Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Những kỷ vật vẹn nguyên hơi ấm Bác Hồ

Thứ Hai 17/10/2022 | 10:12 GMT+7

VHO- Trên 200 tài liệu, hiện vật độc bản, nguyên gốc tại trưng bày “Mỗi kỷ vật một câu chuyện” đang diễn ra tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, sẽ kể cho du khách nhiều câu chuyện cảm động về Bác Hồ. 

 Lá cờ đỏ sao vàng do Hội Mẹ chiến sĩ ấp Bình Tốt thêu tặng Bác Hồ, ngày 1.6.1958

Những kỷ vật ấy qua thời gian, năm tháng vẫn vẹn nguyên giá trị, khiến thế hệ hôm nay càng thêm nhớ Bác, từ đó thêm trân quý và có thêm động lực để tiếp tục giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Mộc mạc như cuộc đời Người
Mang đến nhiều cảm xúc là những hiện vật mộc mạc, giản dị được đồng bào các dân tộc kính tặng Bác Hồ. Những món quà mang dấu ấn của các vùng miền được đồng bào vùng Tây Bắc, Đông Bắc, Tây Nguyên… tặng Bác, cũng là tấm lòng biết ơn, tình cảm sâu đậm và kính yêu của đồng bào đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong số đó, ấn tượng đặc biệt là tấm áo chàm truyền thống dân tộc Nùng do Hội Phụ nữ Cao Bằng kính tặng Bác Hồ nhân dịp sinh nhật lần thứ 65 của Người, năm 1955. 
Vùng đất Cao Bằng vừa là cái nôi của cách mạng, vừa là quê hương của nhiều dân tộc cùng chung sống với ngôn ngữ, bản sắc riêng. Nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng luôn mong muốn được gặp Bác, noi gương Bác để biến thành hành động trong cuộc sống đời thường, đóng góp công sức nhỏ bé của mình vào công cuộc xây dựng bảo vệ quê hương, báo đáp lại tình cảm của Bác dành cho đất và người xứ Cao Bằng.
Bức trướng có lời đề từ bằng tiếng Mông: “Nhờ có Bác Hồ, dân tộc Mông được ăn no, mặc ấm và có cái chữ để học” cũng là hiện vật đặc biệt kể câu chuyện về tấm lòng và tình cảm của Bác Hồ dành cho đồng bào dân tộc Mông và của đồng bào Mông với Người. Ngày 15.11.1962, đồng bào Mông xã Bản Phố, huyện Bắc Hà (Lào Cai) đã gửi tặng Bác Hồ bức trướng này, với chất liệu vải thô, màu đỏ thêu chữ chỉ vàng, trang trí đường diềm hoa văn thổ cẩm. 
Khi còn sống, Bác Hồ luôn dành những tình cảm đặc biệt tới đồng bào miền Nam. Người đã gửi tới miền Nam hàng ngàn bức thư, bức điện, bài nói, bài viết, trả lời phỏng vấn..., trong đó luôn có những lời động viên, thăm hỏi tha thiết. Đáp lại sự quan tâm của Người, đồng bào, quân dân miền Nam luôn hăng hái, chiến đấu kiên cường. Đồng bào miền Nam cũng đã gửi tới Bác những tặng phẩm giản dị, gần gũi. Lá cờ đỏ sao vàng do Hội Mẹ chiến sĩ ấp Bình Tốt (xã Bình Phú, huyện Hồng Dân, nay là ấp Bình Tốt, xã Vĩnh Phú Tây, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu) thêu tặng Bác Hồ, ngày 1.6.1958 là một hiện vật đặc biệt. Hội Mẹ chiến sĩ là tổ chức của Hội Phụ nữ trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Hội gồm các mẹ từ 50 tuổi trở lên, làm nòng cốt trong công tác nuôi quân, chăm sóc thương bệnh binh và thực hiện các chính sách hậu phương quân đội. Lá cờ đỏ năm xưa làm bằng lụa đỏ thêu chỉ vàng, trắng, trải qua năm tháng vẫn vẹn nguyên những ân tình của những mẹ chiến sĩ gửi tặng Bác Hồ.
Câu chuyện Tập thơ Trọng Tuyển, do Đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tặng Bác Hồ năm 1962 cũng mang nhiều kỷ niệm xúc động. Vì hoàn cảnh chiến tranh ác liệt, Bác chưa thể vào thăm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ miền Nam, nên khi có các đoàn đại biểu của miền Nam ra miền Bắc, Văn phòng Trung ương Đảng đều sắp xếp để Bác gặp gỡ. Ngày 19.10.1962 tại Phủ Chủ tịch, Bác Hồ đã gặp mặt, đón tiếp Đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ra thăm miền Bắc. Trong dịp này, Đoàn đã tặng Người một số kỷ vật của đồng bào, chiến sĩ miền Nam, trong đó có tặng phẩm Tập thơ của nhà thơ Trọng Tuyển. Tại buổi gặp với Bác, nhà thơ Thanh Hải báo cáo Bác rằng khi còn sống, nhà thơ Trọng Tuyển chỉ có ước mơ duy nhất là được tận tay dâng Bác tập thơ này. Cầm tập thơ, một tay đặt lên ngực, Bác lặng đi và nói: “Bác chẳng có gì tặng lại cả, chỉ có câu này: Miền Nam yêu quý luôn ở trong trái tim tôi”. 

