Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

28 Tháng Ba 2024

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hoàng thành Thăng Long- Hà Nội

Thứ Năm 08/09/2022 | 14:25 GMT+7

VHO- Kỷ niệm 50 năm Công ước Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới- Công ước 1972; 20 năm nghiên cứu, khai quật, phát lộ Hoàng thành Thăng Long- Hà Nội (2002 -2022), trong hai ngày 8- 9.9, UBND TP. Hà Nội phối hợp Văn phòng UNESCO Hà Nội và Hội Khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “20 năm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội”.

Hội thảo khoa học quốc tế “20 năm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội”

Dự hội thảo có Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng; Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương; Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam; các chuyên gia thuộc UNESCO, ICOM, ICOMOS; lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương và Hà Nội; đại diện các bảo tàng, khu di sản thế giới của Việt Nam, đông đảo các nhà khoa học Việt Nam và các nước trong khu vực.

Về phía quốc tế, có bà Nao Hayashi, đại diện Trung tâm Di sản thế giới, phụ trách khu vực c hâu Á - Thái Bình Dương; bà Marie Laure Lavenir, Chủ tịch Hội đồng Di tích và Di chỉ quốc tế (ICOMOS) -cơ quan tư vấn độc lập cho UNESCO; ông Christian Manhart, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam…

Cuộc khai quật lớn nhất lịch sử Việt Nam và khu vực

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, khai quật Khu di tích Hoàng thành Thăng Long là cuộc khai quật lớn trong lịch sử ngành khảo cổ học Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Với những giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học đặc biệt của di tích, Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội đã được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt năm 2009, được UNESCO ghi danh vào Danh mục Di sản văn hóa thế giới, đúng dịp tổ chức Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội (1010-2010).

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu khai mạc

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương khẳng định: “Trong số 3 “cố đô” của Việt Nam được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới (Cố đô Hoa Lư, Cố đô Huế và Hoàng Thành Thăng Long), Hoàng thành Thăng Long có nét độc đáo riêng, thể hiện sự nối tiếp, liên tục trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc. Đây được coi là trung tâm chính trị quan trọng bậc nhất trong hệ thống các kinh đô của Việt Nam- nơi hội tụ các giá trị lịch sử, văn hóa của dân tộc qua hàng ngàn năm lịch sử”.

Theo Thứ trưởng, trải qua hơn 20 năm nghiên cứu, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản, Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Đến nay, về cơ bản các khuyến nghị của UNESCO đã và đang tiếp tục được các cơ quan quản lý di sản của TP. Hà Nội thực hiện đầy đủ, từ việc củng cố bộ máy tổ chức và tăng cường vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội, đến việc bổ sung nguồn nhân lực, đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý di sản; xây dựng và ban hành các quy chế bảo vệ di sản; xây dựng và thực thi các kế hoạch quản lý, quy hoạch và đầu tư nguồn lực tài chính để triển khai các dự án bảo vệ, bảo tồn, tu bổ, tôn tạo di sản, ngăn chặn các nguy cơ tác động, ảnh hưởng xấu tới di sản, tăng cường công tác nghiên cứu khoa học...

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương phát biểu tại Hội thảo

Lãnh đạo Bộ lưu ý, công tác quản lý Di sản Thế giới Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội vẫn còn đặt ra nhiều khó khăn, thách thức đòi hỏi các nhà quản lý, nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu và giải quyết từ nhiều góc độ khác nhau. “Hội thảo này sẽ là cơ hội tốt nhất để chúng ta góp thêm tiếng nói, kinh nghiệm, trí tuệ cho công tác quản lý, bảo tồn di sản có tầm quan trọng không chỉ của Việt Nam, mà còn của cộng đồng quốc tế. Đặc biệt, Hội thảo này càng có ý nghĩa hơn khi diễn ra trong bối cảnh UNESCO đang tổ chức các hoạt động hướng tới Lễ kỷ niệm 50 năm Công ước về Bảo vệ Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới...”, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương phát biểu.

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chử Xuân Dũng nhấn mạnh, Hội thảo với nhiều góc nhìn khoa học từ các chuyên gia trong nước và quốc tế đã phân tích, đánh giá hai nội dung quan trọng: kết quả 20 năm nghiên cứu di sản Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội và phát huy giá trị di sản. “Những kết quả của Hội thảo sẽ là cơ sở khoa học để Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội đưa ra các phương án khôi phục, tái hiện các di sản kiến trúc cung điện trong thời gian tới...”.

Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long- Hà Nội Nguyễn Thanh Quang cho biết, sau hơn 10 năm, quy hoạch chi tiết bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích  Trung tâm Hoàng thành Thăng Long- Hà Nội (tỉ lệ 1/500) đã được  phê duyệt, việc thực hiện những cam kết của Thủ tướng Chính phủ  với UNESCO về cơ bản đã được thực hiện đầy đủ. “Công tác bảo vệ, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản cũng đã được thực hiện tốt. Các hoạt động tuyên truyền, quảng bá giá trị khu di sản được tập trung và đẩy mạnh; nhiều trưng bày, triển lãm đã thu hút số lượng lớn  du khách; các hoạt động nghiên cứu khoa học có những kết quả tốt đáp ứng nhu cầu thực tiễn của khu di sản...”, ông Nguyễn Thanh Quang cho hay.

