Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Di tích quốc gia chùa Quan Thánh (Thanh Hóa) bị xâm phạm, hủy hoại nghiêm trọng: Những cán bộ liên quan vì sao chỉ bị khiển trách, phê bình…?

Thứ Sáu 30/12/2022 | 09:35 GMT+7

VHO- Liên quan đến vụ việc xâm phạm, hủy hoại, biến dạng yếu tố gốc cấu thành di tích và tự ý điều chỉnh, thay đổi diện tích đất đã được khoanh vùng bảo vệ di tích quốc gia chùa Quan Thánh thuộc cụm di tích, danh thắng núi An Hoạch (núi Nhồi), phường An Hưng, TP Thanh Hóa (Thanh Hóa), nhiều cán bộ của TP Thanh Hóa chỉ bị kỷ luật khiển trách, phê bình và nghiêm túc rút kinh nghiệm sâu sắc.

 Nhiều tấm bia, hình tượng người cổ của di tích quốc gia chùa Quan Thánh bị sơn lòe loẹt

 Theo đó, Chủ tịch UBND TP Thanh Hóa Trịnh Huy Triều vừa ký 2 quyết định kỷ luật khiển trách ông Nguyễn Đình Lợi, Phó chủ tịch UBND phường An Hưng và ông Ngô Sỹ Thế, cán bộ văn hóa UBND phường An Hưng. Chủ tịch UBND TP Thanh Hóa cũng ban hành quyết định phê bình và yêu cầu tập thể Phòng VHTT, Quản lý đô thị, TN&MT thành phố, UBND phường An Hưng nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm sâu sắc, lập phương án khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra.

Phê bình và yêu cầu nghiêm túc rút kinh nghiệm sâu sắc đối với 6 cá nhân gồm: Ông Nguyễn Bá Bình, Chủ tịch UBND phường An Hưng; Nguyễn Văn Thuận, Phó chủ tịch UBND phường An Hưng; Lê Đại Hành, Bí thư Đảng ủy phường Đông Thọ (nguyên Trưởng phòng VHTT TP); Hoàng Cao Thắng, Giám đốc Trung tâm VHTTDL (nguyên Phó Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin TP); Nguyễn Văn Lưu, nguyên Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị thành phố và bà Phạm Thị Ngọc Thọ, chuyên viên Phòng VHTT TP.

Ngay khi thông tin kỷ luật liên quan đến vụ việc xâm phạm, hủy hoại di tích quốc gia chùa Quan Thánh được đưa ra, nhiều người “trong cuộc” chắc đã thở phào nhẹ nhõm vì “mức án” như xoa dịu dư luận, chỉ “giơ cao đánh khẽ” chứ chưa mang tính răn đe, đúng với tính chất của tình trạng gây biến dạng di tích. Còn dư luận và nhất là những người yêu quý di sản cảm thấy thực sự quá buồn… cười bởi tính chất, mức độ vi phạm đã quá rõ ràng như “sai lệch”, “hủy hoại”, “thay đổi yếu tố gốc di tích” theo Kết luận của Thanh tra Sở VHTTDL, vậy mà hình thức kỷ luật những cán bộ liên quan không khác gì “hòa cả làng”. Nhiều ý kiến cho rằng, nhìn vào hai quyết định kỷ luật của UBND TP Thanh Hóa đối với vụ việc này, dư luận bình luận đây là động thái tích cực nhằm chấn chỉnh trong công tác quản lý, bảo vệ di tích trên địa bàn, nhưng suy ngẫm kỹ và soi chiếu với tính chất, mức độ của tình trạng xâm phạm, hủy hoại di sản chùa Quan Thánh lại cho thấy mức độ xử lý cán bộ liên quan chẳng khác nào “vỗ vỗ, xoa xoa”.

Hình thức “khiển trách”, “phê bình nghiêm khắc”, “rút kinh nghiệm sâu sắc”…, đọc qua nghe rất kêu, thể hiện thái độ quyết liệt trong công tác chỉ đạo, xử lý cán bộ, tuy nhiên trong vụ việc cụ thể này chúng tôi nhận thấy sẽ ít phát huy tác dụng nhằm chấn chỉnh trong công tác quản lý, bảo vệ di tích nói riêng và các lĩnh vực khác nói chung. Câu hỏi đặt ra ở đây là lãnh đạo TP Thanh Hóa đã thực sự xử lý nghiêm trách nhiệm của các tập thể, cá nhân liên quan theo chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa hay chưa? Một nhà nghiên cứu văn hóa nhìn nhận, hình thức kỷ luật của UBND TP Thanh Hóa là quá nhẹ, nếu không dám nói xử lý cho xong. Căn cứ vào bản Kết luận của Thanh tra Sở VHTTDL và ý kiến của nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu, những cán bộ có liên quan cần phải xử lý thật nghiêm minh theo Luật Di sản văn hóa và các văn bản có liên quan, không nên đưa ra hình thức kỷ luật “nhẹ như lông hồng” như thế này.

