Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Công tác quản lý của ngành văn hóa, thể thao và du lịch năm 2022: Thực sự khởi sắc, nhiều đổi mới tích cực trong tư duy quản lý nhà nước

Thứ Tư 21/12/2022 | 11:30 GMT+7

VHO- Văn Hóa ghi nhận ý kiến của các Đại biểu Quốc hội, nhà quản lý, chuyên gia, văn nghệ sĩ... về những thành tựu đáng tự hào trên các lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình trong thời gian qua.

 “Tự khẳng định bản thân, tự làm mới mình và tự làm cho mọi người quan tâm đến mình”

Hoạt động của ngành Văn hóa trong năm qua thực sự khởi sắc, bám sát chỉ đạo của Tổng Bí thư về nâng cao vai trò của văn hóa trong đời sống xã hội. Muốn người khác quan tâm tới mình, trước hết phải tự khẳng định bản thân, tự làm mới mình và tự làm cho mọi người quan tâm đến mình. Trong năm qua, cả 3 điều này ngành Văn hóa đều đã làm được. Những quyết sách, hoạt động, kết quả đạt được đã làm cho toàn bộ xã hội chú ý đến văn hóa nhiều hơn, hoạt động có hiệu quả hơn. 
Sự quan tâm đến văn hóa không chỉ ở khía cạnh nhận thức mà số tiền đầu tư cho văn hóa cũng ngày càng được nâng cao. Muốn văn hóa phát triển phải có nguồn lực đầu tư kinh tế tương xứng. 
Để văn hóa đảm nhận đúng, đủ, tốt sứ mệnh “soi đường cho quốc dân đi” theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh thì nền văn hóa dân tộc và con người mới cần phải được xây dựng và phát triển phù hợp với thời đại. Những chuyển biến, phát triển của văn hóa trong thời gian qua, đặc biệt trong năm 2022 cho thấy chúng ta đã và đang nỗ lực thực hiện tốt vai trò, sứ mệnh của mình. Chúng ta đang tích cực tiên phong, sáng tạo, đổi mới, lan tỏa những giá trị tích cực, theo lời dạy của Bác Hồ.

(TS CHU ĐỨC TÍNH, nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh)

“Nhiều đổi mới tích cực trong tư duy quản lý nhà nước”


Có thể thấy rất rõ những tín hiệu tích cực trong công tác quản lý nhà nước của Bộ VHTTDL. Có sự đổi mới tư duy, thể hiện từ trạng thái quản lý định hướng sang những hành động rất cụ thể. Đặc biệt, từ sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, xác định rõ tầm quan trọng của sứ mệnh “văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, đội ngũ văn nghệ sĩ đã được quan tâm nhiều hơn. 
Sau gần một năm tổ chức thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư về vấn đề xây dựng văn hóa, các ngành, các cấp và Bộ VHTTDL đã tích cực tham mưu, tiến hành nhiều hoạt động, sự kiện văn hóa, các hội thảo khoa học. Văn nghệ sĩ rất tâm đắc với ý kiến của Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng tại Hội thảo Văn hóa năm 2022, đó là đầu tư cho văn hóa còn đang ở mức khiêm tốn. Sau thành công của Hội nghị Văn hóa toàn quốc, đã có một số địa phương ưu tiên hơn cho phát triển văn hóa, tuy nhiên vẫn có địa phương chưa thực sự quan tâm. Lễ Phát động sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật Sống mãi với thời gian là minh chứng cụ thể trong việc triển khai, thực hiện các Nghị quyết, Chiến lược của Đảng, Nhà nước đã đề ra; quy tụ nhiều văn nghệ sĩ tiêu biểu. 
Chúng tôi vô cùng xúc động khi người đứng đầu Bộ VHTTDL đã đánh giá cao vai trò của văn nghệ sĩ. Cùng với sự nỗ lực của cơ quan quản lý nhà nước, giới văn nghệ sĩ sẽ tạo nên một giai đoạn sáng tạo mới, cống hiến nhiều tác phẩm hay, đáp ứng sự kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

(NSND VƯƠNG DUY BIÊN, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam)

“Sôi động với các hoạt động nghệ thuật biểu diễn”


