Hà Nội: Mạng lưới văn hóa cơ sở tạo nền tảng cho phát triển bền vững

VHO- Một trong ba khâu đột phá được xác định tại Đại hội XVII Đảng bộ Hà Nội nhiệm kỳ 2020-2025 là: “Đưa văn hóa và con người Hà Nội thực sự trở thành giá trị tinh thần to lớn, nguồn lực nội sinh quan trọng quyết định sự phát triển bền vững Thủ đô”. Trong những năm qua, Hà Nội liên tục có sự đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức, đặc biệt luôn quan tâm cụ thể hóa quan điểm chỉ đạo của Trung ương về phát triển văn hóa, xây dựng con người.

Hà Nội: Mạng lưới văn hóa cơ sở tạo nền tảng cho phát triển bền vững - Anh 1

 Di tích quốc gia đặc biệt Gò Đống Đa

Đẩy mạnh việc thực hiện Phong trào TDĐKXDĐSVH, xây dựng và phát triển mạng lưới văn hóa cơ sở là một trong những giải pháp then chốt của Hà Nội nhằm thực hiện những nhiệm vụ, mục tiêu đã đặt ra.

Giàu có những giá trị văn hóa truyền thống

Thực hiện Nghị quyết số 11/2012/NQ-HĐND của HĐND thành phố về Quy hoạch phát triển văn hóa Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Đặc biệt là tiềm năng dồi dào từ kho tàng di sản văn hóa phong phú, đa dạng. Năm 2016, thành phố kiểm kê 5.922 di tích, 1 di sản văn hóa thế giới, 1.793 các di sản văn hóa phi vật thể; trong đó có 3 di sản được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, 1 di sản Tư liệu thế giới và 1.350 làng nghề, làng có nghề.

Công tác tu bổ, tôn tạo di tích được thành phố đặc biệt chú trọng. Từ năm 2013- 2021, có hơn 60% di tích xuống cấp được đầu tư, tôn tạo, nâng cấp. Nhiều di tích được bảo tồn và phát huy giá trị đã trở thành điểm đến du lịch nổi tiếng, thu hút đông đảo khách tham quan, du lịch trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và quảng bá hình ảnh Thủ đô văn hiến, hòa bình, hữu nghị ra thế giới.

Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở từng bước được hoàn thiện. Hiện nay, thành phố có tổng số 30 thiết chế văn hóa, thể thao cấp Thành phố với 37 công trình văn hóa, thể thao; 29/30 quận, huyện, thị xã đã có Trung tâm Văn hóa, Thể thao cấp huyện. 116/579 xã, phường, thị trấn có công trình Trung tâm Văn hóa, Thể thao cấp xã, đạt 20,1%; 4.334 Nhà văn hóa/điểm sinh hoạt cộng đồng trên tổng số 5.394 thôn, tổ dân đạt tỉ lệ 80,3%.

Hệ thống rạp chiếu phim phát triển về số lượng với 38 rạp chiếu phim. Hệ thống Bảo tàng phát triển với 1 Bảo tàng công lập cấp Thành phố và 17 Bảo tàng tư nhân. Hệ thống bảo tàng tư nhân không ngừng lớn mạnh, là những địa chỉ giá trị nhằm bảo tồn và giới thiệu nghề truyền thống, bảo tàng nghệ thuật, cách mạng kháng chiến, cổ vật, lưu niệm danh nhân tới nhân dân Thủ đô. Hệ thống tượng đài, quảng trường văn hóa, các không gian giao lưu cộng đồng phát triển, với tổng số 63 tượng đài, tranh hoành tráng...

Tuy nhiên, theo Sở VHTT Hà Nội, bên cạnh những kết quả đạt được, trong bức tranh phát triển của Thủ đô vẫn còn những băn khoăn, trăn trở khi mạng lưới cơ sở văn hóa, thể thao chưa hoàn chỉnh, đồng bộ, phân bố chưa đồng đều, một số thiết chế hoạt động chưa hiệu quả. Thành phố còn thiếu những thiết chế mang tính biểu trưng, tương xứng với vị thế của Thủ đô Hà Nội. Nhiều công trình chưa đáp ứng các tiêu chí cơ bản, xuống cấp, không đáp ứng yêu cầu tổ chức hoạt động. Số lượng di tích của thành phố nhiều nhất toàn quốc nhưng số lượng di tích xuống cấp cũng rất lớn, cần được tu bổ, tôn tạo để bảo tồn và phát huy giá trị di tích.

