Xây dựng Nghị định về hoạt động văn học: Cần khẳng định rõ hơn vai trò quản lý nhà nước về văn học

VHO- “Việc quản lý hoạt động văn học hiện nay vẫn còn chung chung, chưa cụ thể như các lĩnh vực nghệ thuật khác. Mặc dù chúng ta đã có Luật Báo chí, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Xuất bản nhưng những Luật này đều không có những quy định cụ thể về hoạt động văn học. Vì vậy, xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động văn học là thực sự cấp thiết. Bộ VHTTDL cần khẳng định rõ nét vai trò quản lý nhà nước về văn học thông qua việc xây dựng Nghị định”.

Xây dựng Nghị định về hoạt động văn học: Cần khẳng định rõ hơn vai trò quản lý nhà nước về văn học - Anh 1

 PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình VHNT Trung ương

Đó là nhận định của PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình VHNT Trung ương trong cuộc trao đổi với Văn Hóa về việc Bộ VHTTDL đang trong quá trình tiếp thu ý kiến, hoàn thiện Dự thảo hồ sơ trình Chính phủ đề nghị xây dựng Nghị định về hoạt động văn học.

 P.V: Theo ông, tại sao chúng ta cần sớm ban hành Nghị định về hoạt động văn học? Đồng thời, ông đánh giá ra sao về tác động của Nghị định đối với sự phát triển của văn học nước nhà?

- PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ: Từ Đề cương Văn hóa năm 1943 đến Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đều xác định tinh thần phải xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hóa thật sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Để làm được điều này, một trong những nội dung cần làm là liên tục đổi mới nội dung, phương pháp hoạt động của văn học; chú trọng nâng cao giá trị tư tưởng, nghệ thuật, khuyến khích tự do sáng tạo, bảo đảm tự do dân chủ trong sáng tạo văn học.

Thực tế cho thấy, văn học Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử đã có nhiều đóng góp to lớn vào công cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc; xây dựng, phát triển đất nước. Những kết quả đạt được là do nền văn học và đội ngũ những người cầm bút của chúng ta thấm nhuần sâu sắc lòng yêu nước, tinh thần nhân văn của người Việt; kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc cũng như tiếp thu có chọn lọc tinh hoa của văn học thế giới.

Nhưng bên cạnh thành tựu đã đạt được trong giai đoạn hiện nay, hoạt động của các ngành nghệ thuật nói chung và văn học nước ta nói riêng đang đối mặt nhiều khó khăn. Mặt trái trong tác động của nền kinh tế thị trường, những biến động mạnh mẽ trong đời sống xã hội, xu thế hội nhập, sự phát triển của công nghệ thông tin... đang có những ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động văn học. Việc hỗ trợ sáng tác; hoạt động của các trại sáng tác và các cuộc thi văn học; công tác lý luận, phê bình; quảng bá văn học tới công chúng và quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài… đang đòi hỏi sự hỗ trợ, quan tâm đúng mức bằng chính sách.

Nhờ có Nghị định, Bộ VHTTDL sẽ khẳng định rõ hơn vai trò của mình trong quản lý nhà nước về văn học. Nghị định sẽ tạo khung pháp lý phù hợp với yêu cầu phát triển và nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với các hoạt động văn học. Việc xây dựng nghị định cũng là để cụ thể hóa các nghị quyết, chính sách, kết luận của Đảng và Nhà nước về văn học; bảo đảm sự thống nhất trong công tác quản lý, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc về cơ chế, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, kinh phí cho hoạt động văn học; có thêm nguồn lực xã hội hóa tham gia hỗ trợ hoạt động văn học.

Xây dựng Nghị định về hoạt động văn học: Cần khẳng định rõ hơn vai trò quản lý nhà nước về văn học - Anh 2

 Một số tác phẩm giành giải cao của cuộc thi Văn học tuổi 20 lần thứ 6

Một trong những vấn đề quan ngại được đề cập đến trong Dự thảo hồ sơ là “nhập siêu văn học”. Ông nhận định như thế nào về thực trạng này?

