Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Vòng xòe bất tận ở Mường Lò

Thứ Bảy 24/09/2022 | 16:19 GMT+7

VHO- Tối nay 24.9, Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và khai mạc Lễ hội Văn hóa Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng quốc gia đặc biệt ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022 sẽ được trang trọng tổ chức tại Sân vận động thị xã Nghĩa Lộ (phường Pú Trạng, thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái). 

Đây sự kiện văn hóa, du lịch có ý nghĩa quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái và vùng Tây Bắc Việt Nam, nhằm tôn vinh di sản với sức sống mãnh liệt; tri ân những nỗ lực thầm lặng, bền bỉ của cộng đồng và lớp lớp nghệ nhân trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản; giới thiệu, quảng bá về Nghệ thuật Xòe Thái tới du khách trong và ngoài nước; thúc đẩy trách nhiệm trao truyền di sản giữa các thế hệ và thực hành di sản trong đời sống đương đại.

Sau nghi lễ đón nhận bằng của UNESCO ghi danh "Nghệ thuật Xòe Thái" với sự tham gia của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, điểm nhấn của đêm tôn vinh di sản là chương trình nghệ thuật với chủ đề "Xòe Thái - Tinh hoa miền di sản", với sự tham gia của trên 3000 diễn viên, nghệ nhân, nhân dân, trong đó màn đại xòe chưa từng có với quy mô 2022 người. Trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ cũng bố trí 6 khu vực có màn hình LED và không gian rộng để người dân, du khách cùng theo dõi sự kiện và tham dự trải nghiệm các điệu Xòe Thái.

Chương trình nghệ thuật với chủ đề “Xòe Thái - Tinh hoa miền di sản” sẽ tái hiện một không gian nghệ thuật vô cùng đặc sắc với những câu chuyện về cội nguồn của đồng bào Thái, những nét văn hóa độc đáo, tinh túy và đặc sắc nhất trong đời sống văn hóa, tinh thần của cộng đồng người Thái ở Tây Bắc Việt Nam.

Chương trình gồm 3 chương: Thiên di - Dựng bản lập mường, là câu chuyện tái hiện truyền thuyết từ hàng ngàn năm trước, thủa “tạo đi tìm mường”, hai anh em Tạo Xuông, Tạo Ngần đã dẫn dắt các họ người Thái làm nên những cuộc thiên di lịch sử. Sau nhiều thế kỷ, tiếp nối đời này qua đời khác, người Thái đã xuôi theo các dòng sông, con suối và những thung lũng trù phú, để dựng bản, lập mường, khai phá những vùng đất mới và tạo nên những cánh đồng lúa rộng lớn “Nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc” của vùng Tây Bắc.

Miền di sản, thể hiện những nét văn hóa độc đáo trong đời sống của cộng đồng người Thái Tây Bắc Việt Nam qua những hoạt cảnh: “Tắm suối”: thể hiện vẻ đẹp của người phụ nữ Thái; “Hạn Khuống”: miêu tả một hình thức lễ hội, sinh hoạt văn hóa văn nghệ dân gian hết sức độc đáo, đặc sắc; là nơi để mọi người thỏa sức sáng tạo, trổ tài; là nơi để các chàng trai, cô gái trao đổi tâm tình, mượn lời ca tiếng nhạc để tỏ lời yêu thương, yêu nhau để rồi kết tóc, xe duyên, xây dựng gia đình hạnh phúc; “Đám cưới - Tằng cẩu”: diễn tả hình ảnh về lễ cưới và một nghi lễ không thể thiếu trong đám cưới truyền thống của người Thái để răn dạy cô dâu về sự chung thủy và tuân theo các khuôn khổ, phép tắc của nhà chồng; “Dệt thổ cẩm”: thể hiện sự khéo léo của đôi tay cô gái Thái khi trao gửi tình cảm và giành tâm huyết để dệt nên chiếc khăn Piêu - tín vật của tình yêu đôi lứa. Dệt thổ cẩm cũng là một nghề truyền thống gắn liền với đời sống của đồng bào Thái có nhiều nét độc đáo, đã và đang được lưu giữ, bảo tồn.

