Khơi dậy sức sống bài chòi

VHO-Quảng Ngãi đã thành lập nhiều câu lạc bộ, nhóm bài chòi và đưa bài chòi vào trường học... Các hoạt động Liên hoan nghệ thuật bài chòi được công chúng đón nhận nồng nhiệt. Mặc dù hiện nay có nhiều phương tiện công nghệ điện tử lấn sân, nhưng từng lời ca, tiếng hát bài chòi vẫn có đất sống.

Khơi dậy sức sống bài chòi - Anh 1

 Câu lạc bộ Dân ca bài chòi góp phần đưa nghệ thuật bài chòi đến gần hơn với công chúng

Lời ca mộc mạc nhưng đầy ý nghĩa

Thầy giáo Nguyễn Mạnh Tùng, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Phổ Cường (thị xã Đức Phổ) đã cất công sưu tầm tư liệu, hình ảnh hoàn thành báo cáo nghiên cứu khoa học đề tài “Giữ gìn và phát huy nghệ thuật dân ca bài chòi trong cộng đồng”. Đề tài này đoạt giải Nhì Hội thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp tỉnh. Thầy Tùng chia sẻ, Ban Giám hiệu nhà trường đã mời nghệ nhân ưu tú Võ Duy Khánh luyện tập cho các em múa hát để ghi hình, hoàn thành video tham dự hội thi. Giọng ca trong trẻo ngân nga, luyến láy của các em khiến thầy cô vô cùng thích thú. Người nghệ nhân say sưa ca hát, truyền dạy kỹ năng luyến láy, ngân nga làn điệu bài chòi thấm đượm tình quê.

Những người tâm huyết với làn điệu dân ca quê hương đã “khơi lửa bài chòi” trong tâm hồn học sinh. Các em như chim sơn ca ngân nga điệu hát thắm đượm tình quê được trao truyền qua bao thế hệ. Những lời ca dân dã, mượt mà nhắn nhủ mọi người sống yêu thương nhau cho đời thêm tươi đẹp, hun đúc tình yêu quê hương, đất nước. “Chúng tôi đưa bài chòi vào chương trình giáo dục địa phương, môn âm nhạc và tất cả các hoạt động ngoại khóa của nhà trường. Qua đó, giúp các em hiểu được giá trị của thể loại dân ca này và góp phần nhân rộng ra cộng đồng...”, thầy Tùng cho biết. “Bài chòi khó hát hơn những thể loại nhạc khác. Nhưng khi hát được rồi thì em thấy hay lắm. Lời ca mộc mạc nhưng đầy ý nghĩa, nặng tình quê hương. Vậy nên, em rất thích hát bài chòi...”, em Phan Huỳnh Diệu My, học sinh Trường THCS Phổ Cường bày tỏ.

Mới 9 tuổi, nhưng em Võ An Nhiên (đảo Lý Sơn) đã tự tin thể hiện rất nhiều bài hát dân ca bài chòi như Lý Mô Ní, Lý Thiên Thai... Vốn có năng khiếu văn nghệ từ nhỏ, An Nhiên là một trong những thành viên nhỏ tuổi được thường xuyên biểu diễn trong các phong trào văn hóa - văn nghệ ở địa phương. An Nhiên bộc bạch, em sẽ tiếp tục học hỏi để góp phần gìn giữ nét đẹp của bài chòi. Đối với chị Phan Huyền Vy (24 tuổi), ở xã Đức Chánh (huyện Mộ Đức), thành viên CLB Dân ca bài chòi huyện Mộ Đức, thì bài chòi như một món ăn tinh thần không thể thiếu mỗi ngày. Ngày nhỏ, chị Vy đã được hun đúc tình yêu bài chòi từ người mẹ là nghệ nhân bài chòi Phạm Hồng Lượng. Thừa hưởng năng khiếu và được sự tận tình chỉ dạy của mẹ, chị Vy thường xuyên biểu diễn trên các sân khấu tại các hội thi, hội diễn về bài chòi. “Bộ môn nghệ thuật dân gian này như có sức hút khiến con người ta xích lại gần nhau, vừa là thưởng thức món ăn tinh thần đặc sắc, vừa gặp gỡ, chia sẻ cùng nhau bao đắng cay, ngọt, bùi trong cuộc sống. Nghệ thuật bài chòi là nét đẹp văn hóa đặc sắc của người dân xứ Quảng”, chị Vy chia sẻ.

