Hội thảo Văn hóa 2022: Đã trực diện làm rõ những vấn đề gây cản trở...

VHO- Một năm sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021, ngày 17.12, tại Bắc Ninh, Hội thảo Văn hóa 2022 với chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa’’ đã được Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ VHTTDL và tỉnh Bắc Ninh phối hợp tổ chức.

Hội thảo Văn hóa 2022: Đã trực diện làm rõ những vấn đề gây cản trở... - Anh 1

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng và các đại biểu tham quan triển lãm tại Hội thảo

 Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng chủ trì Hội thảo. Cùng chủ trì, điều hành có các Ủy viên Bộ Chính trị: Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh.

Dự Hội thảo có các Ủy viên TƯ: Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn cùng 800 đại biểu là đại diện các Bộ, Ban, ngành, các nhà quản lý, nhà khoa học, đội ngũ cán bộ văn hóa, văn nghệ sĩ…

Tăng cường sức đề kháng, chống xâm lăng về văn hóa

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, Trưởng BCĐ hội thảo Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, thời gian qua chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam. “Tuy nhiên, văn hóa vẫn chưa được các cấp, các ngành nhận thức một cách sâu sắc và chưa được quan tâm đầy đủ, tương xứng với kinh tế. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý văn hóa có lúc còn lúng túng, chậm trễ, nhất là trong việc thể chế hóa các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về văn hóa. Đầu tư cho văn hóa chưa đúng mức, còn dàn trải, hiệu quả chưa cao”, ông Trần Thanh Mẫn nhìn nhận.

Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng cũng nêu thực trạng trong một thời gian dài, nhiều nơi, văn hóa vẫn chưa được đặt đúng vị trí, chưa phát huy được vai trò tham gia thúc đẩy các lĩnh vực khác của đời sống xã hội và theo đó, nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hóa còn rất khiêm tốn, chưa thật sự xứng tầm… Bởi vậy, Hội thảo là dịp để nhận diện rõ hơn không chỉ những thành tựu tự hào mà cả những hạn chế, bất cập trong việc thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng về phát triển văn hóa, con người Việt Nam những năm qua. Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương chỉ rõ, cần tăng cường sức đề kháng văn hóa để chống lại mọi sự xâm lăng về văn hóa, bài trừ các hình thức văn hóa lai căng, đồi truỵ ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục, miễn nhiễm với những luận điệu xuyên tạc lịch sử và truyền thống tốt đẹp của dân tộc…

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh, “cần đổi mới cơ chế hỗ trợ đầu tư, không cào bằng, có nhiều hình thức tôn vinh xứng đáng người giỏi, khuyến khích mọi tài năng, thực sự coi trọng động lực sáng tạo văn hóa. Phấn đấu có nhiều sản phẩm văn hóa có giá trị nghệ thuật cao, sức lay động lớn, cổ vũ sự nghiệp đổi mới xây dựng đất nước, làm lan tỏa các giá trị tốt đẹp của Đảng, của đất nước và con người Việt Nam. Tìm kiếm mọi điều kiện mở rộng đầu ra, tăng cường quảng bá tác phẩm, đưa sản phẩm văn hóa đến đông đảo mọi tầng lớp nhân dân...”.