- Đúng là có một bộ phận bạn đọc đang “chuộng” văn học nước ngoài hơn văn học Việt Nam. Thế nhưng cũng phải lý giải có cung thì mới có cầu, đây bởi nhu cầu chính đáng của độc giả. Văn học nước ngoài vào ta không phải tất cả đều xấu. Điều chúng ta cần phải làm hiện nay là giúp cân đối nhu cầu đọc tác phẩm văn học “nội địa” và “nhập khẩu”. Vấn đề này phải được giải quyết bằng cơ chế, chính sách xuất phát từ Nghị định về hoạt động văn học.

Tuy nhiên, chúng ta cũng cần bàn đến phương án ngăn chặn những kẻ xấu lợi dụng độ “mở” trong “nhập khẩu” văn học để truyền bá những tư tưởng đi ngược lại đường lối, quan điểm của Đảng và pháp luật Nhà nước, nhất là trên không gian mạng. Không ít kẻ đã và đang tìm cách sử dụng văn học, lợi dụng tự do dân chủ để phát ngôn gây chia rẽ giới văn nghệ sĩ; chống phá Đảng và Nhà nước. Tự do ngôn luận, tự do sáng tạo nhưng phải trong khuôn khổ cho phép. Nếu không ngăn chặn kịp thời, để những tác phẩm độc hại tiếp cận với giới trẻ sẽ là hệ lụy với cả quốc gia; gây ảnh hưởng đến việc giữ gìn truyền thống văn hóa dân tộc và xây dựng con người Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế.

Bộ VHTTDL vẫn đang tiếp thu những ý kiến để tập trung nghiên cứu, sửa đổi Dự thảo hồ sơ Nghị định về hoạt động văn học. Để Nghị định thật sự trở thành dấu ấn trong phát triển văn học Việt Nam, ông có những đề xuất gì?

- Một trong những mục tiêu xây dựng Nghị định cần hướng đến là có cơ chế, chính sách, hành lang pháp lý vững chắc để đưa văn học phát triển lành mạnh; đảm bảo yêu cầu về dân chủ, dân tộc, nhân văn và khoa học. Trong đó, các quy định cần thể hiện rõ định hướng, có tính chất giáo dục tư tưởng cho văn nghệ sĩ để họ hiểu, sáng tác được những tác phẩm đặc sắc, phục vụ nhu cầu thưởng thức lành mạnh của công chúng. Đồng thời cổ vũ, khích lệ tinh thần, đề nghị văn nghệ sĩ kịp thời lên tiếng đấu tranh, phản bác lại những quan điểm, luận điệu xuyên tạc, phản động.

Khi văn nghệ sĩ thể hiện được trách nhiệm của mình, chúng ta cũng cần có quy định được thể hiện trong Nghị định để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho họ. Chẳng hạn, vấn đề thực thi bản quyền văn học cần được quy định rõ, thực hiện nghiêm để không ảnh hưởng đến nguồn thu nhập của các cây viết, giúp họ bám trụ được với nghề. Đồng thời, có cơ chế xây dựng môi trường sáng tạo đặc thù, giúp văn nghệ sĩ có cơ hội được sáng tác những tác phẩm giàu tính thể nghiệm, nghệ thuật.

Liên quan đến huy động nguồn lực, Nghị định cần gợi mở cơ chế, chính sách để huy động mọi nguồn lực xã hội phát triển văn học ở các hoạt động sáng tác; quảng bá trong nước và quốc tế; tổ chức cuộc thi, trại sáng tác; lý luận, phê bình… Hiện nay, đầu tư cho văn học ít nhiều có sự hạn chế. Nếu chỉ trông chờ vào “vòng tay bao cấp” thì văn học Việt Nam sẽ ở thế bị động trong quá trình phát triển. Vì lẽ đó, Nghị định nên có những quy định khuyến khích, thu hút đầu tư, có chế độ đãi ngộ với những nhà đầu tư ngoài xã hội cho văn học. Chúng ta cần hiểu, đầu tư ở đây chính là đầu tư cho văn học, văn hóa và con người Việt Nam.

Trân trọng cảm ơn ông!

ĐÌNH TOÁN (thực hiện)

Ý kiến bạn đọc