Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Chủ tịch Quốc hội: Triển khai hiệu quả của ngành Xuất bản giai đoạn chuyển đổi số

Thứ Hai 10/10/2022 | 14:00 GMT+7

VHO - Sáng 10.10, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gặp mặt Đoàn đại biểu những người làm xuất bản tiêu biểu nhân kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Xuất bản, In và Phát hành sách Việt Nam (10.10.1952 – 10.10.2022).

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi gặp mặt

Tham dự cuộc gặp mặt có Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; các Ủy viên Trung ương Đảng: Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh; Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm; Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm; Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam Hoàng Vĩnh Bảo cùng các cán bộ lão thành ngành xuất bản in và phát hành sách và 86 đại diện tiêu biểu là những điển hình tiên tiến của ngành xuất bản, in và phát hành sách Việt Nam.

Phát biểu tại buổi gặp mặt, thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ biểu dương những thành tựu xuất sắc của ngành Xuất bản, In và Phát hành sách Việt Nam trong suốt 70 năm qua, chúc mừng đội ngũ những người làm công tác xuất bản, in và phát hành trong cả nước và đặc biệt là 86 đại biểu được lựa chọn, tuyên dương người làm xuất bản tiêu biểu.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra nhiệm vụ “Sắp xếp ngành xuất bản, in và phát hành theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiện đại hóa”. Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đặt ra yêu cầu “Xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển hội nhập với những giá trị chuẩn mực, phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, giá trị của quốc gia, dân tộc”. Để triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu quan tâm một số vấn đề sau đây:

Chủ tịch QH Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa với các đại biểu dự buổi gặp mặt.

Thứ nhất, hoàn thiện thể chế trên cơ sở rà soát, sửa đổi, bổ sung và xây dựng các văn bản pháp luật, cơ chế, chính sách đồng bộ, thống nhất để quản lý hoạt động xuất bản nhằm mục đích phát triển ngành Xuất bản thành ngành kinh tế - công nghệ hiện đại, chuyển đổi số thành công, đưa xuất bản điện tử thành mũi nhọn phát triển, khẳng định vị thế ngành Xuất bản Việt Nam trong khu vực. Căn cứ Kế hoạch 81 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai Kết luận 19 của Bộ Chính trị và Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ khóa XV, nhiệm vụ rà soát, sửa đổi, bổ sung Luật Xuất bản cần được hoàn thành vào năm 2023.

Cho rằng đại diện các nhà xuất bản là những người am hiểu sâu sắc về ngành xuất bản, nghề xuất bản, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần tham gia nghiên cứu, đóng góp nhiều ý kiến để sửa đổi, bổ sung Luật Xuất bản và các văn bản pháp luật liên quan để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, phù hợp với chiến lược phát triển của ngành. Đề nghị Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan hữu quan phối hợp nghiên cứu, tiếp thu kỹ lưỡng các ý kiến đóng góp của các nhà xuất bản, trên cơ sở đó, hoàn thiện hồ sơ báo cáo Chính phủ và trình Quốc hội xem xét.

Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu

Thứ hai, đẩy mạnh đổi mới tư duy quản lý, tăng cường ứng dụng công nghệ số để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với lĩnh vực xuất bản, in và phát hành sách. Phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của Hội Xuất bản Việt Nam, Hiệp Hội in Việt Nam trong việc xây dựng và phát triển hoạt động xuất bản. Đặc biệt, cần tập trung hoàn thành xây dựng Quy hoạch cơ sở xuất bản trong nhiệm vụ lập Quy hoạch mạng lưới báo chí, phát thanh truyền hình, thông tin điện tử, cơ sở xuất bản giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 của Chính phủ, phấn đấu xây dựng ngành xuất bản trở thành một bộ phận quan trọng của công nghiệp văn hóa, xuất bản được nhiều đầu sách hay, có giá trị, đúng định hướng, phát hành với số lượng lớn, tạo sự lan tỏa, tác động tích cực vào nhận thức xã hội, tạo lập sức mạnh quốc gia; xử lý tốt, hài hòa các mối quan hệ lớn trong hoạt động xuất bản: giữa thực hiện nhiệm vụ chính trị với nhiệm vụ sản xuất kinh doanh; giữa định hướng tư tưởng với đáp ứng nhu cầu của độc giả; giữa xuất bản và văn hóa đọc; giữa xuất bản truyền thống và xuất bản theo xu hướng hiện đại.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm phát biểu

Thứ ba, tăng cường năng lực hoạt động của ngành phù hợp với xu thế chuyển đổi số thông qua việc tăng số lượng các nhà xuất bản và các cơ sở phát hành xuất bản phẩm tham gia xuất bản và phát hành xuất bản phẩm điện tử; đẩy mạnh liên kết giữa nhà xuất bản với cơ sở phát hành xuất bản phẩm, hình thành chuỗi liên kết đủ năng lực dẫn dắt thị trường; hiện đại hóa, nâng cao năng lực của các cơ sở in, đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước, từng bước đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường thế giới. 