Hà Nội: Mạng lưới văn hóa cơ sở tạo nền tảng cho phát triển bền vững - Anh 2

 Bảo tàng Hà Nội

Phát triển văn hóa Thủ đô xứng tầm với truyền thống nghìn năm

Phát triển mạnh mẽ sự nghiệp văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; tập trung phát triển văn hóa Thủ đô xứng tầm với truyền thống nghìn năm Thăng Long - Hà Nội; xây dựng Hà Nội thực sự là trung tâm hội tụ, kết tinh văn hóa của cả nước, trở thành nguồn lực phát triển mới cho Thủ đô... là những định hướng phát triển quan trọng của Hà Nội trong nhiều năm tới. Để thực hiện những định hướng này, Thành ủy, UBND TP Hà Nội đã ban hành các văn bản quan trọng. Theo đó, các nhiệm vụ trọng tâm được xác định gồm: Tập trung bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, các di tích, công trình kiến trúc có giá trị, trọng tâm là các di sản thế giới, di tích quốc gia; tập trung đầu tư các công trình thiết chế văn hóa, di tích lịch sử. Đầu tư xây dựng một số công trình văn hóa, thể thao mới, tiêu biểu của Thủ đô...

Với mục tiêu từng bước đầu tư hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở, Hà Nội phấn đấu đến năm 2025 sẽ có 100% các quận, huyện, thị xã có Trung tâm Văn hóa, Thể thao cấp huyện; 100% thôn, làng, tổ dân phố có nhà văn hóa hoặc điểm sinh hoạt cộng đồng; 70-73% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được công nhận đạt chuẩn văn hóa. Phấn đấu đến năm 2030: 100% các quận, huyện, thị xã có Trung tâm Văn hóa, Thể thao cấp huyện; 100% thôn, làng, tổ dân phố có nhà văn hóa đáp ứng tiêu chí theo quy định của Bộ VHTTDL; 75% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được công nhận đạt chuẩn văn hóa; 100% khu công nghiệp có nhà văn hóa hoặc điểm sinh hoạt văn hóa phục vụ công nhân, người lao động.

Về hệ thống giải pháp để thực hiện những định hướng này, Sở VHTT Hà Nội nhấn mạnh, cần định vị tầm nhìn rộng để hoạch định chiến lược phát triển văn hóa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô; để Thủ đô Hà Nội xứng đáng là trung tâm văn hóa lớn của cả nước, nhất là thúc đẩy mạnh mẽ việc hiện thực hóa mục tiêu xây dựng “Thành phố sáng tạo”.

Để cụ thể hóa các quan điểm mới về phát triển văn hóa, con người Việt Nam được đặt ra tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đồng thời khắc phục những hạn chế, yếu kém, bám sát tình hình thực tiễn của Thủ đô, đặc biệt để phát triển mạng lưới văn hóa, thể thao TP Hà Nội trở thành trung tâm của vùng Đồng bằng sông Hồng, Hà Nội cần tập trung triển khai toàn diện, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp vừa đảm bảo đáp ứng yêu cầu trước mắt, vừa có tính căn cơ, lâu dài, trên tinh thần đổi mới sáng tạo, có tính đột phá. Trong đó, các nhóm nội dung trọng tâm được nhấn mạnh gồm: Nâng cao nhận thức về văn hóa và nhiệm vụ phát triển văn hóa, con người; tiếp tục kiên trì mục tiêu xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện, hình thành hệ giá trị văn hóa mới trên cơ sở kế thừa và phát huy những giá trị nhân văn sâu sắc của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội ngàn năm văn hiến; thúc đẩy đưa các mô hình văn hóa gia đình, cộng đồng, trường học, nếp sống văn hóa tiến bộ, văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội đi vào thực chất, có hiệu quả, tạo sức lan tỏa xã hội cao.

Bên cạnh đó, rà soát, quy hoạch, định hướng chiến lược phát triển mạng lưới cơ sở văn hóa, thể thao tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô, đảm bảo bố trí nguồn lực đầu tư phù hợp; quan tâm đầu tư xây dựng mới các công trình văn hóa, thể thao tiêu biểu; từng bước hoàn thiện và phát triển các thiết chế văn hóa, thể thao các cấp đáp ứng tiêu chí theo quy định. 

HÀ PHƯƠNG

Ý kiến bạn đọc