Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Khai mạc Hội nghị quốc tế về hang động núi lửa lần thứ 20

Thứ Ba 22/11/2022 | 11:00 GMT+7

VHO - Sáng 22.11, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Đắk Nông (TP Gia Nghĩa), UBND tỉnh Đắk Nông phối hợp với Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (Bộ TN&MT) và Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) tổ chức Lễ khai mạc Hội nghị quốc tế về hang động núi lửa lần thứ 20 (ISV20) và Hội thảo khoa học “15 năm phát triển công viên địa chất ở Việt Nam”. Hội nghị được tổ chức dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến.  

Chương trình nghệ thuật chào mừng với chủ đề "Thanh âm từ Nâm B'lang"

Tham dự Hội nghị có Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Trường Giang; Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Bùi Hoài Sơn;  Phó Tổng Thư ký UBQG UNESCO Việt Nam Phạm Thanh Bình; lãnh đạo tình Đắk Nông; đại diện các Bộ, ngành Trung ương; đại diện thành viên các nước thuộc Mạng lưới CVĐCTC UNESCO; chính quyền địa phương các tỉnh bạn có CVĐCTC; các nhà nghiên cứu khoa học…

Về phía đại biểu quốc tế có các ông: Christian Manhart, Trưởng Văn phòng UNESCO tại Việt Nam; John Brush, Chủ tịch Ủy ban Hang động núi lửa quốc tế, chuyên gia hang động núi lửa; TS. Guy Martini, Tổng Thư ký mạng lưới, Công viên địa chất toàn cầu (CVĐCTC), Chủ tịch Hội đồng Công viên địa chất (CVĐC).

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Tôn Thị Ngọc Hạnh tặng hoa chúc mừng các đại biểu quốc tế

Lần đầu tiên Hội nghị ISV được tổ chức tại Việt Nam

Phát biểu khai mạc từ điểm cầu Hà Nội, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết, kể từ khi lần đầu tiên được tổ chức vào năm 1972 tại Hawaii, Hội nghị quốc tế về hang động núi lửa đã trở thành một sự kiện quan trọng đối với các chuyên gia, nhà khoa học quốc tế trong lĩnh vực hang động núi lửa nhằm trao đổi thông tin, kết quả nghiên cứu và kinh nghiệm trong quản lý, phát huy giá trị của loại hình di sản tự nhiên quan trọng này đối với nhân loại. Hôm nay, Việt Nam tự hào lần đầu tiên sẽ góp mặt trên bản đồ các địa danh toàn cầu đăng cai sự kiện ISV bên cạnh các nước rất giàu tài nguyên hang động núi lửa như Tây Ban Nha, Ecuador, Italia, Australia, Hàn Quốc, Jordan, Iceland và Hoa Kỳ. 

Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà phát biểu khai mạc từ điểm cầu trực tuyến Bộ TN&MT

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, thời gian qua, Việt Nam tích cực tham gia vào các cơ chế hợp tác quốc tế và khu vực về CVĐC, hang động núi lửa. Việc tỉnh Đắk Nông đăng cai Hội nghị ISV20 đánh dấu cột mốc mới trong hợp tác khoa học giữa Việt Nam với các quốc gia có hệ thống hang động trên thế giới, giữa CVĐCTC UNESCO Đắk Nông với Hiệp hội Hang động quốc tế nói chung và Ủy ban Hang động núi lửa quốc tế nói riêng và với các thành viên thuộc Mạng lưới CVĐCTC. 