Hội thảo Văn hóa 2022: Đã trực diện làm rõ những vấn đề gây cản trở... - Anh 2

 Các chuyên gia, nhà quản lý tham gia phiên thảo luận tại Hội thảo

Quản lý 9 lĩnh vực nhưng mới có 5 lĩnh vực có luật

Về hoàn thiện thể chế pháp luật trong lĩnh vực văn hóa, ông Lê Thanh Liêm, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ VHTTDL) cho biết, Bộ được giao quản lý 9 lĩnh vực nhưng mới chỉ có 5 lĩnh vực có Luật điều chỉnh. Các lĩnh vực Nghệ thuật biểu diễn, Mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm… chưa có Luật mà vẫn điều chỉnh bằng Nghị định. Việc xây dựng, bổ sung, sửa đổi các Luật liên quan đến văn hóa đã có lộ trình, tuy nhiên vì văn hóa liên quan tới nhiều lĩnh vực khác nên ngoài văn bản điều chỉnh trực tiếp cần rà soát hệ thống pháp luật có liên quan, có lộ trình hoàn thiện.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông cho biết, về cơ chế chính sách cho văn hóa, hiện nay, ngân sách nhà nước cần đầu tư nhiều hơn nữa cho văn hóa, cần huy động được nguồn lực của tư nhân vào lĩnh vực này. Đơn cử, Luật Đầu tư mới có ưu đãi cho bảo tồn văn hóa, chưa có ưu đãi cho các ngành văn hóa khác. Vì vậy, sắp tới, cần có những điều chỉnh, sửa đổi để khuyến khích đầu tư trong lĩnh vực này. Về hợp tác công - tư, Thứ trưởng Trần Duy Đông cho rằng, cần nghiên cứu, sửa đổi Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư để quy định rõ ràng, hợp lý về việc phối hợp nguồn lực công tư trong phát triển công nghiệp văn hóa. Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cũng cho rằng, cần có chính sách đặc thù cho các địa phương phát triển công nghiệp văn hóa. Đại diện địa phương có bề dày trầm tích văn hóa, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thanh Bình cũng nêu 5 đề xuất nâng cao hiệu quả huy động nguồn lực bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống. Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết, Hà Nội đang tập trung định hướng, chính sách và nguồn lực cho phát triển công nghiệp văn hóa, xây dựng thương hiệu Thành phố sáng tạo. Việc Hà Nội tham gia mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO vì mục tiêu lấy nguồn lực văn hóa và sáng tạo văn hóa làm nền tảng cho quá trình phát triển đô thị một cách bền vững.

Nhà sản xuất, nhạc sĩ Quốc Trung chia sẻ, việc làm ra các sản phẩm văn hóa lớn, có chất lượng gặp nhiều khó khăn. Cụ thể như lễ hội âm nhạc Gió mùa, mặc dù nhận được sự hỗ trợ từ thành phố Hà Nội và Bộ VHTTDL, tuy nhiên vẫn gặp một số khó khăn, nhất là về thủ tục hành chính. Nhạc sĩ Quốc Trung bày tỏ mong muốn có những chính sách và quy định về quản lý phù hợp, rõ ràng, tránh cảm tính và can thiệp về chuyên môn, sáng tạo. Thực trạng của nền âm nhạc Việt Nam hiện nay cho thấy một vấn đề đặt ra là năng lực của các nghệ sĩ Việt Nam chưa được đánh giá đúng. Nhu cầu biểu diễn thực tế không chỉ là những hoạt động giao lưu mà còn là việc xuất khẩu các sản phẩm văn hóa, đặc biệt là các tác phẩm biểu diễn, điện ảnh, âm nhạc... Tuy nhiên, theo nhạc sĩ Quốc Trung, đánh giá về năng lực sáng tạo của chúng ta còn chủ quan, chưa có đối chiếu với đối tác bên ngoài. Việc đầu tư về thời gian, nguồn lực tạo sự tập trung sáng tạo cho một sản phẩm nghệ thuật ở ta còn quá thấp so với thế giới, vì vậy khó có tác phẩm đỉnh cao.

Nhạc sĩ Quốc Trung hy vọng, qua hội thảo này sẽ có những thay đổi về thể chế, chính sách, hỗ trợ nhiều cho các sản phẩm biểu diễn nghệ thuật, âm nhạc... 

 Cần có Chương trình Mục tiêu Quốc gia về “Gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa nông thôn trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Chương trình nhằm cụ thể hóa Luật Di sản văn hóa, những chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021. Chương trình huy động nguồn lực xã hội cùng tham gia hành động vì một Việt Nam hùng cường, giàu bản sắc, tự tin đóng góp cho kho tàng văn hóa nhân loại…

(Bộ trưởng Bộ NN&PTNT LÊ MINH HOAN)

 Việc ứng xử, quản lý nền tảng xuyên biên giới hiện nay không còn quá khó khăn nữa, bởi vấn đề nhận thức và các thể chế, chính sách, khung pháp lý đang dần được hoàn thiện. Khó khăn ở chỗ chúng ta phải có được nhiều Bộ, ngành và xã hội cùng làm, có trách nhiệm nhận thức các nội dung xấu độc để ứng xử kịp thời. Chúng ta chủ động ngăn chặn từ gốc chứ không để đến khi “rác” tung lên mạng rồi mới dọn dẹp. Liên quan tới các nền tảng xuyên biên giới, các doanh nghiệp vi phạm pháp luật Việt Nam gây thất thu thuế và phương hại tới các doanh nghiệp trong nước, vì vậy, không bảo hộ ngược cho các doanh nghiệp nước ngoài không tuân thủ pháp luật của Việt Nam...

(Thứ trưởng Bộ TT&TT NGUYỄN THANH LÂM)

 

 PHƯƠNG ANH; ảnh: TRẦN HUẤN

Ý kiến bạn đọc