Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Chung tay bảo tồn di sản chiêng Ba

Thứ Tư 04/01/2023 | 09:43 GMT+7

VHO- Bằng niềm đam mê và ý thức trách nhiệm, phụ nữ huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi) đã tích cực tham gia trình diễn cồng chiêng, góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa. Dưới bàn tay họ, tiếng chiêng vẫn vang lên trầm hùng giữa mênh mông rừng núi, tựa như âm thanh từ ngàn xưa vọng về.

 Bà Phạm Thị Sỹ đang đánh chiêng ba cùng với ông Nhót, ông Rôm

Bước vào tuổi 82, tuổi cao, sức yếu, bà Phạm Thị Sỹ ở xã Ba Vinh, huyện Ba Tơ đã nghỉ hẳn chuyện nương rẫy. Phần lớn thời gian bà Sỹ chỉ quẩn quanh trên căn nhà sàn nhỏ. Thấy khách đến, rồi con trai bày biện bộ chiêng ra mà thiếu người chơi, bà Sỹ dùng tiếng H’rê, nói với con trai là Phạm Văn Rôm đưa chiêng cho bà trong sự ngỡ ngàng của nhiều người.

Dưới những nắm tay hằn đầy vết thời gian nhưng vung lên, hạ xuống đầy dứt khoát, tiếng chiêng Vông của bà Sỹ hòa nhịp cùng tiếng chiêng Túc, chiêng Tum của Phạm Văn Rôm và người hàng xóm là Phạm Văn Nhót. Bộ chiêng Ba có đủ 3 người chơi phát ra những âm thanh trầm bổng, ngân vang giữa núi rừng. “Đàn bà ở xóm này chỉ còn mỗi mẹ tôi là chơi được chiêng thôi, giờ không còn ai nữa. Họ già, chết hết rồi”, ông Rôm nói, giọng pha lẫn tự hào. Chiêng Ba là nhạc cụ phổ biến nhất của người H’rê và mang tính đặc trưng tiêu biểu của của người H’rê ở huyện Ba Tơ. Theo dân làng, gọi là chiêng Ba bởi lẽ bộ chiêng này có 3 chiếc. Ba chiếc chiêng (còn gọi là chinh) có kích cỡ không bằng nhau. Chiếc lớn có tên là chiêng Vông, chiếc nhỏ hơn là chiêng Tum, chiếc nhỏ nhất là chiêng Túc. Đánh chiêng thì gọi là túc chinh.

Khi trình diễn, chiêng Vông được để nghiêng, chiêng Tum để nằm, chiêngTúc treo trên dây. Khi đánh thì chiêng Tum đóng vai trò giữ nhịp, chiêng Vông và chiêng Túc theo giai điệu. Chiêng Vông và chiêng Tum đánh bằng nắm tay trần, chiêng Túc đánh bằng nắm tay có quấn khăn để tiếng chiêng được ấm. Người đánh chiêng giỏi nhất sẽ đánh chiêng Túc, dẫn dàn chiêng diễn tấu theo đúng bài bản và nhịp điệu. Khi diễn tấu dàn chiêng Ba chiếc, người đánh chiêng ngồi ở vị trí ổn định, không di chuyển. Được đúc bằng đồng, các chiếc chiêng đều khá nặng, nên việc đánh chiêng thường do đàn ông đảm nhận. Thế nhưng, vì say mê thứ âm thanh huyền bí và gắn bó máu thịt với dân tộc mình, nhiều người phụ nữ H’rê vẫn tìm tòi, học cách sử dụng. “Ngay từ nhỏ đã thuộc lòng nhiều làn điệu ta lêu, ca choi của người H’rê. Cứ mỗi dịp lễ hội, đám cưới…, hòa cùng tiếng chiêng Ba và các nhạc khí khác, dân làng lại cùng nhau ca múa. Chiêng Ba làm nhiều người say mê lắm, cả người đánh lẫn người nghe. Khi đánh chiêng thấy lòng vui sướng, quên hết mệt nhọc, lo âu. Ông chồng lúc còn sống cũng biết đánh chiêng”, bà Sỹ nói.