Nỗ lực khôi phục các hoạt động nghệ thuật biểu diễn chuyên nghiệp, tổ chức các cuộc liên hoan, cuộc thi nghệ thuật là một trong những nét nổi bật thể hiện vai trò của Bộ VHTTDL. Trong năm 2022, Bộ VHTTDL giao Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ trì phối hợp với các hội VHNT chuyên ngành ở TƯ cùng các địa phương trong cả nước tổ chức nhiều liên hoan nghệ thuật lớn như: Liên hoan Cải lương toàn quốc, Liên hoan Ca, Múa, Nhạc toàn quốc, Liên hoan Chèo toàn quốc... Đặc biệt hơn cả là có những cuộc liên hoan mà quốc tế chưa tổ chức vì chưa kịp thích ứng sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 thì Việt Nam đã làm như Liên hoan Xiếc quốc tế, Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm. Điều này cho thấy Bộ VHTTDL, đặc biệt là Cục Nghệ thuật biểu diễn đã chỉ đạo hết sức sát sao để mang lại hiệu quả cao. Hiện nay Bộ VHTTDL được giao xây dựng, hoàn thiện một số văn bản pháp luật tạo hành lang pháp lý cho hoạt động của lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn. Chúng tôi rất mong chờ Chính phủ, các Bộ, ban, ngành cùng góp sức để Bộ VHTTDL hoàn thiện các văn bản pháp luật, tháo gỡ những điểm nghẽn trong chế độ chính sách của những người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật. 

(NSND TRỊNH THÚY MÙI, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam)

“Đánh giá cao sự quyết liệt của Bộ VHTTDL để Luật PCBLGĐ được thông qua”

Tôi đánh giá cao tinh thần trách nhiệm và quyết liệt của cơ quan soạn thảo là Bộ VHTTDL đã phối hợp với cơ quan chủ trì thẩm tra cùng các cơ quan hữu quan nghiên cứu, chỉnh lý, sửa đổi, rà soát kỹ lưỡng các nội dung, các điều khoản và cân nhắc từng câu chữ để có một Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) hoàn thiện đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn xã hội. Kể từ khi công tác gia đình được Bộ VHTTDL quản lý, cơ quan quản lý nhà nước đã có nhiều cố gắng trong việc giám sát, tham mưu cho Chính phủ, nhà nước cũng như ban hành rất nhiều các văn bản quy phạm pháp luật, các kế hoạch chiến lược trong lĩnh vực gia đình một cách hiệu quả. Nét nổi bật trong công tác gia đình đó là việc tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia vào các hoạt động gia đình, những dịp như Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20.3, Ngày gia đình Việt Nam 28.6, Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình, Tháng Gia đình... đã trở nên quen thuộc với người dân cả nước. 

(PGS.TS TRỊNH HÒA BÌNH)

“Chưa bao giờ các vấn đề về văn hóa được quan tâm nhiều như năm 2022…”

Sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021, nhận thức và sự quan tâm, đầu tư dành cho văn hóa được chú trọng, đặc biệt về thể chế, chính sách và nguồn lực. Những số liệu được Bộ KH&ĐT đưa ra cho thấy mức đầu tư cho văn hóa được nâng cao hơn trước, điều này rất quan trọng. Bên cạnh đó, niềm mong mỏi của toàn ngành là tiếp tục có Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa cũng hứa hẹn sẽ thành hiện thực. Khi Chương trình này được ban hành, chúng ta sẽ có nguồn lực để tiếp tục trùng tu, tôn tạo di tích, bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, khôi phục các lễ hội, làng nghề truyền thống… gắn kết với phát triển du lịch. 
Các thể chế pháp luật trong lĩnh vực văn hóa cũng liên tục được hoàn thiện, bổ sung những “khoảng trống”, tạo động lực cho sự phát triển của văn hóa trong bối cảnh tình hình mới. Chủ đề công tác năm “Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và công tác tổ chức cán bộ” mà Bộ phát động và triển khai xuyên suốt cũng đã tạo động lực cho sự phát triển của toàn ngành. Chủ đề này chính là cú hích tạo cơ sở cho sự quan tâm, đầu tư phát triển tại các địa phương. 
Có thể nói, chưa bao giờ các vấn đề về văn hóa được quan tâm nhiều như trong năm 2022, đáng chú ý là hai Hội thảo lớn vừa diễn ra: Hội thảo quốc gia “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới” và Hội thảo Văn hóa 2022 “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa”. Những thông tin tích cực, những kỳ vọng đổi mới như một làn sóng để thay đổi, nâng cao nhận thức của mỗi người dân, mỗi cấp, mỗi ngành về vai trò, vị trí của văn hóa, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. 

