Khánh Hòa: Phát huy giá trị văn hóa tích cực của các dân tộc, tôn giáo

VHO- “Quá trình xây dựng, phát huy giá trị văn hóa tích cực của các dân tộc, tôn giáo hiện nay vẫn còn không ít hạn chế. Một số giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc chưa được bảo tồn và phát huy đúng mức, một bộ phận lớp trẻ có biểu hiện xa rời bản sắc văn hóa của dân tộc…”.

Đó là khẳng định của ông Lê Hữu Thọ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Khánh Hòa tại Hội thảo “Phát huy những giá trị văn hóa tích cực của các dân tộc, tôn giáo” do Ban tuyên giáo Trung ương tổ chức tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa chiều 12.12.

Khánh Hòa: Phát huy giá trị văn hóa tích cực của các dân tộc, tôn giáo - Anh 1

Hội thảo “Phát huy những giá trị văn hóa tích cực của các dân tộc, tôn giáo”

Hội thảo còn có sự tham gia của hơn 200 đại biểu là lãnh đạo các Sở, ngành, Huyện ủy, Ban Tuyên giáo các huyện, đoàn thể trong toàn tỉnh Khánh Hòa. Ngoài ra, còn có 15 tham luận về  công tác phát huy giá trị văn hóa tích cực của các dân tộc, tôn giáo của các đơn vị trong tỉnh Khánh Hòa cũng đã gửi đến Hội thảo.

Tại Hội thảo, các đại biểu thảo luận nhiều vấn đề như thực trạng công tác dân tộc, tôn giáo trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, trong đó tập trung làm rõ vai trò, trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp trong việc phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của các dân tộc, tôn giáo để phát triển đất nước. Đánh giá công tác bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa tích cực của các dân tộc, tôn giáo, công tác thông tin, tuyên truyền, các cơ quan, đơn vị, lực lượng trực tiếp làm công tác dân tộc, tôn giáo, bài học kinh nghiệm và những vấn đề đặt ra trong thực tiễn hiện nay. Đồng thời kiến nghị, đề xuất giải pháp nâng cao vai trò của hệ thống chính trị đối với công tác bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa của các dân tộc, tôn giáo.

Theo báo cáo tại Hội thảo  hiện nay, Khánh Hòa có 16 di tích xếp hạng quốc gia; 180 di tích xếp hạng cấp tỉnh; 3 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia (Lễ hội Tháp Bà Ponagar Nha Trang, Lễ bỏ mả của người Raglai, Lễ hội Cầu ngư) và nghệ thuật Bài chòi miền Trung Việt Nam (trong đó có tỉnh Khánh Hòa) được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Dân số toàn tỉnh Khánh Hòa hiện có khoảng 1,2 triệu người, với 36 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó dân tộc thiểu số có trên 72 nghìn người (chiếm 5,84%), sống tập trung chủ yếu ở 2 huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh. Tỉnh Khánh Hòa có 8 tôn giáo được công nhận tư cách pháp nhân với hơn 371.000 tín đồ, sinh hoạt tại 621 cơ sở tôn giáo.

Khánh Hòa: Phát huy giá trị văn hóa tích cực của các dân tộc, tôn giáo - Anh 2

Đoàn Chỉ tịch Hội thảo “Phát huy những giá trị văn hóa tích cực của các dân tộc, tôn giáo”

Phát biểu tại Hội thảo, ông Lê Hữu Thọ cho biết: Trong hơn 35 năm đổi mới đất nước, nhất là trong 5 năm gần đây, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để phát huy giá trị văn hóa của các dân tộc, tôn giáo từ đó khơi dậy tinh thần yêu nước, truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, sự đồng thuận xã hội và khát vọng phát triển đất nước, như trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII “Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 khóa XI “Về  xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, Văn kiện Đại hội XII về xây dựng, phát triển văn hóa, con người, đặc biệt trong Văn kiện Đại hội XIII, quan điểm của Đảng về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam được trình bày trong mối quan hệ thống nhất, biện chứng khi khẳng định: “Giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế”.

