Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Khách Thái Lan đến Huế chỉ đến trước Ngọ Môn chụp ảnh lưu niệm: Đừng xem đây là chuyện nhỏ

Thứ Tư 14/12/2022 | 10:01 GMT+7

VHO- Thời gian gần đây, nhiều đơn vị lữ hành đưa khách Thái Lan đến Huế nhưng lại không mua vé tham quan di sản mà chỉ đứng bên ngoài chụp ảnh lưu niệm. Vấn đề chỉ tưởng là nhỏ nhưng nếu kéo dài, không có giải pháp thì sẽ làm “mất điểm” cho điểm đến du lịch mạnh về văn hóa - di sản.

 Du khách Thái Lan từ chuyến bay charter Băng Cốc - Huế đến tham quan Đại Nội vào tháng 10.2022 Ảnh: D.T

Theo ước tính của Hội Lữ hành tỉnh Thừa Thiên Huế, mỗi ngày có khoảng 1.000 du khách Thái Lan đến Huế thông qua đường bộ từ Đà Nẵng ra hoặc qua chuyến bay charter đang được khai thác Huế - Băng Cốc (và ngược lại). Trong thời điểm phục hồi du lịch sau đại dịch Covid-19, số lượng khách nói trên cơ bản ổn định và có khả năng tăng trong tương lai. Tuy nhiên, hơn một tháng trở lại đây, nhiều đoàn du khách Thái Lan chỉ di chuyển đến phía Quảng trường Ngọ Môn Huế và chụp ảnh lưu niệm rồi rời đi. Tình trạng này đã được ngành du lịch địa phương và Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tiếp nhận, nắm rõ và đang triển khai các giải pháp để khắc phục.

Một hướng dẫn viên của đoàn khách Thái Lan cho biết, đó là “yêu cầu” của đơn vị lữ hành từ phía Thái Lan. Khi phục vụ đoàn khách, hướng dẫn viên được yêu cầu giới thiệu bên trong Đại Nội không có gì nổi bật bởi hiện nay Điện Thái Hòa đang hạ giải, trùng tu. Và chỉ cần đứng ở quảng trường phía trước Ngọ Môn để thấy được hình ảnh di tích này, chụp ảnh lưu niệm là như đã tham quan Đại Nội Huế. Công trình di tích Điện Thái Hòa đang trùng tu và thời gian kéo dài là 3 năm, nếu nhận định và thông tin như hướng dẫn viên nói trên cung cấp thì di sản Huế mất một lượng lớn nguồn khách Thái Lan. Đồng thời, thông tin này cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc đón khách các thị trường quốc tế khác.

Ông Đỗ Ngọc Cơ, Chủ tịch Hội Lữ hành tỉnh Thừa Thiên Huế thông tin, mỗi ngày có khoảng 10 chuyến bay từ Thái Lan sang miền Trung Việt Nam (đáp ở Đà Nẵng). Qua thông tin từ đối tác, trong hai tháng 10 và 11 vừa qua, mỗi ngày có khoảng 1.000 khách Thái Lan ra Huế tham quan du lịch, chiếm đến 70% thị phần khách quốc tế đến Huế. Lượng khách này quá ổn so với thời điểm phục hồi du lịch hiện nay nhưng lại không tham quan di sản Huế. Do đó, cần sớm triển khai các dịch vụ phù hợp với nhu cầu của khách khi công trình di tích Điện Thái Hòa đang trùng tu. Nếu không sớm có giải pháp và quảng bá tốt hơn, thương hiệu và hình ảnh mang tính biểu trưng như Đại Nội sẽ phai dần trong lòng du khách, không chỉ là khách Thái Lan và còn các thị trường khác.

Trao đổi với báo chí về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế cũng thừa nhận tình trạng nói trên. Thời gian qua có hiện tượng các đơn vị lữ hành ở Đà Nẵng và một số tỉnh thành khác khi đưa khách Thái Lan đến Huế chỉ chọn 1 hoặc 2 điểm đến tham quan, trong đó có một số đơn vị đang khai thác tour với mức giá khá thấp, có sự cạnh tranh mạnh giá nên giảm dần các điểm tham quan di sản. “Chúng tôi sẽ làm việc với các đơn vị lữ hành ở phía Đà Nẵng để trao đổi thêm về vấn đề này và đưa ra các giải pháp. Có thể một số đơn vị lữ hành không nắm rõ thông tin và cho rằng Đại Nội Huế đang trùng tu nhiều nên không muốn dẫn khách vào tham quan, vì thế chúng tôi sẽ thông tin thêm các điểm tham quan cùng những hoạt động khác đang được tổ chức ở khu di sản Huế, hoặc giới thiệu một số điểm tham quan có mức giá vé vừa phải ở các lăng vừa được trùng tu xong. Nếu các đơn vị do cạnh tranh giá tour thì chúng tôi sẽ trao đổi để nắm bắt nhu cầu của họ và góp ý, đề xuất các tour tuyến phù hợp, không chỉ là khai thác nguồn khách Thái Lan mà cả các thị trường khác như Hàn Quốc…”, ông Phúc nói.

Trong khi đó, ông Lê Công Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, thời điểm trước dịch Covid-19, nguồn khách Thái Lan đến di sản Huế chủ yếu vào tham quan Điện Thái Hòa, chiêm ngưỡng ngai vàng ở đây rồi quay trở ra. Khi nguồn khách Thái quay trở lại sau đại dịch, Điện Thái Hòa đang trùng tu và ngai vàng cũng được di chuyển đến bảo quản ở nơi khác nên không thu hút được khách tham quan. Lãnh đạo Trung tâm đã quyết định phục chế ngai vàng theo bản gốc, dự kiến vài tháng nữa sẽ hoàn thành và cho đặt ở lầu Ngũ Phụng (Ngọ Môn) để phục vụ nhu cầu tham quan, tìm hiểu của du khách Thái Lan cũng như các nguồn khách khác. 

 THÙY AN

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top