(GS.TS TỪ THỊ LOAN, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện VHNT quốc gia Việt Nam)

“Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa được khôi phục sẽ là nguồn lực quan trọng cho sự phát triển”

Chúng ta thấy văn hóa đang có sự chuyển hướng rất mạnh. Bước chuyển đầu tiên là xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách. Đặc biệt, tôi rất ấn tượng với việc Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã đề xuất tại Hội thảo Văn hóa 2022 về việc ban hành mới Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa. Nguồn lực này sẽ tạo tính đột phá, tạo điều kiện cho hoạt động văn hóa phát triển mạnh mẽ.
Đặc biệt, sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc, điều thấy rõ là những chuyển biến về mặt nhận thức, sự quan tâm và ưu tiên đầu tư cho văn hóa nhiều hơn từ lãnh đạo các cấp, các địa phương. Chỉ trong một tháng, hai Hội thảo lớn bàn về văn hóa đã được tổ chức. Các địa phương cũng dành sự quan tâm, đầu tư mạnh mẽ hơn cho văn hóa. Theo số liệu Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cung cấp, mức đầu tư cho văn hóa đã được nâng lên gần 1,8% trong tổng thu ngân sách. Đây là tín hiệu rất đáng mừng. Bên cạnh đó, Bộ cũng đã chọn những khâu điểm để tạo đột phá. Ví dụ, lĩnh vực mới là công nghiệp văn hóa nhưng thời gian qua chúng ta cũng đã có nhiều thành tựu, nhiều sản phẩm công nghiệp văn hóa chứng tỏ khả năng kiếm ra tiền, báo hiệu những bước chuyển mới đầy lạc quan.

(TS. TRẦN HỮU SƠN, nguyên Giám đốc Sở VHTTDL Lào Cai)

“Văn hóa tôn vinh khát vọng của con người…”

Nhờ sự quan tâm sâu sắc, toàn diện của Đảng và Nhà nước, những nỗ lực, sáng tác của giới âm nhạc luôn được ghi nhận, đánh giá xác đáng. Đặc biệt trong năm vừa qua đã có nhiều chương trình nghệ thuật được công chúng đánh giá cao. 
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và công tác tổ chức cán bộ là bước cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Kết luận tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, nhằm chấn hưng, phát triển văn hóa Việt Nam. Đó là nhiệm vụ hết sức quan trọng, bởi lẽmuốn xây dựng, phát triển văn hóa, trước hết phải có những con người văn hóa, đồng thời, sựhoàn thiện con người chỉcóthểthực hiện trong văn hóa, bằng văn hóa. 
Cần chú trọng vào công tác đào tạo nhân lực để quản lý, để làm ra những sản phẩm tốt hơn. Cụ thể, cần hoàn thiện cơ chế chính sách, pháp luật phát triển nguồn nhân lực văn hóa, nghệ thuật; tạo điều kiện, môi trường thuận lợi cho phát triển nhân lực ngành văn hóa, nghệ thuật. Bên cạnh đó, cần có chính sách phù hợp trong đào tạo, bồi dưỡng, phát hiện tài năng văn hóa, nghệ thuật; xây dựng cơ chế đặc thù trong tuyển dụng, đãi ngộ, thu hút, tôn vinh, khen thưởng những cống hiến, đóng góp của các tập thể, cá nhân trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật... Bởi định dạng của ngành Văn hóa phải biểu hiện được khát vọng của con người Việt Nam.

(NSND PHẠM NGỌC KHÔI, Phó chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam)

“Việc Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch đi vào hoạt động thời gian qua rất có ý nghĩa”


Ngành Du lịch cần phải xây dựng và triển khai Chiến lược nâng cao thương hiệu du lịch quốc gia. Trong đó, tăng cường quảng bá trên các nền tảng, đặc biệt là nền tảng số để quảng bá rộng rãi hơn hình ảnh du lịch Việt Nam. Cơ quan quản lý nhà nước về du lịch cần thể hiện rõ vai trò dẫn dắt trong công tác quảng bá, đẩy mạnh việc phối hợp, hỗ trợ các địa phương chứ không để các địa phương loay hoay đón khách. 
Việc Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch đi vào hoạt động thời gian qua rất có ý nghĩa trong việc xúc tiến du lịch quốc gia. Thời gian tới, Quỹ cần hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp nhiều hơn để tiếp cận, khai thác thị trường mới, thị trường trọng điểm. Cùng với đó, ngành Du lịch tăng cường phối hợp với các hãng hàng không trong việc xúc tiến, mở đường bay thẳng tới các thị trường tiềm năng, mới nổi.

(Ông CAO TRÍ DŨNG, Chủ tịch Liên chi hội Lữ hành Việt Nam)

“Nghiên cứu thị trường du lịch quốc tế để khai thác hiệu quả”