 

 

 Du khách đến tham quan, trải nghiệm đánh chiêng ba của đồng bào Hrê

Bà Sỹ nhớ như in, thời niên thiếu, dẫu cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng nghe tiếng chiêng là lòng rộn ràng, háo hức, mọi người tập trung tìm đến. Thời gian, không gian đánh chiêng tùy thuộc vào gia chủ nhưng có lẽ thú vị nhất là khi đêm xuống. Giữa bóng tối, người làng tập trung bên bếp lửa bập bùng trước sân nhà sàn, trai tráng có cơ bắp khỏe mạnh lấy bộ chiêng Ba nhảy theo nhịp các cô gái hát múa ta lêu, ca choi. Người làng cũng thả hồn theo tiếng chiêng ngân. Tập tục của đồng bào H’rê là ăn Tết theo làng, theo xóm. Hôm nay có thể làng này, ngày mai làng khác. Tiếng chiêng theo đó cũng rộn vang khắp núi đồi. “Chiêng Ba ra đời từ rất lâu rồi, từ lúc sinh ra đã thấy. Chiêng Ba là độc nhất vô nhị của người H’rê là vì nó đắt tiền, nó đổi được bằng tiền, bạc, trâu, bò rồi tiếng chiêng được dùng trong dịp tết, cúng, dịp lễ tết, nói chung là ngày vui là đều dùng. Cha mẹ đều biết đánh chiêng. Khi cha mất có để lại cho 5 anh em mỗi người mỗi bộ chiêng, trai hay gái đều có. Con gái nếu không chơi thì để lại cho chồng, con, không được bán”, ông Phạm Văn Rôm bộc bạch.

Ngoài bà Sỹ, còn một số phụ nữ khác ở Ba Tơ cũng biết chơi chiêng Ba, nhưng phần lớn họ đều đã lớn tuổi. Bà Phạm Thị Đệ (xã Ba Thành), cứ nhớ về những đêm trăng sáng khắp núi rừng, khi tiếng chiêng cất lên, bà lại hát điệu ca choi. Lời hát là tấm lòng của người con gái vừa trong lành vừa tha thiết, để những chàng trai rung động, ngỏ lời yêu. Thỉnh thoảng có dịp, bà Đệ cũng đánh chiêng, say mê và tự hào. Những năm gần đây, chính quyền địa phương đã có nhiều nỗ lực trong việc phục hồi và giữ gìn văn hóa của người H’rê, trong đó có có chiêng Ba. Hiện nay, ở hầu hết các xã trên địa bàn huyện đều duy trì được nghệ thuật trình diễn chiêng Ba, tiêu biểu nhất là ở xã Ba Vinh. Theo ông Lê Cao Đỉnh, Phó trưởng Phòng VHTT huyện Ba Tơ, nghệ thuật trình diễn chiêng Ba của người H’rê không chỉ là sinh hoạt văn hóa mà quan trọng hơn chính là lưu giữ những giá trị văn hóa, tín ngưỡng truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.

“Thường ngày, họ bận rộn với ruộng đồng, nương rẫy cùng bao việc mưu sinh, nhưng sẵn lòng tham gia khi nghe lời mời đánh chiêng, tham dự các hội diễn văn nghệ quần chúng quảng bá chiêng Ba. Họ yêu nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình và mến người thích nghe tiếng chiêng gieo niềm vui vào lòng. Địa phương đã và đang nỗ lực tìm cách giữ gìn văn hóa quý giá này”, ông chia sẻ. Năm 2021, nghệ thuật trình diễn chiêng Ba của người H’rê ở Ba Tơ được Bộ VHTTDL đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. 

 NHƯ ĐỒNG

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top