Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

28 Tháng Ba 2024

Xôn xao vụ mất gần 6 tỉ đồng tiền công đức ở cụm di tích Gia Thượng (Hà Nội)

Thứ Sáu 16/12/2022 | 13:33 GMT+7

VHO- Mới đây, bà Dương Thị Du- thủ quỹ Tiểu ban cụm di tích Gia Thượng (Hà Nội) đã trình báo công an việc mình bị lừa 5,6 tỉ đồng. Đây là số tiền do nhân dân địa phương và thập phương công đức nhiều năm nay. Vụ việc xảy ra khiến người dân bức xúc, dư luận xôn xao.

Vụ mất gần 6 tỉ đồng tiền công đức ở cụm di tích Gia Thượng (Hà Nội) đang gây xôn xao dư luận

Quản lý lỏng lẻo

Gặp bà Lê Thị Hạnh (83 tuổi), một thành viên trong Tiểu ban quản lý cụm di tích Gia Thượng, chúng tôi được biết tường tận hơn về vụ việc. Theo đó, bà Dương Thị Du, sinh năm 1953 (trú tại Tổ 20 Gia Thượng, phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, TP. Hà Nội) là thủ quỹ Đền Rừng, kiêm Tổ phó Tổ dân phố số 20, đã ra trình báo Công an phường Ngọc Thuỵ về việc mình bị lừa  5,6 tỷ đồng. Trong đơn trình báo, bà Du nói bị một đối tượng giả danh đại tá công an gọi điện đến đe doạ khiến bà sợ hãi. Bà Du đã ra ngân hàng rút toàn bộ số tiền trong các sổ tiết kiệm, vốn là tiền công đức của cụm di tích Gia Thượng trị giá 5,6 tỷ đồng rồi chuyển vào tài khoản cá nhân, dẫn đến bị lừa toàn bộ số tiền này.

Bà Lê Thị Hạnh cho biết: “Về việc kiểm kê tiền công đức, hằng tháng, Tiểu ban quản lý cụm di tích Gia Thượng với 6 thành viên đều thực hiện mở hòm công đức. Số tiền kiểm được bao nhiêu tiền sẽ lập biên bản và đưa thủ quỹ mang đi gửi. Thế nhưng chúng tôi không biết phải có nhiều người cùng đi gửi mà chỉ có một mình thủ quỹ là bà Du mang đi gửi. Khi thủ quỹ thông báo là bị lừa hết số tiền này, tất cả đều bất ngờ. Chúng tôi chưa rõ nguyên nhân như thế nào, còn cơ quan chức năng thì vẫn đang điều tra”.

Bà Hạnh cũng bộc bạch: “Số tiền lớn của di tích giờ không còn nữa. Nhưng sự thật như thế nào, không biết có đúng bị lừa mất thật hay không, chúng tôi chưa được biết. Chúng tôi mong muốn công an vào cuộc tìm nhanh thực chất vụ việc ra sao”.

Diễn biến vụ việc cho thấy sự lỏng lẻo trong công tác quản lý số tiền công đức ở cụm di tích

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Đình Hải, sinh năm 1957, Tổ trưởng tổ dân phố 20 kiêm Trưởng tiểu Ban quản lý cụm di tích Gia Thượng (trong đó có di tích Đền Rừng) xác nhận có việc 5,6 tỷ đồng tiền công đức không cánh mà bay. Ngay sau khi xảy ra sự việc, lãnh đạo 4 tổ dân phố thuộc Gia Thượng và BQL cụm di tích đã họp để xác định số tiền hiện nay bà Du cầm là bao nhiêu? Trong 5,6 tỷ bà Du làm mất thì có 5.466.000.000 đồng là của Đền Rừng, ngoài ra còn một số khoản tiền khác có liên quan như tiền công đức của Đình, sổ tiết kiệm, trái phiếu trị giá 120 triệu và tiền mặt hơn 150 triệu thì bà Du đã nộp trả lại cho Tiểu BQL. Đồng thời, bà Du cũng bị yêu cầu tạm dừng vai trò thủ quỹ để chờ kết luận điều tra.

Theo diễn biến vụ việc, vấn đề đặt ra ở đây là sự lỏng lẻo trong công tác quản lý số tiền công đức ở cụm di tích. Tiểu ban quản lý cụm di tích Gia Thượng có trưởng tiểu ban quản lý, có quản lý Đền, kế toán, thủ quỹ quản lý việc thu chi, thế nhưng khi mang một số tiền lớn như vậy gửi ngân hàng thì lại chỉ một mình bà Dương Thị Du đứng tên tất cả các sổ tiết kiệm. Ông Lê Đình Hải thừa nhận đây là thiếu sót của tiểu BQL cụm di tích Gia Thượng cũng như của BQL Đền Rừng.

Cuộc họp nêu trên cũng xác định, hiện vẫn chưa xác định chính xác rằng có đúng bà Du bị mất 5,6 tỷ đồng là do bị lừa đảo hay không, chỉ biết chuyện số tiền công đức này bị mất là sự thật. Vì thế, bà Du sẽ phải chịu trách nhiệm hoàn trả lại toàn bộ số tiền trên cho Tiểu BQL.

Cần có cách thức quản lý  tiền công đức minh bạch, công khai

Sự việc làm mất tiền công đức dù đã xảy ra vài tuần qua nhưng đến nay vẫn gây nhiều sự bức xúc đối với người dân địa phương. Bà Lê Thị Bạch Liên, (82 tuổi, thường trú tại Tổ 17 Gia Thượng) làm đơn gửi lên Công an phường Ngọc Thuỵ và quận Long Biên đề nghị điều tra làm rõ, tại sao tiền công đức của Đền lại được một cá nhân đứng tên và rút ra dễ dàng như vậy mà BQL không hề hay biết, cho đến khi có trình báo?