Kể từ khi mở cửa hoàn toàn du lịch Việt Nam đến nay, ngành Du lịch nói chung, các doanh nghiệp nói riêng đã rất nỗ lực để khôi phục hoạt động du lịch, từng bước lấy lại đà tăng trưởng. Lượng khách du lịch nội địa năm 2022 đạt trên 100 triệu lượt, vượt xa cả con số 85 triệu lượt khách du lịch nội địa năm 2019 (khi chưa xuất hiện dịch Covid-19), tăng hơn gấp rưỡi so với con số 60 triệu lượt khách nội địa dự kiến năm 2022. Đây chính là động lực để ngành Du lịch tiếp tục phục hồi và phát triển một cách toàn diện. Lượng khách tăng nhưng tổng thu du lịch lại thấp do giá dịch vụ sau dịch giảm rất thấp để kích cầu. Trong khi đó, lượng khách quốc tế dự kiến từ đầu năm đón 5 triệu lượt cả năm 2022, thực tế chỉ đạt 3,5 triệu lượt. Nguồn thu từ khách nội địa không bù đắp được sự thiếu hụt khách quốc tế. 
Từ những điều kiện khách quan không thể đoán định và điều kiện chủ quan khiến du lịch quốc tế phục hồi không như mong muốn, ngành Du lịch cần phải có thống kê chuyên ngành riêng để nghiên cứu, phân tích thị trường xem đâu là “điểm nghẽn”, đâu là những thay đổi của các thị trường khách để có những điều chỉnh cho hợp lý. Từ đó, tập trung vào những thị trường có thể khai thác, thời điểm khai thác, thời điểm xúc tiến, nội dung xúc tiến, hình thức xúc tiến… 

(Ông PHÙNG QUANG THẮNG, Chủ tịch HĐQT Công ty du lịch bền vững Việt Nam S.T.I.D)

Năm thành công của thể thao Việt Nam


Năm 2022 là năm thành công của Thể thao Việt Nam với nhiều thành tích nổi bật, trong đó điểm nhấn là sự thành công của SEA Games 31. Việc tổ chức thành công SEA Games 31 lại càng thêm ý nghĩa trong bối cảnh đất nước ta vừa mở cửa toàn diện sau đại dịch. Từ đó góp phần thúc đẩy sự phát triển của du lịch, khẳng định Việt Nam là điểm đến an toàn, thân thiện, hiếu khách. Bên cạnh đó, việc Đoàn Thể thao Việt Nam thi đấu thành công, đứng thứ nhất toàn đoàn đã tạo nên một bức tranh toàn cảnh về một Đại hội diễn ra thành công trên nhiều phương diện, cả về công tác tổ chức điều hành, chất lượng chuyên môn và hiệu quảquảng bá hình ảnh đất nước. 
Trong những ngày cuối năm, không khí thi đấu của Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX cũng tưng bừng khắp 11 địa phương đăng cai tổ chức Đại hội. Đây là Đại hội được tổ chức với quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Bên cạnh ý nghĩa là một cuộc tổng rà soát lực lượng, chuẩn bị cho các sân chơi lớn, Đại hội còn hướng đến mục tiêu chăm lo, phát triển phong trào TDTT vì một nền thể thao dân cường thì quốc thịnh. Bên cạnh đó tôi cũng đánh giá cao thành tích của đội tuyển bóng đá nữ, đội tuyển nam và nhiều đội tuyển khác ở các đấu trường quốc tế.

(Ông ĐẶNG XUÂN PHƯƠNG, ĐB Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội) 

“Đẩy mạnh việc xã hội hóa các hoạt động thể thao”


Thực tế cho thấy Nhà nước đã đầu tư, quan tâm nhiều cho việc phát triển toàn diện nền thể thao cả về thể thao quần chúng và thể thao thành tích cao, từ hệ thống cơ sở vật chất tới việc đào tạo lực lượng VĐV. Tuy nhiên để thể thao Việt Nam phát triển hơn nữa thì cần làm tốt công tác xã hội hóa các hoạt động thể dục thể thao, huy động được sự tham gia của nhiều doanh nghiệp vào việc phát triển thành tích của các môn Olympic cũng như các hoạt động thể thao quần chúng. 
Để huy động được sự đồng hành của các doanh nghiệp, chúng ta cần có cơ chế, chính sách tạo điều kiện, khuyến khích họ đồng hành cùng các hoạt động thể thao. Trong thời gian qua nhiều giải đấu có sự tham gia của các doanh nghiệp, các tổ chức đã thu hút sự tham gia của đông đảo người dân như giải Marathon do báo Vnexpress tổ chức, thu hút tới 10.000 người tham gia, Giải Techcombank Hanoi Marathon thu hút khoảng 7.000 người tham gia… Nếu những nội dung như thi đấu Marathon tại Đại hội Thể thao toàn quốc mà có sự đồng hành của nhiều nhà tài trợ thì chắc chắn quy mô sẽ lớn hơn nhiều. Vì thế theo tôi một trong những công việc mà ngành thể thao cần triển khai trong thời gian tới là việc huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư cho các hoạt động thể dục thể thao, cả về phong trào lẫn thể thao thành tích cao. 

(Ông NGUYỄN NAM NHÂN, Phó Giám đốc Sở VHTT TP.HCM)

 NHÓM PHÓNG VIÊN (thực hiện) 

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top