Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

28 Tháng Ba 2024

Công nghệ robot gần hơn với cuộc sống

Thứ Sáu 23/12/2022 | 09:33 GMT+7

VHO-  Sự tiến bộ ngày càng vượt bậc của công nghệ robot chính là điểm nổi bật được các trang tin công nghệ uy tín bình chọn là điểm nhấn của năm.

 Robot Ai-Da do nhà khoa học Aidan Meller tạo ra Ảnh: CNN

Robot trí tuệ nhân tạo sáng tác thơ và vẽ tranh, robot cầm nắm, mô phỏng hoạt động của con người một cách tinh tế… Các bước tiến của công nghệ robot được hãng tin AP đánh giá là dấu ấn công nghệ 2022. Giá thành sản xuất robot giảm nhanh qua các năm mở ra cơ hội cho nhiều nhà sản xuất nghiên cứu tham gia phát triển sản phẩm và đưa robot đến gần hơn với cuộc sống. Các triển lãm robot thế giới được tổ chức tại Trung Quốc, Nhật Bản, Tây Ban Nha và Mỹ cho thấy robot ngày càng có tính ứng dụng cao, có thể thay thế con người trong nhiều lĩnh vực từ y tế, logistics đến thiết kế kiến trúc hay sản xuất công nghiệp…

Chẳng hạn như cô nàng robot Ai-Da đã đọc trước công chúng bài thơ tự sáng tác để tưởng niệm nhà thơ người Italia Dante Alighieri. Theo CNN, robot hình người Ai-Da là ý tưởng của chuyên gia nghệ thuật Aidan Meller thuộc Đại học Oxford (Anh). Buổi biểu diễn được tổ chức tại Bảo tàng Ashmolean của Đại học Oxford (Anh), trong khuôn khổ sự kiện kỷ niệm 700 năm ngày mất của Dante. Bài thơ của Ai-Da là lời đáp dành cho bộ sử thi Divine Comedy (Thần khúc) của Dante. Ai-Da sáng tác bài thơ này dựa trên giọng văn của Dante, kết hợp với thuật toán và vốn từ vựng có sẵn của mình. Aidan Meller nhận xét bài thơ của Ai-Da “rất giàu cảm xúc”. Ông cho rằng Ai-Da bắt chước cách hành văn của con người tốt đến nỗi khó mà nhận ra bài thơ không phải do con người viết.

Năm 2022 chứng kiến nhiều quốc gia dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp chống dịch Covid-19 và chính vì thế, công nghệ đã góp phần không nhỏ trong việc theo dõi và kiểm soát đề phòng dịch bùng phát. Nhờ có công nghệ mà việc khoanh vùng, dự báo và xử lý các ổ dịch bùng phát cũng trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn. Virus SARS-CoV-2 liên tục xuất hiện những biến thể mới trong năm qua và công nghệ giải trình tự gen đã cho thấy vai trò quan trọng trong công tác chống dịch. Ngay khi biến thể Omicron xuất hiện, gần như ngay lập tức, các phòng thí nghiệm trên khắp thế giới đã sử dụng dữ liệu trình tự gen và cảnh báo mức độ nguy hiểm của biến thể này, từ đó giúp ngành y tế các nước tăng cường các biện pháp ứng phó phù hợp.

Và đứng trước sự lây lan nhanh của các biến thể mới, công nghệ lại một lần nữa phát huy tác dụng, khi trở thành “nhân viên lấy mẫu xét nghiệm” mẫn cán. Những cánh tay robot đã giúp giảm nguy cơ lây nhiễm cho nhân viên y tế, tăng khả năng lấy mẫu và giảm sức người ở những nơi cuộc chiến chống dịch kéo dài như Trung Quốc. Hay như thay vì dán thông báo hoặc đến tận nhà từng hộ dân, thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) đã dùng chó robot để tuyên truyền yêu cầu người dân tuân thủ giãn cách xã hội. Chú chó robot được gắn một chiếc loa và cài đặt những thông tin về quy định phòng dịch. Nó chạy quanh các khu dân cư để phát thông báo trong thời gian Thượng Hải áp dụng biện pháp phong tỏa chống dịch. Có thể nói, việc kiểm soát dịch Covid-19 thành công có đóng góp không nhỏ của những công nghệ hỗ trợ y tế như thế này.

Không những thế, robot giao hàng thay shipper có thể trở thành tiêu chuẩn mới thời hậu Covid-19. Tại Vũ Hán (Trung Quốc) lúc tâm dịch, robot tự vận hành cũng như xe tự lái phụ trách vận chuyển lương thực và vật tư y tế. Robot giao hàng trong giai đoạn dịch bùng phát đã hạn chế tiếp xúc giữa người với người tránh lây lan dịch bệnh. Ngoài ra, chúng cũng đảm bảo an toàn cho người vận hành không phải ra đường khi đang có dịch hoành hành. Chi phí mà người dùng phải chịu, nếu robot giao hàng được ứng dụng đủ rộng rãi, cũng sẽ thấp hơn hẳn phí dịch vụ.

Các loại robot hỗ trợ chống dịch đã được giới thiệu tại triển lãm robot thế giới ở Bắc Kinh (Trung Quốc). Anh Yang Yi, khách tham quan triển lãm chia sẻ: “Tôi không ngờ robot lại có độ chính xác và khả năng thích ứng cao như vậy. Nó có thể lấy tăm bông một cách chính xác, giống như xét nghiệm axit nucleic mà chúng tôi đang làm hiện nay. Tôi nghĩ nó rất phù hợp với các khu vực lây nhiễm cao trong bệnh viện”. 

 MINH HÀ 

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top