Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Tăng cường liên kết, hợp tác để phục hồi du lịch Mekong bền vững

Thứ Tư 12/10/2022 | 19:18 GMT+7

VHO- Phát biểu bế mạc Diễn đàn Du lịch Mekong (MTF) 2022, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh truyền đi thông điệp tăng cường liên kết, hợp tác giữa các nước Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) để phục hồi bền vững. Bên cạnh đó, chia sẻ kinh nghiệm giữa các nước thành viên và tiếp tục triển khai các dự án chung của tiểu vùng để cùng nhau phát triển thương hiệu tích cực cho điểm đến chung và thúc đẩy tăng trưởng bao trùm.

Trưởng đoàn du lịch các nước Tiểu vùng Mekong mở rộng thể hiện sự chung tay, đoàn kết vì sự phát triển chung của khu vực

Du lịch mang lại lợi ích cho tất cả các bên liên quan

Diễn đàn Du lịch Mekong 2022 diễn ra trong an toàn tại Hội An (Quảng Nam, Việt Nam) ngày 12.10 là sự kiện du lịch quốc tế đầu tiên tại Việt Nam sau đại dịch Covid-19. Diễn đàn đã được nghe nhiều thông tin cập nhật và thiết thực về xu hướng du lịch thế giới nói chung và Tiểu vùng Mekong mở rộng nói riêng qua góc nhìn của các chuyên gia du lịch hàng đầu trong khu vực. Đồng thời sau 3 phiên thảo luận, đại diện các cơ quan du lịch quốc gia, các tổ chức quốc tế và đại diện khu vực tư nhân cũng đã chia sẻ quan điểm đa chiều về các cơ hội và công cụ mới phục hồi và phát triển du lịch bền vững, mang lại lợi ích cho tất cả các bên liên quan trong ngành.

Những bài trình bày và ý kiến thảo luận tại Diễn đàn đã cho thấy xu hướng về sự phục hồi du lịch mạnh mẽ, tiếp tục khẳng định vai trò là động lực, vị trí quan trọng của du lịch trong quá trình khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia khu vực Tiểu vùng Mekong mở rộng.

Kể từ trước đại dịch Covid-19, sự lan tỏa của du lịch đã góp phần thúc đẩy giao lưu văn hoá, hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc, tạo hiệu ứng lan tỏa, tác động tích cực tới sự phát triển, mở rộng của nhiều ngành liên quan như vận tải, đầu tư, xây dựng, dịch vụ... Việc khai thác tốt hơn tiềm năng du lịch Tiểu vùng Mekong mở rộng thông qua khám phá các quan hệ đối tác mới, mô hình kinh doanh mới và ứng dụng công nghệ số sẽ góp phần quan trọng tạo việc làm, nâng cao năng lực và phát triển nguồn nhân lực địa phương, thúc đẩy định vị và phát huy thương hiệu du lịch, đặc biệt là thu hút đầu tư cho khu vực hướng đến tăng trưởng bền vững và bao trùm.

Ngành Du lịch sẽ chỉ thực sự được phục hồi nếu chúng ta cùng suy ngẫm lại về các chính sách, quy định liên quan tới phát triển du lịch, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các bên liên quan trong ngành cùng tham gia vào quá trình tái thiết. Đồng thời, tăng cường kết nối giữa khu vực nhà nước và khu vực tư nhân để định hình và đảm bảo một tương lai hợp tác dài hạn, hiệu quả.

Bất chấp những ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 vừa qua, du lịch trong khu vực Tiểu vùng Mekong mở rộng vẫn khẳng định được nhiều thế mạnh, tiềm năng đầy triển vọng cho sự khôi phục và phát triển kinh tế, xã hội năng động của các nước thành viên. “Nhằm hiện thực hóa những sáng kiến, đề xuất và ý tưởng mà tại Diễn đàn chúng ta đã chia sẻ ngày hôm nay, tôi đề xuất các nước GMS tăng cường hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm giữa các nước thành viên và tiếp tục triển khai các dự án chung của tiểu vùng để cùng nhau phát triển thương hiệu tích cực cho điểm đến chung và thúc đẩy tăng trưởng bao trùm”, ông Nguyễn Trùng Khánh nói.

Trong quá trình quan trọng này, Văn phòng Điều phối Du lịch Mekong (MTCO) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) sẽ đóng vai trò quan trọng, hỗ trợ, điều phối và tư vấn để các nước thành viên có thể hợp tác với nhau thông qua các chương trình, dự án cụ thể, cùng khai thác sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế cho sự phát triển chung của khu vực.