Đó là chưa nói đến văn bản số 4730/ UBND-VX của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và hoạt động bảo quản, tu bổ , phục hồi di tích trên địa bàn tỉnh. Trong văn bản này, tỉnh Thanh Hóa đã nói rõ, “Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra sai phạm trong quản lý, bảo vệ và bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích trên địa bàn”. Vậy mà, đối chiếu với hình thức kỷ luật trên, dư luận cảm thấy có điều gì không sát thực với văn bản chỉ đạo.

Trước đó, Văn Hóa đã có tin, bài phản ánh hàng loạt những yếu tố gốc của di tích quốc gia chùa Quan Thánh (người dân còn gọi là chùa Tiên Sơn, hay Quan Lão) thuộc cụm di tích, danh thắng núi An Hoạch (núi Nhồi), phường An Hưng, TP Thanh Hóa đã và đang biến dạng nghiêm trọng sau khi bị sơn thiếp và khoan đục một cách không thương tiếc, trong khuôn viên chùa còn có một mái tôn mới được dựng trái phép, gây mất cảnh quan và tôn nghiêm của di tích quốc gia này. Đáng nói nhiều diện tích đất của di tích này cũng đã và đang bị lấn chiếm để sử dụng vào mục đích ở và kinh doanh sản xuất. Tất cả những sai phạm này đã diễn ra nhiều năm qua nhưng chưa được chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng xử lý kịp thời, khiến dư luận nhân dân và giới nghiên cứu lịch sử, văn hóa “dậy sóng”. Sau khi nắm bắt được thông tin, Thanh tra Sở VHTTDL Thanh Hóa đã vào cuộc và chỉ ra nhiều sai phạm nghiêm trọng.

l Cũng liên quan đến di tích này, ngày 29.12, thông tin UBND thành phố Thanh Hóa cho biết, vào khoảng 15h30 ngày 24.11, do trời mưa to kèm theo giông gió đã làm sạt kè và tường bao sân trước chùa Quan Thánh thuộc cụm di tích nghệ thuật và thắng cảnh quốc gia núi An Hoạch (núi Nhồi). Vị trí sạt, trượt, cốt nền sân cao hơn so với mặt đất khoảng 8m, dài khoảng 3m, hiện nay, còn vết nứt kéo dài có nguy cơ sạt lở tiếp diễn, mất an toàn cho nhân dân đến lễ tại chùa, cũng như các hộ dân đang sinh sống ngay cạnh di tích. Để đảm bảo an toàn, UBND thành phố Thanh Hóa đã yêu cầu phường An Hưng khoanh vùng khu vực bị sạt lở, đặt biển cảnh báo tại khu vực sạt lở, đồng thời báo cáo thường trực Thành ủy TP Thanh Hóa và Sở VHTTDL để xin ý kiến chỉ đạo, hướng dẫn xử lý.

Ngay sau đó, Sở VHTTDL cũng đã có văn bản giao Trung tâm Nghiên cứu Lịch sử và Bảo tồn di sản văn hóa hướng dẫn các phòng ban, đơn vị liên quan của UBND thành phố Thanh Hóa xây dựng phương án, thực hiện các biện pháp gia cố, gia cường, gông giằng, chống đỡ đối với các vị trí bị sạt lở và có nguy cơ sạt lở tại di tích quốc gia chùa Quan Thánh và tăng cường công tác quản lý, bảo vệ tại di tích. 

 Hình thức “khiển trách”, “phê bình nghiêm khắc”, “rút kinh nghiệm sâu sắc”…, đọc qua nghe rất kêu, thể hiện thái độ quyết liệt trong công tác chỉ đạo, xử lý cán bộ, tuy nhiên trong vụ việc cụ thể này chúng tôi nhận thấy sẽ ít phát huy tác dụng nhằm chấn chỉnh trong công tác quản lý, bảo vệ di tích nói riêng và các lĩnh vực khác nói chung. Câu hỏi đặt ra ở đây là lãnh đạo TP Thanh Hóa đã thực sự xử lý nghiêm trách nhiệm của các tập thể, cá nhân liên quan theo chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa hay chưa?

 

 NGUYỄN LINH

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top