“Mặc dù là thành viên còn rất trẻ trong Mạng lưới CVĐCTC, nhưng việc tỉnh Đắk Nông được lựa chọn để đăng cai hội nghị quan trọng này đã nâng cao vị thế của địa danh Đắk Nông với bạn bè quốc tế, tăng cường quan hệ hợp tác và hiểu biết lẫn nhau giữa các nước trong khu vực về bảo tồn và khai thác bền vững các di sản địa chất. Thông qua hoạt động này sẽ giúp tỉnh Đắk Nông giới thiệu, quảng bá hiệu quả hệ thống hang động núi lửa - di sản địa chất (có dấu vết của văn hóa người tiền sử) mang tầm quốc tế trong vùng CVĐCTC UNESCO Đắk Nông; thu hút các nhà khoa học đến nghiên cứu, nâng cao thêm giá trị của hệ thống hang động, giá trị văn hóa đặc trưng; chia sẻ kinh nghiệm, góp phần bảo tồn, khai thác hiệu quả di sản mang tầm quốc tế của tỉnh Đắk Nông, phục vụ cho sự phát triển của tỉnh và đóng góp vào sự phát triển chung của cả nước”, Bộ trưởng Bộ TN&MT nhấn mạnh.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà mong rằng, tới đây, các sự kiện tương tự sẽ được tổ chức thường xuyên để các Công viên địa chất toàn cầu của Việt Nam và các địa phương có thể giao lưu, học tập kinh nghiệm trong quản lý, khai thác di sản địa chất và công viên địa chất Việt Nam, tìm kiếm các giải pháp phát triển trong thời gian tới, từng bước xây dựng và phát triển Mạng lưới Công viên địa chất Việt Nam vững mạnh, phục vụ phát triển bền vững kinh tế - xã hội.

Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Hồ Văn Mười mong muốn sẽ nhận được những đánh giá, đề xuất của các chuyên gia về cách thức bảo tồn, khai thác hiệu quả núi lửa và hệ thống núi lửa trong vùng CVĐCTC UNESCO Đắk Nông

Phát biểu tại Lễ khai mạc, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Hồ Văn Mười cho hay, việc chủ động đăng cai tổ chức Hội nghị Quốc tế về Hang động núi lửa khẳng định quyết tâm của tỉnh Đắk Nông trong việc bảo tồn và sử dụng hợp lý các giá trị di sản, đặc biệt là các di sản địa chất. Với chủ đề: “Bảo tồn, phát triển bền vững các núi lửa và hang động núi lửa”, ISV20 được mở rộng, bao gồm cả hệ thống các núi lửa - vốn là nguồn gốc sản sinh ra các hang động núi lửa, những di sản địa chất quý giá mà tỉnh Đắk Nông và một số địa phương khác ở Việt Nam đang sở hữu. Đây là cơ hội tốt để tỉnh Đắk Nông giới thiệu, quảng bá hệ thống núi lửa và hang động núi lửa - những di sản địa chất tầm cỡ quốc tế trong vùng CVĐCTC UNESCO Đắk Nông đến bạn bè trong nước và quốc tế. Đây còn là dịp để tỉnh Đắk Nông học hỏi kinh nghiệm quốc tế trong lĩnh vực bảo tồn, quản lý và khai thác bền vững di sản, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

“Là địa phương đăng cai tổ chức ISV20, chúng tôi mong muốn, Hội nghị lần này thực sự là diễn đàn để các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà quản lý về núi lửa và hang động núi lửa có cơ hội trao đổi những kết quả nghiên cứu khoa học của mình, đồng thời, dành sự quan tâm nghiên cứu để tìm ra những giá trị khoa học mới về núi lửa và hệ thống hang động núi lửa ở Đắk Nông. Qua chuyến khảo sát thực địa sau hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông hy vọng sẽ nhận được những đánh giá, đề xuất của các chuyên gia về cách thức bảo tồn, khai thác hiệu quả núi lửa và hệ thống núi lửa trong vùng CVĐCTC UNESCO Đắk Nông”, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông mong muốn.