Phiên thảo luận 3 có chủ đề “Công nghệ: Mở ra cơ hội du lịch xanh”

Công nghệ mở ra cơ hội phát triển du lịch xanh và bền vững

Tại phiên thảo luận 3 chủ đề “Công nghệ: Mở ra cơ hội du lịch xanh”, các diễn giả đã chia sẻ phương pháp tối ưu về việc tận dụng các công cụ kỹ thuật số để tối đa hóa tác động tích cực của du lịch đối với môi trường và cộng đồng địa phương. Phiên thảo luận đã nêu bật những thách thức, giải pháp và cơ hội cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa để áp dụng tốt hơn công nghệ và hội nhập vào nền kinh tế kỹ thuật số đang bùng nổ.

Các đại biểu đều cho rằng, kinh tế số có tầm quan trọng đặc biệt trong thời gian chịu tác động của dịch bệnh vừa qua. Các doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực lưu trú cũng chia sẻ công cụ online đã giúp kết nối, tương tác với nhau một cách dễ dàng. Một số doanh nghiệp đã xây dựng ứng dụng quản lý công việc để tăng cường sự kế nối, trao đổi công việc trong bối cảnh không thể làm việc trực tiếp với nhau.

Đặc biệt các ứng dụng kết nối trực tuyến hỗ trợ rất tốt cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ vận hành, giảm tải chi phí, đem lại những lợi ích cho khách hàng như thanh toán trực tuyến, ví điện tử, mua sắm trên các nền tảng trực tuyến…

Để ứng dụng tốt hơn công nghệ trong phát triển du lịch, nhiều ý kiến đề xuất các Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ, giúp đỡ các doanh nghiệp sử dụng công nghệ năng lượng, hình thành big data về du lịch quốc gia, góp phần nâng cao nhận thức về kinh tế số, bảo vệ môi trường.

Phiên thảo luận 2 chủ đề “Các phương pháp mới để kết nối người mua và nhà cung cấp du lịch bền vững”

Trước đó, trong phiên thảo luận 2 chủ đề “Các phương pháp mới để kết nối người mua và nhà cung cấp du lịch bền vững”, các diễn giả và đại biểu đã cùng xem xét các chiến lược mới để kết nối các nhà cung cấp và người mua với thị trường, tài chính và thiên nhiên. Các diễn giả trao đổi về các công cụ tài chính, hình thức hợp tác và cơ chế khuyến khích cả nhà cung cấp dịch vụ du lịch và người mua hợp tác với nhau, các nhà đầu tư và các đối tác phát triển vì một tương lai bền vững và linh hoạt.

Điều hành phiên này, Chuyên gia cao cấp ngành Du lịch, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Steven Schipani cùng các diễn giả khám phá những cách thức mới để kết nối các bên liên quan đến du lịch Mekong với thị trường, tài chính, thiên nhiên, văn hóa và liên kết lẫn nhau để thúc đẩy sự phục hồi bền vững sau suy thoái Covid-19.

Bà Nguyễn Thúy Phương, Điều phối viên dự án Travelife, Plan International cho biết: “Theo Hội đồng du lịch bền vững toàn cầu (GSTC), ngành Du lịch chiếm khoảng 10% hoạt động kinh tế của thế giới và lượng du lịch quốc tế được dự báo sẽ tăng lên khoảng 1,8 tỉ lượt người vào năm 2030. Tác động của du lịch đối với môi trường và cộng đồng sở tại có thể là tích cực và tiêu cực, tạo ra cả cơ hội và trách nhiệm”.

Tiêu chí của Hội đồng du lịch bền vững toàn cầu (GSTC - Global Sustainable Tourism Council) là nỗ lực để đạt được sự hiểu biết chung về du lịch bền vững và là điều tối thiểu mà bất kỳ doanh nghiệp du lịch nào cũng đều mong muốn đạt được. Các tiêu chí đó được tổ chức xoay quanh bốn chủ đề chính: Quản lý bền vững, xã hội và kinh tế, văn hóa, môi trường. Tất cả tiêu chí bao gồm trong các tiêu chuẩn này là bắt buộc và các doanh nghiệp, điểm đến phải tuân thủ trước khi có thể được chứng nhận.

