ trụ sở Thành Đoàn TP.HCM, 100 đôi uyên ương lên xe buýt 2 tầng di chuyển qua các tuyến đường lớn tại trung tâm thành phố rồi đến dâng hoa trước tượng đài Bác Hồ. Tại đây, đại diện Thành Đoàn TP.HCM và các ban, ngành đã trao tặng Huy hiệu Thành phố cho 100 đôi cô dâu, chú rể. Tiếp đến, các đôi uyên ương di chuyển về Trung tâm Hội nghị tiệc cưới Long Biên Palace (quận Gò Vấp, TP.HCM) để tiến hành các nghi lễ. Quà tặng, hỗ trợ cặp đôi tham gia chương trình lễ cưới tập thể gồm: nhẫn cưới, áo cưới, hình để cổng, bàn tiệc 10 người, trang điểm cô dâu miễn phí, hoa cầm tay, vật dụng gia đình… Chương trình còn tặng phương tiện di chuyển (xe đạp điện), tặng 20 căn phòng mơ ước (miễn phí 1 năm tiền phòng trọ) cho những cặp đôi có hoàn cảnh khó khăn. Lễ cưới tập thể năm 2022 không chỉ dành riêng cho các công nhân, người lao động khó khăn mà còn dành cho các tình nguyện viên tham gia chống dịch Covid-19. Theo anh Thổ Hoài Phong, Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên công nhân TP.HCM, lễ cưới tập thể là chương trình mang tính chất nhân văn, ý nghĩa, sâu sắc. “Chương trình không chỉ dành riêng cho thanh niên công nhân đang sinh sống và làm việc tại khu chế xuất, khu công công nghiệp, nhà máy, cơ sở sản xuất mà còn dành cho lao động tự do, làm thuê, buôn bán, phụ hồ, chạy xe ôm... Đặc biệt, chương trình còn nới vòng tay đến các cặp đôi như: khiếm thị, khuyết tật… ở các tỉnh như: Bình Dương, Tây Ninh, Tiền Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, An Giang, Sóc Trăng… Tính từ năm 2007 đến nay, chương trình tổ chức đám cưới cho 1.022 cặp đôi”, anh Phong cho biết.

Cổng hoa cưới kỷ lục cũng là một điểm nhấn trong đám cưới tập thể năm nay

Có mặt tại địa điểm tập trung từ lúc trời còn chưa sáng để trang điểm, thay trang phục cô dâu chú rể nhưng các đôi vợ chồng vẫn cười rất rạng rỡ. Xuyên suốt chương trình, những ánh mắt, nụ cười tràn ngập hạnh phúc luôn hiện hữu. Còn vui hơn khi nhiều em nhỏ được góp mặt trong ngày vui trọng đại của ba mẹ mình. Như gia đình của anh Mến (quê Bạc Liêu) và chị Niên (quê Quảng Ngãi) sau một năm quen nhau đã về chung một nhà và đến nay vỏn vẹn 12 năm. Cặp đôi cho biết, họ đến với nhau chỉ bằng một buổi lễ ra mắt hai bên gia đình, đến nay dù đã có một người con 9 tuổi, nhưng cả hai vẫn chưa có được một lễ cưới trọn vẹn. Anh Mến tâm sự: “Do hoàn cảnh hai bên gia đình khó khăn, lại cách xa cả 1.000 km, nên mình đã từng nghĩ sẽ không đến được với nhau, nhưng thương nhau quá nên gia đình hai bên làm một lễ ra mắt chứ chưa có được đám cưới. Chưa bao giờ mình dám nghĩ, hai vợ chồng sẽ có được một lễ cưới như thế này, một lễ cưới quá đặc biệt và nhiều bất ngờ. Niềm hạnh phúc ngay lúc này mình không thể nào diễn tả thành lời.”

Cũng là một trong 100 đôi hạnh phúc, anh Huỳnh Thanh Dũng và chị Thạch Thị Út, cùng là dân tộc Khmer (Trà Vinh) bày tỏ niềm xúc động. Dù quen nhau đã lâu nhưng cả hai không có điều kiện tổ chức đám cưới. Dịch Covid-19 ập đến, hai anh chị đều thất nghiệp và quyết định dọn về sống chung sau một bữa cơm đạm bạc. Thế rồi, nhờ một người bạn giới thiệu, anh Dũng và chị Út quyết định đăng ký chương trình để tìm kiếm cơ hội. Niềm vui vỡ òa khi cả hai nghe tin mình sẽ có được một đám cưới như đã từng mơ. “Hai vợ chồng tôi cảm thấy rất hạnh phúc khi có một lễ cưới ấm áp, đầy đủ nghi lễ và chung vui cùng 99 cặp anh chị khác, điều mà cả hai chưa từng dám nghĩ đến. Không chỉ được tổ chức đám cưới, mà chúng tôi còn được tặng rất nhiều phần quà, cũng như được hỗ trợ rất nhiều từ phía ban tổ chức, các nhà tài trợ. Vợ  chồng tôi không có gì hơn, chỉ biết nói lời cảm ơn rất rất nhiều”, anh Dũng không giấu được cảm xúc.

Hay câu chuyện của chị Nguyễn Thị Lành và anh Trần Phước Hậu (TP Dĩ An) chỉ mới đăng ký kết hôn mà chưa tổ chức được đám cưới như mong ước. Lành là cô giáo dạy cấp ba, còn Hậu làm trong ngành dược. Khi dịch Covid-19 bùng phát, họ cùng bạn bè, người quen gom góp tiền mua rất nhiều rau từ Đà Lạt về tiếp tế cho công nhân nghèo ở các xóm trọ. Anh chị còn hỗ trợ người dân đi chợ, mang thực phẩm đến người khó khăn trong khu cách ly, phong tỏa và rất nhiều hoạt động ỹ nghĩa xuyên suốt mùa dịch. Sau những tháng ngày hy sinh ấy, “quả ngọt” cũng đã đến với gia đình anh chị khi nghe tin mình sẽ là 1 trong 100 cặp được hỗ trợ tổ chức đám cưới. Càng tuyệt vời hơn, khi cả hai nhận được sự chúc phúc của gia đình, bạn bè, đồng nghiệp và đặc biệt là đứa con gái thân yêu của mình. Và còn rất rất nhiều câu chuyện cảm động của các cặp đôi khác, nhưng sau tất cả, họ đã có được một đám cưới đầy hạnh phúc, đầy niềm vui và đầy ắp kỷ niệm.

Bà Phan Thị Thanh Phương, bí thư Thành Đoàn TP.HCM cho biết: “Lễ cưới tập thể là nơi để nhiều cặp vợ chồng công nhân, lao động có hoàn cảnh khó khăn hiện thực hóa ước mơ về một đám cưới tưởng chừng như xa vời. Chương trình không chỉ tôn vinh một nét đẹp văn hóa của người Việt Nam mà còn cổ vũ cưới hỏi văn minh, tiết kiệm”. Trải qua hành trình 13 năm, tới nay, chương trình đám cưới tập thể tại TP.HCM đã tổ chức thành công cho gần 1000 cặp đôi, góp phần chia sẻ khó khăn, góp phần giúp cuộc sống của thanh niên công nhân ngày càng tốt đẹp hơn. Chứng kiến biết bao sự đổi thay theo chiều hướng ngày càng tích cực của các cặp đôi, lễ cưới tập thể chính là một câu chuyện hạnh phúc lứa đôi, là cầu nối tiếp thêm động lực, niềm tin xây dựng ước mơ cho bao công nhân, người lao động trên toàn thành phố và ngày càng được mở rộng.

HỒNG HẠNH

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top