Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Người lao động mong được nghỉ Tết sớm

Thứ Sáu 09/09/2022 | 10:16 GMT+7

VHO- Tổng LĐLĐ Việt Nam vừa có văn bản trả lời Bộ LĐ,TB&XH về việc lấy ý kiến các Bộ, ngành về ngày nghỉ Tết âm lịch và Quốc khánh năm 2023. Riêng đối với ngày nghỉ Tết Nguyên đán, thay vì chọn một trong 2 phương án được đưa ra là nghỉ 7 hoặc 9 ngày, Tổng LĐLĐ Việt Nam đề xuất phương án thứ 3 là nghỉ 8 ngày.

 Kết quả khảo sát của Báo điện tử VnExpress về các phương án nghỉ Tết âm lịch 2023

Cụ thể, đối với công chức, viên chức Tổng LĐLĐ đề xuất thời gian nghỉ Tết âm lịch năm 2023 từ thứ Năm ngày 19.1.2023 đến hết thứ Năm ngày 26.1.2023 dương lịch (tức từ ngày 28 tháng Chạp năm Nhâm Dần đến hết ngày mùng 5 tháng Giêng năm Quý Mão); đi làm vào thứ 6 ngày 27.1.2023 (tức ngày mồng 6 tháng Giêng) và làm bù thêm vào thứ Bảy ngày 28.1.2023 dương lịch (tức ngày mồng 7 tháng Giêng năm Quý Mão). Ở phương án này, người lao động sẽ được nghỉ từ ngày 28 Tết với tổng cộng 8 ngày, trong đó có 3 ngày nghỉ trước Tết và 5 ngày nghỉ sau Tết.

Mong muốn được nghỉ trước Tết dài hơn

Trước đó, Bộ LĐ,TB&XH có văn bản xin ý kiến Bộ, ngành hai phương án nghỉ Tết Nguyên đán 2023 (Quý Mão) trong 7 ngày hoặc 9 ngày. Theo phương án 1, công chức, viên chức sẽ nghỉ Tết Nguyên đán 2023 từ ngày 20.1.2023 (thứ Sáu, tức 29 tháng Chạp năm Nhâm Dần) đến hết ngày 26.1.2023 (thứ Năm, tức ngày 5 tháng Giêng năm Quý Mão). Với phương án này, công chức, viên chức sẽ được nghỉ 7 ngày, bao gồm 5 ngày nghỉ Tết Nguyên đán và 2 ngày nghỉ bù theo quy định của Bộ luật Lao động.

Còn với phương án 2, công chức, viên chức nghỉ Tết Nguyên đán 2023 từ ngày 21.1.2023 (thứ Bảy, ngày 30 tháng Chạp năm Nhâm Dần) đến hết Chủ nhật ngày 29.1.2023 (tức ngày mùng 8 tháng Giêng năm Quý Mão). Theo phương án này, công chức, viên chức sẽ nghỉ tổng cộng 9 ngày. Trong đó, có 5 ngày nghỉ Tết Nguyên đán và 2 ngày nghỉ bù theo quy định của Bộ luật Lao động và 2 ngày nghỉ hằng tuần.

Về đề xuất này, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, với vai trò là tổ chức của người lao động, khi có văn bản của Bộ LĐ,TB&XH, Tổng LĐ đã tổ chức thăm dò ý kiến của người lao động và cán bộ Công đoàn, với kết quả là hơn 80% đồng tình với phương án nghỉ 9 ngày. Tuy nhiên, sau khi phân tích và cân nhắc, Tổng LĐ đã quyết định đề xuất một phương án thứ 3 là nghỉ 8 ngày bắt đầu từ ngày 28 tháng Chạp và đi làm chính thức vào ngày mùng 6 Tết, sau đó người lao động sẽ làm thêm ngày mùng 7 (thứ Bảy của tuần sau Tết) để bù cho ngày nghỉ 28 tháng Chạp. “Sau khi chúng tôi đưa ra 3 phương án để thăm dò thì phương án thứ 3 của Tổng LĐ được lựa chọn của người lao động và công đoàn đồng ý với tỷ lệ 93%”, ông Hiểu nói.

