Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Cơ chế, chính sách hiện tại không thu hút được nhân tài

Thứ Tư 12/10/2022 | 10:53 GMT+7

VHO-  Đó là khẳng định của nhiều đại biểu tại Hội thảo khoa học “Chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt của TP thời gian qua và định hướng trong thời gian tới” do Học viện Cán bộ TP.HCM phối hợp Sở Nội vụ TP vừa tổ chức.

Nhiều ý kiến đưa ra là thu nhập cho chuyên gia hiện nay không phù hợp, không chỉ vậy, quy trình thu hút chuyên gia rất phức tạp, tốn thời gian và môi trường làm việc cũng chưa đủ hấp dẫn…

Không thể giữ chân người tài với mức lương 15 triệu đồng/tháng

Tại hội thảo, một số ý kiến cho rằng, thu hút chuyên gia, nhà khoa học là một chủ trương lớn của TP, thể hiện sự quan tâm và tầm nhìn của lãnh đạo TP về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Tuy nhiên, việc thực hiện chủ trương này thời gian qua vẫn gặp những khó khăn.

Theo Giám đốc Sở KH&CN TP Nguyễn Việt Dũng, đã có nhiều kênh để thu hút chuyên gia tham gia đóng góp xây dựng TP, nhưng qua các hoạt động nổi lên một số bất cập. Trong đó, mức hỗ trợ thu nhập không phù hợp, quy trình hết sức phức tạp, tính trung bình phải mất 1 năm mới tuyển được người. Các vấn đề đặt hàng TP chưa có hệ thống, tầm nhìn không dài hạn,… TS Hoàng Thế Bân, chuyên gia Khu Công nghệ cao TP.HCM cho biết, do nhiều yếu tố chủ quan và khách quan, đến thời điểm hiện nay chỉ mới thu hút được 5 chuyên gia, nhà khoa học đến làm việc tại Khu Công nghệ cao. Theo TS Bân, một trong những nguyên nhân gây ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả chương trình thu hút nhân tài của TP.HCM trong thời gian vừa qua là do có nhiều bất cập về nội dung, chính sách cũng như chế độ đãi ngộ chuyên gia, nhà khoa học trong giai đoạn thu hút thử nghiệm 2014-2019 và chính thức 2019-2022.

Cụ thể, trong giai đoạn thử nghiệm, TP.HCM đã thu hút được 19 chuyên gia, nhà khoa học quốc tế và Việt Nam đến làm việc tại 4 đơn vị khoa học công nghệ trọng yếu của TP là Khu Công nghệ cao, Khu Nông nghiệp Công nghệ cao, Trung tâm Công nghệ Sinh học và Viện Khoa học Công nghệ Tính toán. Các chuyên gia được thu hút và bố trí công tác liên quan đến các chương trình, đề án, công trình nghiên cứu đang triển khai tại các đơn vị này. Sau 5 năm thực hiện chương trình thí điểm, các chuyên gia được thu hút đã phát huy vai trò nhân tố chủ đạo, tiên phong trong tổ chức nghiên cứu phát triển, chuyển giao công nghệ tiên tiến và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho TP. Tuy nhiên, vấn đề phát sinh khi TP xây dựng chương trình chính thức trong giai đoạn 2019-2022. Bên cạnh yếu tố tích cực về chế độ trợ cấp ban đầu lên đến 100 triệu đồng, được hưởng mức thù lao khuyến khích nghiên cứu với tỉ lệ 1% giá trị/ kinh phí ngân sách cho cho công trình, chính sách hỗ trợ nhà tối đa là 7 triệu đồng/tháng, việc “hành chính hóa” chế độ lương bổng của các chuyên gia và nhà khoa học dựa trên Bảng lương chuyên gia Việt Nam, tuy cao hơn nhiều so với mặt bằng chung của khu vực công lập, nhưng trên thực tế chỉ tương đương với một kỹ sư làm việc trong doanh nghiệp FDI và thấp hơn rất nhiều so với chuẩn mực của khu vực và thế giới.

