An Giang: Lan toả đời sống văn hoá trong gia đình, khu dân cư, nhà trường, cơ quan, doanh nghiệp...

VHO - Triển khai Kết luận của Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc và hưởng ứng “Năm xây dựng môi trường văn hoá cơ sở” của ngành VHTTDL, UBND tỉnh An Giang vừa ban hành Kế hoạch số 650/KH-UBND triển khai thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh. Ông Trương Bá Trạng, Phó Giám đốc Sở VHTTDL An Giang đã chia sẻ với Văn Hóa những thuận lợi và khó khăn trong quá trình triển khai Kế hoạch.

An Giang: Lan toả đời sống văn hoá trong gia đình, khu dân cư, nhà trường, cơ quan, doanh nghiệp... - Anh 1

Ông Trương Bá Trạng, Phó Giám đốc Sở VHTTDL An Giang

P.V: Thưa ông Trương Bá Trạng, được biết An Giang vừa ban hành Kế hoạch số 650/KH-UBND triển khai thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh, với nhiều mục tiêu lớn mang tính trước mắt và lâu dài, để thực hiện thành công kế hoạch cũng như những mục tiêu đề ra, tỉnh An Giang nói chung và ngành VHTTDL An Giang triển khai các công việc cụ thể như thế nào?

- Ông Trương Bá Trạng: Một trong những mục tiêu chung mà chúng tôi hướng đến khi  triển khai thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 là: Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong các lĩnh vực; nâng cao đời sống tinh thần của Nhân dân, từng bước thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa thành thị và nông thôn, các đối tượng chính sách và yếu thế; chú trọng phát triển văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số… Để thực hiện đạt mục tiêu này, Sở VHTTDL đã tham mưu UBND tỉnh nhiều chương trình, kế hoạch chuyên ngành để có lộ trình từng bước phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế văn hóa của địa phương.

An Giang: Lan toả đời sống văn hoá trong gia đình, khu dân cư, nhà trường, cơ quan, doanh nghiệp... - Anh 2

Chương trình văn nghệ tuyên truyền nhân kỷ niệm 190 năm thành lập tỉnh An Giang (1832 – 2022) và các ngày lễ lớn trong năm 2022

Về xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, từ nay đến năm 2030: Nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành, các địa phương và toàn xã hội về vị trí, vai trò, đóng góp của văn hóa trong phát triển bền vững kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế; văn hóa thực sự “đứng ngang hàng với kinh tế, chính trị”. Từng bước hoàn chỉnh công tác phân cấp, ủy quyền cho các địa phương chủ động thực hiện chặt chẽ công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật, karaoke, vũ trường, quảng cáo, hoạt động vui chơi giải trí... Bởi vì, có quản lý tốt thì càng góp phần làm lành mạnh hóa đời sống văn hóa của Nhân dân. Triển khai thực hiện các Bộ tiêu chí trong: gia đình, nhà trường, cộng đồng dân cư, các cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể, lực lượng vũ trang, doanh nghiệp, tổ chức xã hội..., nhằm hình thành các chuẩn mực về văn hóa đạo đức, hành vi ứng xử phù hợp với thực tế tại địa phương. Đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả các quy tắc ứng xử văn hóa, văn minh trên môi trường mạng xã hội. Phấn đấu đến năm 2025, có 70% hộ gia đình đăng ký thực hiện bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình. Kế hoạch bảo đảm khoảng 85% các xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị đạt được các danh hiệu văn hóa trong phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa và các phong trào thi đua, cuộc vận động về xây dựng đời sống văn hóa cơ sở đúng theo quy định; 100% các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn danh hiệu “Cơ quan văn hóa”, “Đơn vị văn hóa”, “Doanh nghiệp văn hóa” hằng năm. Phát huy vai trò làm chủ của Nhân dân trong xây dựng đời sống văn hóa. Từng bước xóa bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu. Xây dựng nếp sống văn hóa, tiến bộ, văn minh đô thị và nông thôn, nhất là trong việc cưới, việc tang, lễ hội; chấn chỉnh kịp thời việc lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo để truyền bá tư tưởng duy tâm thần bí, thực hành mê tín dị đoan, gây mất an ninh xã hội. Nâng cao chất lượng, hiệu quả các cuộc vận động, phong trào thi đua về văn hóa. 

An Giang: Lan toả đời sống văn hoá trong gia đình, khu dân cư, nhà trường, cơ quan, doanh nghiệp... - Anh 3

Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam ở Châu Đốc - An Giang là lễ hội lớn của tỉnh và cả nước, đang được tỉnh An Giang bảo tồn và phát huy có hiệu quả

