Phát huy nguồn lực xã hội hóa, đẩy mạnh sáng tạo VHNT trong sự nghiệp phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô

VHO – Đó là chủ đề hội thảo do Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật (VHNT) Hà Nội tổ chức sáng 22.9 tại Hà Nội. Tại Hội thảo, các đại biểu đưa ra nhiều giải pháp trong việc đổi mới hoạt động hội, nhằm tập hợp, tạo điều kiện cho hội viên sáng tạo, tiếp cận cái mới, tạo cảm hứng sáng tác; các giải pháp để phát triển công nghiệp văn hoá Thủ đô.

Phát huy nguồn lực xã hội hóa, đẩy mạnh sáng tạo VHNT trong sự nghiệp phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô - Anh 1

Hội thảo nêu ra nhiều giải pháp phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô

Mục đích của Hội thảo là nhằm tìm ra các giải pháp để xây dựng nguồn lực xã hội hóa, đẩy mạnh sáng tạo văn học nghệ thuật, đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Các tham luận trình bày tại Hội thảo đã nêu rõ vai trò của VHNT trong việc phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô; thực trạng xây dựng nguồn lực xã hội hóa trong sáng tạo văn học, nghệ thuật; khuyến khích sự phối hợp giữa nhà nước, đơn vị nghệ thuật - văn nghệ sĩ và tổ chức, doanh nghiệp tư nhân trong việc đầu tư sáng tác, quảng bá, công bố tác phẩm văn học, nghệ thuật chất lượng, trong đó, có sự ưu đãi trong vay vốn, thuế, không gian, địa điểm…

Đồng thời, các đại biểu cũng đưa ra nhiều giải pháp trong việc đổi mới hoạt động hội, nhằm tập hợp, tạo điều kiện cho hội viên sáng tạo, tiếp cận cái mới, tạo cảm hứng sáng tác; các giải pháp để nâng cao chất lượng sáng tác văn học, nghệ thuật…

Phát biểu tại Hội thảo, NSND Trần Quốc Chiêm, Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội nhấn mạnh, ngày 22.2.2022, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết nêu rõ 6 quan điểm, 1 mục tiêu chung và 3 mục tiêu cụ thể tương ứng với 3 mốc thời gian như trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Đại hội XVII Đảng bộ thành phố đến năm 2025, năm 2030 và năm 2045. VHNT có thể xem là xương sống, là nguồn lực của các ngành công nghiệp văn hóa. Nhưng thực tế, văn học, nghệ thuật Thủ đô hiện nay có nhiều tiềm năng, lợi thế những chưa đóng góp nhiều cho phát triển công nghiệp văn hóa.

Theo Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội, VHNT là xương sống, là nguồn lực của các ngành công nghiệp văn hóa. Điện ảnh, âm nhạc mang lại nguồn doanh thu khổng lồ. Một số ngành công nghiệp khác như văn học, nghệ thuật thị giác đóng góp doanh thu trực tiếp không nhiều nhưng lại cung cấp kịch bản văn học, hình tượng, cách diễn đạt cho công nghiệp văn hóa phát triển.

"Không một đất nước nào phát triển thành công công nghiệp văn hóa chỉ nhờ ngân sách, nhân lực từ Nhà nước. Nguồn lực xã hội hóa sẽ không đầu tư cho văn hóa, văn học nghệ thuật nếu họ không được hưởng lợi, không nhìn thấy lợi ích, không được hỗ trợ, ưu đãi cho vay vốn, miễn giảm thuế, cho thuê không gian", NSND Trần Quốc Chiêm nhấn mạnh.

HUY ANH

Ý kiến bạn đọc