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị cần có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghệ mới vào hoạt động xuất bản, chú trọng đưa các xu hướng hiện đại dựa trên khai thác dữ liệu lớn (Big data), điện toán đám mây (Cloud computing), Internet vạn vận (IOT) và trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (Blockchian)...; thí điểm xây dựng nhà xuất bản số; phát triển một số sàn thương mại sách trực tuyến; xây dựng và tổ chức thực hiện hiệu quả Kế hoạch chuyển đổi số trên từng lĩnh vực xuất bản, in và phát hành xuất bản phẩm.

Thứ tư, phát triển mạng lưới phát hành xuất bản phẩm trên cơ sở hạ tầng của hệ thống bưu chính, viễn thông, trước mắt là hệ thống điểm bưu điện thuộc Tổng công ty Bưu điện Việt Nam; tăng cường đưa sách đến với bạn đọc tại các địa bàn xa trung tâm, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; hỗ trợ tạo sự gắn kết giữa các cơ sở phát hành với các doanh nghiệp công nghệ thông tin, viễn thông, logistics; phát triển thị trường xuất nhập khẩu sách, đáp ứng nhu cầu thông tin, tuyên truyền phục vụ các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa, đẩy mạnh hội nhập quốc tế.

Các đại biểu dự cuộc gặp mặt

Thứ năm, đẩy mạnh các hoạt động thông tin, hội chợ triển lãm xuất bản, in và phát hành xuất bản phẩm; tổ chức đưa Ngày sách và văn hóa đọc hằng năm trở thành Ngày hội văn hóa đọc của bạn đọc trong nước và đồng bào Việt Nam ở xa Tổ quốc trên cơ sở kết hợp giữa các Hội sách truyền thống và Hội sách trực tuyến, qua đó, tiếp tục thúc đẩy văn hóa đọc và lan tỏa tri thức đến với bạn đọc và Nhân dân.

Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội chúc ngành xuất bản ngày càng phát triển; giữ vững và phát huy tốt vai trò là lĩnh vực tư tưởng - văn hóa của Đảng, Nhà nước và Nhân dân; chúc toàn thể đội ngũ những người làm xuất bản cả nước có nhiều đóng góp thiết thực và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phổ biến, giới thiệu tri thức; lan tỏa giá trị văn hóa dân tộc và tinh hoa văn hóa nhân loại; nâng cao dân trí, xây dựng đạo đức và lối sống tốt đẹp của người Việt Nam… góp phần đáng kể vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Phát biểu tại cuộc gặp mặt, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh, ngành xuất bản, in và phát hành sách sẽ quán triệt sâu sắc Thư gửi ngành xuất bản của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và ý kiến chỉ đạo, gợi mở của Chủ tịch Quốc hội; quyết tâm xây dựng lập trường, bản lĩnh vững vàng, quán triệt và thực hiện thật sâu sắc các quan điểm chỉ đạo của Đảng, nhất là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng để quản lý, quy hoạch, phát triển ngành xuất bản Việt Nam với tinh thần luôn luôn đổi mới, tinh gọn, hiệu quả, hiện đại, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Cũng tại buổi gặp mặt, đại diện những người làm công tác xuất bản, in và phát hành sách cả nước nêu một số đề xuất cụ thể với Chủ tịch Quốc hội, đồng thời khẳng định, sẽ tiếp tục giữ vững vai trò là vũ khí tư tưởng sắc bén và quan trọng của Đảng và Nhà nước; không ngừng lan tỏa niềm tin, tạo động lực, khơi lên khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc; nỗ lực, quyết tâm đưa ngành xuất bản, in và phát hành sách Việt Nam trở thành một ngành kinh tế - công nghệ hiện đại, là một bộ phận quan trọng của công nghiệp văn hóa.

MẠNH HÙNG; ảnh: XUÂN TRẦN

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top