Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Hàng Tết: Nguồn cung tăng mạnh, lực cầu hụt hơi

Thứ Hai 02/01/2023 | 10:11 GMT+7

VHO- Chỉ còn khoảng 20 ngày nữa là đến Tết Nguyên đán, nhưng người dân vẫn chưa mặn mà với việc mua sắm. Tại các chợ đầu mối, siêu thị, chợ truyền thống ở Hà Nội, thời điểm này mọi thứ vẫn như ngày thường. Lác đác có vài quầy bày hàng bán bánh kẹo, đồ khô… nhưng chỉ là cho có chứ thực tế người mua khá thưa thớt.

 Tại nhiều siêu thị ở Hà Nội, hàng hóa đã được lên kệ và triển khai nhiều chương trình khuyến mãi cho người tiêu dùng mua sắm

 Chị Nguyễn Thị Hương, chủ một cửa hàng trên đường Trương Định (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, người dân mấy năm nay sắm Tết muộn hơn những năm trước. Cùng với đó, nhu cầu mua sắm những mặt hàng như bánh, kẹo, mứt, rượu dịp Tết giảm đáng kể, vì thế, năm ngoái chị đã giảm lượng hàng dự trữ bán Tết và năm nay thì giảm chỉ còn 1/3 so với năm ngoái. Chị Hương cũng cho biết, từ khoảng tháng 9 trở về đây, kinh tế khó khăn nên sức mua giảm hẳn. “Các loại thực phẩm phục vụ cho ngày Tết đến thời điểm này vẫn có mức giá ổn định. Do vốn kinh doanh mỏng, để tránh rủi ro nên tôi không dám dự trữ hàng nhiều, bán đến đâu thì sẽ gọi nhập hàng đến đó”, chị Hương nói.

Tương tự, chị Phan Thị Hòa, kinh doanh hoa quả tại chợ đầu mối Đền Lừ cho biết, cả năm buôn bán khó khăn, những tiểu thương tại đây chỉ trông chờ vào dịp Tết, nhưng đến giờ vẫn chưa thấy dấu hiệu khả quan. Mấy tháng gần đây sức mua giảm đi trông thấy. Chị cho biết, người dân đã thay đổi thói quen mua sắm, không còn mua hàng hóa tích trữ sớm bởi các công ty vận chuyển hoạt động tới tận ngày 30 Tết. Chị hy vọng những mặt hàng tươi sống, các loại hoa quả sẽ được mua mạnh vào những ngày cuối năm.

Tại nhiều siêu thị ở Hà Nội, hàng hóa đã được lên kệ, triển khai nhiều chương trình khuyến mãi cho người tiêu dùng mua sắm, tuy nhiên, số gian hàng Tết đến thời điểm này vẫn chiếm tỉ lệ nhỏ.

Theo Bộ Công thương, thị trường hàng hóa giai đoạn cuối năm và Tết Nguyên đán 2023 được dự đoán sôi động hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước. Nhu cầu hàng hóa tăng, cộng với việc Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán gần nhau, nên công tác dự trữ đã và đang được các địa phương, doanh nghiệp gấp rút triển khai.

Sở Công thương Hà Nội cho biết, việc chuẩn bị các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết đã hoàn tất. Ước tính tổng giá trị hàng hóa đạt khoảng 39.500 tỉ đồng, tăng 15% với kế hoạch phục vụ Tết năm ngoái. Các doanh nghiệp tại TP.HCM đã chuẩn bị hơn 30.000 tấn hàng hóa, tăng 15-30% so với năm 2022. Các doanh nghiệp này cũng cam kết không điều chỉnh tăng giá trước Tết và sau Tết.

Theo Sở Công thương Hà Nội, bên cạnh tại các điểm bán cố định, các doanh nghiệp đẩy mạnh bán hàng qua kênh online, triển khai thanh toán điện tử, giao hàng tận nơi cho khách và chủ động kết nối với các tỉnh, thành phố, sẵn sàng cung ứng đưa ngay hàng về Hà Nội khi có nhu cầu sử dụng cao và có biến động xảy ra. Cùng với đó, mặc dù năm nay giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, nhưng để chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng, nhiều doanh nghiệp bán lẻ, nhà phân phối đã cam kết ổn định giá cả, các mặt hàng thiết yếu chỉ tăng nhẹ so với năm trước.

Chị Phạm Phong Lan (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, chị và các đồng nghiệp nhiều năm nay đã thay đổi quan điểm về Tết. Thay vì dành thời gian cho bếp núc, ăn uống, họ sẽ đi chơi, thư giãn nhiều hơn. Theo chị Lan, nhiều người thay vì “ăn Tết” giờ đã chuyển sang “chơi Tết”. Xu thế đi du lịch dịp Tết giờ dần phổ biến đã khiến việc mua sắm hàng hóa dịp Tết dù tăng so với ngày thường nhưng đã giảm đi so với trước kia.

Còn với anh Phạm Hoàng Tuấn (Hoàng Hoa Thám, Hà Nội), 2022 là một năm không thành công đối với anh. “Lướt sóng” bất động sản và chứng khoán khiến anh đang bị “mắc kẹt”. Tết này chẳng có thu nhập nên cũng chẳng có nhu cầu mua sắm. “Chỉ cần mua vài thứ cơ bản, còn đâu thì cứ như ngày thường thôi”, anh Tuấn than thở.

Mở cửa trở lại sau Covid-19, nhiều kỳ vọng cho ngành bán lẻ tăng đột biến, tuy nhiên, một số doanh nghiệp có kết quả kinh doanh chưa khả quan, do đó, sức mua của người dân vẫn chưa đáp ứng được cho kỳ vọng đó. Người dân vẫn đang ngóng chờ thưởng Tết và những khoản thu nhập cuối năm, và đến lúc đó, lực cầu mua sắm mới có thể bật tăng trở lại. 

 HOÀNG ANH

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top