Ông Inthy Deuansavanh, Nhà sáng lập Green Discovery Laos chia sẻ: “Trước khi khởi nghiệp du lịch tôi chưa có hiểu biết nhiều về ngành này, khi Covid-19 xuất hiện lại gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, sau dịch Covid-19, chúng tôi tập trung thúc đẩy du lịch nội địa, tăng cường quảng bá với khẩu hiệu người Lào du lịch tại Lào. Thiết kế thêm nhiều tour nội địa, khám phá thiên nhiên và tận hưởng giá trị nguyên bản, bảo tồn phát huy giá trị văn hóa. 3 tuần trước tôi tới Quảng Bình, tôi thấy rằng có nhiều người sẵn sàng chi trả nhiều tiền để khám phá thiên nhiên và bảo tồn giá trị văn hóa địa phương. Điều đó cho thấy, vẫn có những thị trường tiềm năng khổng lồ để du lịch GMS phát triển. Các nước có thể cùng Việt Nam phối hợp để đưa ra các chương trình bán chung”.

Các đại biểu tham dự Diễn đàn

Lấy ví dụ việc du lịch cộng đồng ở Việt Nam phát triển mạnh ở Lào Cai, Sơn La và các tỉnh vùng Đông, Tây Bắc.... thu hút nhiều khách du lịch, trong đó có thị trường nội địa với 100 triệu dân. Ông Phil Harman, Trưởng nhóm Dự án Aus4Equality cho biết: “Chúng tôi đã giúp 3.000 phụ nữ dân tộc ít người ở Việt Nam, đem lại cho họ công cụ, cơ hội để phát triển du lịch, bảo tồn văn hóa địa phương. Chúng tôi qua các dự án của mình cũng nghiên cứu xem khách có chi tiêu nhiều hơn không, khách đã được trải nghiệm những sản phẩm gì và có nhu cầu du lịch như thế nào?”

Theo ông Phil Harman, có những doanh nghiệp nhỏ, thậm chí siêu nhỏ nhưng hoạt động lại xuyên biên giới khi biết kinh doanh bằng công cụ số. Tjy nhiên, việc tiếp cận tài chính đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ còn gặp nhiều khó khăn. Việc huy động vốn từ cộng đồng, từ doanh nghiệp có liên quan đến rủi ro vận hành, nâng cấp dịch vụ nên cần phải có giải pháp để kinh doanh du lịch trở nên hấp dẫn hơn, thu hút các nhà đầu tư.

Ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch Việt Nam cho biết, Việt Nam đang có nhiều mô hình kinh doanh du lịch thành công, thích ứng nhanh với thực tế cuộc sống. Sau dịch Covid-19, nhu cầu của khách hàng thay đổi, yêu cầu an toàn cao hơn, đi lại an toàn hơn, chăm lo nhiều hơn cho sức khỏe, mong muốn được trải nghiệm nhiều hơn, tìm hiểu văn hóa và tận hưởng cuộc sống thanh bình. Tuy nhiên, chúng tôi đang gặp khó khăn là có nhiều thay đổi nguồn nhân lực do Covid-19, doanh nghiệp khách sạn phải đóng cửa, người lao động bỏ việc. Khó khăn nữa là việc tìm ra những sản phẩm mới.

Thời gian vừa qua, Việt Nam đã rất thành công trong khôi phục thị trường nội địa, vượt hơn cả mong đợi và mục tiêu đề ra cho năm 2022. Trước đây, có những hoạt động du lịch chỉ có người nước ngoài nhưng hiện nay rất nhiều khách nội địa tham gia. Việt Nam cũng có nhiều chính sách để phát triển du lịch như: hỗ trợ doanh nghiệp, hướng dẫn viên; kết hợp với ngành Du lịch và ngành Nông nghiệp để tạo ra sản phẩm mới.... Thời gian tới, ngành Du lịch sẽ chú trọng thu hút khách inbound (khách nước ngoài vào Việt Nam) nhưng việc này không chỉ là vai trò của Bộ VHTTDL mà của cả các bộ, ngành khác.

Lễ chuyển giao cờ đăng cai Diễn đàn Du lịch Mekong 2023 cho Campuchia

Diễn đàn khép lại với lễ chuyển giao cờ đăng cai Diễn đàn Du lịch Mekong 2023 cho Campuchia. Với chủ đề “Suy nghĩ lại về Khả năng phục hồi và số hóa”, Diễn đàn Du lịch Mekong 2023 dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 16 – 20.3.2023 tại tỉnh Preah Sihanoukville, Campuchia.

THÚY HÀ- KHÁNH CHI   

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top