Trải nghiệm và hiểu thêm về cuộc sống, chiến đấu của Người Hà Nội trong những tháng ngày khói lửa

VHO- “Thông qua trưng bày “Máu và Hoa – Hà Nội 12 ngày đêm”, chúng tôi mong muốn góp phần giúp công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ trải nghiệm, cảm nhận và hiểu thêm về cuộc sống, chiến đấu của Người Hà Nội trong những tháng ngày khói lửa cách đây tròn 50 năm- một Hà Nội chìm trong mưa bom, bão đạn với những mất mát đau thương nhưng vẫn anh dũng, kiên cường, lạc quan, tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng…”, phát biểu tại khai mạc trưng bày, TS. Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia nhấn mạnh.

Trải nghiệm và hiểu thêm về cuộc sống, chiến đấu của Người Hà Nội trong những tháng ngày khói lửa - Anh 1

Các đại biểu tham quan trưng bày

Trưng bày chuyên đề “Máu và Hoa – Hà Nội 12 ngày đêm” do Bảo tàng Lịch sử quốc gia phối hợp với Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng tổ chức nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” (12.1972 – 12.2022).

Phát biểu khai mạc trưng bày, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Nguyễn Văn Đoàn khẳng định, đây là một trong những chiến thắng vĩ đại của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX; biểu tượng của sức mạnh, của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ý chí kiên cường, tầm cao trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam.

Trải nghiệm và hiểu thêm về cuộc sống, chiến đấu của Người Hà Nội trong những tháng ngày khói lửa - Anh 2

Với hơn 200 tài liệu, hiện vật, hình ảnh tiêu biểu được lựa chọn, trưng bày thể hiện 3 chủ đề: Tầm nhìn chiến lược, Hà Nội- Máu và Hoa và Hoa chiến thắng. Trưng bày cũng giới thiệu hình ảnh về Hà Nội sau 50 năm “Chiến thắng Điện Biên Phủ trên không”, phát triển rực rỡ trong hoà bình và hữu nghị.

TS Nguyễn Văn Đoàn  cho rằng, “Máu và Hoa - Hà Nội 12 ngày đêm” sẽ giúp công chúng ý thức được giá trị của niềm tin chiến thắng; góp phần giáo dục cho thế hệ trẻ hôm nay thêm tự hào về truyền thống cách mạng, quyết tâm học tập, rèn luyện để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

Trải nghiệm và hiểu thêm về cuộc sống, chiến đấu của Người Hà Nội trong những tháng ngày khói lửa - Anh 3

Trưng bày tập trung giới thiệu những sưu tập tài liệu, hình ảnh, hiện vật, những câu chuyện về cuộc sống sinh hoạt, lao động trong chiến tranh khốc liệt, về tinh thần chiến đấu, phục vụ chiến đấu của quân và dân Hà Nội trong 12 ngày đêm khói lửa cuối năm 1972. Từ đó giúp công chúng hiểu sâu sắc hơn sự khốc liệt của cuộc tập kích chiến lược bằng B52 của đế quốc Mỹ; giá trị của niềm tin, sự đoàn kết quân, dân một lòng quyết tâm vượt lên những đau thương, mất mát, hy sinh làm nên đài hoa chiến thắng để có được Thủ đô Hà Nội - thành phố vì hòa bình hôm nay.

Trưng bày được chia thành 3 phần:  “Tầm nhìn chiến lược” gồm các bản đồ giới thiệu bối cảnh chung cuộc chiến tranh do đế quốc Mỹ gây ra ở Việt Nam giai đoạn 1964 - 1972; một số hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh đạo Đảng, Nhà nước thăm, chỉ đạo các đơn vị lực lượng phòng không, không quân; một số tài liệu: Chỉ thị, nghị quyết, công điện…

Trải nghiệm và hiểu thêm về cuộc sống, chiến đấu của Người Hà Nội trong những tháng ngày khói lửa - Anh 4

“Hà Nội 12 ngày đêm - Máu và Hoa” tái hiện ký ức trong 12 ngày đêm cuối tháng 12.1972, quân và dân Thủ đô Hà Nội cùng quân dân cả nước đã làm nên chiến thắng “Điện Biên phủ trên không” đánh bại cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B-52 của đế quốc Mỹ vào Hà Nội, buộc chính phủ Mỹ phải ký Hiệp định Paris, tạo bước chuyển quan trọng đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam đến thắng lợi hoàn toàn.

 “Hoa chiến thắng” tái hiện chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” 12 ngày đêm cuối tháng 12.1972 đã buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Nhân dân Hà Nội chuẩn bị đón Tết Quý Sửu trong niềm vui chiến thắng, gia đình sum họp... Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” 12 ngày đêm cuối tháng 12.1972 đã buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Trải nghiệm và hiểu thêm về cuộc sống, chiến đấu của Người Hà Nội trong những tháng ngày khói lửa - Anh 5

Nhân chứng lịch sử, Đại tá Nguyễn Xuân Mai - cựu phóng viên Báo Phòng không - Không quân là người đã hiến tặng cho Bảo tàng bức ảnh chụp Bác Hồ thăm trận địa pháo cao xạ ở sân bay Bạch Mai ngày 19.7.1965. Đó là lần đầu tiên trong đời phóng viên, ông chụp ảnh Bác Hồ. Ông xúc động kể chuyện: “Tôi chụp 2 tấm ảnh đầu tiên khi Bác đứng cạnh xe bọc thép, trời vẫn còn mờ mờ, chưa sáng hẳn. Ba tấm sau chụp khi Bác nói chuyện với khẩu đội pháo. Hết phim. Tôi ra một chỗ thay cuộn phim mới. Cuống quá, tôi cứ lắp sai, lên phim cứ thấy tuột đi... Tôi cố hít thở thật sâu, tháo ra, lắp cuộn phim dự phòng thứ hai vào. Lần này thì ổn. Tôi chụp được mấy tấm khi Bác Hồ nói chuyện với bộ đội ngay giữa trận địa pháo".

Trải nghiệm và hiểu thêm về cuộc sống, chiến đấu của Người Hà Nội trong những tháng ngày khói lửa - Anh 6

Mỗi tư liệu, hình ảnh, hiện vật, câu chuyện của nhân chứng lịch sử ở trưng bày đều là những ký ức không phai mờ, giúp cho công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ hiểu thêm về cuộc sống, chiến đấu của người Hà Nội trong những tháng ngày khói lửa - một Hà Nội kiên cường, lạc quan, tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng của cuộc chiến tranh chính nghĩa... Đồng thời góp phần giáo dục cho thế hệ trẻ hôm nay thêm tự hào về truyền thống cách mạng, quyết tâm học tập, rèn luyện để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam.

Trưng bày mở cửa từ 16.12.2022 đến tháng 4.2023 tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia,  25 Tông Đản, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

THẢO PHƯƠNG

Ý kiến bạn đọc