Ý nghĩa đặc biệt từ chương trình “Đắk Drông dệt khúc yêu thương”

VHO - Những suất quà, học bổng và chương trình nghệ thuật đã thật sự lan tỏa những tình cảm ấm áp, yêu thương của thầy và trò Khoa Quản lý văn hóa, nghệ thuật - Trường ĐH Văn hóa TP.HCM đến với bà con trên địa bàn Thôn 19, xã Đắk DRông, huyện Cư Jut, tỉnh Đắk Nông trong khuôn khổ sự kiện “Đắk Drông dệt khúc yêu thương” vừa diễn ra mới đây.

Ý nghĩa đặc biệt từ chương trình “Đắk Drông dệt khúc yêu thương” - Anh 1

Chương trình văn nghệ trong sự kiện “Đắk Drông dệt khúc yêu thương”

Sự kiện này nhằm chăm lo cho các em học sinh đồng bào dân tộc, đặc biệt là các học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại Trường THCS Hoàng Văn Thụ và các trường khác để các em được tiếp tục đến trường; đồng thời chăm lo cho các hộ gia đình thuộc diện hộ nghèo, tạo điều kiện cho người dân vượt qua gian khổ, vươn lên phát triển cuộc sống. Đây cũng là việc thực hiện truyền tải sứ mệnh của Trường ĐH Văn hóa TP.HCM trong việc đào tạo, giáo dục người học trở thành những cán bộ văn hóa có kiến thức chuyên môn giỏi, có chuẩn mực đạo đức tốt, tích cực tham gia các hoạt động phục vụ, hỗ trợ cộng đồng. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng đào tạo theo định hướng ứng dụng mà Nhà trường đã và đang triển khai thực hiện. 

Ý nghĩa đặc biệt từ chương trình “Đắk Drông dệt khúc yêu thương” - Anh 2

Các sinh viên, học viên vận chuyển và phân phối quà gửi tặng đến bà con nghèo

Trong khuôn khổ sự kiện, tại Trường Mầm non Thôn 19, xã Đắk DRông đã diễn ra chương trình trao tặng những suất quà đến các em học sinh và bà con tại địa phương. Các phần quà bao gồm gạo, mì gói, gia vị các loại, trị giá 350.000 đồng/phần và tiền mặt 500.000 đồng/hộ đã được trao đến 95 hộ dân nghèo và cận nghèo tại thôn 19, xã Đắk Drông, huyện Cư Jút, đây cũng là thôn có số hộ dân nghèo nhiều nhất xã. Bên cạnh đó, bà con nơi đây còn được trải nghệm “Gian hàng 0 đồng”, “Tiệm cắt tóc miễn phí”,... hòa cùng những trò chơi hết sức sôi động và vui tươi. Sự hạnh phúc và niềm vui, nụ cười rạng rỡ đã lan tỏa trên môi của các em và bà con nơi đây.

Ý nghĩa đặc biệt từ chương trình “Đắk Drông dệt khúc yêu thương” - Anh 3

Các phần quà được chương trình trao gửi đến người dân Thôn 19, xã Đắk DRông

Cùng với chương trình trao quà nói trên, các sinh viên đã mang đến cho bà con chương trình nghệ thuật đặc sắc. Theo đó, tiết mục ca múa “Việt Nam những chuyến đi” đã mở đầu cho đêm giao lưu nghệ thuật. Sau đó là sự kết hợp của các thể loại như ca hát, nhảy múa, diễn kịch... được dàn dựng công phu, hoành tráng với 3 chương: Chương 1 “Đắk Drông - nơi gặp gỡ đất trời”; chương 2 “Bay xa vùng ấm trong tim” và chương 3 “Việt Nam trong tôi là”. Chương trình giao lưu nghệ thuật đã khắc họa được quá khứ hào hùng của các dân tộc Tây Nguyên nói chung và tỉnh Đắk Nông nói riêng. Và đặc biệt là những ước muốn của học viên - sinh viên đã được gởi gắm và hiện thực hóa ngay trên sân khấu một cách rất chân thật, thực tế và cảm động khi xen vào chương trình là những giây phút trao học bổng, trao xe đạp dành tặng cho các em và bà con nơi đây. Chương trình đã trao quà cho các em học sinh thuộc diện nghèo và cận nghèo, với 67 suất gồm sữa, balo, vở, dụng cụ học tập kèm theo 67 suất học bổng (trị giá 500.000/suất) dành cho 67 học sinh của 7 trường mầm non, Tiểu học, THCS trên địa bàn xã Đắk Drông. Cùng với đó, các bạn đã trao 30 chiếc xe đạp tặng cho 30 em Trường THCS Hoàng Văn Thụ (mỗi chiếc trị giá trên 1 triệu đồng)… Thêm một lần nữa, ý nghĩa - giá trị nhân văn cao cả đã được thể hiện, lan tỏa mạnh mẽ đạo lý truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam “Tương thân, tương ái” và “Lá lành đùm lá rách”. 

Ý nghĩa đặc biệt từ chương trình “Đắk Drông dệt khúc yêu thương” - Anh 4

ThS. Đạo diễn Hoàng Duẩn - Giảng viên Khoa Quản lý văn hóa, nghệ thuật - Cố vấn sự kiện nhấn mạnh: “Sự kiện này do chính các sinh viên thực hiện, các em viết kịch bản, dàn dựng, vận động tài trợ, làm công tác truyền thông, thiết kế hệ thống nhận diện và lo toàn bộ khâu tổ chức sự kiện… thầy cô giáo chỉ cố vấn và hỗ trợ các em”. Đạo diễn Hoàng Duẩn cũng gửi lời tri ân sự giúp đỡ của quý mạnh thường quân, quý lãnh đạo Nhà trường, quý lãnh đạo địa phương đã hỗ trợ cho các em có một buổi thi đầy ý nghĩa và nhân văn...”. 

Ý nghĩa đặc biệt từ chương trình “Đắk Drông dệt khúc yêu thương” - Anh 5

Cắt tóc miễn phí cho các em học sinh

Được biết, chương trình “Đắk Drông dệt khúc yêu thương” do học viên và sinh viên hai lớp (tại TP.HCM và Đồng Nai) thuộc Khoa Quản lý Văn hóa nghệ thuật Trường ĐH Văn hóa TP.HCM tổ chức thực hiện. 

HOÀNG NHUNG

Ý kiến bạn đọc