Nâng cao vị thế của CVĐCTC UNESCO Đắk Nông

Phát biểu tại hội nghị, TS. Guy Martini, Chủ tịch Hội đồng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO, Tổng thư ký Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu đánh giá cao những giá trị của CVĐC UNESCO Đắk Nông vào mạng lưới CVĐC toàn cầu, đồng thời hoan nghênh những hoạt động thiết thực của Việt Nam và Đắk Nông trong việc bảo tồn, phát huy những giá trị của CVĐC và hang động núi lửa.

TS. Guy Martini, Chủ tịch Hội đồng CVĐCTC UNESCO, Tổng thư ký Mạng lưới CVĐCTC phát biểu tại Lễ khai mạc 

Ông Christian Manhart - Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam cho rằng, chủ đề năm nay là “Bảo tồn và sử dụng bền vững núi lửa và hang động núi lửa” rất phù hợp. Năm 2020, CVĐC Đắk Nông được UNESCO công nhận là CVĐCTC, nâng mạng lưới lên 11 CVĐC UNESCO có hang động dung nham. UNESCO cam kết hỗ trợ mạnh mẽ thúc đẩy hợp tác quốc tế. Với mạng lưới các chương trình khoa học liên chính phủ, tất cả chúng ta đều góp phần thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển bền vững nói chung và hành động ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ đa dạng sinh học và địa chất nói riêng. Đến nay, UNESCO đã hỗ trợ hơn 60 dự án quốc tế, dẫn đầu bởi 379 nhà lãnh đạo địa chất đến từ ​​92 quốc gia. Chương trình CVĐCTC của UNESCO là đơn vị độc nhất công nhận di sản địa chất có ý nghĩa quốc tế. Chương trình này tương đối mới mẻ vì chỉ mới được tạo ra vào năm 2015 bởi các quốc gia thành viên của UNESCO, nhưng đã phát triển cực kỳ nhanh chóng. Hiện đã có 177 địa điểm ở 46 quốc gia.

Ông Christian Manhart - Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam 

Ông Christian Manhart tin rằng, các hoạt động trao đổi trong những ngày tới tại Đắk Nông sẽ rất hứng khởi và hiệu quả, đồng thời tăng cường sự hợp tác tuyệt vời giữa UNESCO và các nhà địa chất để bảo tồn, sử dụng bền vững các núi lửa, hang động núi lửa, hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững và Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc.

Tiếp sau Lễ khai mạc, sẽ diễn ra các hội thảo Hội nghị ISV20 gồm 3 chuyên đề: Địa chất/ địa mạo/ quá trình hình thành núi lửa/ báo cáo khảo sát hang động và dữ liệu; Sử dụng hang động/ sinh học trong hang/ quá trình hình thành núi lửa/ địa chất/ quản lý và bảo vệ hang động; Địa chất/ báo cáo khảo sát hang động và dữ liệu/ quản lý và bảo vệ hang động; và Hội thảo khoa học “15 năm phát triển CVĐC ở Việt Nam”.

Ngoài ra, bên lề hội nghị sẽ diễn ra các hoạt động giao lưu quốc tế: Lễ ký kết Biên bản hợp tác giữa Ban quản lý CVĐCTC UNESCO Đắk Nông (Việt Nam) và Ban quản lý CVĐCTC UNESCO Mudeungsan (Hàn Quốc); Họp trực tuyến giữa các CVĐCTC UNESCO có di sản địa chất núi lửa và hang động núi lửa trong mạng lưới CVĐCTC UNESCO khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.

Hội nghị sẽ diễn ra đến ngày  26.11 với chủ đề “Bảo tồn và phát triển bền vững các núi lửa và hang động núi lửa”. Hội nghị quốc tế về hang động núi lửa do Hiệp hội Hang động Quốc tế và Ủy ban Hang động núi lửa (UIS - CVC) tổ chức theo định kỳ 2 năm một lần nhằm tạo ra diễn đàn trao đổi thông tin, kết quả nghiên cứu và kết nối các thành viên trong lĩnh vực này.

NGỌC HÒA

Print
Tags:

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top