Gian nan “cuộc chiến” chống xâm phạm bản quyền

VHO- Mỗi mùa World Cup hay các giải đấu thể thao lớn diễn ra, câu chuyện xâm phạm bản quyền lại khiến đơn vị sở hữu “đau đầu” vì không dễ để ngăn chặn, xử phạt. Thủ đoạn của những kẻ vi phạm ngày càng tinh vi, không chỉ khiến nhà đài sụt giảm doanh thu mà còn đứng trước nguy cơ bị cắt sóng và điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của khán giả xem truyền hình.

Gian nan “cuộc chiến” chống xâm phạm bản quyền - Anh 1

 Mỗi mùa World Cup hay các giải đấu thể thao lớn được phát trên truyền hình, bảo vệ bản quyền lại là bài toán đau đầu với Nhà đài Ảnh: REUTERS

 Nhức nhối mùa World Cup

Để có được bản quyền truyền hình World Cup phục vụ khán giả, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) đã rất vất vả, “lao tâm khổ tứ” trong quá trình đàm phán. Bởi lẽ, giá bản quyền World Cup là con số không hề nhỏ, với rất nhiều con số 0. VTV cũng lên tiếng xác nhận phải dùng đến kênh tài trợ cùng với 6 đơn vị để đưa những trận cầu nảy lửa từ Vương quốc dầu lửa về với khán giả nước nhà.

Được xem miễn phí, chất lượng hình ảnh, âm thanh chuẩn, nét trên các nền tảng của VTV, thế nhưng nhiều người vẫn lựa chọn cách xem lậu, xem chùa… cho tiện. Việc này đã mang lại hậu quả nặng nề cho đơn vị nắm bản quyền. Chưa rõ VTV lỗ, lãi ra sao với World Cup 2022, nhưng một số đơn vị khác từng cho biết bị “thiệt đơn thiệt kép” khi trở thành nạn nhân của vi phạm bản quyền. Đơn cử như Công ty TNHH Truyền hình số Vệ tinh Việt Nam (K+), đơn vị sở hữu bản quyền các giải bóng đá lớn như Ngoại hạng Anh, Champions League, Europa League bị thiệt hại lên đến 300 tỉ đồng mỗi năm do “vấn nạn” bản quyền.

Thực tế, những người chọn web lậu thay vì “chính chủ” để xem World Cup nói riêng và các giải đấu, chương trình truyền hình khác nói chung, không phải là hiếm. Nếu tìm từ khóa “xem trực tiếp bóng đá” trên Google, chỉ trong 0,3 giây đã có tới gần 50 triệu kết quả. Đa phần các website này phát miễn phí các trận đấu với chất lượng ổn định, có bình luận tiếng Việt và không cần đăng ký tài khoản.

Và thực tế, càng nhiều người xem lậu, doanh thu từ quảng cáo của Đài truyền hình càng giảm. Ở mỗi giải đấu có thời gian tổ chức ngắn, đài truyền hình luôn phải tính toán làm thế nào để doanh thu quảng cáo nhanh chóng bù đắp được chi phí đã bỏ ra, chứ chưa nói đến có lãi. Nguồn thu không đủ bù chi sẽ gây ra lỗ, thậm chí lỗ rất nặng. Nếu tình trạng này kéo dài, Nhà đài sẽ không còn mặn mà trong việc đàm phán bản quyền. Đại diện Đài Truyền hình Việt Nam cho biết, ở một số kỳ World Cup hay Euro Cup trước, VTV từng bị cảnh báo cắt sóng nếu không ngăn chặn được những kênh lậu trên lãnh thổ Việt Nam. Năm nay, ở khu vực Đông Nam Á, trường hợp tương tự lại xảy ra với Thái Lan. Thông tin FIFA dọa cắt sóng World Cup 2022 đã gây hoang mang cho người hâm mộ xứ Chùa Vàng khi giải đấu mới chỉ diễn ra các trận vòng bảng. Bị chặn sóng, người thiệt thòi nhất chính là khán giả.

Chủ động các biện pháp ngăn chặn

Ngay trước thềm World Cup, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT) đã mở đợt “truy quét” hàng loạt các website xem lậu bóng đá như xoilac3, xoilac8, vebo2... Về phía đơn vị nắm bản quyền là VTV, để đảm bảo quyền lợi của người xem, VTV đã chủ động triển khai nhiều giải pháp ứng phó. Cụ thể, khi phát hiện vi phạm từ Facebook, YouTube..., VTV sẽ gửi sang Cục Phát thanh, Truyền hình & Thông tin điện tử để yêu cầu những mạng xã hội này xóa bỏ nội dung vi phạm. Ngoài ra, trong lần này, FIFA cũng đã có động thái hỗ trợ cho VTV. Khi nhận được báo cáo vi phạm từ Nhà đài, trong vòng 2 phút, các nội dung vi phạm sẽ bị chặn.

Hiệu quả bước đầu nhưng với bản quyền, “cuộc chiến” chống xâm phạm sẽ là quá trình dài hơi, bởi ngay sau khi bị xử lý, những kẻ vi phạm sẽ tiếp tục “nhân bản” hàng loạt website lậu khác. Chưa kể, các biện pháp xử lý tại Việt Nam còn khá thủ công nên đôi khi hiệu quả chưa được như mong đợi. Hiện nay, quy trình là đơn vị nắm bản quyền sau khi phát hiện vi phạm sẽ báo lên đơn vị quản lý nhà nước. Đơn vị này sẽ báo sang bên quản lý tên miền, chủ nền tảng để ngăn chặn. Việc này sẽ tốn khá nhiều thời gian. Thậm chí có khi sự kiện đã kết thúc nhưng vấn đề vẫn chưa được giải quyết xong.

Do đó nhiều chuyên gia nhận định, giáo dục về tuân thủ bản quyền là một trong những yếu tố chủ chốt. Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, bản quyền rất quan trọng đối với sự phát triển văn hóa - nghệ thuật, kinh tế của đất nước. Không chỉ lĩnh vực truyền hình, các ngành công nghiệp văn hóa khó có thể phát triển nếu công tác bảo vệ bản quyền không được thực thi nghiêm ngặt. “Bảo vệ bản quyền giúp chúng ta hình thành một thị trường văn hóa - nghệ thuật, thể thao… lành mạnh; tạo điều kiện thuận lợi cho các tài năng sáng tạo, các sản phẩm được bảo vệ và phát huy giá trị. Việc tuân thủ bản quyền cũng chính là bảo vệ quyền lợi cho khán giả. Đó là những thông điệp cần được mọi người thấu hiểu, để từ đó tẩy chay thói quen nghe “chùa”, xem “chui”, dùng phần mềm bẻ khóa…”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nêu.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn đặc biệt nhấn mạnh, công tác giáo dục bản quyền cần được phổ biến trong tất cả môi trường, từ gia đình, nhà trường, ngoài xã hội. Những sự kiện tôn vinh nghệ sĩ, nghệ thuật, những chương trình truyền hình tương tự World Cup cần gắn thường xuyên với tuyên truyền về bảo vệ bản quyền để nâng cao nhận thức. Bên cạnh đó, Luật Sở hữu trí tuệ cần được thực hành nghiêm để tạo ra những biện pháp mang tính răn đe, ngăn chặn tình trạng vi phạm bản quyền, làm thui chột cảm hứng sáng tạo. Hãy coi xâm phạm bản quyền như thứ virus độc hại cần phải tuyệt đối phòng, tránh. 

 ĐÌNH TOÁN

Ý kiến bạn đọc