Xung quanh hai cổ vật triều Nguyễn sắp đưa ra đấu giá tại Pháp: Nhanh chóng đề xuất phương án phù hợp nhất để “hồi hương” hai cổ vật

VHO- Ngay khi Văn Hóa có bài “Xung quanh chiếc ấn “Hoàng đế chi bảo” sắp đưa ra đấu giá” (số 3791, ra ngày 21.10), Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL) đã chính thức lên tiếng trước thông tin về việc đấu giá hai cổ vật triều Nguyễn đang được các nhà nghiên cứu, giới sưu tầm cổ vật trong nước và dư luận đặc biệt quan tâm.

Xung quanh hai cổ vật triều Nguyễn sắp đưa ra đấu giá tại Pháp: Nhanh chóng đề xuất phương án phù hợp nhất để “hồi hương” hai cổ vật - Anh 1

Cổ vật bát vàng

 Cục Di sản văn hóa cho biết, trên website chính thức của hãng đấu giá MILLON (thành lập năm 1928, có trụ sở chính tại Paris, Cộng hòa Pháp), có đăng tải thông tin sẽ đưa ra đấu giá 329 cổ vật, trong đó có hai cổ vật của nhà Nguyễn (1802- 1945), gồm 1 ấn vàng đúc năm 1823 triều Minh Mạng (1820-1841) và 1 bát vàng triều Khải Định (1917- 1925). Phiên bán đấu giá hai cổ vật nêu trên dự kiến sẽ được tiến hành vào 11h trưa ngày 31.10.2022 (giờ Paris).

Những động thái tích cực

Căn cứ thông tin đăng tải trên website của hãng đấu giá MILLON và ý kiến của một số chuyên gia về cổ vật, chiếc ấn vàng (lô số 101/329) chính là chiếc kim ấn “Hoàng đế chi bảo” được vị hoàng đế cuối cùng của vương triều Nguyễn là Bảo Đại, trao cho đại diện của Việt Minh là ông Trần Huy Liệu cùng với thanh bảo kiếm của vua Khải Định vào chiều ngày 30.8.1945. Về việc này, Cục Di sản văn hóa nêu ý kiến: Nếu đây là ấn “Hoàng đế chi bảo” (thông tin cần được xác định chính xác thông qua các đánh giá và giám định chuyên môn) thì bên cạnh những ý nghĩa về lịch sử, văn hóa…, xét về khía cạnh chủ quyền sở hữu, chiếc ấn “Hoàng đế chi bảo” được dùng cho các hoạt động công quyền, chính sự của đất nước trong suốt một giai đoạn lịch sử.

Ngay khi nắm được thông tin về việc đấu giá hai cổ vật, Bộ VHTTDL đã có văn bản gửi Bộ Ngoại giao, trong đó nêu rõ về “hành trình” của cổ vật kim ấn “Hoàng đế chi bảo”: Sau ngày Toàn quốc kháng chiến (tháng 12.1946), hai cổ vật đã rơi vào tay người Pháp và đến ngày 8.3.1952, người Pháp tổ chức lễ trao lại ấn kiếm cho cựu hoàng Bảo Đại, rồi được đưa sang Pháp vào năm 1953. Trước khi qua đời (năm 1997), Bảo Đại đã di chúc để lại toàn bộ tài sản ở Pháp (trong đó có kim ấn “Hoàng đế chi bảo”) cho vợ là bà Monique Baudot, người Pháp. Bà Monique Baudot qua đời năm 2021, các tài sản trên thuộc về những người thừa kế và được mang ra bán đấu giá. “Chiếc ấn “Hoàng đế chi bảo” được dùng cho các hoạt động công quyền, chính sự của nhà Nguyễn trong suốt một giai đoạn lịch sử, có ý nghĩa về lịch sử, văn hóa. Vì vậy, việc tìm cách đưa ấn về Việt Nam là cần thiết…”, văn bản của Bộ VHTTDL nhấn mạnh.

Cũng tại văn bản này, Bộ VHTTDL đề nghị Bộ Ngoại giao chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp kịp thời làm việc trực tiếp với hãng đấu giá MILLON để xác minh rõ thông tin liên quan đến việc đấu giá hai cổ vật nêu trên như thông báo của Hãng (gồm các thông tin về chủ sở hữu, tính hợp pháp của hai cổ vật, giá dự kiến bán, khả năng đàm phán mua trực tiếp không qua đấu giá…). Bộ VHTTDL nhấn mạnh: “Nhanh chóng tìm hiểu và đề xuất phương án phù hợp nhất với pháp luật nước sở tại và thông lệ quốc tế để “hồi hương” hai cổ vật căn cứ kết quả làm việc với hãng đấu giá.

