Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

28 Tháng Ba 2024

Sách lậu lộng hành, xuất bản đuối sức

Thứ Tư 28/12/2022 | 10:50 GMT+7

VHO- Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã mở ra nhiều cơ hội nhưng cùng với đó là những thách thức không nhỏ cho các bên trong việc sáng tạo, lưu trữ, truyền bá và đưa đến sự thụ hưởng cho công chúng trong môi trường số. Song hành với đó là tình trạng vi phạm bản quyền cũng ngày càng tinh vi, phức tạp và diễn biến khó lường.

 Hội thảo về cơ chế gỡ bỏ nội dung vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường số

 Tại Hội thảo về cơ chế gỡ bỏ nội dung vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường số do Cục Bản quyền tác giả tổ chức mới đây tại TP.HCM, bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, thừa nhận: “Sự tiện lợi của môi trường số, của không gian mạng cũng khiến vấn đề vi phạm bản quyền đã và đang là vấn nạn ngày càng nhức nhối cho các quốc gia, không chỉ Việt Nam mà tất cả các nước trên thế giới”.

Vấn nạn vi phạm bản quyền ngày càng nhức nhối

Mở đầu bài phát biểu, khi nói về thực trạng xuất bản trong nước, ông Lê Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Giám đốc Công ty Đường Sách TP.HCM chia sẻ: “Ngành xuất bản gần như đuối sức vì vấn đề xâm hại bản quyền. Đôi lúc mất lòng tin vào công việc chống lại sách giả, sách lậu vì chưa tìm được cách nào để giải quyết”. Cũng tại Hội thảo, ông đã đưa ra những đề xuất với hy vọng có một cơ chế cụ thể trong việc gỡ bỏ các nội dung vi phạm có thể là “cái phao” cho ngành xuất bản.

Theo ông Lê Hoàng, hiện nay Việt Nam đang là một trong những nước dẫn đầu về tình trạng buôn bán sách lậu, sách giả cũng như vi phạm nghiêm trọng bản quyền tác giả. Thời gian gần đây, tình trạng này có xu hướng gia tăng khi chuyển dịch từ phương thức bán sách giấy truyền thống sang khai thác nội dung trên các nền tảng kỹ thuật số, với hành vi vi phạm ngày một tinh vi, phức tạp hơn. Đặc biệt, trong ngành xuất bản sách, theo thống kê hiện nay đã có hơn 100 trang rao bán các tựa sách nổi tiếng của các đơn vị như First News, Alphabook, Trẻ, Nhã Nam... mà không phải trả bất kỳ chi phí nào, với giá rao bán sách chỉ bằng 1/2 hoặc 1/3 giá bìa thực tế. Hậu quả của nó đến ngành xuất bản có thể được nhìn thấy rõ ràng qua các con số. Tại các nhà sách lớn, số xuất bản phẩm được bán trong cửa hàng từng chiếm 70% nay đã giảm chỉ còn 30-40% do nhiều người mua bị hấp dẫn bởi sách “đại hạ giá”. Bên cạnh đó, tác phẩm phái sinh từ sách giấy như sách điện tử (eBook), sách nói (Audiobook) được sản xuất và phát tán một cách công khai trên môi trường số cũng ngày càng nhiều, có thể dễ dàng tìm thấy mà không tốn một khoản phí nào. Đã đến lúc phải gióng lên hồi chuông cảnh báo mạnh mẽ hơn để các cơ quan quản lý có thể đưa ra những giải pháp xử lý phù hợp.

Theo ông Đoàn Đức Dương, Giám đốc pháp lý Công ty CP DatViet VAC Group Holdings, một trong những khó khăn khi khai thác nội dung trên môi trường số là nhiều trang, diễn đàn… lợi dụng chính sách, điều khoản riêng của mạng xã hội để núp bóng và thực hiện hành vi vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan. Ông Hoàng Văn Bình, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) cũng cho biết, thời gian qua, hàng loạt trang mạng xã hội, trang nghe nhạc trực tuyến, ứng dụng nghe nhạc xuất hiện và cho đăng tải rất nhiều ca khúc. Trong khi các đơn vị đăng tải nội dung thì thu lợi khá nhiều từ tiền quảng cáo và từ việc chia sẻ doanh thu bởi đơn vị cung cấp dịch vụ trung gian, thì các chủ thể quyền (như tác giả, nhạc sĩ, ca sĩ, nhà sản xuất…) lại gần như không có gì. Chính vì thế, đội ngũ kỹ thuật kết hợp luật sư của VCPMC đã làm việc ngày đêm để rà soát, phát hiện và xử lý nhiều website, ứng dụng nhạc có nội dung xâm phạm bản quyền, trực tiếp gỡ bỏ hàng loạt các link nhạc… nhưng chỉ như “bắt cóc bỏ dĩa”.

