Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Hình tượng cố Tổng Bí thư Trường Chinh, nhà lãnh đạo kiệt xuất trên sân khấu chèo

Thứ Hai 24/10/2022 | 15:34 GMT+7

VHO- Vở chèo Trọn đời vì nước non - tác giả kịch bản Lê Thế Song, đạo diễn NSND Tự Long vừa được tập thể Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Nam Định biểu diễn trong khuôn khổ Liên hoan Chèo toàn quốc 2022 tại Hà Nam. 

Trọn đời vì nước non - vở chèo ngợi ca nhà chính trị, tư tưởng, lý luận, nhà báo, nhà thơ Trường Chinh - người con ưu tú, niềm tự hào của quê hương Nam Định.  Khán phòng Nhà Văn hóa trung tâm tỉnh Hà Nam tối 22.10 không còn ghế trống. Mỗi khi các nghệ sĩ thể hiện xong một làn điệu, khán phòng tràn ngập tiếng pháo tay của khán giả. Có thể nói Trọn đời vì nước non là một vở chèo nhuần nhị thấm đẫm chất chèo và cũng thể hiện tư duy sáng tác và dàn dựng rất mới, tạo nên tính hấp dẫn cho tác phẩm.

Hình tượng cố Tổng Bí thư Trường Chinh trên sân khấu của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Nam Định

Trọn đời vì nước non khắc họa một quãng đời hoạt động của người thanh niên yêu nước Đặng Xuân Khu (cố Tổng Bí thư Trường Chinh), từ khi ông rời quê hương, bước vào con đường hoạt động cách mạng… Bị địch bắt, bị tra tấn dã man tại Nhà tù Hỏa Lò, rồi bị đày lên Nhà tù Sơn La. Nhưng với ý chí kiên định, niềm tin vào lý tưởng cách mạng, tình yêu nước, thương dân và niềm lạc quan, ông không chỉ khiến kẻ thù kinh sợ mà còn cảm hóa những cai tù, dẫn dắt họ theo con đường cách mạng. Cũng trong những năm tháng lao tù, cùng với những chiến sĩ cách mạng, Đặng Xuân Khu đã ra sức truyền bá đường lối cách mạng của Đảng cho cán bộ và nhân dân ta.

Tác phẩm  do thạc sĩ Lê Thế Song viết kịch bản; NSND Tự Long làm đạo diễn; âm nhạc của nhạc sĩ Dương Thanh Nam; thiết kế mỹ thuật của họa sĩ Đặng Minh Tuấn; NSƯT Thanh Nam biên đạo múa; khắc họa một quãng đời hoạt động của một người con ưu tú của quê hương Nam Định là cố Tổng Bí thư Trường Chinh, từ khi ông rời quê hương (làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định), bước vào con đường hoạt động cách mạng đến thời kỳ tiền khởi nghĩa…

Vở diễn mang âm hưởng ca ngợi cuộc đời của người chiến sĩ cộng sản kiên trung, nhà chính trị, tư tưởng, nhà lý luận, nhà lãnh đạo, nhà hoạt động văn hóa, nhà báo, nhà thơ… suốt đời sống, chiến đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Tuy nhiên, đề tài chính luận không làm vở diễn khô cứng.

Khán giả có thể cảm nhận tình yêu nước, lòng nhân ái và ý chí lạc quan, tin tưởng vào cách mạng của người chiến sĩ Đặng Xuân Khu khi bị bắt và tù đày ở nhà tù Sơn La. Tại nhà tù, Đặng Xuân Khu và các tù chính trị khác bị bọn cai ngục quản thúc rất chặt chẽ và bắt lao dịch nặng nhọc. Phải lao động khổ sai, ăn uống cực khổ, song không vì thế mà những người cộng sản giảm sút tinh thần tranh đấu. Không chỉ cùng các chiến sĩ cách mạng, các đồng đội đấu tranh với kẻ thù, Đặng Xuân Khu còn khiến những cai ngục cảm phục và từ đó cảm hóa họ đi theo các mạng. Chi tiết những cai ngục- tay sai của thực dân Pháp, chép thơ của ông, cảm phục ông và đi theo ông là chi tiết đắt giá, được xử lý khéo léo, pha lẫn hề chèo, đem đến cho khán giả những tiếng cười nhẹ nhàng đồng thời khắc họa được tư tưởng của người chiến sĩ các mạng Đặng Xuân Khu.

Vở chèo làm sống lại một giai đoạn lịch sử của dân tộc 

Tác giả kịch bản, thạc sĩ Lê Thế Song chia sẻ : "Vở diễn tái hiện hình tưởng Tổng Bí thư Trường Chinh, đặc biệt giai đoạn là từ khi ông rời quê hương đi làm cách mạng, bị tù đày và thời kỳ tiền khởi nghĩa. Đó là một quãng đời vô cùng gian khổ nhưng cũng khẳng định được hình tượng một người lãnh tụ với đày đủ Trí, Đức, Nhân, Tâm và Tài. Ông đã vượt qua mọi gian nguy, trải qua tù đày khắc nghiệt nhưng để trở về, cùng với Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Lê Duẩn và các nhà lãnh đạo Việt Nam… tiếp tục lãnh đạo cách mạng, phát triển được luận cương về văn hóa và đặc biệt là chính sách, đường lối đúng đắn để lãnh đạo con đường cách mạng của Việt Nam tiến đến thắng lợi, giành độc lập dân tộc, khai sinh đất nước. Khi trong tù, ông đã xây dựng chi bộ nhà tù, vận động các tù nhân tham gia tích cực hoạt động cách mạng và kết nạp được Đảng viên trong nhà tù, đặc biệt là đấu tranh chính trị với kẻ thù để nâng cao đời sống của đồng chí trong tù…".

