Quảng bá, kết nối sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch Bình Định

VHO - Chiều 23.12, Sở Du lịch Bình Định phối hợp các Sở Công thương, NN&PTNT và UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức Hội nghị “Quảng bá, kết nối sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch Bình Định”. Hội nghị lần này để các doanh nghiệp, hợp tác xã và cơ sở sản xuất sẽ có nhiều cơ hội gặp gỡ, giao thương, liên kết, hợp tác kinh doanh, đầu tư, quảng bá thương hiệu, sản phẩm OCOP của mình đến người tiêu dùng và khách du lịch trong và ngoài tỉnh.

Quảng bá, kết nối sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch Bình Định - Anh 1

Quang cảnh hội nghị

Đến cuối năm 2021, toàn tỉnh có 133 sản phẩm của 114 chủ thể đã được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh đánh giá và UBND tỉnh công nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên (trong đó 6 sản phẩm đạt hạng tiềm năng 5 sao, 14 sản phẩm 4 sao và 113 sản phẩm 3 sao). Trong năm 2022, đã tổ chức đánh giá, xếp hạng sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh cho 89 sản phẩm OCOP cấp tỉnh (18 sản phẩm đạt 4 sao, 71 sản phẩm đạt sao); nâng tổng số sản phẩm công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh đến nay là 222 sản phẩm (6 sản phẩm đạt hạng tiềm năng 5 sao, 32 sản phẩm đạt hạng 4 sao, 184 sản phẩm đạt hạng 3 sao).

Theo đại diện Sở NN&PTNT Bình Định, trong năm 2022, đã tổ chức đánh giá, xếp hạng sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh cho 89 sản phẩm OCOP cấp tỉnh (18 sản phẩm đạt 4 sao, 71 sản phẩm đạt sao); nâng tổng số sản phẩm công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh đến nay là 222 sản phẩm (6 sản phẩm đạt hạng tiềm năng 5 sao, 32 sản phẩm đạt hạng 4 sao. Tuy nhiên, đại diện Sở NN&PTNT Bình Định cũng chỉ ra chương trình OCOP của tỉnh vẫn còn một số tồn tại như: Quy mô, năng lực quản trị của các chủ thể tham gia chương trình OCOP còn nhỏ và yếu, thiếu kiến thức về kinh tế thị trường và phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị... Bởi vậy, khả năng cạnh tranh của sản phẩm OCOP trên thị trường còn yếu. Ngoài ra, một số chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của chương trình OCOP nên chưa tích cực tham gia chương trình; một số chủ thể OCOP chưa mạnh dạn đầu tư xây dựng hệ thống, quy trình sản xuất, quy trình quản lý chất lượng... dẫn đến nhiều sản phẩm chất lượng chưa cao, chưa đa dạng, phong ph và sản phẩm chế biến, chế biến sâu chưa nhiều.

Quảng bá, kết nối sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch Bình Định - Anh 2

Huyện miền núi Hoài Ân giới thiệu sản phẩm OCOP để thúc đẩy phát triển du lịch

Để phát triển sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch Bình Định trong thời gian tới, đại diện Sở NN&PTNT Bình Định cho rằng, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy hành động của cấp ủy, chính quyền cơ sở; tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch. Bên cạnh đó, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất tham gia hội chợ xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu cho sản phẩm OCOP thông qua các hội chợ, triển lãm, sự kiện tôn vinh, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP đặc sắc thường niên trong cả nước. Đặc biệt, phát triển các điểm trưng bày và giới thiệu sản phẩm OCOP tại các khách sạn, điểm du lịch trong toàn tỉnh để phục vụ nhu cầu mua sắm của khách du lịch…

Đầu năm 2022, sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, ngành Du lịch Bình Định đã phục hồi, phát triển mạnh mẽ và được xếp vào nhóm tăng trưởng mạnh của ngành du lịch Việt Nam, trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách trong và ngoài nước. Năm 2022, ngành Du lịch Bình Định ước đón trên 4.120.000 lượt khách du lịch và tham quan, tăng 185,2% so với năm 2021; doanh thu du lịch đạt 13.119 tỷ đồng, tăng 658,3% so với năm 2021. Với những kết quả đạt được, trong những năm qua, Du lịch Bình Định liên tục được các báo, tạp chí quốc tế đánh giá cao và dần khẳng định tên tuổi trên bản đồ du lịch quốc tế.

Việc quảng bá, kết nối sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch là hướng đi cần thiết và quan trọng trong thời gian tới, vừa góp phần đa dạng hóa các loại hình du lịch, vừa phát triển kinh tế, quảng bá sản phẩm địa phương và mang lại nhiều trải nghiệm hấp dẫn cho du khách.

Quảng bá, kết nối sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch Bình Định - Anh 3

Đặc sắc sản phẩm OCOP ở vùng cao huyện Vĩnh Thạnh

Để làm được điều đó, ông Trần Văn Thanh, Giám đốc Sở Du lịch Bình Định đề nghị, cần xây dựng các chương trình tour, tuyến du lịch đến các làng nghề, cộng đồng dân cư, hộ sản xuất kinh doanh, các cửa hàng bán các sản phẩm OCOP để khách du lịch tham quan, tìm hiểu, trải nghiệm và mua sắm. Còn nữa, khuyến khích các cơ sở sản xuất ứng dụng công nghệ cao để tăng năng suất, ứng dụng công nghệ nhận diện sản phẩm thông minh, giúp dễ dàng truy xuất nguồn gốc. Ngoài ra, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP thông qua các sàn thương mại điện tử, kênh bán hàng thông qua mạng xã hội (bán hàng qua: Tiktok, Instagram, Zalo, Facebook, Youtube); ứng dụng mã QR-Code với Logo nhận diện du lịch Bình Định trên sản phẩm OCOP của các địa phương.

Theo ông Thanh, cũng phải tập trung gắn kết doanh nghiệp làm du lịch và các chủ thể sản xuất các sản phẩm OCOP thực hiện tuyên truyền, quảng bá du lịch cộng đồng gắn với chương trình OCOP của địa phương đến với du khách, góp phần xây dựng sản phẩm du lịch cộng đồng đa dạng, độc đáo.

PHAN HIẾU

Ý kiến bạn đọc