Lý giải về phương án thứ 3 này, Phó Chủ tịch Tổng LĐ LĐ Việt Nam cho rằng, sau hơn hai năm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, công nhân viên chức, người lao động đã có cái Tết không trọn vẹn khi mà họ phải hạn chế đi lại, không ít người lao động ở lại địa phương nơi đang làm việc, trong khi đối tượng người lao động di cư chiếm tương đối nhiều. Thứ nữa, phương tiện giao thông và hạ tầng giao thông còn gặp nhiều khó khăn, vì vậy chúng ta phải tìm giải pháp phương pháp nào đó tốt nhất cho người lao động, giảm tình trạng bị ùn tắc đường, giảm tai nạn giao thông trong quá trình di chuyển về quê. Mặt khác, là Tết truyền thống của người Việt Nam nên việc sắm Tết, chuẩn bị Tết là rất quan trọng. Do đó, nếu nghỉ trước Tết dài hơn sẽ giúp cho người lao động, nhất là lao động nữ có thời gian để chuẩn bị Tết chu đáo, có thời gian về thăm quê hương gia đình. “Với phương án nghỉ từ ngày 28 tháng Chạp, chúng tôi muốn công nhân lao động được thỏa mãn mong muốn của mình nhưng đồng thời chia sẻ chung với Chính phủ, với người sử dụng lao động khi chúng ta đang trong giai đoạn phục hồi phát triển kinh tế và chính các doanh nghiệp cũng muốn người lao động được nghỉ sớm. Nhiều chủ doanh nghiệp nói rằng, nếu không cho người lao động nghỉ sớm thì họ không về kịp Tết và họ không yên tâm công tác, không yên tâm làm việc, sẽ ảnh hưởng tới năng suất cũng như an toàn lao động, thêm khó khăn cho doanh nghiệp”, phía đại diện người lao động cho hay.

Tổng LĐLĐ Việt Nam đã có đề xuất bằng văn bản gửi tới Bộ LĐ,TB&XH và mong muốn được Thủ tướng Chính phủ sẽ lựa chọn phương án này, nhằm đáp ứng được nguyện vọng của đông đảo công chức, viên chức, công nhân lao động, cán bộ công đoàn và cũng như của nhân dân. Được biết, đến thời điểm này, Bộ Nội vụ và Bộ GTVT là hai trong số 16 cơ quan đồng tình với Bộ LĐ,TB&XH về phương án nghỉ Tết 7 ngày.

Nhiều người lao động phải đón Tết xa quê hương

Nghi lễ trước Tết âm lịch mang nhiều ý nghĩa

Từ xưa đến nay, dù có đi làm ăn xa đến mấy thì cứ đến Tết Nguyên đán những người con đất Việt đều mong muốn trở về để đoàn tụ gia đình, quây quần bên mâm cơm tất niên, rồi cùng chia sẻ những câu chuyện một năm qua, chúc nhau những lời chúc an lành trong năm mới. Sau ngày ông Công ông Táo (23 tháng Chạp) là báo hiệu Tết đã bắt đầu.

Trả lời về các phương án nghỉ Tết, GS Từ Thị Loan, Viện Nghiên cứu Văn hóa nghệ thuật cho biết: “Tôi cũng ủng hộ phương án cho người lao động nghỉ sớm bởi rõ ràng là theo truyền thống, có rất nhiều công việc để chuẩn bị đón Tết cổ truyền nên cần nhiều thời gian hơn. Đầu tiên là trang hoàng nhà cửa, sơn vôi ve, hay đơn giản là quét mạng nhện. Sau đó là lau dọn ban thờ mang ý nghĩa tâm linh để nhớ về tổ tiên, bàn thờ phải sạch sẽ, được lau bằng nước thơm... Những công việc như về quê tảo mộ, sắm mâm ngũ quả cũng rất nhộn nhịp đối với người Việt”. Cũng theo nhà nghiên cứu văn hóa Từ Thị Loan, mỗi dịp Tết đến nhà nào không có cành đào thì cũng có cây quất, có cành mai hay một bó hoa tươi, gia chủ cũng phải mất một buổi để đi mua sắm. Dù thời đại mới, nhiều gia đình vẫn giữ nếp gói bánh chưng, đòi hỏi sự góp công sức của nhiều thành viên trong gia đình. Dù chợ mở sớm hơn nhưng theo thói quen, nhiều người vẫn mua sắm, tích trữ thực phẩm để có một cái Tết tươm tất...

“Già có bát canh, trẻ có manh áo mới” hay truyền thống biếu quà Tết cho cha mẹ, ông bà, anh chị em là những phong tục tập quán tốt đẹp mà mỗi người cần lưu giữ ngay cả trong thời hiện đại. Vì vậy, cần cho người lao động được nghỉ sớm để họ lo sắm Tết cho gia đình. Những ngày trước Tết này không chỉ là tạo không khí háo hức, đoàn tụ mà còn có ý nghĩa lưu giữ truyền thống văn hóa Tết Việt trong mỗi gia đình” , GS Từ Thì Loan nói. 

 QUỲNH HOA

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top