Di sản quý được gìn giữ

Ở huyện Mộ Đức hiện có trên 10 trường THCS dạy dân ca bài chòi cho học sinh. Nhiều trường đã linh hoạt lồng ghép dạy hát bài chòi vào tiết âm nhạc địa phương. Theo Trưởng phòng VHTT huyện Mộ Đức Nguyễn Việt Cường, thể loại bài chòi là loại hình âm nhạc cổ, lời ca, tiếng hát, giai điệu đều gắn liền với đời sống sinh hoạt của người dân từ xa xưa. Đến nay, do nhiều tác động nên đã bị mai một. Huyện đã có kế hoạch khôi phục loại hình nghệ thuật dân ca này. “Huyện đã tổ chức mở các lớp tập huấn dạy dân ca bài chòi cho giáo viên dạy âm nhạc, cộng tác viên trên địa bàn huyện. Trên cơ sở này, các trường phát hiện những giọng hát hay, tiềm năng để bổ sung vào các câu lạc bộ bài chòi, nhằm bảo tồn và phát huy thành sản phẩm du lịch đặc trưng ở huyện Mộ Đức nhằm phục vụ khách tham quan, phát triển du lịch cộng đồng”, ông Cường thông tin.

Huyện Lý Sơn là địa phương thứ 7 trong tỉnh thành lập câu lạc bộ dân ca bài chòi. Câu lạc bộ hiện có 15 thành viên, anh Nguyên Hải, thành viên câu lạc bộ Dân ca bài chòi huyện Lý Sơn chia sẻ: “Dù mới thành lập, nhưng các thành viên đã nỗ lực tập luyện, thường xuyên tổ chức sinh hoạt, sáng tạo nhiều tiết mục mới để tham gia biểu diễn phục vụ nhân dân và du khách đến với Lý Sơn”. Trước đó, các huyện Nghĩa Hành, Mộ Đức, Tư Nghĩa, Bình Sơn, thị xã Đức Phổ và TP Quảng Ngãi đã thành lập câu lạc bộ Dân ca bài chòi. Từ đó xây dựng nhiều chương trình biểu diễn, với những điệu lý, câu hò, vè mộc mạc, hóm hỉnh, gắn liền với lao động, sản xuất... Các câu lạc bộ đã góp phần đưa nghệ thuật bài chòi đến gần hơn với công chúng. Các địa phương đã mở các lớp truyền dạy hát dân ca bài chòi, cách thức tổ chức chơi bài chòi cho người dân. Ðiều đáng quý là các lớp dạy hát dân ca bài chòi có nhiều người trẻ theo học. Chính lời ca mộc mạc, dễ đi vào lòng người của bài chòi giúp các bạn trẻ càng học càng cảm thấy thích thú, quyết tâm gắn bó với bài chòi.

Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Quảng Ngãi Bùi Văn Tiến cho biết, thời gian qua, ngành văn hóa đã tổ chức nhiều hội thi, liên hoan bài chòi. Đây là dịp để các nghệ nhân, diễn viên trên địa bàn tỉnh có cơ hội được gặp gỡ, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, làm phong phú kiến thức và kỹ năng liên quan đến việc thực hành các hình thức nghệ thuật bài chòi. Bên cạnh phục vụ nhu cầu hưởng thụ, sáng tạo văn hóa, văn nghệ trong nhân dân, còn phát hiện, bồi dưỡng những hạt nhân biểu diễn nghệ thuật bài chòi để đào tạo, phát triển lực lượng tham gia các hoạt động giao lưu văn hóa. “Ngành văn hóa sẽ tiếp tục nhân rộng các câu lạc bộ bài chòi ở các địa phương, cũng như tổ chức nhiều hơn các hoạt động, sự kiện liên quan đến bài chòi, để phát huy loại hình di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã được UNESCO ghi danh”, ông Tiến cho hay. 

 NHƯ ĐỒNG

Ý kiến bạn đọc