Tinh hoa nghệ thuật Xòe là những màn trình diễn nghệ thuật Xòe Thái hoành tráng, đẹp mắt, với sự tham gia của 2.022 nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên nghệ thuật chuyên nghiệp và diễn viên quần chúng; thể hiện qua những hình tượng mang ý nghĩa văn hóa và nhân văn sâu sắc: hình tượng xòe cộng đồng với các vòng tròn tượng trưng cho 4 cộng đồng người Thái ở các tỉnh Yên Bái, Sơn La, Lai Châu và Điện Biên; hình tượng vòng thời gian thể hiện giá trị tinh thần độc đáo được lưu truyền ngàn đời trong nghệ thuật Xòe của người Thái; hình tượng hoa văn thổ cẩm thể hiện ứng xử với thiên nhiên, con người, muôn màu thiên nhiên hòa trong bức tranh thổ cẩm Tây Bắc; hình tượng “Khau cút” thể hiện nét văn hóa độc đáo trong kiến trúc nhà sàn của người Thái, ẩn chứa những quan niệm sâu sắc về cuộc sống và cội nguồn dân tộc; hình tượng hoa ban nở tượng trưng cho vẻ đẹp thuần khiết, bừng sáng của núi rừng Tây Bắc mỗi dịp Xuân về.

Kết thúc chương trình sẽ là không gian sôi động trong những vòng Xòe bất tận, với sự tham gia của các đại biểu và du khách, thể hiện tinh thần đại đoàn kết cộng đồng và chúc mừng Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh Nghệ thuật Xòe Thái vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Trong khuôn khổ sự kiện, nhiều hoạt động sôi nổi cũng được tổ chức, với sự tham gia của các tỉnh có di sản, các tỉnh Tây Bắc và TP. Hồ Chí Minh như: Diễu diễn đường phố; Trưng bày và trình diễn văn hóa các dân tộc; Hội chợ sản phẩm OCOP, đặc sản các vùng miền và văn hóa ẩm thực năm 2022; Triển lãm ảnh di sản Nghệ thuật Xoè Thái và Ảnh đẹp du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng

Chương trình diễu diễn đường phố giới thiệu hình ảnh trang phục và những làn điệu dân ca, dân vũ truyền thống của dân tộc Thái và một số dân tộc tại các địa phương. Tham gia có trên 500 nghệ nhân và người dân. Ngoài tổ chức chương trình diễu diễn vào tối ngày 24.9.2022, thị xã Nghĩa Lộ tổ chức thêm các đoàn diễu diễn vào buổi tối các ngày cuối tuần trong tháng 9.2022.

Trưng bày, triển lãm ảnh di sản “Nghệ thuật Xoè Thái” và “Ảnh đẹp du lịch 8 tỉnh Tây Bắc” mở rộng diễn ra từ ngày 22- 27.9.2022 tại Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, phường Tân An, thị xã Nghĩa Lộ.  Hội chợ sản phẩm OCOP, đặc sản các vùng miền và văn hóa ẩm thực năm 2022 có sự tham gia của 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng và TP. Hồ Chí Minh diễn ra từ ngày 23- 29.9 tại Sân vận động, phường Pú Trạng, thị xã Nghĩa Lộ.

 Không gian trưng bày và trình diễn văn hóa các dân tộc có sự tham gia của các tỉnh: Yên Bái, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, diễn ra từ ngày 22- 26.9 tại Trung tâm Truyền thông và Văn hoá thị xã Nghĩa Lộ. Không gian trưng bày và trình diễn những nét văn hóa truyền thống tiêu biểu của các dân tộc của địa phương qua trang phục, nghề thủ công, nông cụ sản xuất, nghệ thuật trình diễn dân gian, trích đoạn lễ hội truyền thống...

Trong không gian này, Sở TTTT tỉnh Yên Bái sẽ phối hợp với Cục Thông tin cơ sở, Bộ TTTT tổ chức trưng bày Triển lãm ảnh, tư liệu tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

PHƯƠNG ANH

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top