Thạc sĩ Lê Thế Song chia sẻ: "Đây là vở chèo chính luận, nếu không cẩn thận sẽ sa vào khô cứng, giáo điều, chính trị. Nhưng vở diễn này, đạo diễn, tác giả và ê kíp sáng tạo đã tính toán sao cho câu chuyện dung dị, chân thực, có những câu chuyện không có trong lịch sử nhưng được tương truyền và có nguồn tin từ tư liệu đã được đưa vào kịch bản. Ví dụ, khi ông ra tù, phong trào đấu tranh phản chiến của nhân dân Pháp rất mạnh, toàn quyền Pháp phải ký quyết định tự do cho các tù nhân. Nhưng người Pháp biết ông là nhân vật nguy hiểm nên dù thả tự do nhưng bắt đi về bằng cách đi trên bè nứa trên sông Đà. Rất ít người đi trên bè nứa có thể trở về an toàn, nhưng bằng sự giúp đỡ của người dân, đặc biệt là những đồng chí, đồng đội, ông đã từ Sơn La trở về Hà Nội thành công bằng con đường đó. Một câu chuyện nữa rất xúc động là khi ông bị giam trong nhà tù Hỏa Lò, giặc Pháp muốn lung lạc ý chí của bác bằng cách đưa vợ vừa con nhỏ vào thăm. Nhưng ông vẫn kiên định không khai, người vợ của ông là bà Minh cũng là người phụ nữ thảo hiền, kiên trung, sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp lớn lao".

Kịch bản của Lê Thế Song được xử lý khéo léo bởi bàn tay của đạo diễn, NSND Tự Long. Khán giả trải qua nhiều cung bậc cảm xúc, khi thì hồi hộp, lo lắng lo cho người chiến sĩ cách mạng sẽ bị giặc bắt, lúc lại khâm phục tinh thần, ý chí chiến đấu của người chiến sĩ, dù chịu nhiều hình thức tra tấn dã man vẫn một mực giữ im lặng. Lúc sục sôi hào hùng khi vượt thác, băng ghềnh về Hà Nội.

Nhiều cảnh diễn dàn dựng ấn tượng trên sân khấu

Điều đáng ghi nhận ở một vở chèo chính luận, xây dựng hình tượng một lãnh tụ cách mạng nếu không cẩn thận sẽ sa vào khô cứng, giáo điều, chính trị. Nhưng ở vở diễn này, đạo diễn, tác giả, ê kíp sáng tạo và đặc biệt là những giọng ca chèo sáng giá của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Nam Định đã mang tới một câu chuyện dung dị, chân thực và đầy xúc động. Vở diễn lấy nước mắt khán giả khi thể hiện tình yêu gia đình của người chiến sĩ cách mạng. Bị địch tra tấn dã man, nhưng khi tỉnh lại sau những trận đòn, người chiến sĩ tên Đức hỏi đồng đội, khi anh bị bắt con mới chào đời, không biết bây giờ con anh lớn chừng nào? Khán phòng lặng đi khi câu dân ca "Con cò bay lả bay la" cất lên.

Theo NSƯT Nguyễn Thị Diệu Hằng, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Nam Định, vai Đặng Xuân Khu được giao cho nghệ sĩ Xuân La và vai bà Minh (vợ Đặng Xuân Khu) được giao cho nghệ sĩ Thu Phương, hai nghệ sĩ có chất giọng rất tốt. Các nghệ sĩ của đơn vị dàn dựng vở diễn với tâm thế để tri ân nhân kỷ niệm 115 năm Ngày sinh của cố Tổng Bí thư Trường Chinh và tham dự Liên hoan sân khấu Chèo chuyên nghiệp toàn quốc năm 2022. Vở diễn khắc họa một phần cuộc đời của cố Tổng Bí thư Trường Chinh, qua đó tái hiện một giai đoạn lịch sử của dân tộc, góp phần khơi dậy tình yêu nước trong khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ.

Cố Tổng Bí thư Trường Chinh tên thật là Đặng Xuân Khu, sinh ngày 9.2.1907 tại làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Với 81 tuổi đời, 63 năm hoạt động cách mạng, 3 lần đảm nhiệm cương vị Tổng Bí thư của Đảng, ông là nhà lãnh đạo kiệt xuất của Cách mạng Việt Nam, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; người khởi xướng công cuộc đổi mới cách đây hơn 30 năm. Ông đồng thời còn là nhà văn hóa, một trí thức lớn của dân tộc.

THÚY HIỀN

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top