Kết quả sau 3 năm triển khai chương trình chính thức giai đoạn 2019-2022, ngoài lý do khách quan do ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, còn có nguyên nhân chủ quan về sự bất cập trong chế độ lương bổng giữa hai chương trình thu hút thử nghiệm (tối đa lên đến 150 triệu đồng) và chính thức (tối đa khoảng 15 triệu đồng), dẫn đến kết quả chỉ có 5 chuyên gia của Khu Công nghệ cao tiếp tục đăng ký tham gia chương trình. Những chuyên gia, nhà khoa học đã được thu hút trong chương trình thử nghiệm tại 3 đơn vị còn lại đều không đăng ký tham gia. Ngoài ra, thủ tục và quy trình xét duyệt, tuyển chọn chuyên gia, nhà khoa học trong chương trình chính thức còn nặng về tính hành chính, trải qua nhiều giai đoạn, tốn nhiều thời gian…

Cần xây dựng chiến lược nhân tài quốc gia một cách tổng thể

TS Nguyễn Đăng Quân, Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học (Sở NN&PTNT TP.HCM) chia sẻ, từ năm 2004, Trung tâm thu nhận được một TS là Việt kiều. TP cho phép Trung tâm có cơ chế riêng với trường hợp này, đặc biệt được bổ nhiệm Phó Giám đốc với mức lương không theo bậc ngạch. Trường hợp này đã có nhiều đóng góp cho Trung tâm.

Năm 2015 chuyên gia này hết tuổi quản lý, Trung tâm đã mời làm việc với vai trò chuyên gia. Ngoài ra, giai đoạn 2015-2018, Trung tâm đã chủ động áp dụng chính sách này thu hút được thêm 3 chuyên gia khác. Tuy nhiên từ năm 2019, Trung tâm không thu hút và ký kết được hợp đồng với các chuyên gia, nhà khoa học nào, kể cả các chuyên gia đã hợp tác với Trung tâm trong giai đoạn 2015-2018. TS Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM, cho rằng thời gian qua TP đã đưa ra rất nhiều giải pháp để thu hút chuyên gia. Tuy nhiên, những chính sách còn rất nhiều bất cập. Bên cạnh đó, chính sách cũng lộ rõ hạn chế khi tập trung thu hút chuyên gia vào TP.HCM nhưng lại quên những chuyên gia tại chỗ. Như Trung tâm Tin học TP có rất nhiều chuyên gia giỏi được đào tạo bài bản tại nước ngoài nhưng mức thu nhập hằng tháng chỉ 5-6 triệu/tháng, không có chính sách đãi ngộ để giữ chân họ.

Từ thực tế triển khai chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học tại Trung tâm qua 2 giai đoạn (thí điểm từ năm 2015-2018 và giai đoạn chính thức từ năm 2019 đến nay), TS Nguyễn Đăng Quân chia sẻ các nguyên nhân dẫn đến khó thu hút các chuyên gia, nhà khoa học. Trong đó chính sách trợ cấp ban đầu, tiền lương hằng tháng, chính sách ưu đãi khuyến khích nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, chính sách hỗ trợ về nhà ở, phương tiện đi lại theo quy định là chưa phù hợp, chưa đủ sức thu hút. Đơn cử, mức lương chuyên gia được tính theo hệ số 10 thì được khoảng 15 triệu đồng/tháng là rất thấp không đảm bảo mức sống và làm việc tại TP cho chuyên gia, nhà khoa học. Đồng thời việc yêu cầu chuyên gia, nhà khoa học phải làm việc toàn thời gian tại đơn vị cũng là một rào cản không nhỏ, làm giảm khả năng thu hút, mời gọi các chuyên gia đang làm việc tại các trường đại học, viện nghiên cứu ở trong và ngoài nước khi những trường hợp này ít có khả năng chọn bỏ hẳn công việc hiện tại của họ để về làm việc cho TP.

“Mức lương và kể cả những chính sách như hỗ trợ ban đầu 100 triệu đồng và hỗ trợ không quá 50% chi phí thuê nhà, và mức thưởng 1% từ hiệu quả ứng dụng sản phẩm nghiên cứu cũng là chưa đủ sức thu hút nếu so sánh với quy định tổng mức đãi ngộ không quá 150 triệu đồng/tháng khi thí điểm”, chuyên gia này phân tích. Tại Hội thảo, nhiều ý kiến kiến nghị Trung ương cần xây dựng chiến lược nhân tài quốc gia một cách tổng thể, toàn diện. Đối với TP.HCM cần thiết kế mô hình thu hút chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt với phương pháp luận đổi mới sáng tạo, đầy đủ quy trình, môi trường làm việc để cho bản thân và gia đình của các chuyên gia sống, yên tâm làm việc và cống hiến. 

KIỀU GIANG

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top