Cần có chiến lược truyền thông quốc gia về du lịch

VHO-Bộ VHTTDL cần xây dựng chiến lược truyền thông quốc gia về du lịch để các địa phương có cơ sở xây dựng kế hoạch, bước đi cụ thể trong việc đặt hàng các cơ quan báo chí để truyền thông về du lịch một cách bài bản và hiệu quả hơn. Đây là ý kiến được nhiều đại biểu chia sẻ tại Chương trình gặp gỡ thân mật lãnh đạo các cơ quan báo chí Trung ương và TP.HCM về công tác truyền thông du lịch diễn ra trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế TP.HCM lần thứ 16 (ITE HCMC 2022).

Tại buổi gặp mặt, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng cho biết, du lịch TP.HCM luôn dẫn đầu cả nước về lượng khách quốc tế, doanh thu du lịch và là một trong những điểm đến được yêu thích do các tổ chức quốc tế bình chọn. TP.HCM cũng là địa bàn có nhiều cơ quan báo chí hoạt động mạnh nhất trong cả nước với 19 cơ quan báo chí của Thành phố, 161 cơ quan báo chí Trung ương đặt văn phòng đại diện và cử phóng viên thường trú, 10 chi nhánh đơn vị hoạt động truyền hình, 46 đơn vị hoạt động truyền hình thu qua vệ tinh, 28 cơ quan báo chí của địa phương… với đầy đủ các loại hình báo chí, hầu hết các báo đều có chuyên mục về du lịch. Đây là một lợi thế rất lớn đối với ngành du lịch Thành phố trong công tác truyền thông và quảng bá, xúc tiến du lịch, bà Thắng nhấn mạnh.

Cần có chiến lược truyền thông quốc gia về du lịch - Anh 1

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng  phát biểu tại sự kiện

Theo bà Thắng, những thông tin chính thống trên báo chí đã trở thành “điểm tựa” cho ngành du lịch vững tin trong hoạt động thực hiện đúng đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước trong suốt thời gian qua. Sự phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch thời gian qua có sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan báo chí trong công tác truyền thông, góp phần lớn vào việc thu hút khách du lịch nội địa và quốc tế đến Việt Nam. Tuy vậy, vấn đề truyền thông du lịch vẫn cần được đầu tư bài bản, chuyên nghiệp hơn để có được sức mạnh hợp lực, tạo điểm nhấn đủ mạnh cho công tác xúc tiến và quảng bá du lịch. Riêng đối với ngành du lịch TP.HCM, cho đến nay vẫn chưa có chiến lược truyền thông, thiếu chính sách đủ lớn cho công tác truyền thông đúng tầm, quy mô còn nhỏ nên chưa tạo được chuyển biến mạnh về sức hút cho du lịch Thành phố, bà Thắng nhìn nhận.

Cần có chiến lược truyền thông quốc gia về du lịch - Anh 2

Các đại biểu tham dự buổi gặp gỡ lãnh đạo các cơ quan báo chí Trung ương và TP.HCM

Tại buổi gặp gỡ, lãnh đạo các cơ quan báo chí đã chia sẻ những sáng kiến, giải pháp truyền thông cho sự phát triển du lịch, nhất là trong giai đoạn phục hồi và phát triển bền vững. Nhà báo Trần Trọng Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phụ trách phía Nam – Chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM đề xuất, Bộ VHTTDL cần có chiến lược truyền thông quốc gia về du lịch để cho các địa phương dựa vào đó xây dựng kế hoạch, bước đi cụ thể hơn để công tác truyền thông thật sự bài bản và hiệu quả. Đồng thời hướng dẫn các địa phương thành lập bộ phận chuyên trách truyền thông về du lịch để làm đầu mối cung cấp thông tin chuyên nghiệp, chủ động hơn cho cơ quan báo chí truyền thông nhanh chóng, kịp thời đến với bạn đọc. Không nên để các cơ quan báo chí “tự bơi” như hiện nay. Bên cạnh đó, bồi dưỡng chuyên môn, cập nhật kịp thời chính sách du lịch cho đội ngũ phóng viên, tổ chức giải thưởng cấp toàn quốc chuyên về du lịch. Đối với các địa phương, nên tăng cường đặt hàng với các cơ quan báo chí để có cơ chế đẩy mạnh truyền thông du lịch hiệu quả. Tạo thuận lợi cho phóng viên tham gia khám phá thực tế các điểm đến, trải nghiệm các mô hình mới…
Cùng nhận định, nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn, Tổng Biên tập báo Thanh Niên cho rằng, cần sớm xây dựng chiến lược truyền thống quốc gia về du lịch, bởi công tác truyền thông điểm đến hiện nay chưa đủ sức hấp dẫn du khách, trong khi đó Việt Nam không thiếu tiềm năng, lợi thế du lịch để quảng bá. Bên cạnh đó, nên có cơ chế đặt hàng cụ thể hơn để tháo gỡ phần nào khó khăn về kinh phí tuyên truyền cho các cơ quan báo chí hiện nay. 

Cần có chiến lược truyền thông quốc gia về du lịch - Anh 3

Nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn, Tổng Biên tập báo Thanh Niên chia sẻ tại buổi gặp mặt

Đề xuất các giải pháp cụ thể, nhà báo Lê Thế Chữ, Tổng Biên tập Báo Tuổi Trẻ cho rằng, TP.HCM cần có nhiều hơn sự kiện văn hóa, thể thao và nghệ thuật mang tầm quốc tế để định vị thương hiệu của một điểm đến du lịch trẻ trung, sống động và tràn đầy hứng khởi của Việt Nam. Cụ thể như tổ chức lễ hội âm nhạc đường phố quốc tế tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, hay lễ hội quốc tế về ánh sáng trên sông Sài Gòn, các sự kiện thể thao mang tầm cỡ…
Theo ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ VHTTDL), sắp tới sẽ xây dựng giải pháp chung mang tầm quốc gia về cơ chế, chính sách cho công tác truyền thông, quảng bá du lịch Việt Nam, làm nền tảng cho các địa phương có kế hoạch triển khai thực hiện đi vào chiều sâu và hiệu quả hơn, nhất là trong giai đoạn khôi phục các hoạt động kinh tế sau đại dịch.

HOÀNG HẢI - THÙY TRANG

Ý kiến bạn đọc