Để nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, từng bước thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa thành thị và nông thôn, các đối tượng chính sách và yếu thế, chú trọng phát triển văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số, từ nay đến năm 2030: Phấn đấu 100% đơn vị hành chính cấp huyện đều có Trung tâm Văn hóa - Thể thao; Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh; Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Trung tâm Văn hóa, Thể thao, Du lịch và Truyền thanh cấp huyện có cơ sở vật chất các thiết chế đảm bảo theo quy định của Bộ VHTTDL; 100% đơn vị hành chính cấp xã có Trung tâm Văn hóa - Thể thao, Điểm sinh hoạt văn hóa. Phấn đấu 100% di tích quốc gia đặc biệt và khoảng 50% di tích quốc gia được tu bổ, tôn tạo; 100% số di sản trong Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được xây dựng đề án, chương trình bảo vệ và phát huy giá trị. Bảo đảm ít nhất 75% người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới; 80% các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được hưởng thụ và tham gia các hoạt động văn hóa, nghe, xem các kênh phát thanh, kênh truyền hình của địa phương. Hằng năm có tác phẩm, công trình văn hóa, văn học nghệ thuật về lịch sử dân tộc, lịch sử đấu tranh cách mạng và công cuộc đổi mới của quê hương An Giang. Xây dựng Chương trình sáng tác, nghiên cứu về văn hóa - nghệ thuật tỉnh An Giang trong 100 năm (1930 - 2030) dưới sự lãnh đạo của Đảng. Khai thác, phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa hiện có; Xây dựng cơ chế Xã hội hóa khai thác hoạt động các thiết chế văn hóa ở vùng nông thôn theo định hướng: Nhà nước đầu tư cơ sở vật chất – Các nhà đầu tư khai thác sử dụng, thực hiện các dịch vụ văn hóa gắn với giao ước thực hiện các nhiệm vụ chính trị ở địa phương theo quy định. Tăng cường bảo vệ, phát huy đa dạng văn hóa cộng đồng, chú trọng phát triển tài năng trẻ, ưu tiên người dân tộc thiểu số và phụ nữ bảo đảm quyền bình đẳng giới trong lĩnh vực văn hóa. Xây dựng, tổ chức hoạt động có hiệu quả phong trào văn hóa nghệ thuật tại địa phương; định kỳ tổ chức các ngày hội, giao lưu, liên hoan văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc theo từng dân tộc; tổ chức đa dạng các chương trình văn hóa, nghệ thuật phục vụ đồng bào vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng dân tộc thiểu số. Tập trung đào tạo, nâng cao trình độ tác nghiệp văn hóa đối với cán bộ văn hóa tuyến cơ sở; đặc biệt, phấn đấu tăng mức đầu tư cho văn hóa tối thiểu 2% tổng chi ngân sách hằng năm của tỉnh.

An Giang: Lan toả đời sống văn hoá trong gia đình, khu dân cư, nhà trường, cơ quan, doanh nghiệp... - Anh 4

Nghi thức rước Bà Chúa Xứ từ đỉnh núi Sam về nhập miếu - một nghi thức quan trọng của Lễ vía Bà Chúa Xứ hằng năm 

Ông có thể cho biết thực tế tình hình phát triển văn hóa tại tỉnh An Giang hiện nay ra sao và khi triển khai thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, An Giang đang có những thuận lợi và khó khăn gì? 

- Nhìn chung, An Giang trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy và UBND tỉnh, công tác phát triển đời sống văn hóa luôn được chú trọng đặc biệt. Các chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa luôn được ưu tiên đầu tư. An Giang luôn mong muốn dù là một địa phương có thể tốc độ phát triển kinh tế tùy theo tình hình từng lúc có thể chậm hơn một chút. Tuy nhiên, về văn hóa, chăm sóc đời sống tinh thần cho người dân luôn được quan tâm.

Có thể nhìn nhận thực tế đời sống văn hóa trên địa bàn An Giang đạt được cơ bản là: Công tác quản lý Nhà nước được thực hiện nghiêm túc, đúng theo các quy định hiện hành, góp phần lành mạnh hóa môi trường văn hóa. Đời sống văn hóa, xây dựng các danh hiệu văn hóa có hiệu quả lan tỏa trong cộng đồng. Các thiết chế văn hóa cho người dân được xây dựng phù hợp với nhu cầu thực tế. Các hoạt động văn hóa cơ bản đáp ứng với nhu cầu hưởng thụ của người dân. Công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, phát triển văn hóa đọc, có nhiều kết quả tốt đẹp. Phong trào văn hóa văn nghệ trong quần chúng được duy trì; nhiều loại hình hoạt động văn hóa phong phú. Đặc biệt là các lễ hội được tổ chức tốt đáp ứng nhu cầu của Nhân dân.

An Giang: Lan toả đời sống văn hoá trong gia đình, khu dân cư, nhà trường, cơ quan, doanh nghiệp... - Anh 5

Nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Chăm tại An Giang

Trong quá trình tổ chức xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn, dù cơ bản là đáp ứng tốt với yêu cầu chung. Tuy nhiên cũng còn một số khó khăn cần khắc phục trong thời gian tới. Theo đó, nhận thức về tầm quan trọng, vai trò của văn hóa trong sự phát triển chung của địa phương một số nơi chưa được nâng cao. Một vài nơi còn chưa hiểu rõ nội dung của phát triển văn hóa, trong một vài trường hợp còn nghĩ văn hóa là lĩnh vực phụ yếu, phải đi sau phát triển kinh tế. Cơ chế chính sách phát triển văn hóa hiện còn chậm so với thực tế. Các chế độ, chính sách, quy định về tài lực, nhân lực cho phát triển văn hóa còn hạn chế dẫn đến tình trạng bó buộc sự phát triển văn hóa. Cụ thể là về kinh phí hoạt động cho các đơn vị quản lý và sự nghiệp văn hóa ở cả 3 cấp: tỉnh, huyện và xã.

Bên cạnh đó, trình độ chuyên môn của lực lượng thực thi quản lý và phát triển sự nghiệp văn hóa chưa đồng đều. Nhất là ở cấp xã, cán bộ văn hóa cấp này vừa thiếu, lại vẫn còn yếu nên ảnh hưởng rất lớn đến việc triển khai các hoạt động nhằm phát triển văn hóa ở địa phương. Đáng chú ý, hiện vẫn chưa có cơ chế khuyến khích mạnh mẽ cho các nhà đầu tư tham gia khai thác hoạt động văn hóa ở các thiết chế văn hóa do nhà nước đầu tư cơ sở vật chất… 

Trân trọng cám ơn ông!

THÙY TRANG (thực hiện)

Ý kiến bạn đọc