Ông Christian Manhart, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam

Ông Christian Manhart, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam đánh giá: “Tại Hà Nội, Hoàng thành Thăng Long là minh chứng cho hơn 10 thế kỷ giao lưu và ảnh hưởng văn hóa từ khắp châu Á. Ngày nay, các tầng văn hóa khảo cổ phản ánh những bước phát triển nối tiếp nhau của các triều đại đã trị vì. Hiếm có di sản nào trên thế giới thể hiện tính liên tục lâu dài như Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long. Vẫn còn nhiều lớp khảo cổ chưa được khám phá dưới lòng đất”, ông Christian Manhart nêu.

Chính sách tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị của di sản

Nhằm phát huy giá trị di sản trong thời gian tới, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh, Bộ VHTTDL mong muốn qua hội thảo sẽ bổ sung, làm rõ hơn về các cơ sở tư liệu khoa học; đồng thời có đề xuất các phương án phù hợp nhằm khôi phục một cách hữu hiệu Khu Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long - Hà Nội, bảo tồn một công viên lịch sử nơi giáo dục truyền thống, tham quan du lịch và nghiên cứu khoa học; đề xuất các giải pháp triển khai kế hoạch quản lý di sản  giai đoạn 2022 -2027, tầm nhìn 2035 và các giải pháp quản lý,phát huy giá trị di sản HoàngThành Thăng Long - Hà Nội… “Những kinh nghiệm được chia sẻ, gợi mở sẽ là những định hướng quý báu để Bộ VHTTDL, UBND TP. Hà Nội và các đơn vị liên quan tiếp tục nghiên cứu, áp dụng vào thực tiễn quản lý đối với Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội và các Di sản Thế giới ở Việt Nam...”, lãnh đạo Bộ VHTTDL khẳng định.

Theo ông Phạm Vinh Quang, Tổng thư ký Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, Vụ trưởng Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO, trong suốt 35 năm tham gia Công ước 1972, Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam thường xuyên cam kết là kênh kết nối nhanh nhất, mang lại hiệu quả cao nhất trong việc thúc đẩy các hoạt động nâng cao năng lực, chuyên môn bảo tồn di sản, thúc đẩy hợp tác quốc tế và giáo dục di sản. Ông cũng cho rằng, công tác quản lý Di sản thế giới Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long -Hà Nội còn gặp một số khó khăn trong việc nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản, nhất là việc bảo tồn và phát huy các di tích khảo cổ nằm sâu dưới lòng đất. “Hội thảo là dịp để các nhà nghiên cứu và hoạch định chính sách quốc tế, trong nước cùng nhau nhìn lại chặng đường hoạt động 20 năm qua, cùng thảo luận, trao đổi các kinh nghiệm và bài học quý giá giữa các cơ quan quản lý di sản tương tự của các nước trên thế giới và nước ta để cùng nhau tháo gỡ những rào cản, xây dựng chính sách tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị của di sản”, ông Phạm Vinh Quang nêu.

Các chuyên gia, nhà khoa học đồng thuận rằng kết quả hội thảo sẽ là cơ sở để Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long-Hà Nội đưa ra các chính sách và các biện pháp phù hợp, nhất là các giải pháp khảo cổ và ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ để phát huy giá trị của di sản, mở rộng hợp tác quốc tế. Đồng thời, hội thảo cũng là dịp thúc đẩy hoạt động quảng bá các giá trị đặc sắc văn hóa Thăng Long-Hà Nội, Việt Nam lan tỏa trong nước và ra thế giới.

Nhìn lại tổng quan kết quả 20 năm khảo cổ học kinh đô Thăng Long (2002-2022) và 10 năm Khảo cổ học khu vực Không gian chính điện Kính thiên (2011-2022), PGS.TS Tống Trung Tín nhấn mạnh, các cuộc khai quật khảo cổ học ở khu vực kinh đô Thăng Long và khu vực Trung tâm Hoàng thành Thăng Long đã phát lộ một hệ thống di tích và di vật lịch sử đồ sộ minh chứng tiêu biểu, xác thực cho lịch sử- văn hóa Thăng Long, lịch sử- văn hóa Việt Nam phát triển liên tục qua hơn 1000 năm lịch sử. “Các giá trị lịch sử- văn hóa của Thăng Long đạt 3 tiêu chí nổi bật toàn cầu đã đem lại cho Việt Nam và nhân loại một di sản thế giới mà giá trị to lớn của nó đã được các chuyên gia quốc tế khẳng định: “Để hiểu biết lịch sử nhân loại, di tích này không thể thiếu được”...”, PGS.TS Tống Trung Tín khẳng định.

PGS.TS Tống Trung Tín

Đối với việc tăng cường nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị của khu di sản, ông Tín cho biết, công tác khai quật khảo cổ học đã đem lại nguồn tư liệu xác thực, góp phần tích cực và quyết định vào việc xây dựng nhiều chương trình bảo tồn, phát huy giá trị của khu di sản như: xây dựng khu bảo tồn các di tích khảo cổ học tại 18 Hoàng Diệu; nghiên cứu, khôi phục không gian Chính điện Kính Thiên; nghiên cứu, xây dựng Bảo tàng Hoàng cung Thăng Long; nghiên cứu các phương án phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể của Kinh đô Thăng Long. “Nghiên cứu, khôi phục không gian Chính điện Kính Thiên dựa theo kết quả nghiên cứu khảo cổ học và nghiên cứu tổng hợp  là nhiệm vụ được chú ý đặc biệt, bởi vị trí và tầm quan trọng đặc biệt của không gian Chính điện Kính Thiên...”, theo PGS.TS Tống Trung Tín.

PHƯƠNG ANH; ảnh: LẠI TẤN

Print
Tags: Di sản

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top