Mấu chốt là phải kết hợp giữa pháp lý và công nghệ

Tính linh hoạt của môi trường Internet có lẽ là một trong những thách thức lớn nhất trong xử lý xâm phạm bản quyền. Các cơ quan chức năng tốn rất nhiều công sức, thời gian để tìm được chứng cứ, do hành vi vi phạm trên Internet rất dễ thực hiện cũng như xóa dấu vết. Chẳng hạn, để đi đến quyết định khởi tố hình sự Phimmoi.net, Phan Law đã bắt đầu những bước đi đầu tiên từ năm 2014. Sau quá trình dài thu thập chứng cứ, đến tháng 8.2019, Phan Law đã gửi ra tòa bộ tài liệu chứng cứ vi phạm của Phimmoi.net và đề nghị cơ quan điều tra vào cuộc.

Còn theo ông Nguyễn Văn Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và Phát triển truyền thông, điểm mấu chốt là phải kết hợp giữa pháp lý và công nghệ. Cơ chế pháp lý đã được quy định tại Điều 198B, còn công nghệ là kỹ thuật mà các nền tảng trung gian phải hỗ trợ để xử lý khi có báo cáo vi phạm. Cũng cùng nhận định, ông Hoàng Văn Bình cho rằng: “Các ISPs (nhà cung cấp dịch vụ Internet) có vai trò rất lớn và là đầu mối thực hiện hiệu quả trong ngăn chặn, xử lý những hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan nói chung và thực hiện cơ chế gỡ bỏ nội dung vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan nói riêng trên môi trường số. Nếu các ISPs này thực hiện tốt trách nhiệm của mình thì cơ chế gỡ bỏ nội dung vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan mới có thể đạt được hiệu quả tốt nhất, khi ấy mới góp phần ngăn chặn vấn nạn xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường số hiện đang gia tăng ở mức báo động; từ đó mới giúp chủ thể quyền yên tâm sáng tạo và công chúng được hưởng thụ những giá trị sáng tạo”.

Khép lại Hội thảo, ông Nguyễn Thanh Sơn cho biết, để có quy trình chung cho tất cả ISPs thật sự rất khó. Hiện tại, có 2 quy trình xử lý đang được đề xuất, sẽ tiếp tục được lắng nghe và tiếp thu. Ông cũng chia sẻ, chỉ còn một tuần, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ sẽ ban hành và có hiệu lực. Chính vì thế, các chủ thể liên quan cần chuẩn bị về nhân lực, tự rà soát và điều chỉnh lại kỹ thuật, cơ chế phối hợp với các cơ quan liên quan… để cùng vào cuộc đồng bộ, tránh sự “biến hình” của các đơn vị vi phạm. 

 Cần quy định cụ thể về gỡ bỏ nội dung vi phạm tác quyền trên môi trường số

Hiện nay, việc xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan nói riêng và quyền sở hữu trí tuệ nói chung trên môi trường số là vấn đề nghiêm trọng ở Việt Nam. Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Phạm Thị Kim Oanh cho biết, để xử lý vấn đề này, ngoài nỗ lực của các cơ quan quản lý, thực thi thì cần phải có sự phối hợp và tích cực tham gia của các nhà cung cấp dịch vụ trung gian. Việc Việt Nam trở thành thành viên của Hiệp ước WCT từ ngày 17.2.2022 và Hiệp ước WPPT từ ngày 1.7.2022 là những hành động cụ thể để góp phần thực hiện chủ trương chủ động, tích cực tham gia chuyển đổi số cũng như hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.

Đặc biệt, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ sẽ chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2023. Để đảm bảo văn bản quy định chi tiết được ban hành và có hiệu lực cùng thời điểm Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ có hiệu lực, Bộ VHTTDL đang tích cực phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan, trong đó có quy định cụ thể về quy trình gỡ bỏ hoặc ngăn chặn nội dung thông tin vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường số, với vai trò quan trọng của các nhà cung cấp dịch vụ trung gian. HÀ MINH

 

 THẢO MY - LÊ HOÀN

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top