Trên cơ sở tư tưởng chỉ đạo của các nghị quyết này, các tổ chức đảng, cơ quan nhà nước và tổ chức chính trị - xã hội tĩnh Khánh Hòa đã cụ thể hóa thành các chương trình hành động, mang lại hiệu quả thiết thực, nhất là trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Nhân dân; phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của tôn giáo, dân tộc; đấu tranh với những hành vi lợi dụng tôn giáo, dân tộc chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa. Đây là những hoạt động có tầm chiến lược, có ý nghĩa lâu dài để phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh của con người Việt Nam trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Khánh Hòa: Phát huy giá trị văn hóa tích cực của các dân tộc, tôn giáo - Anh 3

Ông Lê Hữu Thọ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Khánh Hòa phát biểu tại Hội thảo

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình xây dựng, phát huy giá trị văn hóa tích cực của các dân tộc, tôn giáo hiện nay vẫn còn không ít hạn chế. Một số giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc chưa được bảo tồn và phát huy đúng mức, một bộ phận lớp trẻ có biểu hiện xa rời bản sắc văn hóa của dân tộc. Đời sống văn hóa ở vùng đồng bào dân tộc còn không ít khó khăn. Một bộ phận đội ngũ cán bộ quản lý và làm công tác văn hoá vùng đồng bào dân tộc, vùng có đạo còn thiếu, yếu, nhất là đội ngũ cán bộ trẻ. Người có uy tín và các nghệ nhân người dân tộc ngày càng ít dần. Nhiều di sản văn hóa truyền thống của các dân tộc, tôn giáo chưa được nghiên cứu, đánh giá một cách bài bản khoa học, một số loại hình văn hóa nghệ thuật đang đứng trước nguy cơ biến mất. Hệ thống các thiết chế và cơ sở vật chất cho hoạt động văn hoá nhìn chung thiếu đồng bộ và hiệu quả sử dụng còn thấp. Việc đưa văn hoá, văn nghệ đến phục vụ đồng bào vẫn chưa đáp ứng nhu cầu.

Bà Nguyễn Thị Thu Hoài, Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền (Ban Tuyên giáo Trung ương) khẳng định: Việc phát huy giá trị văn hóa tích cực của các dân tộc, tôn giáo có ý nghĩa rất quan trọng trong với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Bà Nguyễn Thị Thu Hoài biểu dương những kết quả đạt được của tỉnh Khánh Hòa trong công tác tuyên truyền, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa tích cực của các dân tộc, tôn giáo thời gian qua.

Khánh Hòa: Phát huy giá trị văn hóa tích cực của các dân tộc, tôn giáo - Anh 4

Đông đảo các đại biểu tham dự Hội thảo “Phát huy những giá trị văn hóa tích cực của các dân tộc, tôn giáo”

Bà Nguyễn Thị Thu Hoài đề nghị, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Khánh Hòa và các cá nhân đơn vị liên quan cần phát huy những kết quả đã đạt được, tìm ra những giải pháp khắc phục những hạn chế, yếu kém, bất cập trong công tác dân tộc, tôn giáo nói chung, cũng như trong công tác tuyên truyền bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa tích cực của các dân tộc, tôn giáo nói riêng, trong đó cần tập trung. Theo đó trong thời gian tới, các lãnh đạo đơn vị cần tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo; tiếp tục tuyên truyền làm rõ vị trí, tầm quan trọng của công tác dân tộc, tôn giáo trong sự nghiệp cách mạng của Đảng. Quan tâm, hơn nữa việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số. Kịp thời nhân rộng những điển hình, nhân tố mới, gương người tốt, việc tốt trong thực hiện công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của các dân tộc, tôn giáo…

XUÂN HƯỚNG

Ý kiến bạn đọc