 Bộ quần áo tơ tằm mà Bác Hồ đã tặng đồng chí Trịnh Như Lương, năm 1949

Nhớ mãi lời dạy của Người
Những món quà Bác tặng, dù với người dân Việt Nam hay bạn bè quốc tế, tất cả đều được các cá nhân trân trọng, giữ gìn và truyền lại cho thân nhân đời sau tiếp tục gìn giữ, coi đó là những kỷ vật trân quý của gia đình. Với mong muốn những kỷ vật ấy được sống mãi với thời gian, được trở về gần bên Bác Hồ, rất nhiều cá nhân được Người tặng quà hoặc thân nhân của họ đã quyết định trao tặng lại cho Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Gắn với mỗi hiện vật không chỉ là hơi ấm, là tình cảm Bác Hồ mà còn là những lời dạy của Bác đi theo suốt cuộc đời mỗi con người. Một trong số đó là bộ quần áo tơ tằm mà Bác Hồ đã tặng đồng chí Trịnh Như Lương năm 1949. Trong kháng chiến chống Pháp, đồng chí Lương được giao phụ trách liên trại tù binh, hàng binh Pháp kiều. Ghi nhận sự tận tụy cống hiến của anh, Bác Hồ đã gửi thư khen kèm theo món quà là bộ quần áo tơ tằm. Trước khi qua đời, đồng chí trao lại bức thư và bộ quần áo cho con gái lớn là Trịnh Thị Hương Thư cất giữ. Năm 2010, bà Thư thay mặt gia đình tặng lại hiện vật quý cho Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Chiếc thước kẻ được nghệ sĩ Nguyễn Thị Kim Liên tặng lại Bảo tàng Hồ Chí Minh năm 2011 cũng là một báu vật đặc biệt trong cuộc đời bà. Nguyễn Thị Kim Liên là nghệ sĩ chèo, chầu văn và ngâm thơ của Đoàn Văn công Nam Định. Ngày 16.7.1969, bà là một trong sáu nghệ sĩ xuất sắc được Bác Hồ trực tiếp gắn huy hiệu của Người. Ngày 17.7.1969, bà được Bác Hồ mời cơm tại Phủ Chủ tịch và tặng chiếc thước kẻ này. Đây là chiếc thước kẻ do Bác tự tay làm từ miếng gỗ nhặt được khi đi bôn ba ở nước ngoài. Trên thước Bác khắc ba chữ “SNK”, nghĩa là “Suy nghĩ kĩ”. Bác đã gìn giữ chiếc thước kẻ này nhiều năm trên bàn làm việc trong ngôi nhà sàn tại Phủ Chủ tịch. Món quà tuy giản dị nhưng có ý nghĩa vô cùng sâu sắc đối với nghệ sĩ Kim Liên. Mỗi khi dự định làm bất cứ một việc gì, chị đều nhớ đến ba chữ tô đỏ của Người như một lời dạy để cố gắng vươn lên, cống hiến hết mình cho nghệ thuật.
Với NSƯT Linh Nhâm, kỷ niệm nhiều lần được vào Phủ Chủ tịch biểu diễn phục vụ Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo cấp cao, được Bác tặng quà và chụp ảnh cùng... là những ký ức mãi không phai mờ. Xúc động nhớ lại những lần được gặp Bác, bà chia sẻ: Sau mỗi lần biểu diễn, Bác - cháu thường trò chuyện với nhau. Bác hỏi thăm tôi chuyện gia đình, công việc. 
Một lần, nghe Linh Nhâm hát dân ca, Bác hỏi: “Cháu có biết ngâm thơ không?”. Chị liền thưa: “Dạ, cháu chưa biết ạ!”. Bác lại bảo: “Giọng cháu tốt đấy. Cháu hãy tập ngâm thơ xem, để có thêm nhiều tiết mục phục vụ cho bộ đội”. Theo gợi ý của Bác, Linh Nhâm quyết tâm tập luyện, những khi biểu diễn phục vụ bộ đội, chị thường lấy các bài thơ trên báo tường ra tập ngâm và phục vụ luôn chiến sĩ. Hồi đó, học cách ngâm thơ qua Đài Phát thanh, nghe giọng ngâm của các đàn chị, Linh Nhâm đã tìm ra phong cách cho riêng mình. Đầu năm 1967, trước khi chuẩn bị vào chiến trường khu IV phục vụ bộ đội, nghệ sĩ Linh Nhâm vinh dự được mời vào Phủ Chủ tịch ăn cơm cùng Bác. Sau đó, bà được Bác tặng chiếc áo len kiểu gilê, lọ thuốc trừ muỗi và một lát sâm trắng với lời căn dặn: “Áo cháu mặc lúc lạnh, còn trong rừng rất nhiều muỗi, cháu lấy thuốc ra bôi, sâm thì cháu ngậm lúc nào thấy mệt”…

 BẢO PHƯƠNG

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top