Bà Trần Đức Thịnh là một đồng cựu từng có nhiều đóng góp cho Đền Rừng từ khi di tích còn đơn sơ, ít người biết cho đến khi ngôi đền đã trở nên khang trang hơn. Vì thế, để xảy ra câu chuyện hiện nay, bà Trần Đức Thịnh không khỏi bức xúc: “Qua chuyện này chúng tôi đề nghị cải tổ lại cách thức quản lý Đền, quản lý tiền công đức của Đền Rừng, để như hiện nay rất lỏng lẻo, sơ hở và không đúng với quy trình quản lý, giám sát. Đây là tiền của dân đóng góp, nếu không có cách thức quản lý minh bạch và giám sát chéo thì người dân làm sao tham gia đóng góp cũng như tin tưởng tiền mình công quả được sử dụng đúng mục đích?”. Đặt câu hỏi về vấn đề quản lý tiền công đức, bà Thịnh còn bức xúc trước việc cho bán hàng và làm đồ mã trong Đền. Bởi đây là nơi tôn nghiêm, không thể để bán hàng, làm đồ mã được. Bà Thịnh nêu, Đền Rừng là di tích lịch sử văn hoá tâm linh lâu đời, không chỉ của làng Gia Thượng mà cao hơn là của thành phố, của cả nước, vì thế quản lý phải là những người có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, được đào tạo chứ không thể ai muốn làm cũng được.

Xác nhận với phóng viên, ông Hoàng Văn Lực, Chủ tịch phường Ngọc Thuỵ, quận Long Biên cho biết: “Hiện phường đang tiến hành kiểm tra vụ việc để xem xét trách nhiệm của những người liên quan. Thẩm quyền của phường đến đâu chúng tôi xử lý theo trách nhiệm đến đó.

Trước đó chúng tôi đã có cuộc làm việc với Tiểu ban quản lý, yêu cầu Trưởng tiểu ban là ông Lê Đình Hải có báo cáo giải trình, từ công tác quản lý, công tác điều hành, thu chi tài chính từ năm 2020 đến nay. Giải trình cả việc gửi tiền ngân hàng thế nào, rút tiền ra sao.

Ngày 14.12, chúng tôi đã gửi văn bản đến Tiểu ban quản lý, yêu cầu Tiểu ban có báo cáo giải trình kèm theo các hồ sơ minh chứng. Sau khi có báo cáo và hồ sơ của Tiểu ban quản lý, chúng tôi sẽ lập đoàn kiểm tra quá trình thu chi ở Tiểu ban quản lý. Bước tiếp theo sẽ phối hợp với Công an phường Ngọc Thuỵ điều tra về việc mất tiền như thế nào? Từ đó mới có thể xác định lỗi vi phạm của tập thể, của cá nhân đến đâu để có hình thức xử lý về mặt chính quyền. Về mặt pháp luật, có khởi tố hay không thì cơ quan công an sẽ xem xét ra quyết định.

Trước mắt, phường sẽ có đánh giá sơ bộ về sự việc ở Tiểu ban quản lý cụm di tích Gia Thượng. Sau đó nếu thấy đủ cơ sở, chúng tôi sẽ có quyết định tạm đình chỉ hoặc không cho tham gia Tiểu ban quản lý với cá nhân liên quan, chứ không phải toàn Tiểu ban”, ông Hoàng Văn Lực cho biết.

Liên quan đến số tiền công đức lớn lại dễ dàng để một cá nhân đứng tên, ông Hoàng Văn Lực khẳng định đây là kết quả của quá trình quản lý lỏng lẻo ở Tiểu ban quản lý cụm di tích Gia Thượng.

Theo ông Lực, việc để cho một cá nhân đứng tên gửi tiền công đức ở ngân hàng là không đúng quy định về quản lý nhà nước. Nếu Tiểu ban quản lý cho phép vận hành như vậy thì sẽ xem xét trách nhiệm của cả Tiểu ban chứ không riêng gì cá nhân, trong đó Trưởng ban là người chịu trách nhiệm đầu tiên. “Một người không biết nhưng không thể cả Tiểu ban không biết. Tiền tập thể tại sao lại đưa một cá nhân nắm giữ? Trong trường hợp không xảy ra chuyện mất tiền như vừa qua, nhỡ người đứng tên có vấn đề gì thì làm sao chứng minh đây là tiền của Tiểu ban quản lý? Đây là sai sót rất nghiêm trọng. Tới đây, trên cơ sở làm việc và xác định trách nhiệm cụ thể sẽ ra quyết định khiển trách, cảnh cáo cả Tiểu ban quản lý di tích. Nếu cần thiết sẽ thay nhân sự ở Tiểu ban quản lý cụm di tích Gia Thượng”, ông Hoàng Văn Lực khẳng định.

Đền Rừng có tuổi thọ hơn 160 năm, có địa thế đẹp với mặt hướng ra sông Hồng đỏ nặng phù sa. Theo các bút tích ghi lại, đền được xây dựng từ những năm giữa thế kỉ XIX. Ngôi đền tọa lạc trên chính quê hương của Thái Úy Việt Quốc Công Lý Thường Kiệt, vị anh hùng kiệt xuất của dân tộc. Bên bờ sông Hồng nơi Đền Rừng tọa lạc không phải cửa sông sầm uất, không phải đoạn sông trên bến dưới thuyền, mà là khúc sông Hồng khá bình lặng, thanh  tịnh. Vì thế mà nơi đây cũng quy tụ nhiều di tích như đền Cửa Ông, đền Mẫu Thoải, Đền Núi, tạo thành một quần thể tâm linh vô cùng nổi tiếng với du khách trong vùng và thập phương.

MINH AN

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top