Xung quanh hai cổ vật triều Nguyễn sắp đưa ra đấu giá tại Pháp: Nhanh chóng đề xuất phương án phù hợp nhất để “hồi hương” hai cổ vật - Anh 2

 Ấn “Hoàng đế chi bảo”

Một số nước đã hoàn trả một số cổ vật có nguồn gốc Việt Nam

Theo một chuyên gia về cổ vật, “chiếc ấn “Hoàng đế chi bảo” là tài sản quốc gia mà nhà nước Việt Nam thế tục có quyền sở hữu. Mọi cá nhân sở hữu hoặc đem bán đấu giá thu tiền về cho bản thân đều là bất hợp pháp. Nhà nước thay vì phải bỏ tiền ra mua đấu giá thì có quyền vận dụng Công pháp quốc tế và Tư pháp quốc tế theo luật pháp quốc tế để yêu cầu hủy bỏ việc đấu giá hai cổ vật trên, kiện đòi lại quyền sở hữu. Thực tế đã kiểm nghiệm, bất cứ cá nhân nào sở hữu món đồ sau đấu giá nếu thành công cũng nên tính trước những rủi ro pháp lý sẽ phải chịu đựng...”.

Liên quan đến vấn đề giải pháp nhằm hạn chế vấn nạn “chảy máu cổ vật”, Cục Di sản văn hóa cho biết, Việt Nam đã tham gia Công ước UNESCO 1970 về Chống buôn bán trái phép tài sản văn hóa từ năm 2005. Tuy nhiên, từ giữa thế kỷ XX, Việt Nam đã và đang xây dựng, hoàn thiện những quy định pháp luật về việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Đặc biệt, từ khi Luật Di sản văn hóa năm 2001, được sửa đổi, bổ sung năm 2009 với hàng loạt các văn bản liên quan khác, việc quản lý di vật, cổ vật và bảo vật quốc gia ở Việt Nam đã được thực hiện tốt, với sự tham gia của người dân và các cơ quan quản lý nhà nước liên quan. Cùng với những văn bản quy phạm pháp luật nêu trên, việc quản lý di sản văn hóa ở Việt Nam còn được thực hiện với các quy định tại nhiều văn bản pháp luật liên quan khác như Luật Dân sự, Luật Hình sự, Luật Hải quan,...

Trong những năm qua, việc quản lý, bảo vệ di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia tại bảo tàng, di tích đã có những bước tiến rõ rệt hơn. Theo thống kê, số vụ mất cắp cổ vật tại bảo tàng, di tích những năm gần đây đã giảm hẳn cả về số lượng và mức độ nghiêm trọng, hầu hết các vụ vi phạm đều được các cơ quan điều tra giải quyết kịp thời, nhiều vụ việc được xử lý, trả lại cổ vật bị mất cắp. Với sự tham gia tích cực của Việt Nam trong việc thực thi các hướng dẫn của Công ước UNESCO 1970, một số nước đã điều tra và hoàn trả một số cổ vật có nguồn gốc Việt Nam, như Nhật Bản (chuông chùa Ngũ Hộ, tỉnh Bắc Ninh năm 1978), Đức (18 cổ vật năm 2018), Hoa Kỳ (trao trả cổ vật buôn bán trái phép vào Hoa Kỳ năm 2022),… 

 Sớm trao đổi, đàm phán về khả năng dừng đấu giá hai cổ vật...

Cũng liên quan đến vấn đề này, ngày 22.10, Sở VHTT Thừa Thiên Huế có văn bản số 2414/SVHTT-QLDSVH gửi UBND tỉnh này, theo đó đề nghị UBND tỉnh có văn bản đề nghị Bộ Ngoại giao chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp kịp thời làm việc trực tiếp với hãng đấu giá MILLON để xác minh rõ thông tin liên quan đến việc đấu giá hai cổ vật nêu trên như thông báo của Hãng (chủ sở hữu, tính hợp pháp của hai cổ vật, giá dự kiến bán, khả năng đàm phán mua trực tiếp không qua đấu giá). Sớm trao đổi, đàm phán về khả năng dừng đấu giá hai cổ vật, để phía Việt Nam có thể thỏa thuận mua trực tiếp không qua đấu giá.

Đồng thời nhanh chóng tìm hiểu và đề xuất phương án phù hợp nhất (phù hợp với pháp luật nước sở tại và thông lệ quốc tế) để “hồi hương” hai cổ vật nêu trên căn cứ kết quả làm việc với hãng đấu giá. Văn bản còn đề nghị UBND tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ đạo Sở Ngoại vụ và Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế trực tiếp theo dõi và thường xuyên báo cáo thông tin về hai cổ vật nêu trên để UBND tỉnh kịp thời chỉ đạo.

 

LÂM SƠN - PHƯƠNG ANH

Ý kiến bạn đọc